Tôi đến nhà cha tôi vào sáng thứ tư. Tôi mặc chiếc áo, mang đôi giày đắt tiền nhất mà tôi có. Tôi thuê xe taxi đi đến căn nhà đó. Tôi bấm chuông. Người đến mở cái ô nhỏ trên cách cửa sắt nhìn ra là một phụ nữ. Anh hôm nọ tôi đoán là tài xế đã đưa cha tôi đi làm.
"Quỳnh có nhà không hở cô?"
"Cô Quỳnh đi nước ngoài du học rồi, đi đã được nửa năm."
"Ô, bạn bè tệ thật, đi mà không báo cho cả lớp biết."
"Ừ. Cô ấy đi cũng hơi bất ngờ. Đáng lý ra là đến gần cuối năm mới đi, nhưng mà có thay đổi sao đó."
"Thế cha mẹ Quỳnh có nhà không ạ? Cháu có mang trả mấy món cháu mượn của Quỳnh."
"Mẹ của Quỳnh có nhà. Cô chờ tôi vào thưa nhé."
Vài phút sau chị giúp việc ra mở cổng. Cánh cổng nặng được kéo vào trong, vừa hở một khe đủ cho một người bước vào.
Bên trong là một cái sân rộng, có khoảng trồng cỏ, có khoảng lát đá hay gạch màu xanh xám. Sau hai cánh cổng, bên phải sân, là nhà để xe con. Cách một khoảng sân rộng, căn nhà chính nằm bên trái, đó là một biệt thự một lầu xây trên một nền cao, có những bậc tam cấp dẫn lên. Ở gần mảng tường góc bên kia có một cây phượng vĩ lớn, mùa này lá chỉ còn lưa thưa.
Chị giúp việc đưa tôi đến ngồi trong phòng khách. Mẹ của Quỳnh mặc một chiếc áo vải mềm in hoa màu da trời bước xuống với một nụ cười nằm mãi suốt một ngày trên hai bờ môi vẽ son sắc sảo. Tôi nói:
"Cháu định đến thăm Quỳnh và mang trả mấy quyển sách cháu mượn lúc học thi. Nhưng cô giúp việc mới nói cho cháu biết Quỳnh đi Thụy Sĩ rồi. Cháu xin gửi sách lại cho cô."
"Ồ, Quỳnh nó đâu có cần mấy cuốn sách này nữa."
"Nhưng cháu mượn thì vẫn phải trả. Nhờ cô cất hộ."
"Ừ, thôi để cô mang lên cất vào kệ sách của Quỳnh trên lầu. Từ ngày cái Quỳnh đi, cô vẫn để phòng nó y nguyên như lúc nó ở nhà… Cho đỡ nhớ. Nhiều khi cô đi thơ thẩn vào phòng Quỳnh, cứ tưởng như nó chỉ mới đi ra ngoài một chút, đến giờ ăn cơm lại gặp…"
Bà ấy hạ mi xuống rồi mở ra như vừa kịp chặn lệ tràn mi. Đôi mắt bà vừa long lanh, vừa duyên dáng và đầy hãnh diện.
"Cháu mang sách lên phòng Quỳnh giúp cô nhé!"
"Vâng."
Tôi cầm túi đựng sách đi theo bà ấy lên lầu. Phòng của Quỳnh đẹp như phòng những cô gái nhà giàu Âu - Mỹ ngày xưa mà tôi biết trong phim, êm đềm và thanh lịch. Có lẽ chủ nhân của nó đài các nhưng hiền lành, và ít chú ý tới thời thượng. Chúng tôi đi một vòng quanh phòng. Một cánh cửa tủ áo của Quỳnh mở hé, có mùi hương nhẹ từ đó bay ra lúc tôi đi ngang qua. Hai cửa sổ màn phủ từ trần đến chạm đất, kéo sang một bên. Tôi nhìn ra ngoài, các cành cây phượng vĩ lưa thưa những chiếc lá nhỏ lung linh trong ánh sáng rực rỡ lúc gần trưa.
Tôi đặt những cuốn sách lên kệ, chen vào những cuốn sách khác.
"Cháu xin lỗi đã đến làm phiền cô. Cháu không biết là Quỳnh đi nước ngoài rồi. Cháu gọi điện mãi, nhưng không được, cứ nghĩ là điện thoại của Quỳnh hỏng."
"Ồ không có gì phiền đâu. Ngược lại nữa kìa, cô rất vui khi gặp bạn của Quỳnh, cháu làm cô đỡ nhớ nó. Thỉnh thoảng cháu cứ đến chơi với cô, nói chuyện trường học, thầy cô giáo… Ồ, cô quên mời nước, cháu uống gì?"
Chúng tôi ngồi xuống hai chiếc ghế nệm nhỏ. Tôi nhìn bâng quơ trong phòng. Trên bàn học kê sát tường, cạnh cửa sổ, có một bức ảnh của Quỳnh trong một cái khung bọc da. Tôi có tất cả lý do để ghét đứa con gái đó. Nó bằng tuổi tôi, có lẽ sinh sau tôi vài tháng. Nó là lý do khiến cha bỏ mẹ tôi, hoặc ít ra, nó cũng là kết quả của sự chọn lựa của cha tôi, sự chọn lựa đã tàn phá chúng tôi. Và giờ đây, tôi bơ vơ còn nó có tất cả những thứ một đứa con gái mơ ước. Tôi bước tới bàn học để nhìn ngắm Quỳnh kỹ hơn. Để làm gì vậy? Tôi không biết. Tôi thấy hơi nhói ở tim. Quỳnh đẹp. Tóc nó không nhuộm và được cắt tỉa như con gái thời nay, nó để tóc thẳng, giản dị. Gương mặt Quỳnh không rực rỡ, nhưng có chiếc mũi đẹp. Chân mày nhạt trên đôi mắt hơi quá to làm cho Quỳnh có vẻ ngơ ngác, hơi mong manh đôi chút. Quỳnh sẽ không nổi bật trong đám đông, nhưng trông Quỳnh dịu dàng và một chút gì như thiên thần.
Tôi chợt thấy phía sau bức ảnh một quyển sách bìa màu vàng. Quyển sách có bìa úp xuống, nó nằm sát cạnh bàn bên trái, bức màn buông xuống chạm lấy gáy sách và che khuất một góc của cuốn sách. Tôi nghĩ là mình biết quyển sách đó, nhưng ở đâu? Không, tôi chưa từng thấy nó bao giờ, nhưng có người đã nhắc đến nó trong một câu chuyện mơ màng và lạ lùng. Tôi chưa nhớ là câu chuyện gì.
Tôi cầm quyển sách lên. Quyển sách đã cũ, bìa màu vàng đã phai đi nhiều. Tôi xoay bìa trước lên và đọc tựa: Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du - Bản song ngữ Việt - Pháp. Tôi chợt nhớ ra, trong giấc mơ, cô gái mặc áo màu đen đã nhắc tới cuốn sách này. Cô đã nói: "Mai có nhớ câu Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh trong cuốn sổ bìa màu vàng không?"
Tại sao quyển sách đó lại nằm ở đây?
Tôi nói với mẹ của Quỳnh:
"Thưa cô, không có Quỳnh ở đây cháu hỏi chuyện này cũng ngại, nhưng cô cho cháu xin lại quyển sách này được không? Nó là của cháu, cháu cho Quỳnh mượn."
"Vậy à? Thế mà tôi cứ tưởng cuốn sách ấy của bố Quỳnh."
"Thưa đúng là của cháu mà. Trước khi đi Quỳnh quên trả, cũng như cháu đã mượn sách của Quỳnh rồi quên hàng mấy tháng không mang sang."
"Ồ, nếu của cháu thì cháu cứ cầm về đi. Thì ra Quỳnh mượn của cháu mang về nhà rồi để đâu đó, chồng tôi cầm lấy xem, thế là tôi tưởng cuốn sách của ông ấy."
"Cháu cám ơn bác. Cháu đang cần cuốn sách để học thêm tiếng Pháp."
Tôi cầm cuốn sách bỏ vào túi xách của tôi rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh mẹ Quỳnh. Người giúp việc đã mang nước lên và rời căn phòng. Không gian thật êm đềm. Tôi không muốn phá vỡ sự êm đềm nơi đây. Nhưng tôi không được quên lý do tôi đến đây. Tôi đến đây để tìm câu trả lời cho câu hỏi của dì Lan.
"Thưa cô, Quỳnh sinh năm nào hở cô?"
"Cái Quỳnh sinh năm 1985. Cháu học chung lớp với Quỳnh mà, cháu không biết sao?"
"Dạ cháu biết chứ, bọn cháu đứa nào cũng sinh cùng năm tám lăm cả. Cháu chỉ hỏi cho có chuyện vậy thôi."
Tôi im lặng một lúc.
"Quỳnh sinh ở Hà Nội hay ở Sài Gòn?"
"Ở Hà Nội. Nó vừa được hơn hai tháng thì chúng tôi chuyển nhà. Tôi đưa Quỳnh vào trong đây, còn bố Quỳnh thì đi Liên Xô học phó tiến sĩ".
"Vậy là bác vào Nam hai mươi hai năm rồi."
"Ừ, thời gian qua thật nhanh. Bọn cháu còn trẻ chắc không thấy thế."
Hai mươi hai năm. Có một thứ gì đó giống như một niềm hy vọng mơ hồ, nó đến cùng với nỗi lo sợ cũng mơ hồ.
"Cháu muốn hỏi cô một chuyện này xảy ra lâu rồi. Cô cho phép cháu mới dám hỏi."
"Chuyện gì?"
"Cách đây cũng hai mươi hai năm ở Hà Nội có một cô gái trẻ mang tới nhà giao cho bác trai một đứa bé gái mới hai tháng tuổi. Bác có nhớ đứa bé ấy không?"
Mẹ của Quỳnh lặng đi một lúc.
"Tại sao cô hỏi những chuyện lạ lùng như vậy? Nhà này không bao giờ xảy ra những chuyện kỳ quái như vậy."
Gương mặt người đàn bà đanh lại, ngả sang màu chì, và trong sự giận dữ thảng thốt có nhiều lo âu. Bà ấy nhìn tôi như muốn hỏi tôi là ai, nhưng bà không hỏi. Sự thảng thốt tan nhanh sau một khoảnh khắc ngắn ngủi. Bà trở lại thân thiện.
"Cháu đùa gì kỳ lạ không thể tưởng tượng được, ai không hiểu sẽ giận cháu lắm đấy. Cái Quỳnh là con của cô mang nặng đẻ đau, cô sinh Quỳnh ở Tràng Thi, chứ có phải cô đặt hàng người ta mang lại giao tận nhà đâu. Đừng đùa đau tim như vậy chứ."
"Cháu không đùa đâu, đó là chuyện có thật. Việc ấy báo có đăng."
"Báo nào, đăng chuyện gì?"
"Báo nào cháu quên rồi. Một ngày, cháu không nhớ chính xác ngày nào, chỉ nhớ là cuối tháng Tám năm 1985 có một cô gái mang một đứa trẻ sơ sinh đến bỏ trước một căn nhà ở phố Tuệ Tĩnh. Đó chính là căn nhà của cô và chú."
"Sao cô biết căn nhà đó? Họ còn đăng những gì nữa?"
"Không lẽ cô không nhớ sao?"
"Tôi không đâu thì giờ xem những báo nhảm nhí ấy. Mà có xem thì cũng không nhớ. Mỗi ngày bọn họ đăng bao nhiêu là chuyện. Cô ở đâu mà có cái bài báo cũ rích đó?"
"Chắc chắn là cô phải xem chứ, và nhớ câu chuyện đó, vì nó xảy ra ngay trước nhà cô. Báo đăng rằng khi một người trong nhà mở bọc ra thì đứa trẻ đã chết từ lúc nào. Khi công an hỏi chuyện người lái xe đã nhặt cái bọc ấy, ông ta nhớ lại có trông thấy người mẹ vô lương tâm đã mang cái bọc có đứa bé đi bỏ. Cô ấy trẻ lắm, chỉ là một con bé con chừng mười bốn, mười lăm tuổi."
"Tôi không hiểu sao nhà nước lại cho phép mấy tờ báo in những cái tin câu khách không thật như vậy. Toàn tưởng tượng của bọn nhà báo biếng nhác và vô lương tâm."
"Cô nói đúng. Tờ báo ấy không nói sự thật. Một người mẹ dù trẻ dại đến mấy, khi con mình chết cũng biết đem chôn chứ sao lại đem đi bỏ ở lề đường? Sự thật là cô gái ấy trao cái bọc cho bác Lân chứ không bỏ ở lề đường, và trong bọc ấy có một đứa bé chứ không phải một cái xác chết. Nó chỉ là một sinh vật nhỏ xíu, nhưng mà nó còn sống. Sau đó chuyện gì đã xảy ra? Tại sao nó chết? Ai giết nó? Và tại sao? Người ta chôn nó ở đâu?"
"Cô bị điên dại hay cô có ý định gì mà lại dựng nên một câu chuyện lạ lùng như vậy?"
Người đàn bà nhìn tôi chăm chăm, trên gương mặt đanh lại vì giận là đôi mắt của loài sói long lanh. Đôi môi vẽ son rất kỹ mím lại, kéo thành một đường dài cong xuống đầy đe dọa.
"Cô là ai? Ai sinh ai đẻ ra cô? Ai thuê mướn cô? Cô không phải là bạn của con tôi. Cô vào nhà tôi mưu tính chuyện gì?"
Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi chợt thấy mình kiệt sức. Ánh sáng trong phòng dường như quá trắng, tai tôi nghe tiếng gió rít qua khe núi, thứ âm thanh tôi chưa bao giờ nghe, và giá băng từ bên trong tràn lên, cơn lạnh từ sống lưng lan ra mỗi phân da thịt. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tại sao tôi lại ngồi trong căn phòng này, trong ngôi nhà này, và hỏi những chuyện tôi không dám biết.
"Cô đi khỏi đây ngay. Không, cô ngồi đó, tôi kêu công an đến xem cô sẽ trả lời thế nào."
Người đàn bà đi đến nơi đầu giường của Quỳnh. Bà cầm điện thoại lên bắt đầu bấm số, nhưng cơn giận làm cho bà run rẩy và không gọi được.
Tôi đứng dậy cầm túi xách của mình chạy vội xuống cầu thang. Lúc vừa tới tầng dưới tôi biết mẹ Quỳnh đang chạy theo tôi. Tôi băng qua phòng khách, xuống các bậc thang trước nhà, băng qua khoảng sân trước rồi đến cổng. Cổng đã cài. Tôi đưa tay mở then nhưng nhận ra có một ống khóa ở đó. Tôi đập vào hai cánh cửa. Cô giúp việc chạy ra. Mẹ Quỳnh chạy đến cách cánh cổng một quãng thì ngừng và cố giữ nhịp thở cho đều lại. Tôi thôi không còn đường thoát. Tôi đứng áp mặt vào cổng sắt cho khỏi ngã xuống.
Không như tôi nghĩ, mẹ Quỳnh ra dấu cho người giúp việc mở cổng cho tôi bước ra ngoài. Cánh cửa đóng lại sau lưng tôi như không có chuyện gì xảy ra. Con đường trước nhà buổi trưa nắng chói chang.