Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 7

Chương 7
Trên chiếc xe khách chở Mai Du và đoàn giáo viên cấp 3 huyện H. về trường, có mấy anh bộ đội, súng lăm lăm trong tay.

Nghe đâu sáng nay tại sân vận động huyện H. sẽ có cuộc hành quyết một tên tù giết người. Xuống phà sông Lạc, Mai Du thấy sau xe mình có một chiếc xe con, cô nhanh chóng phán đoán, rồi mạnh dạn đến bên chiếc xe đó, lễ phép hỏi một người đàn ông cao lớn, ăn vận rất chỉnh tề:

- Thưa bác, cho cháu hỏi thăm, đây có phải là xe Viện Kiểm sát?

- Ờ, cháu tìm ai?

- Dạ, cháu muốn gặp bác viện trưởng, bạn đồng nghiệp của ba cháu. Ba cháu là...

May mắn thay, người đang đứng trước Mai Du chính là bác Trần Kha, viện trưởng Viện Kiểm sát Nam Định. Dầu chưa một lần tiếp xúc với ba của Mai Du, bác Trần Kha vẫn đón nhận con gái người đồng nghiệp như đón nhận con cháu mình từ xa trở về. Lên khỏi phà, bác muốn đưa cô cháu gái vào quán ăn sáng, muốn cô cùng ngồi xe con về xuôi, nhưng Mai Du xin phép về trước cùng các đồng nghiệp.

Đến bến xe huyện H. đoàn giáo viên qua cầu Yên, thẳng đến một cái nhà thờ rồi chia về hai ngả. Tốp có Mai Du đi vòng theo một con sông nhỏ nước đục ngầu, có hàng cây bàng xanh tốt ven bờ và con đường sỏi đá lởm chởm để về một căn nhà tập thể trong phố huyện.

 

Cuộc hành quyết kết thúc chưa bao lâu thì chiếc xe c on đã đỗ trước căn nhà tập thể: bác Trần Kha đến tìm Mai Du cho biết nơi ăn chốn ở của cô cháu nhỏ và trao cho cô địa chỉ nhà bác ở trên thành Nam để Mai Du có chốn đi về. Nhận biết hành trang của cô cháu gái từ khu IV ra chẳng có gì nhiều, bác Kha lấy làm ái ngại, muốn tặng Mai Du ít tiền nhưng Mai Du không chịu nhận. Lát sau, bác Kha trở lại với một chiếc vỏ chăn tiết kiệm màu xanh da trời: "Cầm lấy đi cháu ơi! Ở ngoài này lạnh chứ không như trong quê cháu đâu! Cháu có coi bác như là ba cháu


không đấy?".

Mai Du sung sướng và cảm động, chỉ còn biết "dạ" cảm ơn bác.

Chuẩn bị cho ngày khai trường, thầy hiệu trưởng Khánh thân ái bảo Mai Du: "Cô giáo mới ra mắt toàn trường bằng một buổi nói chuyện ngoại khóa nhé? Vấn đề gì do em chọn".

Mai Du hiểu rằng đây là kỳ "sát hạch" đầu tiên mà mình phải vượt qua. Cô đề xuất:

- Em... em định nói về ca dao - dân ca Bắc - Trung - Nam được không ạ?

- Ồ, tốt quá! Nhưng chỉ còn hai ngày, liệu em có kịp không?

- Dạ, em cố gắng ạ.

Mai Du trả lời ông hiệu trưởng, cũng là tự xác định cho mình. Cô vui vui khi nghĩ rằng thật không uổng công mình mang xách: trong cái túi lưới sách nặng nề của cô có mấy cuốn Ca dao - Dân ca. Vậy là Mai Du thức thâu đêm, vùi đầu vào chuẩn bị cho bài ngoại khóa.

Hàng mấy trăm cặp mắt chăm chú theo dõi cô giáo mới nói chuyện và tự minh họa về ca dao - dân ca Bắc - Trung - Nam. Sân trường trật tự như trong giờ học. Trước giờ giải lao, thầy hiệu trưởng vui vẻ hỏi:

- Các em nghe có thích không?

- Có ạ! - Cả sân học trò reo lên.

Nhưng khi chính Mai Du hỏi "Các em nghe có rõ không?" thì đám cử tọa ấp úng, trả lời rất lộn xộn:

- Nghe lạ lắm ạ.

- Có chỗ không nghe được ạ.

Mai Du hiểu: các em học trò miền biển ở đất khu III này chưa quen nghe giọng miền Trung. Vậy là, khi buổi nói chuyện tiếp tục Mai Du chuyển sang nói giọng Bắc, và cô yên tâm khi thấy gương mặt người nghe thư giãn hơn.

Khi Mai Du nói xong câu cuối cùng, thầy hiệu trưởng bắt tay cám ơn cô giáo mới. Mấy học trò gái nhanh nhảu tặng cô giáo một bó hoa đồng nội, cùng với tiếng vỗ tay kéo dài của cả trường.

 

 

*

*      *

 

Trong căn phòng nhỏ xinh xinh chừng bảy, tám mét vuông trên gác 2 có kê một cái bàn và hai chiếc giường cá nhân. Mai Du ở cùng chị Duyến, giáo viên Hóa. Mỗi bận Mai Du lên lớp, chị Duyến thường bảo: "Mai Du lấy đồng hồ của chị mà đeo". Khi chị Duyến và Mai Du trùng giờ thì ai đó trong nhà tập thể lại đưa đồng hồ cho Mai Du mượn. Mai Du thốt bật cười: "Học trò sẽ phải kêu lên: cô Mai Du có nhiều đồng hồ?!". Từ bữa đó, cứ trước giờ Mai Du lên lớp, cô đã thấy trên bàn mình để sẵn một chiếc đồng hồ nam quai nâu. Hẳn chỉ người chuyên xếp thời khóa biểu mới có thể làm như vậy. Dần dà, mọi người dễ dàng nhận ra: dường như cô Mai Du chỉ còn đeo một chiếc đồng hồ của thầy Khả, giáo viên Lý.

Thầy Khả người dong dỏng cao, có đôi mắt đen tròn sau cặp kính dày cộp, thường lên lớp với chiếc áo len cộc tay màu xanh, ở phòng lớn bên ngoài cùng với mấy anh giáo viên khác. Từ ngày Mai Du về trường, dường như Khả chưa hề hỏi chuyện cô lần nào, thảng hoặc chỉ một đôi câu trao đổi về điều chỉnh thời khóa biểu. Những khi gặp nhau ngoài hành lang, Khả chỉ chào Mai Du bằng một nụ cười. Cái miệng chúm chúm rất tươi - giống hệt miệng anh Nhật Tân - Mai Du thầm nghĩ, và cô cũng chỉ khẽ gật đầu chào đáp lại, hoặc nói một lời "cám ơn" khi trả lại anh chiếc đồng hồ. Vậy mà bây giờ, Khả quan tâm đặc biệt tới Mai Du bằng cử chỉ lặng lẽ và tế nhị đến vậy, Mai Du có chút phân vân, và bạn bè cũng đã bắt đầu trêu chọc. Nhưng từ khi thấy có những cánh thư từ Matxcơva và CHDC Đức bay về với Mai Du thì mọi người thôi gán ghép. Khả cũng không hỏi gì. Chỉ thỉnh thoảng anh giúp Mai Du làm đồ dùng dạy học, rủ cô đi mua giùm chúng bạn mấy chiếc bánh chưng bà Thìn, hoặc giả cùng Mai Du nối một vần thơ cho vui.

Khi giáo viên văn của lớp 10B (lớp cuối cấp) nghỉ ốm mấy tuần, Mai Du được phân công dạy thay. Mai Du tỏ ý ngần ngại, Khả động viên: "Anh Khánh đã lựa chọn rồi. Cô nên tự tin". Khả chỉ nói có vậy, nhưng Mai Du cảm thấy như mình có thêm sức mạnh tinh thần mỗi khi lên lớp mới.

Nguồn: truyen8.mobi/t86819-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận