Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 16


Chương 16
Bình minh ngày 9 tháng 5.

Tin chiến thắng bay về Moskva vào lúc 3 giờ sáng ngày 9 tháng 5 năm 1945 khi người dân còn say ngủ.

Bị đánh thức bởi tin báo trên đài, dòng người hân hoan đổ ra Quảng trường cổ kính, nơi Lăng Lenin sừng sững vươn cao như biểu hiện sống động của lòng kiên cường, tính vĩnh cửu và bất khả chiến thắng của tổ quốc.

“Tôi chạy ra Quảng trường Đỏ - cậu học sinh Valentin Berestov ghi trong nhật ký - Trời rạng dần... Một đám đông đi ngang qua trường đại học, vừa đi vừa hô to “Ura!”. Một cô bé chạy ngang qua Viện bảo tàng lịch sử: “Chúng em gõ vào cửa sổ tất cả các nhà ở tầng một. Chiến thắng rồi!...”

Trên Quảng trường Đỏ mọi người túm năm tụm ba. Bốn người phụ nữ khoác tay nhau hát “Chàng trai dũng cảm...”. Ba khoang cửa sổ ở Điện Kremli bừng sáng, ai đó dán mắt nhìn qua cửa sổ. Người ta chúc mừng nhau, tung mũ lên trời và kêu to “Ura!”. Người ta chúc mừng chiến thắng người công an đứng lặng lẽ cạnh Lăng.

Những người đi dọc trường đại học rồi cũng đổ ra Quảng trường Đỏ. Phía trước là ba người đang nhảy một vũ điệu Nga. Phía sau và xung quanh hô vang “Ura!”. Người ta kết vào với nhau, nấm tay nhau và có cảm giác toàn bộ Quảng trường như trống vắng. Mọi người tạo thành một vòng lớn. Thay cho vũ điệu, người ta chỉ đơn giản kết thành một chuỗi chạy vòng trên Quảng trường. Chuỗi người đứt quãng, những chuỗi người mới lại đan xen, hòa vào nhau, chuỗi này xuyên qua chuỗi kia. Các điệu vũ bắt đầu.

Từ phía Bảo tàng Lịch sử đổ ra dòng người với những lá cờ - hình như họ mới treo chúng lên hay tháo ra từ đâu đó. Người ta vẫy cờ và kêu to “Ura!”... Một bài hát cứ vang mãi: “Thủ đô thân yêu của chúng ta...” Suốt thời gian đó chân ta cảm thấy rưng rưng và lòng tràn đầy một nỗi sảng khoái phi thường.

Một sĩ quan mặc quân phục đeo các tấm huy chương xuất hiện trên quảng trường. “Tung anh ta lên nào!” - Và người sĩ quan bay lên cao, tay cố giữ chiếc mũ kepi. Người ta thả anh ta xuống khi chiếc mũ cuối cùng cũng rơi ra. Sau đó là những cái ôm và cái hôn. Đầu tiên anh ta bị hôn, sau đó anh ta tự mình tìm và ôm hôn tất cả... Một người phụ nữ nhảy múa. Cô cầm trong tay một chiếc bi đông, nhưng chân cô vẽ ra những vũ điệu hoàn toàn độc lập với tay. Cô đánh rơi nắp bi đông. Ai đó nhặt lên. Cô bắt đầu gõ nắp vào thành bi đông.

Những thiếu nữ vừa hát vừa múa, đi thành một hàng. Hai chàng trai với cây đàn ghi ta đi ở hai bên. Những chiếc dây đàn ghi ta đứt tung, và những chàng trai không nhận thấy điều đó, tiếp tục gõ tay vào hộp đàn bằng gỗ. Một cô gái với mái tóc mềm mượt chạy lại phía người công an hôn anh ta tới tấp, chỉ tay về phía đám đông, mời gọi: “Đi với chúng em đi...”. Cô gái lại bỏ chạy, ôm hôn một người công nhân mặc chiếc áo bông trần, sau đó hôn một vị giáo sư đang đi cùng bà vợ.

Khắp nơi dân đổ ra đường. Họ đi, tay cầm cờ và những bông hoa giấy. Những thương binh mặc áo choàng bệnh viện màu nâu cũng đổ ra đường. Mọi người cười với họ, nhường đường, sợ động vào làm họ đau.

Chín giờ sáng. Mặt trời mọc trong lớp khói sương vàng óng, xua tan cái lạnh buổi sáng. Và tự nhiên mọi người đều kéo về Lăng Lenin, về chỗ những tấm đá khắc tên những chiến hữu của Người - những người thành lập nên một cường quốc chiến thắng. “Mọi người lặng lẽ xếp hàng đi ở phía sau lễ đài, ngắm nhìn bức tường thành Kremli và những chậu hoa quý hiếm, những thảm cỏ cạnh tường, - một nhà chép sử trẻ tuổi ghi lại. Công an ngăn những người khác lại: “Các đồng chí, đừng làm thế. Họ dẫm bừa cả rồi”. “Chúng tôi đang muốn tung tẩy mà ...” Nhưng sau đó người ta nhận ra là không thể giữ được trật tự. Niềm phấn hứng chiến thắng tỏa ra thật chân chất, tự nhiên như hương đồng gió nội”.

Mọi người hào hứng vui chơi đến tận khuya trên Quảng trường Đỏ, bên dãy tường Lăng. Cảm giác như Lenin cũng vui mừng đón chào chiến thắng cùng với nhân dân.

Lễ duyệt binh Chiến thắng

Ngày 24 tháng 6 năm 1945 trên Quảng trường Đỏ bên Lăng Lenin đã cử hành lễ duyệt binh chiến thắng. Các trung đoàn đại diện cho tất cả mười phương diện quân - từ Phương diện quân Karelia ở tận phía Bắc đến Phương diện quân Ukraina số 3 nằm ở tít phương Nam - xếp thành đội ngũ chỉnh tề trước Lăng Lenin. Tập trung ở đây là những chiến binh xuất sắc nhất, có cả binh nhì lẫn nguyên soái. Đứng trong hàng ngũ của họ có những người đã bắt đầu con đường vinh quang của mình vào cái buổi sáng âm u ngày 7 tháng 11 năm 1941 cũng chính tại đây, trên quảng trường này bên cạnh Lăng Lenin.

Mưa rơi từ sáng. Hình như những giọt lệ vui sướng và đau khổ hòa lẫn với nhau rơi trên Quảng trường Đỏ, rơi trên những lá quân kỳ chi chít vết đạn, rơi trên các khối vuông quân sĩ tham gia lễ duyệt binh Chiến thắng.

Từ lễ đài trên Lăng Lenin, nguyên soái G. K. Zhukov đứng duyệt lễ diễu binh và chúc mừng các chiến sĩ cùng toàn thể nhân dân nhân ngày lễ vĩ đại.

“Một niềm phấn hứng đặc biệt - G. K. Zhukov nhớ lại - bao trùm tất cả mọi người khi các trung đoàn anh hùng bước đi hùng dũng, trang trọng, đàn hàng ngang đi qua Lăng V. I. Lenin. Dẫn đầu các đoàn quân là các tướng lĩnh, các nguyên soái quân binh chủng và nguyên soái Liên Xô nổi danh trong các trận chiến đánh bại quân phát xít”.

Những người anh hùng với bước chân nhịp nhàng diễu qua như những đợt sóng nối tiếp nhau. Tất cả đều ngoảnh mặt về phía Lăng Lenin. Những chiến binh dường như muốn báo cáo: “Thưa đồng chí Lenin! Lời di huấn của đồng chí về việc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã được hoàn thành!”

Âm nhạc đột ngột lặng đi. Những hồi trống đanh gọn vang lên trên quảng trường. Một đoàn chiến binh tiến tới phía Lăng Lenin, trong tay họ là những quân kỳ phát xít họ đoạt được, mũi cờ chúc xuống đất. Những quân kỳ này đã từng tung bay trên Warsaw và Paris, trên Belgrade và Athens, Tunisia và Tripoli...

Theo ý đồ của bọn quốc xã, lẽ ra những quân kỳ này cũng phải phấp phới bay trên đô thành Moskva. Nhưng nước Nga đã chuẩn bị cho chúng một số phận khác hẳn. Ngày 24 tháng 6 năm 1945, những tấm vải sặc sỡ với hình chữ thập ngoặc đáng nguyền rủa đó đã bị kéo lê một cách nhục nhã trên mặt đá ô vuông ẩm ướt của Quảng trường Đỏ. Khi tới gần Lăng, hàng quân đầu tiên với thái độ khinh bỉ ném mạnh những lá quân kỳ của địch xuống chân tường Lăng Lenin, cho chúng chịu nỗi nhục nhã. Trên lễ đài vang lên những tràng vỗ tay và những tiếng hô “Ura!”. Các hàng quân nối tiếp, dưới tiếng trống không ngừng, tiếp tục vứt những lá cờ tiếp theo xuống. Những chiếc cán gỗ đập xuống mặt đường gây một âm thanh trầm đục ảm đạm. Chẳng mấy chốc hai trăm lá cờ của các đơn vị quân Đức bị tiêu diệt nằm chất đống dưới chân Lăng Lenin. Những lá cờ hiệu của quân kẻ cướp phát xít nằm thành một đống vải sặc sỡ nhàu nát. Trong số chúng có cả lá cờ hiệu riêng của Hitler, kẻ đã mơ ước đứng trên Quảng trường Đỏ duyệt lễ diễu binh của quân đội Đức nhân dịp chiếm được thủ đô của nhà nước Xô viết.

“Một khoảnh khắc không gì so sánh nổi - nguyên soái G. K. Zhukov nhớ lại - khi 200 cựu chiến binh dưới nhịp trống ném 200 lá quân kỳ phát xít xuống chân tường Lăng Lenin. Hãy để những kẻ phục thù, những kẻ thích phiêu lưu quân sự nhớ đến sự kiện lịch sử này!”

Cuộc diễu binh của Hồng quân, người đã cứu thế giới khỏi bọn phát xít, kéo dài hai tiếng đồng hồ.

Như dòng thác trào dâng suốt cuộc chiến tranh,

Qua những cánh đồng xa thiêu cháy,

Hồng quân đã đến tận Berlin

Hàng ngũ vững vàng như khi đứng trước Lăng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gian khó đó người ta đã đưa hình ảnh Lăng Lenin nằm chính giữa tấm huân chương quân sự cao nhất của đất nước - Huân chương Chiến thắng.

Không phải ngẫu nhiên mà tháng 9 năm 2003, Hội nghị nguyên thủ của các nước SNG đã ra quyết nghị: trên tấm kỷ niệm chương ban hành nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít Đức có hình tấm Huân chương Chiến thắng với hình Lăng Lenin nằm chính giữa. 

Hết chương 16. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26612


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận