Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 9


Chương 9
Quỹ “Lăng V. I. Lenin”.

Năm 1991 nhà nước chấm dứt cấp ngân sách cho mọi công tác duy trì bảo dưỡng cơ bản trong Lăng Lenin. Chính quyền định dùng biện pháp kinh tế bóp nghẹt Phòng thí nghiệm thuộc Lăng Lenin, nơi 12 nhà bác học đang làm việc bảo quản di hài Vladimir Ilyich và hy vọng rằng khi không có lương các nhà bác học sẽ bỏ đi.

Tôi vẫn nhớ, khi tôi nói chuyện với viện sĩ S. S. Debov, giám đốc Phòng thí nghiệm, về tình hình phức tạp mà Phòng lâm vào. Nhà nước đã chấm dứt hoàn toàn việc cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu y học độc đáo ở Lăng Lenin. Đã nửa năm rồi các nhà bác học không được trả lương. “Họ có thể bóp chết chúng tôi chỉ cần bằng biện pháp kinh tế” - Sergei Sergeyevich Debov nói - Giới truyền thông báo chí “dân chủ” bắt đầu tấn công vào Phòng thí nghiệm: nào Phòng thí nghiệm hóa ra quá tốn kém cho nhân dân, nào là chi phí như thế để làm gì, v.v...

Sergei Sergeevich rất bình thản.

- Sau khi xóa bỏ Liên Xô, Bộ Y tế Liên bang là đơn vị chủ quản của Phòng thí nghiệm - viện sĩ nói - đã xuất hiện những kẻ mưu toan giành lấy Phòng thí nghiệm vì họ biết tiềm năng khoa học hết sức phong phú của chúng tôi cũng như trình độ chuyên môn cao của các nhà bác học ở đây.

Một số người cố giành lấy Phòng thí nghiệm cho mình, ai đó ở Bộ Y tế Nga muốn chuyển phòng thí nghiệm cho một cơ quan khác, thậm chí muốn tư nhân hóa... có lần đã có người đến chỗ chúng tôi với trát niêm phong tòa nhà.

Nhưng Phòng thí nghiệm và các nhà bác học của nó không đơn độc trong mối lo âu và quan tâm của mình. Tổng giám đốc Viện nghiên cứu dược thảo toàn Liên bang (VILAR), Valery Alekseyevich Bykov tuyên bố, Viện của ông quan tâm tới Phòng thí nghiệm bởi vì trong những công trình nghiên cứu tìm tòi đa lĩnh vực ở đó có những công trình nghiên cứu khoa học nằm trong hệ thống đề tài của Viện: chiết xuất các dược phẩm từ cây cỏ, nghiên cứu tác động của nó đối với con người... Ngày 12 tháng 11 năm 1991, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Y tế Liên Xô A. A. Baranov ra chỉ thị tái cơ cấu Phòng thí nghiệm trực thuộc Lăng Lenin thành Phòng thí nghiệm khoa học nghiên cứu các cấu trúc sinh học và chuyển nó về VILAR với điều kiện giữ nguyên khối lượng công việc ở Lăng Lenin.

Thực ra, VILAR cũng nằm trong tình trạng khó khăn về tài chính và chỉ có thể trả cho các cán bộ phòng thí nghiệm tiền theo đề tài nghiên cứu của họ. Mười hai nhà bác học thuộc nhóm công tác ở Lăng mất một năm làm việc chỉ bằng nhiệt tình, động viên suông. Viện sĩ S. S. Debov nói: “Ai muốn có thể viết đơn xin đi. Tôi sẽ ký ngay”. Các cán bộ của Phòng thí nghiệm - mười hai ngôi sao hàng đầu, như Nikolai Krivomazov ở báo Sự thật gọi họ như thế,- đã thể hiện tinh thần dũng cảm công dân, lòng trung thành với nghĩa vụ và không rời vị trí của mình.

Tháng 1 năm 1993, tờ Sự thật lần đầu tiên đăng tin rằng các nhà bác học làm công tác bảo quản di hài Lenin đã một năm rưỡi nay làm việc không lương. “Hiện nay họ đang thiếu thốn - tờ báo viết - tất nhiên, sẽ không tồi nếu như Viktor Stepanovich Chernomyrdin (lúc đó đang là người đứng đầu chính phủ. - A. A.) cấp cho Lăng một khoản kinh phí riêng. Cũng không tồi nếu như có nhà tài trợ nào mà Lăng không xấu hổ khi nhận tiền từ tay họ... Bản thân mọi người nếu quan tâm tới việc bảo vệ giữ gìn Lịch sử cũng hoàn toàn có thể chìa đôi vai gánh vác việc bảo vệ duy trì hoạt động của Lăng!”

Trong Bộ Tư lệnh Lăng có ý kiến đặt trước lối vào Lăng hai hòm quyên góp tiền để duy trì Lăng. Nhưng Bộ Tư lệnh Lăng không cho phép.

Khi đó báo Sự thật đăng một thông báo mà chính bản thân cán bộ Lăng đã muốn dán nó ở cổng vào nhưng không làm được:

Quyên góp tiền của để duy trì hoạt động của Lăng V. I. Lenin.

Tài khoản 3141368 nộp vào phòng quản lý tác vụ (KOU)

thuộc Ngân hàng Trung ương Nga, Bộ Tài chính 299112

Tổng cục Bảo vệ Liên bang Nga

(cho Lăng V. I. Lenin).

Nếu như “mỗi một người có đầu óc lành mạnh - báo Sự thật viết - đóng góp chỉ một rúp, chuyển vào tài khoản này 10 rúp (mà những người có đầu óc lành mạnh ở nước ta phải là hàng triệu người) thì Lăng sẽ tiếp tục sống được”.

Sau lời kêu gọi đó, một dòng thư tín và phiếu chuyển tiền cho Lăng Lenin từ các nước cộng hòa trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã đổ về Bộ Tư lệnh, Điện Kremli và Tòa soạn báo Sự thật. Trong một thời gian ngắn đã có hơn hai triệu rúp, ngoài ra còn có một lượng tiền bằng đồng karbovanets và manat(1) được chuyển đến. Người dân bình thường đã nhận lấy về mình việc trợ giúp tài chính cho nhóm bác học làm việc ở Lăng.

Khi đó một nhóm các phóng viên, sử gia, luật gia và các doanh nhân quyết định thành một một tổ chức xã hội, một quỹ trợ giúp tài chính cho các nhà bác học ở Lăng.

Ngày 9 tháng 3 năm 1993, tại phòng làm việc của thư ký tòa soạn báo Sự thật Nikolai Krivomazov đã diễn ra hội nghị thành lập Quỹ. Có mặt tại hội nghị ngoài chủ nhân văn phòng còn có tổng biên tập báo Nước Nga Xô viết V. V. Chikin, tổng biên tập báo Công khai Yu. P. Izyumov, ủy viên Ban biên tập báo Sự thật V. N. Nikiforova, luật sư tư vấn của báo Sự thật V. I. Ilyukhin (đại biểu Đuma quốc gia tương lai), tổng giám đốc công ty Ritm G. V. Davydov, giáo sư trong nhóm bác học ở Lăng V. L. Kozeltsev, Tư lệnh Lăng V. I. Lenin đại tá V. P. Kamennykh, các nhà báo N. B. Morozova, V. S. Markov và tác giả cuốn sách này.

 Tôi vẫn nhớ mình đề nghị bầu G. V. Davydov làm chủ tịch Quỹ, với lập luận rằng ông là doanh nhân. Grigory Vaganovich Davydov phật ý một cách chân thành và bảo đừng bao giờ gọi ông là doanh nhân. Ông nói:

- Tôi đã và vẫn là một người cộng sản.

V. V. Chikin đề nghị bầu G. V. Abramov, tác giả một số cuốn sách viết về Lăng Lenin làm chủ tịch Quỹ. Mọi người biểu quyết. A. S. Abramov được bầu làm chủ tịch, N. P. Krivomazov và G. V. Davydov được bầu làm các phó chủ tịch của Quỹ. Được bầu vào ban điều hành có V. V. Chikin, Yu. P. Izyumov, V. N. Nikiforova, V. I. Ilyukhin, V. N. Kozeltsev. Grigory Vaganovich tuyên bố ông đóng góp khoản đầu tiên cho quỹ là năm triệu rúp.

Ngày 23 tháng 6 năm 1993 tổ chức mới này đã đăng ký tại Sở Tư pháp Moskva với tên gọi là Quỹ từ thiện độc lập “Lăng V. I. Lenin”.

Điều lệ của Quỹ nói rằng, mục đích của quỹ là bảo tồn một di tích lịch sử và một kiệt tác của nền kiến trúc thế giới là Lăng V. I. Lenin, gìn giữ toàn vẹn di hài của Người, cung cấp tài chính cho các thí nghiệm khoa học độc đáo và, nếu như chính quyền bãi bỏ chế độ canh gác, sẽ tổ chức công tác bảo vệ Lăng. Quỹ bảo trợ cho các biện pháp văn hóa giáo dục về Lenin, tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội thảo, thảo luận, hội nghị, triển lãm, hòa nhạc, liên hoan và các hoạt động khác, tiến hành các hoạt động biên tập xuất bản, tham gia hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm hoạt động từ thiện. Quỹ mở hai tài khoản thanh toán bằng đồng rúp và bằng ngoại tệ tại Ngân hàng Toribank và công bố số tài khoản ngân hàng của mình trên các phương tiện báo chí truyền thông.

Sau đó Bộ Tư lệnh Điện Kremli Moskva giải ngân hơn hai triệu rúp dành cho các nhà bác học trước đây và chuyển chúng sang tài khoản thanh toán của Quỹ.

Mùa hè năm 1993 Quỹ bắt đầu trả lương cho các nhà bác học, thường xuyên nâng lương vì lạm phát và tăng giá. Hàng triệu người lao động vẫn giữ lòng trung thành với lý tưởng xán lạn của thời kỳ Xô viết vĩ đại và đã trở thành ngân hàng nhân dân của chúng ta. 

Hết chương 9. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26602


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận