Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)
Sau 30 năm chiến tranh kết thúc, nhân dân ta không mong muốn gì hơn là được sống yên ổn, đem tài năng và sức lực xây dựng đất nước phồn vinh, cuộc sống văn minh, hạnh phúc; được chung sống hòa bình, hữu nghị với các nước, các quốc gia trên thế giới. Song, công cuộc xây dựng đất nước tiến hành chưa được bao lâu thì dân tộc ta lại phải đương đầu với những thử thách mới.
Do có sẵn âm mưu từ trước, tập đoàn Pan Pốt-Iêng Xari – Khiêu Xamphon, đại diện cho phái “Khơme đỏ” ở Campuchia, lên nắm quyền sau thắng lợi trong đấu tranh chống Mĩ, đã quay ngay súng bắn vào nhân dân ta, những người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung, vừa góp phần xương máu làm nên chiến thắng ngày 17-4-l 975 của nhân dân Campuchia. Chúng đã mở những cuộc hành quân khiêu khích, lấn chiếm lãnh thổ nước ta.
Ngày 3-5-1975, tập đoàn Pan Pốt cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc, đến ngày 10-5-1975 đánh chiếm đảo Thổ Chu, rồi trong những ngày tiếp theo, chúng xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ của ta ở dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh.
Từ tháng 4-1977, tập đoàn Pan Pốt tăng cường những cuộc hành quân lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, và từ những cuộc xung đột vũ trang lẻ tẻ, chúng mở rộng dần thành cuộc chiến tranh lớn trên toàn tuyến biên giới Tây - Nam nước ta.
Ý đồ của chúng là tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài, xâm chiếm từng bộ phận kết hợp với gây bạo loạn trong nội địa. Tiến công xâm lược Việt Nam, chúng còn nhằm tạo cớ để thanh trừng nội bộ, đàn áp những cuộc nổi dậy ở trong nước, thực hiện một chế độ chính trị tàn bạo ở Campuchia.
Giữa năm 1977, tập đoàn Pan Pốt huy động lực lượng cỡ sư đoàn bất ngờ tiến động vào 13 xã (trong số 15 xã biên giới) thuộc tỉnh An Giang. Quân dân ta, trực tiếp là quân dân các tỉnh biên giới Tây - Nam, đã đánh trả quyết liệt.
Trong các tháng 9, 10, 11 năm 1977, chúng huy động lực lượng ngày càng lớn (từ 3 đến 5 sư đoàn) tiến công dọc biên giới nước ta từ nhiều hướng. Phối hợp với quân Pan Pốt, một bọn phản động tay sai của lực lượng phản động quốc tế hoạt động mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ chuẩn bị thực hiện cuộc bạo loạn. Nhưng tất cả âm mưu và hành động đó của chúng đều bị quân dân ta ngăn chặn và làm thất bại.
Năm 1978, với thiện chí hòa bình, mong muốn sớm chấm dứt xung đột bằng thương lượng, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ động đua ra đề nghị ba điểm:
Thứ nhất, chấm dứt ngay các hoạt động quân sự thù địch dọc biên giới; lực lượng vũ trang mỗi bên phải đóng sâu trong lãnh thổ của mình, cách đường biên 5 km.
Thứ hai, hai bên gặp nhau để bàn bạc và kí một hiệp ước hữu nghị không xâm lược nhau và một hiệp ước về biên giới giữa hai nước.
Thứ ba, hai bên thỏa thuận một hình thức thích hợp về thể thức nhằm bảo đảm và giám sát quốc tế vùng biên giới giữa hai nước.
Để tỏ thiện chí, đêm 5-11-1978, Việt Nam đơn phương thu quân vào cách biên giới 5 km. Đáp lại thiện chí đó, tập đoàn Pan Pốt lại tăng cường hơn nữa quân chủ lực dọc biên giới, chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn.
Ngày 22-12-1978, tập đoàn Pan Pốt huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh, cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng... đến biên giới phía đông, tiến vào khu vực Bến Sỏi thuộc tỉnh Tây Ninh, bắt đầu cuộc tiến công quy mô lớn với ý đồ đánh chiếm thị xã Tây Ninh, mở đường tiến sâu vào lãnh thổ nước ta.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, quân ta với lực lượng lớn đã tổ chức cuộc phản công và tiến công mạnh, tiêu diệt toàn bộ cánh quân xâm lược vừa tiến vào đất ta. Tiếp đó, quân ta thừa thắng phát triển cuộc tiến công tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân chủ lực của địch tại nơi xuất phát.
Cuộc tiến công quy mô lớn của tập đoàn Pan Pốt hoàn toàn bị đập tan. Toàn bộ quân xâm lược bị quét khỏi bờ cõi nước ta, hòa bình lập lại trên biên giới Tây-Nam Tổ quốc.
Chiến thắng biên giới Tây - Nam của quân dân ta đã tạo thời cơ lớn, hết sức thuận lợi cho cách mạng Campuchia giành thắng lợi.
Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (thành lập ngày 3-12-1978), được sự phối hợp chiến đấu, sự ủng hộ và giúp đỡ hết lòng của quân dân ta, quân dân Campuchia đã đồng loạt tiến công và nổi dậy đập tan chính quyền phản động của bọn Pan Pốt - Iêng Xari - Khiêu Xamphon từ trung ương đến cơ sở. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh được hoàn toàn giải phóng, nước Cộng hòa nhân dân Campuchia và Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia tuyên bố thành lập.
Những thắng lợi lịch sử đó đã khôi phục lại tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, đồng thời góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Để thắt chặt tình hữu nghị, tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước trong giai đoạn cách mạng mới, một đoàn đại biểu của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, chính thức thăm nước Cộng hòa nhân dân Campuchia từ ngày 16 đến 18-2-1979. Kết quả của cuộc viếng thăm là hai nước cùng nhau kí kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị, hợp tác ngày 18-2-1979. Căn cứ vào Hiệp ước đó và thể theo yêu cầu của phía bạn, quân đội Việt Nam tiếp tục có mặt ở Campuchia với số lượng và trong thời gian cần thiết để cùng với nhân dân Campuchia anh em bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của hai nước.
Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, trong quá trình đấu tranh cách mạng, nhân dân hai nước đã từng gắn bó mật thiết, đoàn kết giúp đỡ nhau. Nhưng từ năm 1978, Trung Quốc đã cắt viện trợ, rút chuyên gia về nước, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bỗng dưng xấu đi.
Sáng 17-2-1979, Trung Quốc cho quân đội với lực lượng 32 sư đoàn (tương đương 60 vạn quân), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1260 súng cối... mở cuộc tiến công nước ta dọc theo biên giới phía Bắc từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) - dài hơn nghìn cây số.
Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, mà trực tiếp là quân dần 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường vì độc lập, tự do của quân dân ta và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận ở trong nước và thế giới, ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi nước ta và đến 18-3-1979 thì rút hết.
Cuộc xung đột biên giới phía Bắc và Tây - Nam nước ta được chấm dứt. Thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn: bảo vệ độc lập, tự do vả chủ nghĩa xã hội của đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, góp phần củng cố hòa bình, ổn định ở Đông Dương và Đông Nam Á.