Tài liệu: Hocmon và não: ''ai'' chỉ huy?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Không ''ai'' cả. Hệ thần kinh và hệ hocmon hợp tác với nhau suốt đời và còn chia nhau một số phân tử.
Hocmon và não: ''ai'' chỉ huy?

Nội dung

Hocmon và não: ''ai'' chỉ huy?

Không ''ai'' cả. Hệ thần kinh và hệ hocmon hợp tác với nhau suốt đời và còn chia nhau một số phân tử.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, việc phân biệt các chất truyền thần kinh với hocmon ngày càng tỏ ra không rõ. Về mặt cổ điển, chất truyền thần kinh là một chất được một nơron nào đó phóng thích vào khe khớp thần kinh để kìm hãm hoặc hoạt hóa nơron tiếp theo. Còn hocmon được tiết vào môi trường bên trong (máu) và phát huy tác dụng của nó đến một mô hoặc cơ quan ở xa. Tuy nhiên, người ta biết rằng một số chất truyền thần kinh cũng có tác dụng hocmon. Trên thực tế, có những nơron được gọi là thần kinh tiết, tiết ra hocmon thần kinh: các phân tử này có tác dụng như chất truyền thần kinh khi được phóng thích vào khớp thần kinh, và như hocmon khi vào mạch máu. Đó là trường hợp của vazoprexin (vasopressin), do các nơron của vùng dưới đồi (xem bài Nơron) tổng hợp, được phóng thích vào hệ tuần hoàn máu từ tuyến yên và từng được biết là có tác dụng chống lợi tiểu. Hiện nay có nhiều công trình nhấn mạnh nó là chất truyền thần kinh.

Hai hệ, thần kinh và hocmon, tương tác chặt chẽ với nhau. Ví dụ, tuyến yên tiết ra hocmon chịu sự kiểm soát của các hocmon thần kinh tiết gọi là ''phóng thích'' do vùng dưới đồi sản xuất, trong đó chính các nơron cũng được kích thích hoặc kìm hãm bởi các luồng thần kinh đi từ hệ thần kinh trung ương. Ví dụ, hiện tượng em bé bắt đầu bú được hệ thần kinh ghi lại và truyền tới vùng dưới đồi, vùng này khởi động sự phóng thích hocmon của tuyến yên chịu trách nhiệm về tình trạng căng sữa (oxytoxin/ oxytocin). Trái lại, hocmon phát huy tác dụng ngược đến hệ thần kinh. Ví dụ, các steroit có thể đi qua hàng rào máu-não và tác dụng trực tiếp đến hoạt động của nơron bằng cách liên kết với các chất nhận nằm ở bên trong tế bào thần kinh. Cuối cùng, một số hocmon có tác dụng toàn bộ đến các mạng nơron. Chúng can thiệp vào sự phát triền của não và vào cái được gọi là tính mềm dẻo của nơron (sự phân bào, phân hóa nơron, mọc các đoạn kéo dài, thiết lập những mối tiếp xúc giữa các tế bào),  trong quá trình phát triển trước khi sinh và những tháng sau khi sinh. Những hocmon này có thể can thiệp lần nữa ở tuổi trưởng thành khi phải thiết lập các nối kết mới trong trường hợp tổn thương não hoặc tổ chức lại các mạch thần kinh.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1885-02-633463516572187500/Hocmon/Hocmon-va-nao-ai-chi-huy.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận