Sebastian hỏi tại sao tôi không đi xét nghiệm cho xong. Cậu cho biết là Sở y tế không những thử HIV miễn phí, mà còn giấu tên người đến thử.
Giờ tiếp khách trùng với giờ làm việc nên tôi nói với các đồng nghiệp là phải “đến bác sĩ” - không nói dối mà cũng chẳng phải sự thật. Viện Bernhard Noch nằm trên một triền dốc xuống sông Elbe ở quận St. Pauli. Trên nền nhà vẽ các lốt chân chỉ đường đi từ quầy tiếp tân đến chỗ xét nghiệm HIV. Quả thật người ta không hỏi tên tôi, mà tạo một mật khẩu từ chữ cái đầu tiên của tên mẹ tôi và ngày sinh của tôi. Ở phòng đợi có nhiều cô gái trẻ đến cùng bố.
Trước khi xét nghiệm là phần phát vấn. Tôi vớ phải một bác sĩ có cặp mắt buồn bã. Tôi kể cho ông biết về bao cao su rách và bạn gái. “Bạn gái anh ở đâu?“ ông hỏi tắp lự. Tôi biết tại sao ông hỏi. Nhóm E của virus này được coi là rất dễ lây qua đường tình dục dị tính và lan rộng ở Đông Nam Á. Để cho đỡ lằng nhằng, tôi nói cô ta là người Thái Lan. Vì có thể ông ta không biết Campuchia ở đâu.
“Anh có thấy triệu chứng không?” ông hỏi.
“Có.”
Ông lại thở dài và nói, một tuần nữa có kết quả. Tình trạng mập mờ còn tệ thêm. Tôi như chết vì căng thẳng.
Một hôm Tillmann gặp tôi ở căng tin, anh tôi kéo tôi ra một góc. Chúng tôi còn nợ cuộc nói chuyện. Anh nói, công việc của tôi ở ban biên tập hầu như không thể châm chước nổi nữa, tôi sắp bị cảnh cáo vì làm việc kém tập trung và thất thần. “Bê bối quá.” Tôi đi làm muộn. Tôi đãng trí, không tập trung vào việc gì được. Tựa như đầu tôi có một lỗ rò, hoặc một phần trong đó đã chết đi. Anh khóc và nói: “Anh muốn có lại thằng em ngày xưa của anh.” Tôi ngồi trước đĩa thức ăn và không biết phải làm gì. Tôi không thấy gì xảy ra xung quanh nữa. Tôi, thằng em bé bỏng của anh, nơi anh gửi gắm hy vọng sẽ có ngày làm nên kỳ tích.
Tôi đã biến thành một thằng khùng trầm cảm, có thể còn nhiễm HIV nữa. Trước mặt tôi là Tillmann, không chỉ là anh ruột tôi, mà còn là tổ trưởng của tôi, và anh đang khóc. Cái gì đã xảy ra với tôi vậy? Cuộc đời tôi đã thành một mớ bòng bong. Tôi nhìn vào gương và tự nói với mình: “Xin nhiệt liệt chúc mừng.” Con virus sẽ lôi mày xuống tầng đáy xã hội. Thoạt tiên các bạn sẽ thương hại mày, sau đó chúng nó rời bỏ mày. Một ngày không còn xa nữa, mày sẽ thòng lòng mũi dãi đứng độc thoại dưới gầm cầu và gây gổ với khách qua đường.
Nhưng tôi đi tiếp. Vì về mặt khác, tôi vẫn cảm nhận được trong mình một chí kiêu hãnh cứng đầu. Lần đầu tiên tôi không bắt chước người khác mà chọn cuộc sống của riêng mình và chấp nhận rủi ro đi kèm. Nó biến đổi tôi. Làm tôi linh hoạt thêm - tôi đã từ bỏ được mức sống cao của mình ngày trước vì thấy cần thiết. Tôi coi thời gian này như một dạng chiến tranh: ta sợ, hy vọng giữ được sức mạnh, luôn tự nhủ “rồi mọi sự sẽ trôi qua”, làm cái cần làm và hy vọng sẽ sống sót lành lặn. Nhưng ta không than vãn. Những gì xung quanh coi là xuống dốc không phanh thì tôi lại cho là biện pháp cần thiết. Tôi thực dụng hơn, hung hăng hơn, ít mơ mộng đi, không vị kỷ nhiều như trước. Tôi tự bằng lòng với mình hơn.
Ngày đó tôi chỉ có mục tiêu trước mắt là tìm một hướng điều trị HIV không thể thất bại. Có nghĩa là không được phụ thuộc vào cơ sở cung cấp thuốc, bác sĩ hay tổ chức phi chính phủ. Riêng đối với tôi, tôi phải đủ kiến thức về liệu pháp đó để đánh giá được chất lượng một bác sĩ Campuchia, và nếu cần sẽ tự tiến hành điều trị. Tôi chật vật nghiên cứu mọi tài liệu cơ bản về điều trị HIV và bày lên nền nhà các tờ giấy vẽ mũi tên hợp thành một hình như tán cây. Mỗi cành cây là một sự kiện có thể xảy ra trong quá trình điều trị, mỗi nhánh mọc từ đó ra là một biện pháp tiềm năng. Ví dụ trên một tờ giấy viết “Azidothymidin + 3TC + bắt đầu với Nevirapin.” Một mũi tên chỉ đến “Hemoglobin < 8 gam/dL, thiếu máu do Azidothymidin,” từ đây lại một mũi tên dẫn đến “Giảm Azidothymidin xuống 250 mg, ép thành một viên, nếu được,” mũi tên khác chỉ sang ”Thay Azidothymidin bằng D4T, chuyển nhóm thuốc,” vân vân. Tôi cứ thế học thuộc lòng như học từ mới. Một người bạn, Hi-Khan, giúp tôi lùng tin tức ở Campuchia. Anh ta là người tị nạn sang Đức từ bé, trưởng thành ở đây và hôm nay lãnh đạo một tổ chức nhỏ tên là Sorya điều hành một số trường học ở Campuchia. Cùng một lái xe ôm, anh đi gõ cửa khắp các nhà thuốc, công ty nhập khẩu dược liệu, văn phòng Liên hợp quốc và tổ chức phi chính phủ để tìm ra nơi nào có thuốc gì ở Phnom Penh. Tôi luôn kiên nhẫn đợi email của anh.
Tất nhiên tôi không nói gì cho bố mẹ biết về nỗi sợ nhiễm HIV. Tôi không thể nói chuyện với bố mẹ về đề tài ấy để họ lo lắng quá mức. Thay vào đó tôi cố tạo ra ấn tượng rằng tự tôi sẽ xoay xở được hết.
“Chẳng có tổ ấm”
Rốt cuộc thì Sreykeo cũng kể cho gia đình biết cô bị nhiễm bệnh. Nhưng không hẳn do chủ ý. Cô kể cho tôi biết đầu đuôi qua điện thoại. Cô và mẹ cô cãi nhau vì chuyện bàn chải răng. Bình thường cả nhà có mấy bàn chải răng nát be bét trong nhà tắm. Ai vớ được cái nào thì dùng cái ấy. Mới đây Sreykeo mua riêng một cái, dùng xong cô không để trong nhà tắm mà đem giấu dưới đồ đạc của mình. Mẹ cô nhìn thấy và làm ầm lên, bảo cô tự cho mình là thứ gì cao sang hơn những người khác trong nhà. Sreykeo nói, cô dùng riêng bàn chải vì cô bị HIV dương tính và không muốn đứa em út bị lây. Mẹ cô vẫn quát tháo rằng cô chỉ nói dối để làm ra vẻ quan trọng và bà đánh cô bằng cái mắc áo.
Khi bà biết sự thật thì cũng chẳng ích gì cho Sreykeo. Bà chỉ nói: “Nếu mày chết, chúng tao quẳng xác mày ra vệ đường. Tao trả tiền đám ma cho Djiat, nhưng mày thì tao quẳng ra vệ đường.” Xưa nay giấu bà chuyện bệnh tật càng lâu càng tốt là đúng. Sreykeo nức nở: “Em không có tổ ấm. Không ai làm gì tốt cho em.”
Chính Sreykeo cũng làm cho xung đột dâng cao. Mỗi khi cãi nhau với mẹ và chị, cô nói, khi nào cô sang Đức thì cả nhà phải tự xoay xở lấy. Cô sẽ không giúp gia đình nữa. Đó là lời dọa hiệu nghiệm, vì thiếu Sreykeo cả nhà sẽ lụn bại. Mẹ cô cay độc bác lại, tôi sẽ không cưới cô khi có bệnh AIDS và đem sang Đức. Bà thúc cô xin tôi đưa thêm tiền, và cô đừng hy vọng gì thêm ở tôi, đằng nào tôi cũng không quay lại.
Giả sử cô sống không gia đình thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều. Tôi phải tự thú rằng chính tôi coi gia đình cô chỉ là gánh nặng, cần cắt phăng đi như cái chân bị hoại. Liệu cô có thể thuê một căn hộ và sống không gia đình? Ai không cùng sống với gia đình một nhà thì cũng không có trách nhiệm về họ, tôi thử huyễn hoặc chính mình như thế.
Gia đình luôn cần tiền. Mẹ cô phải trả nợ, hay tiền nhà chưa thanh toán, hoặc Djiat phải mua thuốc. Bệnh trạng của Djiat ngày càng lộ rõ, cô không thể đi kiếm tiền nữa. Mẹ Sreykeo gây áp lực bắt cô đưa tiền. Ví dụ bà nói: “Nếu mày không đưa tiền cho mẹ thì chủ nhà sẽ tống cả nhà ra đường.” Hoặc bà cố làm cô mặc cảm có lỗi: “Cả nhà mắc nợ nhiều như vậy vì phải trả tiền bệnh viện hồi mày mười lăm tuổi ốm nặng.”
Thực ra họ có thể tiết kiệm tiền nếu sống có tổ chức hơn. Họ có thể đi chợ mỗi ngày một lần và cùng nấu ăn. Nhưng vừa có chút tiền trong túi là người nào cũng đi ăn ngoài đường. Về đến nhà là bị những người khác xin xỏ, để rồi lại lấy tiền ấy đi ăn ngoài đường. Kết quả là hai chị em không về nhà khi có chút tiền trong túi. Đôi khi họ biến mất vài ngày liền và trọ ở nhà bạn. Tuy gia đình có món nợ chung nhưng ai tiêu tiền người nấy. Bà mẹ kêu la và đánh đòn nhưng bà không thể chỉ huy được gia đình.
Nhưng không chỉ gia đình này ngốn hết tiền. Khám bệnh và thuốc thang rất đắt. Mỗi lần khám bệnh ở bác sĩ Marlow, bất kể lâu hay chóng, giá 20 đô la. Ông cũng hay gửi tiếp đến bác sĩ khác để khám mắt hay phụ khoa, và họ cũng đòi tiền. Sreykeo phải mua thuốc và làm trả tiền chụp X-quang, xét nghiệm máu và CD4. Một lần đến quầy chuyển tiền của Western Union tôi sửng sốt nhận thấy cô nhân viên ở đó thuộc lòng số chứng minh thư của tôi.
Khi Sreykeo hạ giọng trong điện thoại là tôi biết cô đã cạn tiền. Đôi lúc tôi quát cô, hoặc tôi chỉ buông một câu “Xin lỗi, anh không giúp em được.” Sau đó là một khoảng im lặng dài. Tiền đã hủy hoại lòng tin của tôi với cô, vì rất dễ suy luận rằng cô chỉ yêu tôi vì tiền. Tôi cũng nói thế với cô, và chính điều đó lại hủy hoại lòng tin của cô với tôi.
Cô cố gắng tránh sự đối đầu này bằng cách đi vay tiền. Khi tôi gửi tiền cho cô, tiền ấy lập tức được dùng để trả nợ. Sau đó cô lại gọi điện và hạ giọng hỏi tôi có thể gửi tiền không - sau khi đã hai ngày nhịn đói. Một lúc nào đó tôi bắt đầu trả khoản tiền gửi đi bằng thẻ tín dụng, vì số tiền được phép chi lạm đã hết từ lâu. Vậy là khoản nợ của tôi và Sreykeo thi nhau tăng lên. Ít tiền là một chuyện, hoàn toàn không có tiền là chuyện khác hẳn.
Để cho công bằng tôi phải nói thêm rằng, khi trở về từ chuyến đi châu Á đầu tiên tôi đã mắc nợ rồi, nguyên nhân là lối sống buông thả của tôi. Nhưng tình cảnh lúc này đã bế tắc tuyệt đối. Nhìn vào phiếu in số dư tài khoản không khác gì bị cú đấm vào dạ dày, số tiền nợ chất chồng thành một tổng số gấp mấy lần lương tháng của tôi. Máy ATM thậm chí còn không nhả ra đồng nào trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi lương tháng đã chuyển vào và tiền nhà chưa bị trừ đi.
Mỗi sáng tôi dậy sớm hơn một tiếng để đến tòa báo, vì tôi không mua nổi vé tàu điện. Tôi đi bộ qua nửa thành phố. Trong tủ lạnh chỉ còn một chai nước xốt. Căng tin tòa báo là cứu tinh của tôi, vì ở đó tôi trả tiền ăn bằng thẻ cơ quan - tiền này được trừ vào lương. Hai ngày cuối tuần mới gay: đôi khi tôi bấn loạn lên vì đói. Tôi lục lọi trong tủ kiếm thứ gì có thể cho vào mồm, đôi khi chỉ là những hỗn hợp khó tiêu như cơm với dừa nạo khô và xốt cà chua.
Tôi phải tiết kiệm. Người ta vẫn nói tự nấu ăn rẻ hơn ăn ngoài đường, nhưng không hẳn thế. Ở quận Altona có một người Thổ bán món “Pomm-Dôner”: một túi khoai tây chiên đẫm dầu và thịt nướng Dôner. Tôi nghi là không ở đâu có thể trả hai euro để kiếm được nhiều năng lượng hơn. Tôi thường vét những đồng xu cuối cùng để mua một túi Pomm-Dôner như con nghiện bị vật. Muốn phát rồ khi thiếu mất mười cent - một đồng xu lẻ mà ngày xưa có thấy ngoài đường tôi cũng lười không cúi nhặt.
Tôi bố trí tỉ mỉ kế hoạch đi chợ. Rẻ nhất trần đời là đồ đông lạnh ở dãy tủ lạnh của cửa hàng Aldi. Hoa quả đắt hơn nhiều. Vậy thì tôi ôm một đống pizza đông lạnh và viên vitamin. Ngoài ra luôn nên có cốm yến mạch trong nhà: không thức ăn nào chứa nhiều tinh bột hơn. Kế đó là gạo. Gạo cũng tiện để kết hợp với đủ loại các đồ ăn khác. Mỡ và tinh bột không đắt như đạm. Nguồn đạm rẻ nhất là thịt gà tây và cá thu hộp.
Tôi cắt thuê bao internet. Email gửi từ cơ quan cũng được. Người ta tiết kiệm khối tiền khi chọn sản phẩm vệ sinh thân thể. Vì một lý do nào đó mà xưa nay tôi toàn gội đầu bằng dầu gội hàng hiệu. Dùng thứ khác là tôi có cảm giác như gội đầu bằng nước sông vậy. Cạo râu ướt rất đắt, và nếu dùng lưỡi lam cùn thì trông rất khiếp. Giờ thì tôi hiểu vì sao lưỡi lam lại là thứ hay bị ăn cắp nhất. Máy cạo râu điện thu hồi chi phí rất nhanh.
Nguồn tài chính tiếp theo là vỏ chai. Tôi lấy chai nước từ tòa soạn về, thu thập vỏ chai ở nhà đem trả để lấy tiền mua thức ăn. Tôi đã biết cách mua theo chiến thuật. Mặt hàng nào Aldi không có thì tôi mua ở Penny, Penny cũng không có thì tôi ra Lidl, nhưng cũng chỉ khi thật cần thiết. Giấy vệ sinh và cà phê tôi lấy từ tòa soạn.
Để biết đã mua bao nhiêu đồ, tôi luôn đem theo một máy tính bỏ túi khi đi chợ. Sợ nhất là ra đến quầy thu ngân, thả một đống tiền xu xuống bàn - và không đủ. Không gì nhục hơn.
Có lẽ tôi là người duy nhất ở Altona mặc quần bò thủng đít vì thực sự không có tiền mua quần mới. Tôi cũng không có tiền cắt tóc. Có lần tôi thử tự cắt tóc trước gương. Hoặc nhờ chị cắt cho. May mà tóc tôi rất xoăn, giấu được nhiều lỗi.
Tôi thường xuyên gọi điện cho Sreykeo, nhưng hầu như chúng tôi chỉ nói đến các kết quả xét nghiệm: CD4, enzym chuyển hóa, dung lượng hồng cầu. Luôn có một bệnh nào đó làm đề tài nói chuyện. Cô mờ mắt và phải đến bác sĩ nhãn khoa, sau đó lại bị viêm tai giữa, mặc dù hình như vừa dùng kháng sinh để chữa xong? Tất nhiên cô không hiểu các bác sĩ nói gì. Cô quét đơn thuốc và kết quả xét nghiệm bằng scanner ở quán cà phê internet và gửi qua email cho tôi. Tôi giải thích qua điện thoại.
Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục các thói quen trong quan hệ xưa nay, ví dụ như trò gầm gừ mới tìm ra trong lần tôi đến Campuchia gầy đây: cuối mỗi cuộc điện thoại chúng tôi gầm gừ với nhau như hai con thú dữ. Tiếng cô rất dễ thương và chúng tôi lần nào cũng phì cười. Dường như tiếng gầm gừ ấy đến từ một thời khác - thời trước virus. Như cái phao để bám vào.
Cuối cùng cô cũng chuyển khỏi nhà mẹ và thuê một căn phòng nhỏ ở thành phố. Cô nói, cô sợ sẽ mất tôi nếu còn ở lại với gia đình. Tất nhiên tôi không cho cô biết là mình tin chắc đã bị nhiễm bệnh. Để làm gì? Chỉ làm cô thêm cảm giác có lỗi. Và làm tình cảnh rối ren thêm.
Hết chương 22. Mời các bạn đón đọc chương 23!