Lúc thấy bao cao su bị rách, máu tôi dồn phắt lên đầu. Tôi bật dậy và chạy vội vào phòng tắm con con, cọ xà phòng thật kỹ và xối nhiều nước. Rồi tôi ngồi xuống đái. Ở Đức thì có lẽ tôi đã phóng đến trạm cấp cứu để lấy thuốc “phòng hỏa”, nhưng ở Campuchia tôi không còn cách nào khác là rửa, đái và sống ba tháng trong nỗi phập phồng cho đến khi thử thấy nhiễm HIV.
Tôi ra khỏi buồng tắm và thấy cô ngồi ủ rũ ở mép giường. Chắc cô đau đớn thấy tôi hốt hoảng chạy vào phòng tắm. Nhưng HIV không cho phép bận tâm đến những cảm xúc tương tự, nó chen vào không khí riêng tư và tàn phá bằng nỗi sợ. Trớ trêu thay, bao cao su ấy tôi nhận được ở tổ chức phòng chống AIDS ở Hamburg. Chắc người ta để nó quá lâu trong lọ trên quầy, nơi có nhiều nắng chiếu. Đôi khi cố quên đi là cách duy nhất có ý nghĩa. Do đó tôi nằm xuống giường cạnh cô và ôm cô.
Trước khi lên đường đi Phnom Penh tôi đoán gặp lại cô trong trạng thái trầm cảm. Nhưng ngược lại, cô còn có vẻ vui quá trớn. Tôi nhớ đến bức hình hai chúng tôi bơi trong bể bơi của một khách sạn. Cô đứng giữa bể, dang hai tay kêu: “Tôi muốn là cô gái số 1 thế giới!“ Cô muốn đến trường, học Anh văn, Pháp văn và Trung văn, và muốn biết mọi thứ.
Có thể cô muốn làm sống lại ký ức về những hy vọng từ mấy ngày đầu tiên bên nhau của chúng tôi ở Campuchia, ước mơ khi có tương lai chung sẽ trở thành những người như mong muốn. Nhưng như thế chẳng khác gì nhấn mạnh rằng hy vọng ấy chỉ còn là cái vỏ suông. Tôi không biết phải đáp lại ra sao hoặc nên nói gì. Là một gái làm tiền bị AIDS, cô sẽ chẳng đi đến nơi nào, chẳng học được gì, sống sót được là may. Vậy thì niềm vui khiên cưỡng ấy từ đâu ra? Có thể cô muốn giữ thể diện và che giấu sự bối rối của mình. Và nhất định cô muốn tôi giữ hình ảnh vui tươi hoạt bát của cô trong tâm trí để quay lại với cô.
Cô thích đi chụp ảnh cùng tôi. Một hiệu ảnh nhỏ nghèo nàn trong lối đi không cửa sổ dưới tầng trệt, hai bên tường treo đầy áo dài và com lê chua loét, vài cô gái Việt Nam và Campuchia son phấn ngồi dưới đất đợi đến lượt chụp ảnh cho bạn trai. Cuối lối đi là một loạt đèn chớp và một số cảnh nền trên màn vải: bãi biển, phòng vũ hội, vườn cây dưới trăng, huệ tây và phong lan. Chúng tôi chụp ảnh trước nền phòng vũ hội - tôi mặc com lê đen, Sreykeo trong áo dài đỏ với bờm tóc kim cương thắt lưng vàng, cả hai cùng cầm một bó hoa nhựa đầy bụi.
Lúc đi lấy ảnh tôi mới vỡ lẽ, trông nó như ảnh đám cưới. Cô quét ảnh trong một quán cà phê internet và gửi qua email đến các địa chỉ còn lưu trong hộp thư của bố mẹ tôi và các bạn tôi. Sau này tôi sẽ được biết là tấm ảnh gây ra nhiều xôn xao ở Đức. Dĩ nhiên hầu hết đều nghĩ rằng chúng tôi đã cưới. Sebastian viết: “Này các bạn, nếu tôi đoán đúng thì xin chúc mừng!” Nhưng cậu ta đã đoán sai.
Cô toàn gọi tôi là “look p’dey”, có thể dịch là “ông chồng” và nghe rất nghi thức, kể cả với người Campuchia. Một nhóm phụ nữ ngoài chợ nghe cô gọi tôi như vậy và cười ngất, nhái đi nhái lại giễu cợt. Thông thường cô sẽ gọi tôi là “baong” như một anh hay chị lớn tuổi hơn, nhưng ở Campuchia người ta cũng gọi người tình của mình như thế. Và Sreykeo muốn mọi người biết rằng chúng tôi không phải du khách cặp với ca ve, mà là đôi vợ chồng. Vì vậy tôi nên gọi cô là “praopun” - vợ. Nhưng tôi không chịu, vì nó giống một lời hứa sẽ cưới cô, và tôi không muốn đưa lời hứa ấy. Chưa muốn. Hoặc không bao giờ. Cô lại xìu hẳn đi và không nói gì.
Từ đó tiếp nối những đợt trầm cảm. Cô không thể ra quyết định ở bất cứ hoàn cảnh nào, làm tôi điên ruột. Tôi hỏi cô muốn ăn gì, cô nhìn thực đơn và nói “Em không biết.” Tôi hỏi cô có đọc được thực đơn không, cô nói “Không.” Vậy tôi đọc cho cô nghe, và cô lại nói “Em không biết.” Tôi hỏi cô có muốn một bát xúp Tom Yam và cô đáp “Tùy anh.” Thái độ lưỡng lự của cô làm tôi rất cáu và tôi phải cố nén.
Tôi hay suy nghĩ Sreykeo bị nhiễm bệnh này ở đâu - một ý nghĩ luôn bám chặt tôi. Xét theo thể trạng hiện tại thì chuyện đó chắc đã xảy ra trước đây vài năm. Cô ít kể về ngày xưa. Khả năng bị nhiễm từ một người phương Tây không cao. Qua chị gái mình Sreykeo biết về HIV và cách lây truyền, do đó cô luôn dùng bao cao su.
Đa số người phương Tây dùng bao cao su và đến ngay bác sĩ khi thấy trục trặc lặt vặt gì về sức khỏe. Hai lần Sreykeo quan hệ tình dục bất đắc dĩ. Một lần do vũ lực, lần kia ba người đàn ông cho thuốc vào cốc Coca của cô. Tôi đoán khá chắc chắn là cô lây bệnh lần ấy. Cô có căm thù thủ phạm không? Không. Có lẽ hắn chết rồi. Khả năng được điều trị y tế không cao. Nếu hắn vẫn sống thì đó cũng là một hình phạt đủ khắc nghiệt.
Phần đông người Campuchia theo đạo Phật, Sreykeo cũng thế. Họ tin rằng tất cả những gì xảy ra với mình đều do chính họ gây ra: hạnh phúc do việc thiện, bất hạnh do việc ác đã làm ở kiếp này hay kiếp trước. Tôi hỏi cô có tin rằng bị bệnh này là do đã từng làm một việc xấu không. Cô đáp: “Đúng thế, nhưng em không biết mình đã làm gì sai.” Cô tin việc xấu nhất mà cô từng làm trong đời là đi làm ở một quán bar.
Rồi cô cho tôi biết một chuyện ngày bé. Một hôm cô tìm thấy tổ chim có chim non bên trong. Cô thích quá và đem tổ chim về nhà. Tất nhiên mấy con chim non chết sau đó mấy hôm vì bố mẹ chúng không thể đem mồi đến. Hình ảnh chim bố chim mẹ bay về và thấy mất con cũng như chim non gọi bố mẹ rồi sau đó chết đói đã đeo đẳng suốt thời thơ ấu của cô, khiến cô tin có thể hình phạt là con virus nọ.
Chúng tôi chi nhiều tiền. Vượt sức chịu đựng của tôi. Tôi không thích sống ở nhà cô và nghe cãi cọ, do đó chúng tôi ở một nhà trọ ven hồ. Lần đầu tiên đến Campuchia tôi chỉ muốn thu thập kinh nghiệm, chứng kiến số phận và cảnh đói nghèo. Đó là một hứng khởi phiêu lưu đặc trưng sinh ra từ sự chán chường của những người có mức sống bậc trung. Nhưng giờ đây tôi ngán tận cổ thứ du lịch tìm hiểu đói nghèo. Kinh nghiệm thì tôi có rồi, không muốn có thêm nữa. Giờ đây chúng tôi đi bơi hay xem phim, mỗi ngày làm một việc khác. Quan trọng là lãng quên được một thời gian, nhưng sự lãng quên ấy cũng phải trả bằng tiền.
Tuy nhiên, lãng quên là điều quan trọng hơn hết. Bệnh tiến triển tiếp. Sreykeo có mụn bọc sau gáy to bằng đồng xu. Cô nhờ tôi nặn ra. Chẳng mấy chốc tôi thạo việc này. Đầu tiên tôi lấy kim khêu một sợi tóc mọc trên mụn ra. Sau đó tôi quấn sợi tóc quanh ngón tay rồi giật mạnh. Tôi khử trùng mũi kim bằng lửa hay cồn, khơi rộng vết thương rồi ấn cho ra hết mủ. Ở hoàn cảnh khác có lẽ tôi thấy ghê tay nhưng làm cho Sreykeo thì không. Trên vết sẹo mới không có tóc mọc nữa, cô phải búi ngược tóc lên để che đi.
Cô đã bắt đầu nói về kiếp sau. Không với vẻ kịch tính, mà như ngẫu hứng. Ví dụ khi đi ngang qua một ngôi nhà, cô mỉm cười: “Có thể em sẽ có một ngôi nhà như thế này.” Tựa như cô không nói về kiếp sau mà lập kế hoạch đi nghỉ vậy.
Hết chương 16. Mời các bạn đón đọc chương 17!