Đã mấy năm nay, cứ đến mùa hoa hồng tú cầu nở là tôi lại gặp bà. Lần nào cũng vậy, chỉ vì mê mải ngắm vẻ đẹp đằm thắm của hoa, tôi quên bẵng mọi chuyện. Nhiều khi cứ định hỏi tên bà hoặc tò mò hỏi vì sao bà chỉ chuyên trồng loại hồng tú cầu mà không phải những thứ hoa khác, nhưng rồi tôi lại thôi. Bởi lẽ, đứng trước những chậu hoa của bà bày ở vỉa hè là tôi cứ ngẩn ngơ. Mỗi chậu chỉ có một bông vừa bung ra hoặc còn e ấp sau những cánh lá. Cuối tháng Năm, thành thông lệ, vào mùa hồng tú cầu đâm nụ là tôi lại nhớ và tìm đến mua hàng cho bà. Ai cũng xuýt xoa khen cây của mình đẹp nhất và cám ơn bà rối rít.
Còn một chuyện gây tò mò cho tôi nữa đó là không hiểu sao bà luôn che kín mặt bằng chiếc khăn mùi soa to và chỉ hé có đôi mắt u buồn. Nghe giọng nói trầm đục và chất chứa sự nồng ấm của bà, tôi nghĩ chắc chắn đây là một người phụ nữ rất giàu tình cảm và đầy bản lĩnh. Còn một sự lạ nữa là một năm mỗi mùa hoa bà chỉ bán thêm một chậu hồng tú cầu. Mới rồi, tôi bị lỡ thời gian, nên ra mua hơi muộn và phải lấy chậu cuối cùng của bà là bông hồng tú cầu thứ 31. Lần này, không thể chần chừ được nữa vì nếu không hỏi chuyện thì phải tới năm sau mới gặp được bà.
Tôi vội nói:
- Bà ơi! Bà có thể nói tại sao lại có chậu hoa thứ 31 này, và cháu là người may mắn nhận nó?
Bà ngần ngừ khá lâu, rồi cất tiếng:
- Chậu cuối cùng mà cháu mua, nó đánh dấu năm thứ 31 ta đã nuôi trồng và bán hồng tú cầu.
- Thế sao bà không nhân thật nhiều củ trong một mùa để bán?
Bà lắc đầu nói ngay:
- Ta không cần nhiều tiền mà... thôi chào cháu, chiều đã muộn. Ta về.
Bà với tay ra sau buộc chặt thêm chiếc khăn che mặt, rồi dọn dẹp lá và đất rơi vãi trên hè. Tôi càng thêm tò mò và tìm cách gần gũi bà:
- Bà ơi! Bà dạy cháu trồng hoa hồng tú cầu được không? Cháu sẽ đưa bà về nhà nhé.
Bà lặng đi một lúc, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi nói:
- Cháu gái ạ! Xem ra chúng ta có thể làm bạn với nhau được đấy. Hôm nào rỗi cứ về làng hoa Tân Khai hỏi ta tên Huệ nhé. Thôi, cháu mang chậu hoa về đi. Ta còn đi mua một số thứ, mai ngày rằm mà. Chào cháu.
Tôi ngây người vì thấy bà sải chân khá nhanh và lẩn khuất vào dòng người đang hối hả trên đường.
*
* *
Ngay chủ nhật tuần đó tôi đã nghĩ đến việc đi thăm bà già bán hoa. Thật bất ngờ, khi đến làng nghe tôi hỏi đến bà Huệ, ai cũng tỏ ra ân cần chỉ đường và có một em bé gái xăng xái dẫn tôi đi. Tôi bắt chuyện với em:
- Hiện nay, bà Huệ sống với ai?
- Một mình.
- Thế chồng con...
- Em không biết. Từ bé em thấy bà chỉ có một mình.
- Em có hay đến chơi với bà không?
- Không!
- Tại sao?
- Vì đôi má đen của bà. Ai cũng bảo không được đến gần bà. Nhất là con gái, bị lây má đen thì xấu lắm.
Tôi giật mình hiểu ra vì sao bà luôn phải che mặt khi bán hoa. Là người chơi hồng tú cầu của bà đã 10 năm nhưng bây giờ tôi mới biết rõ điều bí mật nằm phía sau chiếc khăn che mặt ấy.
Gần tới nhà bà Huệ, bé gái ngần ngại hỏi tôi:
- Thế chị không sợ bị lây má đen à?
- Không!
Tôi nói dứt khoát, buông tay em, rồi bước tới gõ cửa và gọi:
- Bà Huệ có nhà không ạ?
Chỉ trong thoáng chốc, cánh cửa bật mở. Một bà già xuất hiện. Hai gò má của bà lỗ chỗ những nốt sạm đen.
- Cháu là Quý, khách hàng của bà đây. Bà khỏe không?
Bà nhận ra tôi ngay:
- Ta khỏe. Mời cháu vào xem vườn hoa ở phía sau nhà. Ta đang làm dở việc ở dưới đó. Được chứ?
Tôi nhanh chân bước vào nhà và theo bà đi xuống phía vườn. Hình như có tiếng chim khướu hót ở đâu đó làm trái tim tôi đập rộn lên. Thật bất ngờ, bà nhanh nhẹn khác thường. Mấy luống hoa thẳng tắp của bà như phập phồng thở. Làn hơi nước đang bay lên từng sợi từ những chậu đất vừa được tưới. Bà đang chăm chút một cây lộc vừng và nói với tôi:
- Mới chỉ có một hôm không sờ tay đến mà nó cứ buồn ủ rũ. Suốt từ sáng sớm bà đã phải vuốt ve từng cánh lá một và ngọt lời mãi, nó mới tươi tỉnh đôi chút.
Tôi rụt rè bước đến gần bên ngắm cành lộc vừng đang khoe những vòi hoa đỏ nâu và óng ả rủ xuống thành chậu đá. Tôi đang thầm nghĩ không hiểu sao bà lại yêu thương hoa đến thế thì bất chợt bà quay lại kéo tay tôi về phía góc vườn và chỉ vào dãy chậu hoa bằng sứ nhỏ:
- Đây là những người bạn của cháu đó.
- Dạ!
Thấy tôi tỏ ra lúng túng, vì trước mặt chỉ là những chậu đầy đất, bà nói:
- Đó là 32 chậu đang ủ củ hoa hồng tú cầu cho sang năm đó.
Tôi ngước nhìn bà, hỏi:
- Tại sao bà phải đánh dấu thời gian cho những chậu hoa hồng tú cầu như vậy.
Bà Huệ đứng lặng đi một lúc, rồi bất chợt nói:
- Đó là tình yêu của ta. Đã 32 mùa nhớ nhung trong lòng ta. Không hiểu sao ta lại có thể nói được với cháu về chuyện này.
Bà ngồi xuống một tảng đá tròn ở mép vườn thở dài. Tôi ngồi bệt ngay trên đất và hóng chuyện. Thấy tôi như một người gắn bó thân thiết, bà chậm rãi kể lại những kỷ niệm đã trôi đi hơn ba mươi mùa thương nhớ.
*
* *
Đó là những ngày đặc biệt cách đây hơn 30 năm trong rừng cây trên con đường Trường Sơn năm nào. Cô lính thông tin trẻ trung có cái tên là Huệ luôn được mọi người quý mến. Các chàng trai, những người lính trẻ ai cũng coi Huệ như cô em gái trong đơn vị. Trong lán trại luôn rực rỡ và ngát hương hoa. Ngày nào họ cũng vào rừng hái những bông hoa tươi để cắm vào lọ cho Huệ. Bởi lẽ ai cũng muốn chiều chuộng và giúp đỡ cô gái làng hoa này. Nhiều người đã ước muốn trở thành người bạn thân thiết với Huệ. Nhưng thật tình Huệ sống hồn nhiên đúng với tình cảm của một cô gái ngoại thành. Huệ giúp đỡ tất cả các chàng trai, dù là bất cứ chuyện gì khi họ cần đến. Từ chuyện khâu vá đến chuyện thuốc men khi ốm đau. Cả đơn vị lính thông tin sống như trong một gia đình yêu thương nhau và các chàng trai đều đồng lòng nhất trí không ai được làm cho Huệ buồn và đặc biệt không ai được trêu ghẹo tán tỉnh cô em út của đơn vị.
Một hôm Thuận, anh chàng tân binh hiền lành và nhút nhát nhất đơn vị đem về một mo cau cuộn chặt đất ở trong. Nhìn những sợi lạt buộc chặt, ai cũng thắc mắc:
- Này cậu công tử kia, mang được chiến lợi phẩm gì đó?
- Hoa đấy!
Mọi người lao nhao lên hỏi:
- Hoa đâu?
- Rõ thật mơ mộng. Hoa đất à?
Lúc này, Thuận nhẹ nhàng đặt mo cau đất lên tay Huệ và nói:
- Tặng em bông hoa này!
Mọi người chợt cười ầm lên và cho là Thuận trêu đùa gì Huệ. Nhưng không, chính Huệ lại nói:
- Chắc là một củ gốc đang ủ mầm?
- Đúng vậy!
Lúc này, Thuận mới kể:
- Hồng tú cầu đó, một cô gái trong bản cho tôi xem bông hoa kỳ lạ này. Đây là củ gốc mẹ của nó.
Huệ bỗng reo lên:
- Ôi! Em biết loại hoa này. Đúng rồi hồng tú cầu, em sẽ chăm sóc và chúng ta chờ ngày hoa sẽ nở.
Rồi cô gái làng hoa say sưa kể cho mọi người nghe vẻ đẹp đằm thắm của bông hoa hình tròn này. Ai nấy đều nghi ngờ, vì không ai biết đến hình dáng và màu sắc của hồng tú cầu ra sao, ngoại trừ Thuận. Chàng trai hay đỏ mặt và e thẹn ấy có cái may mắn tặng cho Huệ một món quà độc đáo nhất từ trước đến nay. Và, cũng từ ngày đó, Huệ và Thuận ngày ngày đảo đất vẩy nước và đắp một cái chậu để nuôi củ gốc hoa.
Thời gian trôi đi, mọi người ngỡ như quên chuyện và bông hoa hồng tú cầu hé nở. Đời lính chiến luôn luôn sục sôi trong những ngày tháng gian nan và quyết liệt nhất. Hôm ấy, địch bất ngờ tập kích. Các chiến sĩ bộ binh dũng cảm chiến đấu để bảo vệ hệ thống liên lạc toàn miền. Tất cả các chiến sĩ thông tin đều phải rút xuống hầm. Một tuần liền, bỗng nhiên Huệ nhớ đến chậu hoa hồng tú cầu còn ở đâu đó trên lán trại. Ai cũng khuyên can:
- Thôi, giờ phút này còn hoa, lá gì nữa.
- Cứ để nó đấy, chúng ta chiến thắng rồi xem hoa
cả thể.
- Một năm nữa hồng tú cầu mới nở. Còn chán thời gian. Hãy chờ đấy.
Nhưng khi nghe Huệ nói đến nhỡ có một viên đạn hoặc một mảnh bom nào đó bắn trúng chậu hoa thì ai nấy đều im lặng không nói gì nữa. Lúc này Thuận bất ngờ chạy vụt ra khỏi hầm, rồi nói với lại:
- Tôi sẽ lên tìm chậu hoa về.
Mọi người định gàn thì không kịp nữa rồi. Huệ cũng cuống quýt gọi:
- Anh Thuận đừng lên, nguy hiểm lắm.
Tiếng súng, tiếng pháo xen lẫn tiếng bom rơi chát chúa đinh tai nhức óc. Mọi người lại lao vào công việc theo lệnh chỉ huy của mặt trận. Huệ bồn chồn không yên lòng khi thấy Thuận chưa quay trở về. Ai nấy đều áy náy vì hành động bất thường của Thuận. Thậm chí có người còn nhìn Huệ với ánh mắt tỏ ra trách móc. Bởi lẽ họ cho rằng Huệ là người thu phục được tình cảm của Thuận. Nếu chuyện của hai người có gì đó đặc biệt thì Huệ sẽ chẳng thuộc về họ người nữa. Huệ nhận ra điều đó, nhưng biết sao được, mọi chuyện như có trời đất xui khiến, Huệ thấy lòng mình như có lửa đốt. Thoáng có bóng người trên cửa hầm, Huệ chạy ngay ra. Mọi người nghe tiếng rít của làn đạn vội hét lên:
- Nằm xuống!
Hơi bom nổ đẩy bật Thuận lao như bay người xuống hầm. Còn Huệ bỗng rú lên và ngã gục ngay trên mép cửa hầm vì tia lửa cháy sém trên da mặt.
Khi tỉnh lại, Huệ thấy Thuận ngồi bên cạnh, trên tay là chậu hoa đất đã nứt làm đôi. Huệ chớp chớp mắt nhìn, rồi nhoẻn cười reo lên:
- Búp lá đầu tiên bật chồi kìa!
*
* *
Bà Huệ đang kể chuyện bỗng dừng lại và ngồi im lặng. Khóe mắt nhăn nheo của người già trở nên u buồn. Tôi cầm lấy tay bà Huệ không biết nói gì. Chắc nhìn đến cái chậu hoa đang ủ cái củ mẹ, bà Huệ lại nhớ đến cái chậu đất ngày ấy. Tôi rụt rè hỏi:
- Sau đó bông hoa hồng tú cầu có nở dưới hầm
không bà?
- Có chứ!... Nhưng ông Thuận không bao giờ được nhìn nó nữa. Bởi vì chỉ ít ngày sau người lính trẻ ấy đã vào sâu trong mặt trận và đã anh dũng hy sinh.
Nói đến đây, bà Huệ lấy vạt áo thấm những giọt nước mắt đang trào ra. Lát sau bà kể tiếp:
- Từ đó bằng mọi cách, bà đã chăm sóc và nhân
giống được các củ mẹ làm nảy sinh ra nhiều cây hoa hồng tú cầu khác.
Nói rồi bà chỉ những chậu hoa trước mặt:
- Ngay những củ mẹ ở 32 chậu kia cũng là lấy gốc từ cây hoa hồng tú cầu ở Trường Sơn năm nào đó.
Tôi lặng người đi vì không ngờ rằng những bông hoa hồng tú cầu mà tôi đã từng mua của bà đều mang hơi thở của những người lính và máu lửa chiến trường. Tôi loay hoay không biết nên hỏi bà Huệ câu gì nữa thì bà bồi hồi nói thêm:
- Vậy là ta đã xa người ấy 32 năm rồi...
Tôi ôm chầm lấy bà Huệ và hiểu vì sao mỗi năm bà lại nhân lên chỉ một bông hoa hồng tú cầu. Trong lòng tôi thầm nhắc sang năm nhất định tôi sẽ lại là người mua chậu thứ 32 của bà.