Mưa Ở Kiếp Sau Truyện ngắn 11


Truyện ngắn 11
Những ngọn nến

Tôi vẫn đi làm ở quán bia. Một bữa có một người khách gọi tôi:

"Em đến đây anh bảo."

Ông khách độ bốn mươi tuổi, đang ngồi cùng bàn với hai người đàn ông và một người đàn bà. Tôi nói:

"Thưa anh gọi gì ạ?"

"Tại sao trong ly bia anh lại có đá?"

"Dạ để em gắp đá ra nhé?"

"Em mang đổ đi."

"Nhưng…"

"Còn không thì em gọi chủ quán ra đây anh phạt nó đứng uống một lần hết ly, không được thở. Nó uống được thì anh tha cho em."

Có lẽ cả bàn đều quen chủ quán, họ đồng cười lớn.

"Lúc nãy em xin phép, anh cho phép rồi em mới rót bia."

"Anh cho em rót bia chứ có nói là anh uống bia với đá đâu."

"Thưa lúc đó trong ly đã có sẵn đá rồi, và anh không nói gì hết, không bảo em bỏ đá ra. Ở đây mọi người ai cũng uống bia như thế."

"Anh không phải là mọi người. Em gái còn cãi bướng đó à?"

Ông khách cười, đưa bàn tay vòng ra chạm vào lưng tôi, kéo mạnh tôi về phía ông ta. Tôi hơi mất thăng bằng. Bàn tay không ngừng lại ở lưng, nó vuốt xuống mông rồi thấp hơn nữa, nó chạm gấu chiếc váy ngắn, những ngón tay len vào giữa hai đùi, tôi cố khép chân thật chặt, nhưng điều đó chỉ làm cho những ngón tay trở nên quyết liệt và tai ác hơn. Mọi người ở bàn, kể cả người phụ nữ, đều nhìn tôi cười. Họ chờ xem ông khách còn có thể đi xa đến đâu. Lúc đó cả hai tay tôi đang ôm chiếc bình đựng nước đá, tôi phải đặt nó xuống để có tay hất bàn tay của ông khách ra. Tôi đặt ngay bình nước đá xuống bàn, nhưng bàn thì đầy và tôi không có một giây nào để tìm chỗ trống, tôi đặt nó lên trên những đĩa thức ăn. Tôi không định mạnh tay, nhưng hoặc vì tôi mất thăng bằng, hoặc vì chiếc bình đá tự nó biết giận dữ, nó dằn xuống bàn một tiếng ầm và làm vỡ hai chiếc đĩa bên dưới. Mọi người trong quán quay lại nhìn. Tôi chưa kịp hiểu mình vừa làm gì thì ông khách đã đứng dậy tát vào mặt tôi.

Mọi người có vẻ thích thú. Không có ai bênh tôi. Tôi bỏ chạy ra đường, và điều nhục nhã nhất xảy ra, không phải lúc ở trong quán, mà năm phút sau, trên đường phố: tôi khóc. Tôi đã vi phạm điều răn đầu tiên của thứ tôn giáo dành cho lũ con gái làm cái nghề nằm trên đường ranh giữa làm công và bán nhân phẩm. Nhân phẩm dù có bán bao lâu vẫn còn nguyên vẹn, nếu lũ con gái giữ được giới điều này: xem thường những xúc phạm. Khi những xúc phạm được xem thường, thì chúng không có thực. Không ai chạm được đến danh dự mà chúng tôi gìn giữ yên lành bên dưới những lời vâng dạ, những nụ cười ngoan ngoãn tán đồng. Nhưng khi tôi khóc vì bị xúc phạm, tôi đã xem nặng sự xúc phạm và nói rằng nó có thật. Sự phản kháng ngu dốt của tôi làm cho những đứa con gái bực tức, sự bực tức của những người làm xiếc đi trên sợi dây căng nhìn một đồng nghiệp không biết giữ thăng bằng ngã xuống làm cho sợi dây bị chao đảo trong vài giây.

Tôi ngồi thụp xuống vừa khóc vừa nấc. Đường rất đông xe. Người ta nhìn, người ta cười nói với nhau, người ta lắc đầu ái ngại hay chê bai, và người ta đi tiếp. Vậy mà tôi vẫn không sao ngừng khóc được. Thực ra chỉ là chuyện nhỏ. Một trong trăm nghìn chuyện nhỏ như những viên thuốc nhỏ uống vào giúp tôi miễn nhiễm với những tổn thương lớn hơn. Không hiểu sao nó làm tôi khóc giữa đường. Khóc xong, tôi chẳng muốn nghĩ gì nữa về chuyện vừa xảy ra. Tôi chỉ muốn về nhà, chỉ muốn ngủ hoài, khi thức dậy nửa nhớ cuộc đời nửa đã quên nó đi.

Trong cùng đêm đó tôi chợt thấy mình đứng trước hai cánh cửa gỗ lớn có chạm hoa. Tôi không nhớ tôi đã đi đến nơi đó như thế nào. Nó ở rất xa, không lẽ tôi đã đi bộ qua nửa thành phố? Tôi không nhớ tôi đã đi bằng gì, qua những con đường nào, đã thấy gì hai bên đường ban đêm. Tôi chỉ vừa đi qua một khoảng mịt mùng của ý thức.

Tối đó cô Tâm cho người mang chăn gối đến cho tôi ngủ lại trong một căn phòng nhỏ ở Muôn Hoa. Giường có nệm và cửa sổ có phủ màn.

"Cô không bao giờ ép em làm chuyện gì mà em không thích. Nếu em muốn làm việc bình thường như mấy ngàn đứa con gái khác thì như em kiếm tiền cũng được, nhưng không nhiều đâu. Em làm khác một chút, sang trọng hơn, xứng đáng với em. Chỉ có những đứa da trắng trẻo mịn màng thì cô mới chọn. Phải đẹp thì người ta mới lấy mình làm mẫu mà vẽ tranh tạc tượng. Những cái tượng đẹp nhất đều làm bằng đá trắng. Đá đẹp thì vừa trắng vừa trong, như tự nó có một chút ánh sáng. Cô chỉ chọn những đứa có làn da như vậy.

Em không cần phải làm nghệ sĩ, tìm cách tạo ra cái đẹp: chính em là cái đẹp. Cái đẹp không có giá trị gì nếu không có người nhìn ngắm nó. Và đây, trong những căn phòng mơ màng diễm lệ này, em sẽ được nhìn ngắm. Tại sao người ta thấy em đẹp? Là vì em làm cho người ta ham muốn. Sự chiêm ngưỡng nào cũng đồng nghĩa với ham muốn. Cái đẹp là gì? Nó là sự gợi cảm, là sự thúc giục người ta muốn chiếm đoạt, muốn làm chủ thứ mình yêu quí. Em sẽ để cho họ nhìn ngắm, chiếm đoạt em bằng cái nhìn của họ, nhưng chỉ bằng cái nhìn thôi. Và thỉnh thoảng họ sẽ chạm lấy em bằng tay. Em sẽ yêu thích công việc này, bởi vì em sẽ thấy em đẹp. Được chiêm ngưỡng, em sẽ mang một cảm giác ngây ngất, không tả được đâu, em sẽ biết, sẽ thích, và cuối cùng không thể sống thiếu nó được, bởi vì tất cả giá trị của em xoay quanh đó, còn lại ở đó, và không ở đâu khác nữa hết. Ma túy của chị đó. Chị chẳng cần cho bọn em ngửi hít thứ bột trắng nào cả, não của bọn em sẽ tự tiết ra ma túy đưa vào thân thể em mà."

Tôi muốn biết cụ thể hơn về công việc. Tối thứ năm cô cho tôi xem một đứa con gái khác làm việc của người mẫu. Tôi được đưa tới một biệt thự ở ngoại ô. Phòng khách có buông rèm, sáng vừa phải, mát và yên tĩnh. Tường sơn màu trắng sữa, màn cửa màu phơn phớt vàng. Trong phòng có ghế nệm da, ti vi màn hình phẳng gắn trên tường. Trên chiếc bàn thấp có một bình cắm hoa cúc và nhiều tạp chí in trên giấy nhập từ nước ngoài. Cô Tâm chỉ cho tôi một cánh cửa ở một góc khuất của phòng.

"Em vào đó xem để học biết công việc như thế nào. Ra vào nhớ mở cửa đóng cửa nhẹ nhàng. Tiếp khách nghệ thuật xem là lạ nhưng êm ái ít mệt hơn tiếp khách mà phải lao động bình thường. Không có gì phải sợ đâu."

Cô Tâm để tôi lại một mình trong phòng khách. Tôi giở mấy tạp chí thời trang ra xem vài trang rồi đi đến cánh cửa mà cô Tâm đã chỉ.

Tôi mở cửa bước vào phòng và đóng cửa lại. Gian phòng bên trong tối. Tôi bật công tắc nhưng đèn không sáng. Tôi đến ngồi trên giường, nhắm mắt lại một lúc. Khi mở mắt ra, tôi đã quen với bóng tối. Đây là một phòng ngủ với một chiếc giường nhỏ ở giữa phòng. Dựa tường bên phải có một cái bàn nhỏ, hai bên hai chiếc ghế như trong quán cà phê. Trên bàn có một bộ bài. Trong phòng không có gì cho tôi xem để biết công việc như thế nào. Tôi chẳng biết làm gì, lên giường nằm nhìn lên khoảng trần nhà tối mờ mờ. Tôi chờ đợi trong bóng tối, tự hỏi không biết có ai sắp bước vào phòng để chỉ dạy cho tôi học những gì cần học hay không.

Chợt tôi thấy có một vệt sáng đổ xuống từ mảng tường ở giữa cái bàn thấp và tủ quần áo. Tường chỗ đó có một khung kính hẹp và cao, lúc nãy tôi không thấy khung kính ấy vì phòng tối. Bây giờ có người vừa vào phòng bên cạnh bật đèn lên, và ánh sáng từ phòng bên đó hắt qua bên này thành một vệt dài. Kính có màu tối và tôi đoán người ở phòng bên kia không nhìn thấy phía bên này. Tôi đến ngồi ở chiếc ghế bên cạnh bàn, nhìn qua khung kính. Phía bên kia khung kính có một bức màn mỏng buông xuống, nhưng vì phòng bên ấy sáng nên tôi nhìn xuyên được qua bức màn đó. Bức màn làm cho những gì tôi thấy có vẻ hơi mơ màng.

Chị phụ việc vừa dẫn vào phòng một đứa con gái. Cô gái cởi quần áo ra, da cô trắng, nhìn qua lần màn mỏng trông cô như một bức tượng thạch cao rất đẹp nhưng làm chưa xong, những đường cong chưa thật uyển chuyển. Trong sự chưa xong ấy có một điều gì đó làm tôi thấy cảm động, cô gái giả vờ làm một người đàn bà, nhưng cô chưa phải là một người đàn bà. Chị giúp việc dùng một dải khăn đen buộc ngang đầu, bịt mắt cô gái lại. Cô gái quay mặt vào tường, cúi gập người, hai tay dang ra. Chị Hoa buộc hai khuỷu tay cô gái vào một món gì đó gắn trên tường, tôi nhìn không rõ.

Chị Hoa bước ra ngoài, đóng cửa lại. Cô gái đứng cúi người như vậy và chờ. Một lúc sau có một người khách bước vào. Người đàn ông không còn trẻ.

Tôi không muốn nhìn nữa, trong lúc quay mặt đi hình như tôi thoáng thấy một vật gì đặt trên bàn ở phòng bên cạnh trông giống như một cây roi da. Tôi bỏ lên giường nằm nhìn lên trần nhà. Ở bên kia mọi việc xảy ra không tiếng động. Dĩ nhiên là có tiếng động, nhưng tôi không nghe thấy qua làn kính. Và cũng không có hình ảnh, vì tôi đang nhìn vào một nơi khác. Cái trần nhà tối mờ mờ hình như có khói. Làn khói vướng vất không tìm được chỗ bay ra. Tôi tự hỏi tại sao khói lại ở nơi đây. Thật kỳ lạ và u uất. Và tôi tự hỏi tại sao mình lại ở nơi đây.

Tôi bỏ ra ngoài phòng khách. Tôi mở và đóng cửa không tiếng động như đã được căn dặn. Phòng khách bây giờ cũng tối. Trong lúc tôi ở trong căn phòng nhỏ, có ai đã đến tắt đèn ngoài này. Tôi đến bật một ngọn đèn nhỏ đặt ở góc phòng.

Tôi ngồi đó chờ cô Tâm. Làn khói lúc nãy vẫn còn vương vương trong mắt tôi. Tôi cầm remote lên bật ti vi để đuổi nó đi.

Trên một sân khấu rộng và tối có một cây đàn piano lớn. Một người đàn bà đang ngồi chơi đàn, ngồi trong vùng ánh sáng rọi xuống những phím đàn. Trên hàng phím trắng có chen vào những phím màu đen. Người đàn bà da trắng, mặc áo đen, tóc đen. Người đàn bà chơi đàn cũng có làn da trắng như tôi, như cô gái ở phòng bên cạnh. Bà ấy sống một cuộc đời khác, và bây giờ bà ấy đang trải cuộc đời ấy trên hàng phím dài hai mét. Người đàn bà không còn những ý nghĩ lan man, đã tự biến mình thành âm thanh, tôi nghe tiếng nước chảy, nhưng chảy qua những nơi tôi không biết, chưa bao giờ biết có những vùng đất như vậy trên trái đất. Người viết nhạc cũng không thể biết có một căn phòng như căn phòng nơi tôi đang ngồi và nghe bản nhạc của ông. Con người ở những nơi thật xa nhau. Cuộc đời của người này thật trừu tượng với người khác.

 

 

 

Khi cô Tâm trở lại, tôi hỏi cô:

"Những đứa con gái có bao giờ bị đánh không?"

"Tuyệt đối không."

"Vậy cây roi dùng để làm gì?"

"Có cây roi nào đâu? Chắc em nhìn nhầm. Mà nếu có, thì cũng không phải roi thật, chỉ để chơi thôi. Em có bao giờ xem một người nhạc sĩ chơi đàn hồ cầm chưa? Em cứ tưởng tượng các em là cây đàn, khách là những nhạc sĩ, họ thích có cánh cung để vuốt ve cây đàn của họ. Chỉ chạm lấy thôi. Chỉ có bọn hạ cấp mới đánh con gái."

Tôi đã có lần xem một người nhạc sĩ chơi đàn hồ cầm trên truyền hình. Ông ấy nhắm mắt kéo cánh cung trên những dây đàn, và từ thùng đàn câu nhạc vang ra, như van nài. Tôi nghĩ, khi có ai chạm vào tôi, tôi sẽ dứt khoát im lặng.

 

 

 

Tôi làm ở Muôn Hoa đã được ba tuần. Tôi đi làm buổi tối và một số buổi chiều không đến trường. Tôi cởi quần áo, khăn quấn ngang mắt không thấy gì, ngồi trên bệ giữa một gian phòng tối. Người ta đến, mua rượu uống, mua đèn cầy để đốt nhìn tôi rõ hơn. Họ nói chuyện, hoặc có khi cười đùa. Có lẽ sau đó họ làm những chuyện gì khác tôi biết nhưng không biết hết, với một đứa con gái nào đó trong một gian phòng nào đó, tôi chỉ là món khai vị trong gian phòng họ uống những ly rượu đầu tiên trong một đêm vui. Tôi chỉ ngồi mẫu, không ai động tới tiết trinh tôi. Nhưng ngồi im không phải là chuyện dễ dàng. Tôi giảm thiểu sự hiện diện của mình, của ý thức và giác quan đến mức nhỏ nhoi nhất, tôi gần như không có đó, chỉ có một thân thể trần trụi gần như bất động, đầu cúi nghiêng, ngực thở khẽ khàng. Vậy mà cô Tâm luôn luôn nói khách chưa vừa lòng vì tôi không thực yên, thực ngoan. Một ngày nào đó cô cho rằng tôi tự nguyện để cho cô trói tay tôi hoặc cả hai bàn chân tôi lại, thì khách vừa lòng hơn, vì tôi có muốn cử động cũng không được. Và tôi nhận được tiền nhiều hơn. Cô Tâm định đoạt những thay đổi nhỏ trong cách tôi ngồi mẫu, mỗi tuần một nhích dần đến sự hoàn hảo trong mắt cô; trong mắt tôi càng lúc càng lạ lùng; vị đắng trong miệng tôi càng ngày càng đắng hơn.

Hầu hết những đứa con gái làm ở Muôn Hoa nghĩ rằng cô Tâm có một nét nào đó giống mẹ mình. Tôi không hiểu sao cô làm được chuyện đó, cô là hai mươi người đàn bà cùng một lúc, và trong một phút nào đó, sẽ có một người lúc quay nghiêng đầu, hoặc lúc cười nói, có nét giống mẹ của một trong những đứa con gái ở đây. Cô làm mẹ của đám con gái mồ côi. Chúng mồ côi vì chúng ra khỏi nhà và quên mất nhà mình ở đâu, chứ không phải vì chúng không có mẹ. Cô cho chúng ảo giác rằng chúng là những đứa con gái của cô, không bằng sự ngọt ngào, không bằng một vòng tay êm ái. Cô không có tình yêu. Nếu có, chỉ để dành cho chính mình, và rất kín đáo, chừng mực. Cô nghiêm khắc với lũ con gái, nhưng biết cách làm cho chúng nghĩ là cô nghiêm khắc chỉ vì muốn những điều tốt đẹp cho chúng. Cô luôn luôn giữ một sự lạnh lùng nào đó, hình như nó cần thiết. Rồi đột nhiên, vào những lúc bất ngờ nhất, cô vuốt tóc, hoặc hôn lên trán, hoặc bóp nhẹ vai của một đứa, kèm với một nụ cười nâng đỡ dịu dàng, thì đứa con gái mềm đi vì hạnh phúc, vì hy vọng. Ảo giác tình yêu chỉ loáng thoáng như vậy, và càng mơ hồ bất an, những đứa con gái càng bám víu vào đó. Con gái làm nghề này không yêu đàn ông, vì không tin rằng đàn ông có thể yêu đàn bà, trên đời này làm gì có chuyện đó. Chúng cũng không thể yêu cha mẹ anh chị, vì tự cho mình là những đứa mồ côi, đường về nhà nằm mờ mịt trong ký ức về một kiếp trước. Chúng vừa biết rằng tình yêu ở một nơi nào khác bên ngoài bầu khí quyển vừa cần một thứ gì giông giống như vậy để vịn đứng không ngã trên sàn nhà mờ ảo và chông chênh. Cô Tâm hiểu điều ấy rất rõ, cô là thứ tình yêu không phải tình yêu cho đám con gái chực chờ. Một chỗ dựa khe khắt, nhưng vẫn là một chỗ dựa.

Công việc chúng tôi làm rất khó, một đứa con gái có thể ngã quỵ, biết đâu hóa điên bất cứ lúc nào nếu không có cô Tâm. Công việc khó, không phải vì nặng nhọc, không phải vì thân thể bọn con gái bị dập vùi đau đớn. Công việc rất khó chỉ về mặt tâm lý, mà bọn con gái thì dễ hoang mang. Đám con gái cứ không hiểu mình làm gì, tại sao khách lại đòi hỏi những điều lạ lùng ở chúng. Cô Tâm không đem lại những câu trả lời, cô chỉ nói là các em hãy làm những điều được yêu cầu, cô sẽ hiểu thay cho các em, gánh vác thay nỗi sợ hãi, ê chề hay bất bình mà công việc mang lại. Các em cứ làm tất cả những thứ cần làm, không suy nghĩ gì cả, thì thấy việc rất giản dị, rất dễ chịu đựng, còn êm ái hơn công việc của đám bán bia ôm. Nếu những đứa con gái có bất cứ bất an gì về cuộc đời, chúng hãy biết rằng có cô. Cô suy nghĩ, cô hiểu, và hiểu thay cho chúng, hiểu những việc chúng làm là cần thiết. Những đứa con gái có thể nương tựa vào cô, tin tất cả những gì chúng không hiểu, và thấy an tâm. Khi một đứa bắt đầu nuôi nấng nỗi nghi ngờ, có những phút bàng hoàng vì không biết tại sao mình làm thứ công việc lạ lùng mình đang làm, thì một bức tường trong căn nhà của nó đã rạn, và trước sau gì căn nhà ấy cũng đổ. Cô Tâm sẽ đuổi nó đi trước khi nó nằm bẹp, bỏ ăn, gầy sút đi, trước khi nó nằm mớ, la hét trong đêm, làm bấn loạn những đứa con gái khác.

 

 

 

Muôn Hoa không phải là một căn nhà xây trên một miếng đất nào đó. Muôn Hoa ở khắp nơi. Chúng tôi không bao giờ biết địa chỉ của những phòng khách lớn và kín mà chúng tôi được đưa đến làm việc; chúng tôi không biết những nơi đó thuộc về cô Tâm, chủ nhân của Muôn Hoa, hay là nhà của ai. Những căn phòng có mùi lạ, thứ mùi tôi chưa bao giờ ngửi thấy ở bất cứ một nơi nào. Tôi không thể nói tên nó ra. Mùi đó có từ nệm da và thứ sơn quét trên tường; từ rượu, đồ ăn, khói xì gà, dầu thơm; từ mồ hôi, hơi thở, những thứ thuộc về cơ thể đàn ông giàu có.

Tôi chỉ biết lờ mờ, không biết hết công việc của những đứa con gái khác. Bọn con gái ít kể về công việc, có thể vì xấu hổ, hoặc vì không muốn vi phạm một luật lệ mơ hồ nào đó của cô Tâm về sự kín đáo. Có một lần cô Tâm nói với tôi, bí mật của em sẽ bảo vệ em, em càng kể lể nhiều càng dễ bị tổn thương. Thỉnh thoảng bọn chúng tôi gặp nhau vì cùng phục vụ cho một cuộc vui. Tối chúng tôi ngủ lại một nơi nào đó, bọn con gái tắm rửa xong nếu không xem ti vi, chúng thích nằm gác tay gác chân lên người nhau, kề đầu kể về một tuổi thơ đã mất, một mối tình vào kiếp trước, hoặc về cái quán cà phê hay cửa hàng thiết kế thời trang chúng sẽ mở khi có đủ tiền, cuối năm nay, khi rời Muôn Hoa. Chúng không thích kể về những giờ chúng vừa trải qua, những công việc chúng đang làm trong tuần này, trong tháng này. Chúng tôi đang dự một cuộc chơi với những luật lệ rất gay gắt, nhưng chúng tôi chỉ hiểu lờ mờ về chúng, chúng tôi lúc nào cũng phải hết sức cẩn thận không chạm phải những lằn ranh gần như vô hình. Phía bên kia biên giới là một tầng sâu hơn nữa của địa ngục.

Trong tuần này, công việc tôi thường được yêu cầu là đem thân làm chiếc bánh sinh nhật cho một nhóm khách mừng sinh nhật ai đó, không biết có phải là thật hay không. Tôi bị bịt mặt, họ cột người tôi bằng những dải lụa giống như thứ ruy băng dùng để gói quà, nằm hay ngồi ở giữa nhà. Phía trên tôi, có treo một cái giá đèn treo rất thấp với nhiều nhánh để cắm nến. Khách mua nến mừng sinh nhật, đốt và cắm lên cái giá đó, từng cây một. Tôi tưởng tượng da thịt tôi chập chờn trong ánh sáng lung linh của ít hay nhiều ngọn nến. Thỉnh thoảng sáp nến nhỏ xuống thịt da trần làm tôi rùng mình. Những khách đàn ông gọi các cô phục vụ rót rượu cho họ uống chúc mừng happy birthday chung quanh tôi. Họ nói chuyện gì tôi không rõ lắm, vì thường thường khi người làm của cô Tâm quấn khăn ngang mắt tôi, cô ấy cũng nhét một miếng bông nhỏ sâu vào tai cho tôi, như vậy dễ chịu hơn. Sau vài vòng rượu là tôi được tháo dây. Hoặc tôi được dẫn ra ngoài, hoặc họ kéo nhau sang những phòng khác tiếp tục cuộc vui với những đứa con gái khác, bằng cách này hay cách nọ, tôi không bao giờ biết hết.

Đôi khi tôi khóc trong lúc ngồi mẫu. Không có nước mắt chảy xuống vì mắt tôi bị cột ngang bằng một sợi vải đen. Dưới làn vải, dưới mi, nước mắt dâng lên làm tôi thấy đôi mắt của tôi đầy ứ và hơi đau, rồi nước mắt tràn qua viền đôi mi nhắm, thấm vào vải, nhưng không bao giờ đủ để làm vải ướt, chỉ đủ thoáng một chút ẩm, rất mơ hồ, như không có.

Tôi bắt đầu biết oán hận cha tôi. Ông đã bỏ rơi tôi hai lần. Lần thứ nhất lúc tôi còn là loài cá đầu to nằm cong queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang. Lần thứ hai hai - mươi hai năm sau ngày con cá ra khỏi đại dương và đi trên mặt đất khô, nó đi vào Nam tìm cha, và chợt hiểu cha chỉ là một khái niệm trừu tượng, một giấc mơ lầm lạc. Cha tôi không có thật, nhưng lại có thật khi ông bỏ rơi tôi, để tôi một mình nằm ngửa, mắt bị cột và tay bị cột, thân thể ngỡ ngàng tan tác trong thứ hoạn nạn truyền kiếp của những người đứa con gái không có tình yêu che chở. Vậy mà tôi vẫn tiếp tục là con gái của ông, vẫn nghĩ tới ông. Hay là trong oán hận, tôi vẫn một lòng một dạ nuôi nấng cái xác chết còn bàng hoàng của tình yêu con gái dành cho cha?

Và tôi nghĩ – không, không còn là những ý nghĩ của tôi, mà là lời lẽ của một đứa con gái khác rót vào tai tôi trong lúc tôi nhắm mắt, rằng tôi đã thay mặt cha tự đem bán mình.

Mai làm việc này cho cha, vì cha. Người ta bắt Mai nằm đó để vùi để dập, nhưng không một bàn tay, một cái miệng, một hơi thở nào có thể chạm lấy được hồn Mai đang được bóng tối che chở. Khi Mai nhắm mắt, tất cả những gì Mai thấy là bóng đêm bằng nhung. Bóng đêm đó trung kiên bao bọc trinh tiết của Mai. Mai đời đời còn nguyên vẹn. Thân xác Mai bày ra đó, nhưng thứ bị vùi dập không phải là phẩm hạnh của Mai, mà là phẩm hạnh của cha. Ông đã thất bại tuyệt đối. Trời cho ông có mặt trên đời để truyền giống, làm cha. Nhưng giữa chiếc cổng sắt dẫn vào biệt thự nhà ông và cổng địa ngục, con gái ông đã chọn cái thứ hai.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87350


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận