Nó ghi gì?
Chúng tôi đứng dưới những vì sao ở Ga Trung tâm, hoặc tôi đoán là thế, bởi tôi có thể ngoắc hai mắt cá qua hai tai còn nhanh hơn ngả đầu về phía sau để có thể nhìn rõ những thứ nằm phía trên.
Nó ghi gì? Bruno nhắc lại, thúc cùi chỏ vào sườn tôi trong khi tôi nâng cằm lên một chút về phía bảng thông báo các chuyến khởi hành. Môi trên của tôi tách khỏi môi dưới, để được giải phóng khỏi sức nặng của hàm. Nhanh lên, Bruno nói. Bình tĩnh nào, tôi bảo cậu, trừ việc khi miệng tôi mở, tiếng phát ra lại là Bìn tĩn nà. Tôi chỉ có thể nhìn thấy các con số. 9:45, tôi nói, hoặc đúng hơn là Chín-bố-na. Giờ mấy giờ rồi? Bruno hỏi. Tôi chuyển ánh mắt xuống chiếc đồng hồ đeo tay của mình. 9:43, tôi nói.
Chúng tôi bắt đầu chạy. Không phải chạy mà là di chuyển theo đúng cách hai người có xương khớp rệu rã hết cả di chuyển nếu họ muốn bắt kịp tàu. Tôi chạy trước, Bruno theo sát gót. Rồi Bruno - cậu đã nghĩ ra một cách đẩy hai cánh tay để tăng tốc độ theo kiểu không sao miêu tả nổi - đẩy tôi khỏi vị trí, và trong một lúc tôi leo theo đà trong khi cậu (đóng mở ngoặc kép) tăng hết tốc lực. Tôi đang tập trung vào gáy cậu thì bất ngờ, nó biến khỏi tầm nhìn. Tôi nhìn lại phía sau. Cậu đang ngồi một đống trên sàn, giày một mất một còn. ĐI ĐI! cậu hét lên với tôi. Tôi ngần ngừ, không biết làm gì. Đi đi! cậu hét lần nữa, thế nên tôi bước đi, và điều tiếp theo tôi biết là cậu băng tắt qua một góc và lại vượt lên trên, tay cầm giày, chạy rất nhanh.
Tất cả lên tàu ở đường số 22.
Bruno đi xuống cầu thang hướng về phía sân ga. Tôi ở ngay phía sau. Có mọi lý do để tin là chúng tôi đã thành công. Ấy thế nhưng. Kế hoạch bất ngờ thay đổi, cậu trượt trên sàn và khựng lại ngay khi tới tàu. Không dừng lại được, tôi lao qua cậu vào trong toa. Cửa khép lại sau lưng tôi. Cậu mỉm cười với tôi qua lớp kính. Tôi đấm vào cửa sổ. Cậu khốn thật, Bruno. Cậu vẫy chào tôi. Cậu biết nếu không làm thế tôi sẽ không đi một mình. Nhưng chưa hết. Cậu biết tôi cần đi. Một mình. Tàu bắt đầu chuyển bánh. Đôi môi cậu mấp máy. Tôi cố gắng luận xem. Chúc, đôi môi nói nói. Môi cậu dừng lại. Chúc gì? tôi muốn hét lên. Nói cho tớ chúc cái gì? Và đôi môi nói: May mắn. Con tàu lắc lư chạy ra khỏi ga, biến vào màn đêm.
Năm ngày sau khi chiếc phong bì nâu xuất hiện cùng những trang của cuốn sách tôi đã viết trước đó nửa thế kỷ, tôi lên đường lấy lại cuốn sách mình đã viết sau nửa thế kỷ. Hoặc nói khác đi là: một tuần sau khi con trai tôi qua đời, tôi lên đường đến nhà nó. Dù nói thế nào, tôi cũng chỉ có một mình.
Tôi tìm một ghế cạnh cửa sổ và cố gắng ghìm hơi thở. Tàu đã chạy qua đường hầm. Tôi dựa đầu vào lớp kính. Kẻ nào đó đã vạch chữ “vú đẹp” lên mặt kính. Không thể không tự hỏi: Vú ai? Con tàu đi trong ánh sáng và làn mưa bẩn thỉu. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi tàu mà không có vé.
Lúc đến Yonkers, một người đàn ông lên tàu và ngồi cạnh tôi. Anh ta lấy ra một cuốn sách bìa mềm. Dạ dày tôi cồn lên. Tôi vẫn chưa ăn uống gì, nếu không tính đến ly cà phê tôi uống cùng Bruno sáng hôm đó trong tiệm Dunkin. Lúc ấy vẫn còn sớm. Chúng tôi là những khách hàng đầu tiên. Cho tôi một thạch và một cà phê phin, Bruno nói. Cho ông ấy một thạch và một cà phê phin, tôi bảo. Còn tôi sẽ dùng một ly cà phê nhỏ. Người đàn ông đội mũ giấy ngừng lại. Nếu ông uống ly trung bình thì rẻ hơn. Nước Mỹ, Chúa phù hộ cho đất nước này. Được rồi, tôi nói. Ly trung bình đi. Người đàn ông bước đi và trở lại với ly cà phê. Cho tôi một bánh kem Bavaria và một bánh nướng, Bruno nói. Tôi nhìn cậu vẻ dò hỏi. Gì vậy? cậu nói và nhún vai. Cho ông ấy một bánh kem Bavaria… tôi nói. Và một va ni, Bruno nói. Tôi quay sang chằm chằm nhìn cậu. Đắc tội, cậu nói. Va ni. Lại đây ngồi đi, tôi bảo cậu. Cậu đứng đó. NGỒI ĐI, tôi nói. Chuyển thành một bánh ca vát nhé, cậu nói. Chiếc bánh kem Bavaria biến mất sau bốn lần cắn. Cậu mút các ngón tay rồi đưa bánh ca vát lên phía đèn. Nó là cái bánh, không phải kim cương, tôi nói. Nó ôi rồi, Bruno bảo. Dù thế nào cũng ăn đi, tôi bảo cậu. Đổi nó lấy một bánh Apple Spice, cậu nói.
Con tàu bỏ thành phố lại phía sau. Hai bên đường tàu, những cánh đồng xanh trải rộng. Trời đã mưa suốt nhiều ngày, và vẫn còn đang mưa.
Nhiều lần tôi đã tưởng tượng nơi Isaac sống. Tôi tìm thấy nó trên một tấm bản đồ. Một lần tôi thậm chí còn gọi hỏi Trung tâm Thông tin. Nếu tôi muốn đi từ Manhattan đến chỗ con trai tôi, tôi hỏi, tôi phải đi như thế nào? Tôi đã hình dung toàn bộ, đến tận chi tiết cuối cùng. Những ngày hạnh phúc! Tôi sẽ đến, mang theo một món quà. Có lẽ là một lọ mứt. Chúng tôi sẽ không tổ chức kỷ niệm. Đã quá muộn cho việc đó. Có thể chúng tôi sẽ đá bóng trên bãi cỏ. Tôi không thể bắt được. Mà nói thật là tôi cũng chẳng ném được. Ấy thế nhưng. Chúng tôi sẽ nói chuyện về bóng chày. Tôi đã xem môn này từ khi Isaac còn nhỏ. Khi nó cổ vũ cho đội Dodgers, tôi cũng theo. Tôi muốn xem những gì nó đã xem và nghe những gì nó đã nghe. Tôi cập nhật về âm nhạc thịnh hành sao cho càng nhiều càng tốt. The Beatles, Rolling Stones, Bob Dylan… “Lay, Lady, Lay,”(1)_ bạn không cần phải có trình độ cao siêu mới hiểu được bài hát ấy. Từng đêm, tôi trở về nhà và gọi đồ của tiệm ông Đồng. Rồi tôi sẽ lấy một đĩa hát từ túi đựng đĩa ra, nhấc kim lên và nghe.
Mỗi lần Isaac đi chuyển nhà, tôi lại vẽ ra tuyến đường giữa nơi tôi và nó ở. Lần đầu tiên là khi nó mười một tuổi. Tôi thường đứng bên phố đối diện cổng trường nó ở Brooklyn và đợi, chỉ để được thoáng thấy con; có thể, nếu tôi may mắn, thì còn nghe thấy tiếng của nó nữa. Một lần tôi đợi như thường lệ nhưng nó không bước ra. Tôi nghĩ có lẽ nó đã dính rắc rối và phải ở lại muộn. Trời tối, người ta tắt đèn nhưng vẫn không thấy nó. Hôm sau tôi trở lại và một lần nữa tôi đợi, và một lần nữa nó không xuất hiện. Đêm ấy tôi tưởng tượng ra khả năng xấu nhất. Tôi không thể ngủ nổi, tưởng tượng ra mọi thứ khủng khiếp nhất có thể đã xảy ra với con mình. Dù tôi đã hứa với bản thân là sẽ không bao giờ làm như vậy, sáng hôm sau tôi dậy sớm và ghé qua nơi nó sống. Không phải ghé qua. Đứng bên kia phố. Tôi tìm bóng nó, hoặc tìm Alma, hoặc thậm chí cái tay không xứng đáng đó, chồng nàng. Ấy thế nhưng. Chẳng có ai. Cuối cùng tôi chặn một đứa trẻ bước ra từ một tòa nhà. Cháu biết gia đình Moritz không? Nó nhìn tôi chằm chặp. Có. Vậy thì sao ạ? nó nói. Họ vẫn sống ở đây chứ? tôi hỏi. Thế thì liên quan gì đến chú? nó hỏi và bắt đầu bỏ đi theo con phố, vừa đi vừa đập một quả bóng cao su. Tôi túm lấy cổ áo nó. Mắt nó có vẻ sợ hãi. Họ đã chuyển đến Long Island, nó thốt lên rồi bỏ chạy.
Một tuần sau, một lá thư từ Alma gửi tới. Nàng có địa chỉ của tôi bởi mỗi năm một lần, vào sinh nhật nàng, tôi đều gửi cho nàng một tấm thiếp. Chúc mừng sinh nhật, tôi viết, Từ Leo. Tôi xé toạc phong bì. Em biết là anh dõi theo nó, nàng viết. Đừng hỏi em bằng cách nào, nhưng em biết. Em vẫn chờ đợi ngày nó hỏi sự thật. Đôi khi nhìn vào mắt nó em thấy anh. Và em nghĩ anh là người duy nhất có thể trả lời những câu hỏi của nó. Em nghe thấy tiếng anh như thể anh đang bên em.
Tôi không biết mình đọc lá thư biết bao lần. Nhưng đó không phải vấn đề. Vấn đề là ở góc trên bên trái của phong bì, nàng đã ghi địa chỉ người gửi: 121 đại lộ Atlantic, Long Beach, New York.
Tôi lấy bản đồ của mình ra và ghi nhớ mọi chi tiết về lộ trình. Tôi thường tưởng tượng ra những thảm họa, lũ lụt, động đất, thế giới rơi vào tình trạng rối loạn để tôi có lý do tới gặp con và che chở cho nó trong áo khoác của mình. Khi tôi từ bỏ hy vọng về những tình huống có lợi cho bản thân, tôi bắt đầu mơ đến cảnh chúng tôi bị xô đẩy, tình cờ gặp nhau. Tôi tính toán tất cả những cách cuộc đời của chúng tôi có thể gặp gỡ nhau một cách ngẫu nhiên - thấy chính tôi ngồi bên cạnh nó trên một toa tàu, hoặc trong phòng đợi của phòng khám. Nhưng cuối cùng tôi biết rằng điều đó tùy thuộc ở tôi. Khi Alma ra đi và hai năm sau đó đến lượt Mordecai, không còn gì ngăn cản tôi. Ấy thế nhưng.
Hai giờ sau, đoàn tàu chạy vào một ga. Tôi hỏi người ở quầy vé làm thế nào để gọi được taxi. Đã lâu lắm rồi tôi mới ra khỏi thành phố. Tôi đứng ngây người ngắm màu xanh của mọi thứ.
Chúng tôi chạy xe một lúc. Chúng tôi rẽ khỏi đường chính vào một con đường nhỏ hơn, rồi một đường khác còn nhỏ hơn nữa. Cuối cùng đến lối đi lót ván xóc nảy ở một nơi nào đó chẳng rõ. Thật khó tưởng tượng con trai tôi sống ở một nơi như thế. Giả sử nó thèm một chiếc pizza, nó sẽ đi đâu? Nếu nó muốn ngồi một mình trong rạp chiếu phim tối om hay xem mấy đứa trẻ hôn nhau ở Quảng trường Thống nhất thì sao?
Một ngôi nhà màu trắng hiện ra trước mắt tôi. Một cơn gió nhẹ đang đuổi những đám mây. Giữa các cành cây, tôi trông thấy một cái hồ. Tôi đã tưởng tượng nơi ở của nó rất nhiều lần. Nhưng chưa bao giờ tưởng tượng có một cái hồ. Cảnh này làm tôi đau đớn.
Anh có thể cho tôi xuống đây, tôi nói, trước khi chúng tôi đến khu đất trống. Tôi phần nào hy vọng có ai đó trong nhà. Theo như tôi biết, Isaac sống một mình. Nhưng chẳng thể biết được. Chiếc taxi dừng lại. Tôi trả tiền và ra khỏi xe, chiếc xe lùi lại theo lối vào. Tôi hình dung ra câu chuyện xe tôi bị hỏng, cần dùng điện thoại, rồi tôi hít một hơi sâu, kéo cổ áo lên che mưa.
Tôi gõ cửa. Có chuông cửa, thế nên tôi bấm. Tôi biết nó đã chết, nhưng một phần nhỏ trong tôi vẫn hy vọng. Tôi tưởng tượng ra khuôn mặt nó khi nó mở cửa ra. Tôi sẽ nói gì với nó, đứa con duy nhất của tôi? Tha thứ cho cha, mẹ con đã không yêu cha theo cách cha muốn được yêu; có lẽ cha đã không yêu bà ấy theo cách bà cần. Ấy thế nhưng. Không có câu trả lời nào. Tôi đợi, chỉ để cho chắc. Khi không ai tới, tôi vòng ra phía sau. Trên bãi cỏ có một cái cây, nó khiến tôi nhớ đến cái cây tôi đã khắc chữ cái viết tắt tên hai chúng tôi, A + L, và nàng chẳng bao giờ biết, cũng như trong suốt năm năm tôi không hề biết rằng phép cộng giữa hai chúng tôi có kết quả là một đứa con.
Lớp cỏ trơn vì bùn. Phía xa, tôi có thể trông thấy một con thuyền buộc vào bến. Tôi nhìn ra mặt nước. Hẳn phải là tay bơi cừ đây, giống cha nó, tôi nghĩ một cách tự hào. Chính cha tôi - người rất tôn thờ thiên nhiên - đã ném từng đứa con xuống nước ngay sau khi chúng tôi chào đời, trước khi mối liên kết giữa chúng tôi với động vật lưỡng cư, như lời ông tuyên bố, bị cắt đứt hoàn toàn. Chị gái Hanna của tôi đổ tật nói ngọng cho việc làm ấy. Tôi thích nghĩ rằng nếu là tôi, tôi sẽ làm khác. Tôi sẽ ôm con trai mình trong vòng tay. Tôi sẽ nói với nó, Có thời con đã là một chú cá. Một chú cá ư? nó sẽ hỏi. Đó là điều bố đang nói với con mà, một chú cá. Làm sao bố biết? Vì bố cũng đã là một chú cá. Bố nữa à? Ừ. Lâu rồi. Bao lâu? Lâu. Nhưng mà, vì là cá nên con từng biết bơi. Con á? Ừ. Con là tay bơi cừ lắm. Tay bơi vô địch. Con yêu sóng nước. Tại sao? Ý con hỏi tại sao là thế nào? Tại sao con lại yêu sóng nước? Bởi đó là cuộc sống của con! Trong lúc nói chuyện, tôi sẽ để cho nó tuột dần từng tí một cho tới khi, nó không hề biết, nó nổi trên mặt nước mà không cần tôi giữ.
Và rồi tôi nghĩ: có lẽ đó là ý nghĩa của việc làm cha - dạy cho con sống không có cha. Nếu thế, không có ai là người cha vĩ đại hơn tôi.
Cửa sau chỉ có một chiếc khóa, một cái lẫy khóa thông thường, trái hẳn với chiếc khóa đôi ở cửa trước. Tôi gõ cửa một lần cuối và khi không có ai trả lời, tôi buộc phải ra tay. Tôi mất một phút để làm cái khóa bật ra. Tôi xoay tay nắm và đẩy. Tôi đứng yên ở lối vào. Xin chào? tôi gọi to. Chỉ có yên lặng. Tôi cảm thấy cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi bước vào trong và khép cánh cửa lại phía sau. Có mùi khói củi.
Đây là nhà của Isaac, tôi tự nhủ. Tôi bỏ áo mưa và treo lên móc, cạnh một chiếc áo khác. Chiếc áo làm bằng vải tuýt màu nâu, có một lớp lót lụa nâu. Tôi nhấc ống tay chiếc áo đó lên và cho chạm vào má mình. Tôi nghĩ: đây là áo của nó. Tôi đưa lên mũi và hít vào. Thoang thoảng mùi nước hoa. Tôi lấy chiếc áo xuống và mặc thử. Tay áo quá dài. Nhưng. Không vấn đề gì. Tôi kéo tay áo lên. Tôi bỏ đôi giày ra lúc này đã cứng lại vì bùn ra. Có một đôi giày chạy thể dục, mũi cong lên. Tôi xỏ vào chân mình như đôi Mr.Rogers thông thường. Đôi giày này ít nhất phải cỡ mười một, hoặc mười một rưỡi. Cha tôi có bàn chân rất bé, khi chị tôi cưới một anh ở làng bên cạnh, trong suốt lễ cưới ông nuối tiếc chằm chằm nhìn cỡ chân của chàng rể mới. Tôi có thể tưởng tượng rõ ông sốc thế nào nếu ông còn sống để thấy đôi bàn chân của đứa cháu.
Tôi bước vào nhà của con trai mình như thế này: người tôi mặc chiếc áo khoác của nó, chân đi đôi giày của nó. Tôi gần với nó hơn lúc nào hết. Mà cũng rất xa.
Tôi lộp cộp bước theo hành lang hẹp dẫn tới bếp. Đứng giữa phòng, tôi đợi tiếng còi cảnh sát - điều đã không xảy ra.
Trong bồn rửa có một chiếc đĩa bẩn. Một chiếc cốc được lật úp cho khô, một gói chè đã cứng lại trong ấm. Trên bàn ăn có chút muối vãi ra. Một tấm bưu thiếp dán vào cửa sổ. Tôi lấy nó xuống và mở ra. Gửi Isaac, lá thư bắt đầu. Tôi gửi lá thư này từ Tây Ban Nha - nơi tôi đã sống một tháng. Tôi viết để nói rằng tôi vẫn chưa đọc cuốn sách của ông và tôi sẽ không đọc.
Sau tôi có một tiếng động mạnh. Tôi ôm lấy ngực. Tôi nghĩ mình sẽ quay lại và trông thấy hồn Isaac. Nhưng đó chỉ là cánh cửa bị gió thổi bật mở. Bằng đôi bàn tay run rẩy, tôi đặt tấm thiếp trở lại nơi tôi đã thấy nó và đứng đó trong im lặng, tâm trí dồn vào hai tai.
Ván lát sàn kêu ken két dưới sức nặng của tôi. Chỗ nào cũng có sách. Có nhiều bút, một lọ hoa màu xanh, một chiếc gạt tàn từ Dolder Grand ở Zurich, mũi tên rỉ sét của một chiếc chong chóng gió, một chiếc đồng hồ cát nhỏ bằng đồng, những con sao biển trên bậu cửa sổ, một chiếc ống nhòm, một chai rượu rỗng dùng làm chân nến, sáp tan nhỏ từ cổ chai xuống. Tôi sờ hết thứ nọ đến thứ kia. Cuối cùng, tất cả những gì ta để lại chỉ là đồ đạc của ta. Có lẽ đó là lý do tôi chẳng bao giờ có thể ném đi bất kỳ thứ gì. Có lẽ đó là lý do tôi tích trữ cả thế giới: với hy vọng rằng khi tôi chết đi, tổng cộng tất cả những thứ đồ của tôi sẽ cho thấy một cuộc sống lớn lao hơn cuộc sống tôi đã sống.
Tôi thấy choáng váng nên bíu chặt lấy mặt lò sưởi. Tôi trở lại bếp của Isaac. Không đói nhưng tôi mở tủ lạnh bởi bác sĩ bảo rằng tôi không nên đi đâu mà không ăn uống, điều gì đó có liên quan tới huyết áp của tôi. Một thứ mùi rất nặng xộc thẳng vào mũi tôi. Đó là một ít thịt gà còn thừa đã ôi. Tôi ném bỏ, cùng với vài quả đào đã ngả màu nâu và một ít pho mát mốc. Rồi tôi rửa chiếc đĩa bẩn. Tôi không biết tả cảm giác của mình thế nào khi làm những việc bình thường này trong căn nhà của con trai tôi. Tôi làm những việc ấy với tình yêu. Chiếc cốc thì tôi bỏ lại vào tủ. Túi trà vứt đi, ấm pha trà thì rửa. Có lẽ có người - gã đeo nơ bướm màu vàng, hoặc một tay viết tiểu sử tương lai - sẽ muốn để yên mọi thứ như Isaac đã để. Có lẽ một ngày nào đó, họ thậm chí sẽ xây dựng một bảo tàng về cuộc đời nó, nhờ công của những người đã giữ lại chiếc cốc mà Kafka uống hớp nước cuối cùng, chiếc đĩa mà Mandelstam ăn những mẩu thức ăn cuối cùng. Isaac là một nhà văn vĩ đại, nhà văn mà tôi không bao giờ có thể trở thành. Ấy thế nhưng. Nó còn là con trai tôi.
Tôi đi lên gác. Mỗi khi mở một cánh cửa, chiếc tủ và ngăn kéo, tôi lại biết thêm những điều mới về Isaac, và mỗi khi tôi biết được một điều mới, sự thiếu vắng nó càng trở nên thật hơn, và càng trở nên thật hơn thì càng khó có thể tin nổi. Tôi mở tủ thuốc của nó. Bên trong là hai lọ bột tan. Tôi thậm chí không thực sự biết bột tan là gì, hay tại sao người ta dùng nó, nhưng sự thực đơn giản này về cuộc sống của nó làm tôi xúc động hơn bất kỳ chi tiết nào tôi từng tưởng tượng ra. Tôi mở tủ quần áo và vùi mặt vào những chiếc áo của nó. Nó thích màu xanh nước biển. Tôi nhặt lên một đôi giày răng cưa. Các gót đã gần mòn vẹt hết. Tôi thò mũi vào trong và hít. Tôi thấy chiếc đồng hồ đeo tay của nó ở bàn đầu giường và đeo vào. Phần quai da mòn đi xung quanh cái lỗ nó hay dùng để cài khuy. Cổ tay nó to hơn tôi. Nó đã bắt đầu to lớn hơn tôi từ khi nào? Tôi đang làm gì, và nó đang làm gì, vào đúng thời điểm con trai tôi vượt tôi về vóc dáng?
Chiếc giường được sắp đặt gọn gàng. Có phải nó đã chết trên chiếc giường này? Hay nó đã cảm thấy cái chết đang tới gần, và ngồi dậy đón chào thời thơ ấu của mình lần nữa, chỉ để bị gục xuống. Thứ nó nhìn lần cuối cùng là gì? Có phải là chiếc đồng hồ trên tay tôi, dừng ở lúc 12 giờ 38? Hay cái hồ ngoài cửa sổ? Hay gương mặt của ai đó? Và nó có cảm thấy đau đớn không?
Mới duy nhất một lần có người chết trong tay tôi. Khi ấy tôi làm lao công trong bệnh viện, đó là mùa đông năm 1941. Chỉ trong một giai đoạn ngắn. Cuối cùng tôi mất việc. Nhưng một buổi tối, trong tuần làm việc cuối cùng, đang lau sàn thì tôi nghe thấy tiếng ai đó nôn ọe. Tiếng phát ra từ phòng của một phụ nữ mắc bệnh về máu. Tôi chạy về phía cô. Cơ thể cô vặn lại và run bần bật. Tôi ôm cô bằng cả hai tay. Tôi nghĩ tôi có thể chắc chắn trong đầu cả hai chúng tôi không có câu hỏi nào về điều sắp xảy ra. Cô có một đứa con. Tôi biết bởi tôi đã trông thấy nó cùng cha tới thăm mẹ. Một thằng nhỏ có đôi giày bóng lộn và chiếc áo khoác có hàng khuy bằng vàng. Nó ngồi chơi chiếc ô tô đồ chơi suốt, hoàn toàn lờ mẹ đi trừ phi cô nói gì với nó. Có lẽ nó giận cô bởi cô đã bỏ nó lại với bố suốt một thời gian dài. Khi tôi nhìn gương mặt cô, chính nó là kẻ tôi nghĩ tới - một thằng bé sẽ lớn lên mà không biết tự miễn thứ cho bản thân. Tôi cảm thấy chút nhẹ nhõm và tự hào, thậm chí kẻ cả, vì thực hiện được việc mà nó không thể. Ấy thế mà chưa đầy một năm sau, tôi lại trở thành đứa con trai không ở bên cạnh mẹ mình khi bà qua đời.
Có tiếng động sau lưng tôi. Một tiếng cót két. Lần này tôi không quay lại. Tôi nhắm nghiền hai mắt. Isaac, tôi thì thầm. Tiếng nói của chính tôi khiến tôi sợ hãi, nhưng tôi không ngừng lại. Cha muốn nói với con… và rồi tôi nghẹn lại. Cha muốn nói với con điều gì? Sự thật ư? Sự thật là gì? Là cha đã nhầm rằng mẹ con chính là cuộc đời của cha chăng? Không. Isaac, tôi nói. Sự thật là thứ cha đã tạo ra để cha có thể sống tiếp.
Giờ tôi quay lại và trông thấy mình trong chiếc gương trên tường phòng Isaac. Một gã khờ trong bộ quần áo của một kẻ ngốc. Tôi đã tới đây để lấy lại cuốn sách, nhưng bây giờ tôi chẳng quan tâm liệu mình có tìm thấy nó hay không. Tôi nghĩ: Hãy để cho nó mất đi như tất cả những thứ khác. Chẳng còn ý nghĩa gì, chẳng còn nữa.
Ấy thế nhưng.
Ở một góc gương, phản chiếu từ phía bên kia hành lang, tôi trông thấy chiếc máy đánh chữ của nó. Không ai phải bảo tôi rằng chiếc đó hệt chiếc máy chữ của tôi. Tôi đã đọc bài phỏng vấn trên báo rằng nó đã sáng tác với một chiếc Olympia cơ suốt gần hai mươi năm. Vài tháng sau tôi trông thấy một chiếc máy đúng mẫu ấy trong một cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng. Người bán hàng bảo rằng nó vẫn hoạt động tốt, thế nên tôi mua. Ban đầu tôi chỉ thích ngắm nó, để biết rằng con trai tôi cũng đang ngắm nó. Ngày lại ngày nó nằm đó mỉm cười với tôi, như thể những phím chữ là những chiếc răng. Rồi tôi bị đau tim, nó vẫn mỉm cười, thế nên một hôm tôi cho một tờ giấy vào và gõ một câu.
Tôi đi ngang hành lang. Tôi nghĩ: Nếu tôi tìm thấy cuốn sách của mình ở đó, trên bàn nó thì sao? Tôi đột nhiên cảm thấy sự lạ lùng của việc ấy. Tôi mặc áo khoác của nó, sách tôi trên bàn nó. Nó nhìn bằng đôi mắt của tôi, tôi chính là nó.
Tất cả những gì tôi muốn là bằng chứng cho thấy nó đã đọc cuốn sách.
Tôi ngồi vào ghế của nó trước cái máy chữ. Căn nhà lạnh lẽo. Tôi kéo áo khoác trùm quanh người. Tôi nghĩ mình nghe thấy tiếng cười, song tôi tự bảo đó chỉ là tiếng cót két của chiếc thuyền nhỏ trong cơn gió mạnh. Tôi nghĩ mình nghe thấy tiếng bước chân trên mái nhà, song tôi tự bảo đó chỉ là tiếng một con vật tìm thức ăn. Tôi lắc lư một chút, theo kiểu cha tôi lắc lư khi ông cầu nguyện. Một lần cha tôi bảo: Khi một người Do Thái cầu nguyện, người đó đang đặt ra cho Chúa một câu hỏi không có kết thúc.
Bóng tối phủ xuống. Mưa rơi.
Tôi chẳng bao giờ hỏi: Câu hỏi gì?
Và bây giờ đã quá muộn. Vì con đã mất cha, Tateh_(1). Một ngày, vào mùa xuân năm 1938, một ngày mưa nhường lối cho ánh nắng trong mây, con đã mất cha. Cha đi thu thập các mẫu cho một giả thuyết cha đang ấp ủ về lượng mưa, bản năng, các loài bướm. Và rồi cha đã ra đi. Mấy mẹ con con tìm thấy cha dưới một tán cây, mặt cha bắn đầy bùn. Mấy mẹ con con biết khi ấy cha đã tự do, được giải thoát khỏi những kết quả đáng thất vọng. Và chúng con chôn cha trong nghĩa địa, nơi chôn ông và cụ nội, dưới bóng một cây dẻ. Ba tháng sau, con mất Mameh. Lần cuối cùng con nhìn thấy mẹ, mẹ đang đeo một chiếc tạp dề màu vàng. Mẹ đang nhét đồ đạc vào một chiếc va li, nhà là một đống bừa bộn. Mẹ bảo con đi vào rừng. Mẹ đã gói thức ăn cho con và bảo con mặc áo khoác, dù khi ấy là tháng Bảy. “Đi đi,” mẹ nói. Khi ấy dù đã qua cái tuổi răm rắp nghe lời mẹ nhưng giống như một đứa trẻ, con vẫn nghe lời. Mẹ bảo con là hôm sau mẹ sẽ đi theo. Hai mẹ con chọn một điểm trong rừng mà cả hai cùng biết. Cây dẻ ngựa khổng lồ trước đây cha thích ấy, Tateh, vì cha nói rằng nó có những phẩm chất của con người. Con chẳng bận tâm nói lời tạm biệt. Con chọn cách tin vào điều thuận lợi hơn. Con chờ đợi. Nhưng. Mẹ chẳng bao giờ tới. Kể từ đó con sống chung với cảm giác tội lỗi vì hiểu ra quá muộn rằng bà nghĩ bà sẽ là gánh nặng cho con. Con mất Fritzy. Khi đó anh ấy đang học ở Vilna, Tateh - con nghe từ người quen của một người quen rằng lần cuối cùng người ta trông thấy anh ấy trên một đoàn tàu. Con mất Sari và Hanna vì lũ chó. Con mất Herschel vì mưa. Con mất Josef trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Con đã mất âm thanh của tiếng cười. Con mất một đôi giày, con cởi chúng ra để đi ngủ, đôi giày Herschel cho con, và khi con tỉnh dậy thì chúng đã biến mất, con cuốc bộ chân trần trong nhiều ngày và rồi con gục ngã và đánh cắp giày của một người khác. Con đã mất người phụ nữ duy nhất con từng muốn yêu thương. Con đánh mất năm tháng. Con mất sách. Con đánh mất ngôi nhà nơi con sinh ra. Và con mất Isaac. Vậy nên ai mà biết được, đâu đó trên đường đời mình, con đã mất trí mà không hề hay?
Tôi chẳng tìm thấy cuốn sách của mình đâu hết. Ngoài bản thân tôi, chẳng có dấu hiệu nào của những thứ thuộc về tôi.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !