Mưa Ở Kiếp Sau Truyện ngắn 6


Truyện ngắn 6
Đầu mùa mưa

Tôi không thể trở về Hà Nội. Tôi ở lại Sài Gòn, làm điều mà mẹ tôi lo sợ nhất: tôi bỏ học, đi làm. Thật ra không phải vậy, việc học của tôi chỉ gián đoạn, nửa năm hay một năm. Chuyển trường được rồi, tôi sẽ đi làm buổi chiều và đi học buổi sáng. Vậy là cuối cùng, tôi đã không nói dối mẹ tôi. Tôi không có lỗi với mẹ, tôi chỉ đã làm một điều cần thiết: tôi đã lớn, và phải vào đời, dù đường đi của tôi có chông chênh lầm lạc thế nào, tôi cũng vẫn phải đi.

Đám con gái ở chung dãy phòng trọ của tôi đến từ khắp nơi, nói đủ loại giọng tỉnh lẻ, làm đủ mọi nghề, và cũng có đứa học đại học hay một loại trường nào đó. Bọn con gái giúp nhau tìm việc làm. Tôi chỉ có thể đi làm công nhân hoặc bưng nước ở nhà hàng, và tôi chọn việc thứ nhì, vì đó là việc có thể làm buổi chiều và tối, buổi sáng tôi có thể đến trường. Tôi viết thư cho dì Lan, nói dối là tôi ở nhà cha. Không biết tại sao tôi lại viết như vậy. Tôi viết: Cha mừng vì gặp được con gái. Phòng cháu ở trên gác, có những cửa sổ bằng kính phủ hai lớp màn, một bằng voan trắng mỏng, một bằng vải dày và mềm, tựa như nhung. Tôi tả căn phòng trên lầu căn nhà cha tôi ở mà tôi đã đứng từ phía bên kia đường nhìn lên, ngoài các khung cửa sổ bằng kính và những bức màn êm đềm, tôi không biết gì thêm để viết về nơi đó. Tôi chưa dám viết thư cho mẹ. Tôi nghĩ khi nào nhận được lương, tôi sẽ gửi mẹ tiền, lúc đó tôi sẽ viết thư. Nhưng tháng đầu nhận tiền rồi tôi không đủ trả các khoản nợ tôi đã vay để trả tiền thế chân thuê phòng và mua quần áo. Tháng thứ hai cũng vậy. Tháng thứ ba tôi có chút tiền để gửi, nhưng tôi gửi tiền đi không kèm thư, và tôi linh cảm có lẽ đến chết tôi không biết viết lá thư đó như thế nào. Tôi không thể viết bất cứ gì về cuộc đời tôi bây giờ mà không làm cho mẹ buồn. Ở giữa mẹ tôi và tôi là tình yêu và niềm thương nhớ rũ rượi, là ơn sâu và sự bội bạc cần thiết, là trăm nghìn đổ vỡ cả mẹ và tôi chưa kịp hiểu hết đã vội vùi những mảnh vỡ đó vào niềm im lặng

Đầu mùa mưa tôi bị ốm. Sau những cơn mưa đầu mùa trời nóng và ẩm lạ thường, tôi sốt nằm trong phòng, bỏ việc đã hai ngày. Buổi chiều đi làm về, cô bạn làm chung đem về cho tôi mấy viên thuốc kháng sinh và dăm ba loại thuốc khác, cùng một lá thư của dì Lan. Thư dày quá. Tôi đặt nó vào ngăn của của chiếc bàn nhỏ ở đầu giường, tôi sẽ đọc nó khi đầu bớt nóng. Tôi uống hết các loại thuốc, không biết là những thứ gì. Tôi mệt rã rượi nhưng giấc ngủ không đến hoặc chỉ đến chập chờn. Chợt nhiên tiếng ồn thường ngày của dãy nhà trọ làm đầu tôi muốn vỡ… Tiếng guốc dép, tiếng nói cười gọi nhau, tiếng máy hát… mọi tiếng động đều lồng lộng vang lên trong cái sọ trống và buốt của tôi. Cơn sốt dâng lên, và tôi chìm vào một chuỗi những cơn ác mộng lạ lùng, tôi nằm mơ những điều ma quái trong lúc tôi không ngủ. Ánh sáng, màu sắc, tiếng động của thế giới thật và của những cơn mộng mị lẫn vào nhau, dồn dập trùng vây, chói lòa hay tối tăm mù mịt, tôi chơi vơi ở sườn núi cao hay dưới vực thẳm, người ta lũ lượt bao lấy tôi như một đàn kiến dữ, nhưng ngước mặt nhìn thì tôi không thấy một người nào.

Sau đó là đêm tối đen và một sự im lặng giống như sự im lặng trong lòng vực thẳm. Tôi đang ở một nơi không có ánh sáng hay tiếng động, và cũng không có thời gian. Ý thức mơ hồ chực tan vỡ, không khí cũng mỏng manh.

Tôi nghe tiếng gọi nhỏ:

"Mai ơi."

Tôi biết là trong lòng vực không có ai, chỉ có tôi vừa gọi chính tôi mà thôi.

"Mai ơi."

Dù chỉ là tôi gọi chính mình, dù không có thực, tiếng gọi đó êm ái. Từ ngày xa mẹ, tôi không biết một điều gì êm ái.

"Mai ơi, tối quá. Em thắp đèn nhé."

Không phải là tiếng của tôi. Một người khác đang nói chuyện với tôi. Nhưng nơi này không có ai. Và tôi đang ở đâu đây?

Tôi ngồi dậy, cố nhìn trong bóng tối. Dù ánh sáng rất mỏng, tưởng như không có ánh sáng, tôi cũng biết là chung quanh đây không có người. Tôi đang còn ở trong một giấc mơ.

Một ngọn đèn dầu nhỏ vừa được thắp lên. Ánh sáng lung lay một giây rồi yên lại. Cây đèn dầu nhỏ quen thuộc, nhưng nó không thể ở đây. Phòng tôi không có cây đèn dầu nào. Cây đèn giống như cây đèn ở nhà tôi. Nó cũ lắm rồi, ngày xưa mẹ tôi hay thắp, nhưng khi thành phố hết bị mất điện, thì mẹ tôi cất nó vào một góc nào đó. Khi bà tôi mất, mẹ lấy cây đèn ấy ra đặt lên trên nóc tủ hương, phía trước bức ảnh của bà.

Cảm giác của tôi thật lạ lùng. Tôi sợ tất cả những thứ lạ thường ở chung quanh, những thứ không thật, những hình ảnh, tiếng nói của ảo giác, vang lên từ trong tâm tưởng hoảng loạn cô đơn của tôi. Nhưng tôi cũng thấy một thứ tình thân thuộc loang ra từ ánh sáng của chiếc đèn dầu nhỏ. Tôi muốn chiếc đèn dầu ấy có thật, tiếng ai vừa nói đó có thật. Tôi chênh vênh ở giữa nỗi sợ và sự cuốn hút êm đềm của đóm sáng nhỏ lung linh trong phòng tỏa ra từ một chiếc đèn dầu đã có từ những năm ấu thơ. Tôi vừa muốn la hét để tỉnh khỏi cơn mộng mị, vừa muốn buông xuôi, nằm đó trong vùng sáng của ngọn lửa đó, nghe tiếng nói của ai đó mặc dù những ấm êm ấy không có thật.

Một đứa con gái đang ngồi trên chiếc ghế duy nhất trong căn phòng. Tóc nó hơi dài hơn tóc tôi, và đôi mắt cũng vậy. Đôi mắt dài, đậm và có ánh sáng. Đôi mắt rất quen thuộc, nhưng cũng hư ảo lạ kỳ. Đứa con gái mặc một cái áo đen rất đen làm cho da nó trắng biếc. Chiếc áo có tay dài. Khi nó đưa tay vuốt tóc, tôi thấy ở cổ tay áo có thêu một cành mai nhưng chỉ rất mỏng, như ẩn như hiện.

"Cậu là ai?" - Tôi hỏi.

"Em của Mai."

"Tôi không có em."

"Em ở bên Mai từ nhỏ. Hai mươi hai năm rồi. Em giống Mai quá, nên em lẫn vào Mai, Mai không nhận ra."

"Còn hôm nay?"

"Hôm nay chúng ta đã lớn. Chợt dưng chúng ta không nhìn cuộc đời bằng cùng một cặp mắt. Chúng ta trở thành hai con người riêng biệt."

"Tại sao cậu lại đến với tôi, tại sao hôm nay?"

"Vì Mai đã biết buồn. Như thế Mai hiểu em hơn. Với lại…"

"Với lại sao?"

"Mai có nhớ câu Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh trong cuốn sổ bìa màu vàng không?"

"Có." - Tôi không biết tại sao cô gái lại gọi cuốn truyện là cuốn sổ, và tại sao lại có bìa màu vàng.

"Nếu mà trong sổ có tên Mai, nếu Mai có lúc thấy buồn, em muốn Mai biết là em luôn ở bên Mai. Dù chị em mình khác nhau, nhưng vẫn nên ở bên nhau."

Tôi thấy đôi môi cô gái màu tím, trông


như vẽ.

 

Hôm khỏi bệnh, khi mở ngăn tủ nhỏ ở đầu giường để lấy tiền đi ra chợ, tôi nhìn thấy bức thư của dì Ngọc Lan gửi từ Huế.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86800


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận