Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 2


Chương 2
Trên lưng hành khúc - và tiếng cười nức nở.

Sáng ngày 22 tháng 1, viện sĩ A. I. Abrikosov ướp thuốc cho thi thể Lenin. Người ta dự tính cần phải bảo quản thi hài trong vài ngày trước khi mai táng, để cho càng nhiều đoàn đại biểu của giới lao động, trong đó có các đoàn đại biểu nước ngoài có thể đến vĩnh biệt lãnh tụ càng tốt.

Cũng vào ngày hôm ấy, các thành viên chính phủ và ủy viên Trung ương ĐCS Nga (Bolshevik), cũng như những người bạn gần gũi nhất của Lenin đã đến Gorki.

V. I. Lenin nằm trên tầng hai, trong căn phòng nhỏ mà Người đã ở cho đến cuối đời. Còn trong căn phòng lớn ở tầng một có cây thông quấn các vòng hạt, nến và sương giả bằng bông mà “người làm người xứng nhất này”(5) đối với trẻ em làng đã bày ra. Người yêu quý lũ trẻ nghịch ngợm ấy. Ngay cả khi chúng ham mê chơi đến mức làm ồn ĩ, nô đùa và nhào lộn trên thảm, thì bệnh nhân Ilyich cũng bảo mọi người cứ để chúng chơi đùa.

Trong nỗi đau buồn sâu sắc “đội cận vệ Lenin thuần tác phong lãnh tụ”(1) đứng trực bên linh cữu Lenin.

“Người nằm đó! - phóng viên báo Sự thật M. Koltsov viết khi đó. - Không hề thay đổi. Người vẫn giống ngày nào làm sao! Khuôn mặt điềm tĩnh, chỉ hơi nở một nụ cười không lặp lại, không thể truyền đạt được, một nụ cười tinh quái như trẻ em mà chỉ những người trông thấy mới hiểu; môi trên hơi nhếch lên một cách lanh lợi, hoàn toàn sống động với hàng ria cứng. Dường như chính Người cũng đang thắc mắc trước những gì đang xảy ra: Lenin mà lại không đi lại, không vung chân vung tay, không sôi sục, không phẩy tay, không chạy bằng những bước ngắn vui vẻ theo đường tròn. Lenin mà lại chịu nằm thẳng một cách tuyệt vọng, tay để ở tư thế nghiêm, vai ngay ngắn trong chiếc áo khoác cổ cứng màu xanh...”

Suốt đêm trong ngôi nhà ấy không ai ngủ cả. “Các vị lão thành”, như cách gọi những người đến đây của M. Koltsov - thủ trưởng của những cơ quan lớn của nhà nước, do Lenin thiên tài lập ra - ngồi ủ rũ trên đi văng, trùm trong những chiếc áo choàng dài, nhớ tới mọi thứ ở Lenin, từ những câu đùa, sự sinh động toát ra trong mọi mặt, tới “sự tự ái như khi đánh cờ”, từ đôi giày trượt băng, thư từ trao đổi, tới sự tinh tế trên tình đồng chí bao la của Lenin...

Trời chưa sáng mà ngoài sân đã chật ních những người dân đến từ các làng xung quanh và xa hơn. Những bác nông dân già cả đời trồng lúa mì lén lau nước mắt, đang đứng vào đội ngũ túc trực bên quan tài của người đã tung ra khẩu hiệu nhiệt tâm vào những ngày Tháng Mười năm nao “Ruộng đất cho nông dân!”

Các đại biểu của Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ XI và của công nhân Moskva đi chuyến tàu hỏa đặc biệt đến Gorki.

Khoảng 10 giờ sáng, thi hài Vladimir Ilyich được cẩn thận đặt vào quan tài đỏ, bạn bè và chiến hữu của Người nhấc quan tài lên. Quan tài bồng bềnh và từ từ hạ xuống theo các bậc cầu thang. Sau đó nó được đưa ra ngoài nhà và đặt xuống đất. Một nỗi đau khôn tả làm lạnh buốt tâm hồn, một nỗi buồn xé nát trái tim từng người. Những bông tuyết rơi xuống vầng trán cao của Lenin... Người ta đóng nắp quan tài. Những người Bolshevik sắt đá trong các trận đánh ác liệt giờ đang khóc.

Từ đấy đến ga xép đường sắt Gerasimov(1) quãng năm kilômét.

Mọi người lặng lẽ khiêng quan tài qua cánh rừng và cánh đồng. Con ngựa nhỏ chạy lon ton phía trước, còn người nông dân ngồi trên xe trượt tuyết loại thấp, gắng rải cành vân sam lên đường đi. Phía sau quan tài là dòng người đưa tiễn như một dải băng đen. Dải băng ấy kéo dài từ khu dinh thự đến ga xép. Đứng trên các đồi xung quanh là các bà các mợ bế ẵm trẻ con, các cụ già chống gậy, lũ trẻ lặng thinh với cặp mắt đẫm lệ tiễn đưa đám tang.

Một giờ sau đã hiện ra ngôi nhà màu vàng của ga xép.

Tàu hỏa từ từ lăn bánh... Rồi nó biến mất trong đám bụi tuyết, để lại trên sân ga đám đông đầu trần như đang đông cứng lại.

Từ nơi ấy đến Moskva là 30 kilômét. Những người nông dân đi tàu đến các ga và ga xép Rastorguevo, Biryulevo, Kolomenskoye... Nhiều người cùng gia đình đã tới các ga ấy từ tối hôm trước, chân tay lạnh cóng phải sưởi và kiên nhẫn đợi đến khi tàu chở Ilyich thân yêu của họ tới. Khi tàu đi đến, người dân đứng bên toa chở thi hài Lenin những giây phút ngắn ngủi để rồi vĩnh biệt Người. Họ đứng lặng im, chỉ đôi khi cánh phụ nữ cất tiếng... Tàu hỏa chuyển bánh, còn họ vẫn đứng lặng như tượng, mặt lầm lũi, đầu trần...

Vào lúc 13 giờ đoàn tàu tang trong tiếng nhạc tang tiến vào ga Paveletskaya ở Moskva. Cái nhìn của những người đứng đón - các ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên dân ủy(1), ủy viên BCHTƯ toàn Liên bang và BCHTƯ toàn Nga, đại biểu Đại hội các Xô viết - đều hướng về phía toa đầu tiên... Trên sân ga là các đồng chí, các chiến hữu của Lenin. Trong số họ có những cựu thành viên phái “triệu hồi”(2), phái “liên quận”(1), “những người cộng sản phái tả”(2), phái “tập trung dân chủ”(3), phái “đối lập công nhân”(4)... Cả đội ngũ thể hiện các sắc thái sinh động của cách mạng. Còn có hành động dại dột gì mà các chiến hữu gần gũi nhất của Lenin không phạm phải trong quá trình hoạt động cách mạng, nhưng Lenin vẫn thủy chung không từ bỏ một ai trong số những người trung thực tuy có lúc họ dao động, có giây phút nhát sợ, có khi lầm lạc một cách chân thành. Lenin không tước đi của họ điều chủ yếu: được tham gia cách mạng hằng ngày. Nhiều lần Người phê bình gay gắt. Người cười chê, thuyên chuyển họ từ khu vực này sang khu vực khác. Người dạy họ sự khôn ngoan, trí lự. Người trang bị cho họ những tư tưởng, chỉ dẫn thực tiễn, dẫn họ tới đích. Lenin đã dẫn Đảng vượt qua mọi trở ngại.

Lenin cho rằng sự thống nhất của Đảng lan tỏa trên cơ sở các ý kiến, nhận định đa dạng, các cách tiếp cận thay thế nhau. Khi đó sự thống nhất sẽ là có ý thức, chứ không phải sự thống nhất bề ngoài và máy móc. Người không coi việc có ý kiến khác biệt là điều xấu mà là ưu điểm. Người đánh giá những con người độc lập, biết tìm ra những hạt giống hợp lý ở những người phản biện. Một trong những bài học từ Lenin là ở đó, mà sự phớt lờ bài học này đã phải trả giá quá đắt.

Người ta mang các vòng hoa ra khỏi toa đầu tiên. Khúc nhạc tang cất lên nức nở, rồi từ cửa toa ló ra quan tài phủ hoa.

Thi hài của vị lãnh tụ cách mạng được hộ tống bởi đội vệ binh hỗn hợp: tiểu đoàn 2 Trường bộ binh Moskva, đại đội các khóa học cấp cao, đại đội Học viện quân sự của Hồng quân công nông, đại đội của lữ đoàn kỵ binh đặc biệt và khẩu đội pháo tập.

Quanh nhà ga và trên mọi đoạn đường mà đoàn rước linh cữu đi qua, ngay từ sáng sớm đã có hàng vạn người lao động Moskva tụ tập. Người ta đứng trên ban công, leo lên mái nhà. Mặc dù giá lạnh khủng khiếp, nhưng nhiều nhà vẫn mở toang cửa sổ. Trên mọi gương mặt đều biểu lộ nỗi bàng hoàng đau buồn.

...Phía trước đoàn rước linh cữu là các vòng hoa. Tiếp theo các vòng hoa là những lá cờ tang... Quan tài màu đỏ được các chiến hữu của Lenin, công nhân và nông dân khiêng... Đi sau linh cữu là những người thân của Vladimir Ilyich, đội gác danh dự, các ủy viên Trung ương ĐCS Nga (Bolshevik), Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, ủy viên BCHTƯ Liên Xô và BCHTƯ toàn Nga, Hội đồng Dân ủy Liên Xô và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang (CHXHCNXVLB) Nga, Hội đồng Quân sự cách mạng, các đoàn đại biểu nhà máy và xí nghiệp. Đội vệ binh hộ tống đi khóa đuôi.

Đường lũy Zatsevsky, phố Kuznetskaya, ngõ Klimentovsky, phố Pyatnitskaya, phố Balchug... Nơi đây Người đã đến không chỉ một lần khi còn sống... Nơi nào cũng xuất hiện những dòng người Moskva đau buồn. Trên đầu họ là các bức chân dung Lenin. Các biểu ngữ đung đưa nhè nhẹ: “Lenin đã mất, nhưng sự nghiệp của Người vẫn sống”, “Ilyich sống trong trái tim công nhân”, “Không khóc, hãy cảm nhận trách nhiệm lớn lao đang đặt lên vai những người sống!”.

Ở gần cầu Moskvoretsky, những chiếc máy bay bay qua đám rước linh cữu và thả truyền đơn lễ tang.

Vladimir Ilyich được khiêng chậm rãi dọc bức tường Kremli, khu mộ Cách mạng, nơi yên nghỉ đời đời của các anh hùng trong những trận đánh Tháng Mười.

Đường ngang Kremlyovsky, quảng trường Cách mạng, quảng trường Sverdlov...

Tới Nhà Công đoàn, đón đám rước là đội danh dự, đứng thành hai hàng.

Quan tài còn chưa kịp sắp xếp xong mà bên ngoài Nhà Công đoàn đã rồng rắn đoàn người tụ tập để muốn vĩnh biệt vị lãnh tụ.

Cứ mười phút lại đổi kíp bốn người trong đội vệ binh túc trực bên linh cữu. Đứng lặng cùng họ, không nhúc nhích là A. A. Andreyev, K. Ye. Voroshilov, F. E. Dzerzhinsky, M. I. Kalinin, S. M. Kirov, L. B. Krasin, D. Z. Manuilsky, A. I. Mikoyan, V. P. Nogin, G. K. Ordzhonikidze, M. D. Orakhelashvili, G. I. Petrovsky, Ya. Z. Rudzutak, A. I. Rykov, I. V. Stalin, M. P. Tomsky, M. N. Tukhachevsky, M. V. Frunze, A. D. Tsyurupa, V. Ya. Chubar, A. Ye. Badayev, A. S. Bubnov, S. V. Kosior, N. Narimanov, ...

...19 giờ. Dòng người tràn vào hai lối chân cầu thang của Nhà Công đoàn. Mọi người để đầu trần, lặng lẽ bước lên cầu thang.

- Đau xót thật, Lenin nằm kia... - một công nhân đứng tuổi nói khẽ.

Bộ đèn chùm pha lê rọi ánh sáng qua mạng nhiễu tang mỏng dính như bị sương mù bao phủ. Những lá cờ tang thò ra từ hàng cột trắng quấn các súc vải màu đen và đỏ. Ilyich nằm trên bệ cao ở giữa phòng, giữa đám cọ xanh và rất nhiều vòng hoa chất chồng, có đính dải băng.

Đoàn đại biểu thành phố mang tên Pyotr Đại Đế tiến vào phòng: 1000 công nhân và chiến sĩ Hồng quân, được bầu chọn trong các cuộc họp truy điệu, thay mặt cho giai cấp vô sản Petrograd đã đến nghiêng mình bên linh cữu Lenin. Họ đặt hoa và cờ dưới chân quan tài.

Và đây là 200 công nhân xí nghiệp Uralmed. Vòng hoa của họ mang câu nói nổi tiếng của Lenin: “Làm cách mạng thích hơn viết về nó”.

700 người từ nhà máy Motor trên đường Serpukhovsky...

4000 sứ giả của ngành đường sắt thành phố Nizhny Novgorod.

Có những lúc tiếng khóc át cả tiếng dàn nhạc.

Tất cả các cửa của Nhà Công đoàn đều đã được mở, vài dòng người được vào cùng lúc. Thế nhưng dòng sông người ấy vẫn không cạn. Phía trên là dòng chuyển động của nào áo bành tô cũ sờn, khăn trùm, nào mũ dạ Hồng quân kiểu kỵ binh Budyony, nào mũ lưỡi trai lấm lem dầu mỡ, nào mũ có vành... Phía dưới thì nào ủng thường, ủng da thô ostashi, ủng dạ, nào giày đan. Những ông bố và bà mẹ giơ con lên cao cho con nhìn thấy rõ hơn và ghi nhớ hình ảnh người ông Lenin.

Một cựu binh của cuộc nội chiến đi nạng dừng lại, dùng mấy ngón tay cứng không gập được gỡ huân chương trao cho đội danh dự túc trực và nói ngắn gọn: “Trao cho lãnh tụ!” Thế rồi kéo đôi nạng nặng nề bước đi trên sàn bóng...

Hai công nhân đỡ một người mù đi vào. “Anh bạn đi vào đây làm gì?”, người ta hỏi anh chàng mù. Anh ta đáp: “Đừng lo, tôi nhìn thấy sự im lặng và cảm nhận được Lenin”.

Nhiều người bình thường đã thay ca cho các nhà cách mạng tiếng tăm trong đội danh dự túc trực bên linh cữu. Nào com lê, nào áo sơ mi vải hoa thò ra ngoài gi lê, nào áo ngắn vá vài chỗ, nào khăn len mạng mấy chỗ. Các ủy viên BCHTƯ toàn Nga và các cán bộ có trọng trách khác trong đội danh dự túc trực nhường chỗ cho những người công nhân và nông dân đến từ mọi miền của đất nước.

Đêm mùa đông băng giá buốt lạnh, nhưng dòng người vẫn ùn ùn kéo đến. “Tôi muốn ôm lấy quan tài”, một phụ nữ vào viếng Nhà Công đoàn đã viết trên báo Sự thật ngày ấy. “Lenin Người ơi, trái tim, bộ óc, máu thịt của cháu đây, hãy nhận đi... Người hãy nhận đi. Và chỉ cần một góc mắt Người hãy nhìn xem, một góc tai Người hãy nghe xem, tất cả chúng cháu yêu Người biết bao”.

Hàng triệu người đã nghĩ như vậy

Cảnh tượng nhân dân tiễn đưa lãnh tụ hùng tráng không bao giờ quên được đã gợi cho nhà thơ bật ra những câu lay động lòng người:

Lúc này

giá có ai

biết làm phép lạ

bảo chúng ta chết

thì Người sống lại -

đê phố sẽ vỡ tung

quần chúng ùa ra

sẵn sàng

hy sinh

miệng vẫn hát ca. (1)

Ngày và đêm hàng người vẫn đi vào Phòng Khánh tiết Nhà Công đoàn. Một dòng người kéo dài từ Vườn Aleksandrovsky qua quảng trường Cách mạng và quảng trường Sverdlov, một dòng người khác kéo dài từ Petrovka dọc theo tường Nhà hát Lớn; trên phố Mokhovaya và tổ hợp thương mại Okhotnyy ryad có vài hàng người xếp rồng rắn...

Cái lạnh giá tháng giêng làm buốt da, gió dữ cứa vào mặt. Nhưng mọi người vẫn không bỏ cuộc, họ đứng suốt bốn - năm tiếng đồng hồ chỉ để có mặt bên linh cữu Lenin một - hai phút... Vô số đống lửa được nhóm lên cháy rừng rực để người ta có thể sưởi ấm; khói lan ra, che mờ những đôi mắt vốn đã nhòe lệ.

“Tại Nhà Công đoàn, trong Phòng Khánh tiết đặt linh cữu Lenin - phóng viên Mikhail Bulgakov viết. - Suốt cả ngày lẫn đêm, trên quảng trường tụ tập những đám đông xếp thành hàng ngũ, trông như những dải băng dài vô tận, khuất vào các phố và ngõ lân cận và đổ vào Phòng Khánh tiết. Một Moskva của giai cấp công nhân đến đây để nghiêng mình trước thi hài Ilyich vĩ đại”.

Trong ba ngày đêm đã có khoảng nửa triệu người vào viếng linh cữu V. I. Lenin. Hơn chín nghìn người đổi gác ở đội túc trực bên linh cữu.

Ngày 26 tháng 1 diễn ra kỳ họp tang lễ của Đại hội các Xô viết toàn liên bang lần thứ hai. M. I. Kalinin khai mạc kỳ họp.

I. V. Stalin là người phát biểu thứ tư, sau M. I. Kalinin, N. K. Krupskaya và G. Ye. Zinoviev. Stalin thề thực hiện di huấn của Lenin: giương cao và gìn giữ trong sạch danh hiệu vẻ vang đảng viên của Đảng Cộng sản, giữ gìn sự thống nhất của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, đem tất cả sức lực củng cố liên minh công nông, củng cố và mở rộng liên bang tự nguyện và sự hợp tác anh em của các dân tộc Liên Xô, tăng cường Hồng quân và Hải quân Đỏ.

Phát biểu tại kỳ họp tang lễ còn có N. I. Bukharin, L. B. Kamenev, A. I. Rykov, K. Ye. Voroshilov, M. P. Tomsky, nữ chiến sĩ cộng sản Đức Klara Zetkin, đại diện các dân tộc Ngoại Kavkaz (Transcaucasus) N. Narimanov, đại diện các dân tộc Turkestan Sha-Abdurasulov, người công nhân Petrograd A. N. Sergeyev, người nữ vô sản Moskva Zvereva, người nông dân A. B. Krayushkin, viện sĩ hàn lâm S. F. Oldenburg, người thay mặt Đoàn thanh niên cộng sản P. I. Smorodin.

Đại hội đã quyết định dựng tượng đài Lenin ở Moskva, Kharkov, Tbilisi, Minsk, Leningrad và Tashkent, gấp rút xuất bản các tuyển tập Lenin bằng nhiều ngôn ngữ, nhất là các thứ tiếng phương Đông dành cho đông đảo các tầng lớp công nhân và nông dân, biên soạn Toàn tập tác phẩm của Lenin, ủng hộ đề nghị của công nhân Petrograd về việc đổi tên thành phố của họ - cái nôi của cách mạng - thành Leningrad. Đại hội cũng ra nghị quyết lập Quỹ mang tên Lenin để “giúp đỡ trẻ em bơ vơ, nhất là các nạn nhân của nội chiến và nạn đói”.

Sau khi bế mạc phiên họp tang lễ, các đại biểu Đại hội đã đi đến Phòng Khánh tiết Nhà Công đoàn để viếng Lenin.

Ngày 26 tháng 1 vào lúc 24 giờ, mặc dù còn nhiều người mong muốn vào vĩnh biệt lãnh tụ nhưng không thể lọt vào Phòng Khánh tiết, một số đoàn đại biểu vẫn còn trên đường đến Moskva, người ta đã chấm dứt lễ viếng thi hài Lenin: ngày hôm sau được quyết định là ngày mai táng.

*  *  *

Trong ba ngày 23, 24 và 25 tháng 1 năm 1924, UBTƯ ĐCS (Bolshevik) và Ban tang lễ đã nhận được hơn một ngàn bức điện và thư, trong đó nhân dân yêu cầu: hoãn mai táng và bảo quản thi hài Vladimir Ilyich.

...Những cố gắng ướp xác các nhân vật danh tiếng đã có từ thời cổ. Chẳng hạn, Alexander Đại Đế xứ Macedonia (thế kỷ IV trước Công nguyên) khi mất đã được quân lính trung thành bảo quản lâu trong mật ong. Những người cùng thời với vua Aristobulus của người Judea cũng được hưởng vinh dự ấy. Các ý định tương tự về việc giữ gìn lâu dài thi hài các nhân vật lịch sử xuất sắc cũng xuất hiện ở châu Âu. Chẳng hạn, năm 1135 người ta ướp xác vua Anh Henry I, còn năm 1410 người ta ướp xác giáo hoàng La Mã Alexander V. Điều này bác bỏ những khẳng định dối trá rằng dường như việc giữ gìn thi hài kiểu như vậy là trái với tinh thần Kitô giáo. Chỉ có điều những cố gắng này và những nỗ lực khác đã không thành công. Việc ướp xác nhà phẫu thuật Nga nổi tiếng N. I. Pirogov (1810-1881), hơn 120 năm yên nghỉ trong quách bằng kính ở lăng mộ tại điền trang “Anh đào” của ông gần Vinnitsa được nhiều người quan tâm. Cần nói thêm rằng việc ướp xác N. I. Pirogov theo ý nguyện của quả phụ vợ ông đã được Hội đồng Tối cao đạo Chính thống Nga (Holy Synod) cho phép.

...Một trong những bức điện đầu tiên gửi đến Moskva là bức điện từ nhà máy Putilovsky, trong đó công nhân và kỹ sư nhà máy đề nghị: “Cần làm sao để Ilyich vẫn bên cạnh chúng ta về mặt hình thể và để cho đông đảo quần chúng lao động có thể nhìn thấy được Người”.

Công nhân quận Rogozhsko-Simonovsky của Moskva viết: “Trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên đưa thi hài vị lãnh tụ vĩ đại được yêu mến nồng nhiệt vào lòng đất. Chúng tôi đề đạt ướp thi hài rồi đặt vào một hòm kính hàn kín để có thể bảo quản thi hài lãnh tụ trong hàng trăm năm...”

Nông dân tổng (volost) Sharlyk tỉnh Orenburg đã nhất quyết rằng thi thể Lenin “không mai táng trong lòng đất như người bình thường, không để khuất khỏi con mắt của chúng ta, mà giữ lại bằng cách ướp”.

Công nhân đường sắt Kiev đề nghị “giao ngay cho các chuyên gia bàn thảo vấn đề giữ gìn thi thể Vladimir Ilyich yêu quý đến ngàn năm”. Các thợ mỏ Donbass gửi điện: “Cơ hội được nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu, dù là bất động, cũng phần nào làm nhẹ bớt nỗi đau mất mát và cổ vũ chúng ta đi tới những trận chiến đấu và thắng lợi tiếp theo”. Nhiều công dân đã viết thư đề nghị: “Không chôn thi hài Lenin, mà ướp và đặt trong viện bảo tàng trung ương - bằng cách đó giai cấp công nhân có cơ hội được nhìn thấy vị lãnh tụ của giai cấp vô sản”.

Dòng thư và điện với yêu cầu tương tự mỗi ngày một tăng.

Ngày 25 tháng 1 Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Liên Xô đã ra quyết định:

“Nhằm đáp ứng nguyện vọng của rất nhiều đoàn đại biểu, và những thỉnh cầu gửi đến BCHTƯ Liên bang Xô viết và với mục đích tạo cho tất cả những ai muốn đến dự lễ an táng nhưng chưa kịp đến Moskva cơ hội vĩnh biệt vị lãnh tụ kính yêu, Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Liên bang Xô viết quyết định:

1. Lưu giữ quan tài có thi hài Vladimir Ilyich trong hầm mộ(1), để mọi người có thể vào thăm viếng.

2. Xây hầm mộ bên tường thành Kremli, trên quảng trường Đỏ, gần mộ tập thể của các chiến sĩ Cách mạng Tháng Mười”.

Ngày 26 tháng 1 quyết định này được Đại hội các Xô viết toàn Liên bang lần thứ hai thông qua.

Trong phim tài liệu Tháng Giêng đau buồn của năm hai mươi tư, phát hành năm 1990, các tác giả kịch bản đã thêm rằng N. K. Krupskaya “không thông qua quyết định này”. Nhiều người hiểu câu nói đó nghĩa là dường như Krupskaya chống lại việc xây Lăng. Điều đó không đúng. Sự thật được biết là N. K. Krupskaya đã có mặt tại Đại hội, bà phát biểu tưởng nhớ Lenin và bỏ phiếu thông qua quyết định xây Lăng. N. K. Krupskaya không nói một lời nào chống lại việc xây Lăng.

Thế thì tại sao lại có khẳng định trên? Đúng là trong một thời gian Nadezhda Konstantinovna phản đối việc ướp thi hài Lenin lâu dài (chứ không chống lại việc xây Lăng). Ngay sau khi Lenin từ trần, thi hài Lenin đã được ướp tạm cho vài ngày chờ đến khi mai táng, để bất cứ ai muốn đến vĩnh biệt Người cũng được trông thấy Người ở Nhà Công đoàn... Nhưng từ ngày 23 tháng 1 hàng nghìn bức thư và điện bắt đầu tới tấp gửi đến với yêu cầu không chôn cất Lenin, mà giao cho các nhà khoa học bảo quản khuôn mặt Người cho nhiều năm sau. Chẳng bao lâu sau đó, thể theo nguyện vọng của đông đảo người lao động, N. K. Krupskaya đã đồng ý với họ(1).

Tuyên bố “giật gân” của nhà hoạt động văn học Yu. Karyakin tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô năm 1989 rằng dường như Lenin muốn được chôn bên cạnh mộ mẹ của Người ở nghĩa trang Volkovo chỉ là tin vịt không hơn không kém. Cả các nhà khoa học lẫn người thân của Lenin, không ai biết tới một di chúc như vậy.

Cháu gái gọi Lenin bằng bác là Olga Dmitriyevna Ulyanova làm chứng: “Tôi muốn tuyên bố hoàn toàn chắc chắn rằng những khẳng định của Karyakin không đúng sự thật. Suốt những năm ấu thơ và tuổi trẻ tôi sống với các thành viên gia đình Ulyanov, - cha tôi Dmitriy Ilyich, cô Maria Ilyinichna, bác Anna Ilyinichna(2), bác Nadezhda Konstantinovna ở Kremli và Gorki...

Chưa bao giờ có người nào trong số họ nói rằng có một bản di chúc nào đó của Lenin về chuyện mai táng.

Hơn một phần tư thế kỷ tôi nghiên cứu các văn bản lưu trữ của Vladimir Ilyich Lenin và của gia đình Ulyanov, thư từ trao đổi, hồi ức của họ nhưng chẳng ở đâu thấy nhắc đến một chút gì về “giả thuyết” mà Karyakin đưa ra. “Sự việc” mà ông ta nói đến không hề được tài liệu nào xác nhận”.

Còn đây là ý kiến của các nhà khoa học. Tiến sĩ khoa học lịch sử A. M. Sovokin, trưởng phòng Các tác phẩm của V. I. Lenin của Viện chủ nghĩa Marx-Lenin, trực thuộc UBTƯ ĐCS Liên Xô đã tuyên bố: “Cả Nadezhda Konstantinovna lẫn những người thân và chiến hữu của Vladimir Ilyich, đều không ai đặt vấn đề chôn cất lãnh tụ”. Phó tiến sĩ lịch sử A. N. Shefov, giám đốc bảo tàng “Phòng làm việc - căn hộ của Lenin ở Kremli cũng xác nhận như vậy. Đáp lại đề nghị của các nhà khoa học yêu cầu Karyakin cho biết ông ta lấy tin này từ nguồn nào, Karyakin nói loanh quanh: hình như ông ta nghe thấy điều này ở đâu đó... khi nào đó... từ ai đó. Bản thân ông ta ắt cũng biết rằng chẳng có di chúc nào cả - ông ta không thể không biết! - thế mà vẫn lươn lẹo.

“Sáng kiến” của Karyakin là một trong những cuộc tấn công đầu tiên của một số người giở khoa hùng biện để rắp tâm lật đổ các nhân vật uy tín của lịch sử Xô viết.

Những người tham dự Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô đã không ủng hộ Karyakin. Trái lại, G. V. Bykov (đại biểu Leningrad) đã tuyên bố từ diễn đàn nghị viện rằng phát biểu của Karyakin mang tính chất xúc phạm làm ông phẫn nộ tận đáy lòng. Ông nói: “Đặt Vladimir Ilyich Lenin trong Lăng trên Quảng trường Đỏ là ý nguyện của nhân dân, là sự tưởng nhớ của nhân dân, do đó chúng ta phải giữ gìn ý nguyện ấy, tưởng nhớ ấy mãi mãi”. Các đại biểu nhân dân V. I. Yarovoy (từ Tallin) và A. A. Sokolov (từ Nizhny Novgorod) đã gọi những lời của Karyakin là sự thóa mạ. Để tỏ thái độ đối với phát biểu của ông ta, những người tham dự Đại hội đã vào Lăng đặt vòng hoa và viếng Lenin. Các bức ảnh chụp buổi viếng Lăng đó đã được tất cả các báo đăng trên trang nhất.

Còn bây giờ chúng ta hãy trở lại tháng Giêng đau buồn của năm 1924.

...Lễ tang Lenin được ấn đ 3010 nh vào ngày 27 tháng 1. Đưa quan tài ra khỏi nơi viếng vào lúc 9 giờ, an táng vào lúc 16 giờ.

9 giờ 20 phút. Những lá cờ ở cửa Nhà Công đoàn ngả rũ xuống đất. Trong tiếng nhạc hành khúc đưa tang các nhà lãnh đạo Đảng và công nhân khiêng linh cữu bước ra. Đám tang chầm chậm đi về hướng Quảng trường Đỏ.

Phía trước linh cữu là khoảng một nghìn vòng hoa. Cờ của Ủy ban trung ương Đảng, cờ của Quốc tế Cộng sản, cờ của Hội cựu tù khổ sai chính trị rũ xuống phủ lên quan tài của vị lãnh tụ trong loạt chào cuối cùng.

Đến 9 giờ 30 phút thì những đại biểu đầu tiên mang vòng hoa đã bước tới Quảng trường Đỏ. Quảng trường Đỏ đầy chật người. Ở đây có các sứ giả đến từ Moskva, Leningrad, Kharkov, Kiev, Smolensk và nhiều thành phố khác. Ở đây có các đoàn đại biểu công nhân và nông dân. Trên đầu họ là những lá cờ có đính dải băng tang.

Những bức tường thành Kremli cổ kính khoác màn sương giá mà cơn rét tê tái vắt ra từ đá, dường như cũng bạc trắng vì đau buồn, theo mô tả của báo chí. Mọi người không ai nghĩ đến cái lạnh cắt da cắt thịt. Ai cũng hướng mặt về đám tang. Nước mắt như đóng băng trên má...

Vào lúc 9 giờ 43 phút quan tài được đặt lên bục và phủ cờ của UBTƯ ĐCS Nga (Bolshevik) và cờ của Quốc tế Cộng sản.

Để bày tỏ lần cuối lời chào tiễn biệt đối với vị lãnh tụ, đoàn kỵ binh hộ tống phi nước đại ngang qua linh cữu, tiếp sau đó là những cỗ pháo.

Vang lên lời kêu gọi của Đại hội các Xô viết toàn Liên bang lần thứ hai “Gửi nhân loại lao động”, được thông qua hồi đêm trong phiên họp tang lễ:

“Chúng ta đang an táng Lenin... Mất Lenin, chúng ta đã mất đi người thuyền trưởng chính của con tàu chúng ta. Tổn thất này không gì bù đắp nổi. Bởi vì trên toàn thế giới chưa có một cái đầu nào sáng láng như của Lenin, một kho kinh nghiệm nào to lớn như thế, một ý chí nào kiên cường như thế. Nhưng chúng ta vẫn nhìn vào tương lai không chút sợ hãi...

Hỡi các đồng chí và các anh em! Hãy giương cao hơn nữa những lá cờ đỏ của chúng ta! Không do dự trong cuộc đấu tranh giải phóng vĩ đại của chúng ta!”

Vào lúc 9 giờ 55 phút trong tiếng nhạc bài Quốc tế ca những hàng công nhân tiến vào Quảng trường Đỏ. Phía trước là quận Zamoskvorestsky, nơi Lenin có tên trong tổ chức Đảng quận. Sau đó là quận Krasnopresnensky, với vinh quang của những cuộc dấu tranh cách mạng năm 1905.

Buốt giá càng tăng - tất cả xung quanh trong màn sương mờ tuyết giá... Đoàn công nhân dự đám tang đi kéo dài đến sáu tiếng đồng hồ.

15 giờ 55 phút. Những lá cờ được lấy khỏi quan tài. Gió thổi tung những ngọn cờ tang. Sự yên lặng não lòng đã đến. Nó bị ngắt quãng bởi những tiếng sụt sùi cố nén. Bộ đội bồng súng lên chào. Dòng người của quận Sokolnichesky đi qua, dừng lại và hạ cờ xuống.

Trong giai điệu Quốc tế ca mà đồng hồ tháp Spasskaya cất lên, N. I. Bukharin, F. E. Dzerzhinsky, G. Ye. Zinoviev, L. B. Kamenev, V. M. Molotov, Ya. E. Rudzutak, I. V. Stalin, M. P. Tomsky khiêng quan tài lên chầm chậm đi vào Lăng.

Vào giây phút này cả đất nước ngừng hoạt động, từ vùng Bắc Băng Dương đến vùng cận nhiệt đới Adzharia, từ tiền đồn phía Tây Kronshtadt đến tiền đồn phía Đông Sakhalin. Máy móc lặng đi, người bộ hành đứng lại, tàu điện, ô tô, xe lửa dừng lại. Mọi người bỏ mũ ra.

“Tôi nghĩ rằng việc Ilyich mất đi đã thúc đẩy công việc. Toàn Đảng đoàn kết an táng Lenin và mọi người đều khóc ”.

Nhưng hỡi ôi, những bất đồng chẳng bao lâu sau bắt đầu bộc lộ, hơn nữa ở dạng rất gay gắt, và phức tạp thêm vì sự đối địch cá nhân trong Đảng. V. I. Lenin đã từng cảnh báo về nguy cơ này trong “Thư gửi Đại hội” và nhấn mạnh rằng “đây không phải là chuyện vặt, hay là loại chuyện vặt có thể có hệ quả màng tính quyết định”. Nhưng không ai nghe Lenin cả.

Loạt đại bác tiễn đưa rền vang. Trên không trung Moskva, trên không trung các nước cộng hòa mồ côi vang lên tiếng còi nhà máy, công xưởng, tàu thủy... Tín hiệu thông báo: “Các đồng chí, hãy đứng lên, chúng ta đang hạ huyệt cho Ilyich”.

Thế là chiếc quan tài, sau khi lắc lư lần cuối trước mắt mọi người, đã lặng lẽ hạ xuống dưới. Nó đi dưới hàng cờ bắt chéo ở trước cửa hầm mộ rồi mất hút khỏi mặt đất.

Trong Lăng người ta nhẹ nhàng, lặng lẽ hạ quan tài xuống một cái bệ đặc biệt và phủ cờ của Quốc tế Cộng sản và của UBTƯ ĐCS Nga (Bolshevik). Đột nhiên xuất hiện một người nông dân có tuổi. Chờ đợi chớp được giây phút này, bác nông dân, thay mặt cho những người đồng hương - nông dân huyện Saransky - chuyển cho những người đang đứng ở đó dải băng tang. Sau này ông kể lại trên báo huyện Saransky, rằng khi người ta hạ quan tài xuống Lăng thì ông đang đứng gần Lăng, thế là ông giơ tay “xin được chuyển dải băng tang qua đầu mọi người vào trong hầm mộ”. M. I. Kalinin trông thấy ông liền nói: “Các đồng chí, hãy cho bác ấy vào...”. “Đám đông rẽ ra - P. Ya. Larin viết - vậy là tôi bình yên đi vào hầm mộ, tại đó tôi nhìn thấy quan tài được đặt trên một chỗ cao. Vào phút cuối cùng người ta đã phủ vải đỏ lên quan tài. Trên quan tài có đặt hai lá cờ. Lúc ấy tôi thành thục đặt dải băng lên quan tài Người Thầy vĩ đại và nhủ thầm: “Đời đời tưởng nhớ ngọn đèn của thế giới”.

...Còn phía trên quảng trường, những loạt đại bác vẫn nức nở rền rĩ, tiếng còi tang của các nhà máy công sở vẫn làm lay động bầu không khí.

Mọi người không ai tản đi cả. Bên tường hầm mộ đã mọc lên một núi vòng hoa rắc đầy tuyết... Cả Quảng trường Đỏ, ai cũng bỏ mũ ra, đang hát: “Các anh ngã xuống trong cuộc đấu tranh một mất một còn...”(1)

Vào lúc 16 giờ 4 phút tất cả các đài phát thanh và bộ máy thông tấn của Liên Xô truyền đi toàn thế giới khẩu hiệu: “Lenin mất đi, nhưng chủ nghĩa Lenin vẫn sống”.

Cả nước đưa tang Lenin.

Đoàn tang lễ của người dân Leningrad đau buồn tuần hành qua Quảng trường Thần chiến tranh. Tại đây người ta đốt lên 53 đống lửa, đúng bằng số tuổi của Lenin. Hàng vạn người Minsk(2) diễu hành qua ngôi nhà nhỏ từng là nơi họp Đại hội Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga(3). Tại Vyatka, do trời quá lạnh giá nên cuộc tuần hành đưa tang không được tổ chức, nhưng đến 16 giờ - giờ an táng lãnh tụ - hàng nghìn người đã tràn ngập Quảng trường Bolshevik, cạnh tòa nhà tỉnh ủy ĐCS Nga (Bolshevik). Trong lịch sử bao nhiêu thế kỷ của Tbilisi chưa từng có một cuộc diễu hành nào quy mô hơn thế; khi loạt đại bác đầu tiên báo tin thi hài vị lãnh tụ vĩ đại đang được đưa vào hầm mộ, thì đám đông nhiều nghìn người ngả mũ và quỳ xuống. Cả Tashkent(1) xuống đường, trong nhà chỉ còn những ai phải trực; trong số những người diễu hành có hơn một ngàn người dân du mục cưỡi ngựa và lạc đà phủ vải tang đến... “Phương Đông đang thức tỉnh sẽ không quên người đã đốt lên ngọn đuốc tự do của phương Đông!” - đó là dòng chữ ghi trên những biểu ngữ phía trên một biển người tràn khắp phố xá Baku(2); trong đoàn người đi có hàng trăm phụ nữ đã bỏ mạng che mặt xuống để lộ gương mặt ra. Trong cuộc mít tinh tang lễ ở thành phố Aleksandropol của Armenia, người ta đã công bố quyết định đổi tên thành phố thành Leninakan. Ở Rostov đoàn tuần hành bắt đầu lúc 2 giờ chiều và đã kéo dài đến tận tối mịt.

Ở bất cứ thành phố nào, bất cứ làng mạc nào cũng như vậy...

Công nhân nhiều nước đã dừng công việc trong năm phút để tiễn biệt trong tâm tưởng nhà cách mạng vĩ đại. Họ đã hiểu rằng “mười ngày rung chuyển thế giới” đã giúp họ buộc giới tư sản nước mình nhượng bộ họ từng bước một. Hết sức lo sợ Cách mạng Tháng Mười, giới tư bản đã phải giảm bớt sự tham lam và bóc lột. Để tránh không tạo ra sự phẫn uất cao độ và sự bùng nổ về mặt xã hội, họ đã phải tăng phần lợi nhuận và giá trị thặng dư dành cho người lao động.

*  *  *

...Vào những ngày ấy A. Bezymensky đã viết:

Chỉ giảm đi, thiếu đi một tấm thẻ đảng,

Mà để lại hố sâu vô cùng trong hàng ngũ chúng ta...

Tấm thẻ đảng số 224332 là của Lenin. Cái chết đã bứt Người ra khỏi đội ngũ những người cộng sản.

Làm thế nào để lấp đầy mất mát to lớn ấy? Ngay ngày 22 tháng 1 hàng nghìn công nhân đã quyết định gia nhập hàng ngũ ĐCS Nga (Bolshevik). Phong trào này lan rộng và phát triển. Xét đến làn sóng xin gia nhập Đảng, Ủy ban Trung ương Đảng đã ra tuyên bố mở đợt kết nạp Đảng Leninist cho công nhân trực tiếp đứng máy. Hàng ngũ Đảng được bổ sung thêm 240 nghìn đảng viên mới. Thanh niên thì gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol). Thiếu niên vào Đội Thiếu niên tiền phong. Vậy là “bản thân cái chết của Ilyich đã trở thành người cộng sản, nhà tổ chức vĩ đại nhất”.

Hết chương 3. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26585


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận