Chiến đấu chống “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ (1961-1965)
Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” của nhân dân ta ở miền Nam đã đẩy chính quyền Sài Gòn vào thời kì khủng hoảng triền miên. Chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Aixenhao được thực thi ở miền Nam đã bị phá sản.
Phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang cuồn cuộn dâng lên, làm sụp đổ từng mảng lớn của hệ thống thuộc địa cũ của chủ nghĩa thực dân.
Trước tình hình trên, G.Kennơđi lên làm Tổng thống Mĩ đã phải điều chỉnh lại chủ nghĩa Aixenhao. Kennơđi đề ra chiến lược “phản ứng linh hoạt” thay cho chiến lược “trả đũa ồ ạt” với ba loại chiến tranh: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và chiến tranh tổng lực. Hai kiểu chiến tranh trên được coi là “chiến tranh hạn chế”. Mục đích của “Chiến tranh đặc biệt” (còn gọi là “chiến tranh thứ ba”, “chiến tranh chống du kích”, “chiến tranh lật đổ là chống lại phong trào giải phóng dân tộc. Công cụ để tiến hành chiến tranh là lực lượng quân sự người bản xứ do Mĩ trang bị và chỉ huy; tiền bạc, vũ khí trang bị của Mĩ là công cụ chủ yếu của chiến tranh đặc biệt. Chúng coi đó là hình thức linh hoạt, kịp thời để đối phó có hiệu quả đối với phong trào giải phóng dân tộc. Cùng ngày nhận chức Tổng thống Mĩ, 20-1-1961 Kennơđi chính thức công bố học thuyết mới và chọn Việt Nam làm nơi thí điểm “chiến tranh đặc biệt”. Kennơđi đã chấp nhận viện trợ cứu nguy chế độ Diệm và đưa 19.000 quân chiến đấu, dưới tên gọi cố vấn quân sự, sang Việt Nam. Kennơđi coi Việt Nam là tuyến cuối cùng chống cộng sản ở Đông Nam Á và nếu Mĩ rút khỏi Việt Nam thì sự sụp đổ sẽ diễn ra ở cả khu vực Đông Nam Á! Ngày 8-5-1961, chính sách đối với Việt Nam đã được hình thức phê chuẩn và mang tên NSAM-52 với nội dung chủ yếu: Tăng cương và mở rộng quyền điều hành tác chiến, chỉ huy yểm hộ của phái đoàn cố vấn quân sự MAAG; đưa lực lượng đặc biệt của Mĩ vào miền Nam Việt Nam, giúp Diệm xây dựng lực lượng đặc biệt, chốt chặt biên giới, chống miền Bắc thâm nhập; tăng cường mở rộng, cải tiến tranh bị và huấn luyện quân đội, coi đó là công cụ chủ yếu để chống chiến tranh du kích; khẩn trương bình định, lập “ấp chiến lược” hòng dồn hơn 10 triệu người dân miền Nam vào các trại tập trung trá hình để thực hiện “Tát nước bắt cá”, cô lập để tiêu diệt cách mạng miền Nam; ra sức củng cố chính quyền các cấp và đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh phá hoại chống lại miền Bắc. Ngày 11-5-1961, Mĩ đưa 400 tên lính đầu tiên thuộc lực lượng đặc biệt Mĩ vào miền Nam, nâng tổng số quân Mĩ ở miền Nam từ 1077 cố vấn quân sự (1960) lên 10640 (1962) - gồm 2860 cố vấn và 8280 tên thuộc các đơn vị kỉ thuật. Tháng 4-1961, Mĩ tiến hành cải tổ hệ thống tổ chức chiến trường: bỏ các quân khu, lập ba vùng chiến thuật, do các quân đoàn chủ lực đảm nhiệm với đủ các thành phần quân địa phương, binh chủng yểm trợ, chỉ huy; dưới là các tiểu khu (tỉnh) và các chi khu quân sự (huyện hoặc quận). Cố vấn Mĩ có mặt ở các cấp đến tận các tiểu khu, các trung tâm huấn luyện, các cơ quan tác chiến, các cấp tiểu đoàn, các biệt khu - chi khu chủ yếu. Chúng tăng cường trang bị cho quân đội Sài Gòn nhiều máy bay, xe bọc thép, vũ khí hiện đại và đưa dần lực lượng không quân, hậu cần yểm trợ Mĩ vào miền Nam. Diệm đã cử người học hỏi kinh nghiệm chống du kích, dồn dân lập “ấp chiến lược” ở Malaixia, Philippin về để đàn áp cách mạng. Mĩ cho mời Tômxơn (Thomson) - chuyên gia quân sự chống du kích của Anh tại Malaixia, sang làm cố vấn “bình định”. Năm 1961, quân của Diệm tăng lên 17 vạn người, 5 vạn bảo an dân vệ và 35 đại đội đặc biệt. Đồng thời, Mĩ - ngụy tăng cường bắt lính, tăng thời hạn quân địch từ 12 đến 18 tháng. Được Mĩ hỗ trợ, quân đội Sài Gòn đã mở 2 vạn cuộc càn quét quy mô (từ tiểu đoàn đến trung đoàn), đánh phá ác liệt phục vụ cho việc gom dân lập ấp chiến lược. Chúng còn dự định tăng quân của Diệm lên 27 vạn người. Tháng 6-1961, Kennơđi cử E.Xtalây sang miền Nam Việt Nam. Xtalây đưa ra một kế hoạch chiến lược gồm ba điểm: 1- Dự kiến trong vòng 18 tháng (từ giữa năm 1961 đến cuối năm 1962) sẽ lập được 16.000 ấp chiến lược, đánh phá cơ sở cách mạng, cơ bản bình định được miền Nam; 2- Dự kiến trong năm 1963 sẽ khôi phục nền kinh tế, phát triển lực lượng, tiến hành các hoạt động gây rối, phá hoại làm mất ổn định miền Bắc; 3- Chuyển sang phát triển kinh tế và dự kiến đến cuối năm 1965 miền Nam sẽ trở thành một quốc gia mạnh của “thế giới tự do”.
Tháng 5-1961, Mĩ quyết định tăng gấp hai lần viện trợ quân sự cho Diệm. Ngày 14-11-1961, Kennơđi chuẩn y kế hoạch Xtalây và những kiến nghị của Taylo (Taylor) (trừ 2 điểm là đưa lực lượng đặc nhiệm Mĩ vào miền Nam và ném bom miền Bắc). Sau một năm thăm dò thử nghiệm, kế hoạch này được hoàn chỉnh dần. Ngày 8-2-1962, Mĩ thiết lập Bộ chỉ huy quân sự Mĩ tại miền Nam (gọi tắt là MACV, thay cho phái đoàn MAAG). Bộ tư lệnh lực lượng đặc biệt Mĩ cũng được thành lập. Lực lượng không quân, hậu cần cũng dần dần được đưa vào miền Nam. Đầu năm 1962, kế hoạch Xtalây - Taylo được tiến hành toàn diện. Cuối năm 1962, lực lượng yếm trợ chiến đấu Mĩ đã lên tới 11.300 tên, lực lượng quân của Diệm cũng tăng lên 354 000 người. Tháng 7-1961, đợt thí điểm lập ấp chiến lược được triển khai ở Vĩnh Long (Nam Bộ) và Quảng Ngãi (Trung Bộ). Đến tháng 8-1961, chúng triển khai kế hoạch này trên toàn miền Nam. Kế hoạch này được chúng coi là “quốc sách”, dự định dồn 10 triệu người dân vào 16000 ấp chiến lược, trong tổng số 17 000 ấp trên toàn miền Nam. Ở những vùng chúng nắm được quyền kiểm soát, chúng dùng sức mạnh của bộ máy quân sự và chính trị để cường bức, càn quét dồn dân lập “ấp chiến lược”. Ở những vùng chúng không kiểm soát được, chúng dùng quân đội đánh phá bao vây, cô lập, càn quét, buộc dân phải chạy vào vùng chúng kiểm soát. Chúng còn tiến hành các cuộc hành quân càn quét dài ngày đánh vào vùng Bến Cát, Tây Ninh, vùng giải phóng Bình Định, Phú Yên, các căn cứ U Minh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, chiến khu Đ. Chúng dùng xe rải bom đạn chà xát nhiều lần, đánh vào từng khu vực, chia thành từng lô để khống chế, biến những “ấp chiến lược” thành điểm tựa phòng thủ chống cộng. Đối với Campuchia, Mĩ xúi giục và vũ trang cho bọn phản động tiến hành các hoạt động phá rối (kể cả ám sát nhà vua), bạo loạn nhằm thực hiện âm mưu cướp chính quyền, lật đổ chính phủ hòa bình trung lập, gạt bỏ ảnh hưởng của Pháp. Ở Lào, Mĩ đưa lực lượng lính thủy đánh bộ vào Thái Lan, sẵn sàng tham chiến ở Lào và thúc ép chính quyền Sài Gòn đưa quân vào Đông Nam Lào để ngăn chặn đường tiếp tế của ta từ Bắc vào Nam. Từ giữa năm 1961, quân đội phái hữu Lào từ 3 vạn tăng lên 5 vạn với 11600 cố vấn Mĩ, chúng thúc đẩy bọn phản động lấn chiếm vùng giải phóng Lào. Trên thực tế từ năm 1961, cùng với việc thực hiện “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, Mĩ còn tiến hành “chiến tranh đặc biệt” cả ở Lào.
Tháng 1-1961, Bộ Chính trị đã họp, quyết định về Những nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị đã nhận định: thời kì tạm ổn định của chế độ Mĩ - Diệm đã qua và thời kì khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu”[1]. Tuy nhiên chúng đang tìm mọi cách để chống phá cách mạng. Phong trào cách mạng miền Nam, đấu tranh vũ trang đang phát huy với quy mô ngày càng lớn, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị. Phong trào đấu tranh ở nông thôn phát triển mạnh mẽ đã làm tan rã từng mảng chính quyền địch ở nông thôn, nhất là nông thôn Nam Bộ và vùng rừng núi khu V; tiêu diệt và làm tan rã hàng vạn tề ngụy phá hủy gần hết các “khu dinh điền”, “khu trù mật” của địch, làm chủ phần lớn đất đai, đưa khí thế cách mạng lên cao. Bộ Chính trị đã xác định phương châm đấu tranh vũ trang là phải song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt đấu tranh vũ trang và chính trị, trên cả 3 vùng chiến lược. Bằng 3 mũi giáp công, nhân dân ta đã bẻ gãy các cuộc càn quét khủng bố của địch trong thời kì “đồng khởi”, thì giờ đây nó cũng góp phần rất quan trọng trong việc đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở miền Nam. Địch gom dân lập “ấp chiến lược” khắp nông thôn miền Nam, làm dấy lên phong trào quần chúng đấu tranh rầm rộ, sôi nổi chưa từng có. Đồng bào ở những vùng bị gom dân kiên quyết bám đất giữ làng - “một tấc không đi, một li không rời”. Ta vừa đấu tranh tại chỗ, vừa tố chức biểu tình hàng ngàn người kéo vào đấu tranh với bọn chỉ huy và chính quyền Diệm, khiêng những người đã chết vì bom đạn, những tang vật bị nhiễm độc nhằm gây náo loạn trong hàng ngũ địch. Phong trào đấu tranh chính trị lên cao cả ở nông thôn và thành thị. Ở nông thôn, nổi bật nhất là đấu tranh chống địch càn quét, gom dân. Ở thành thị, là phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ của công nhân lao động, học sinh sinh viên chống địch bắt lính, đòi bình đẳng tôn giáo của các tăng ni, phật tử. Do đặc điểm phát triển không đều của cách mạng miền Nam, so sánh lực lượng giữa ta và địch ở mỗi vùng có khác nhau nên phương châm đấu tranh phải linh hoạt, thích hợp với từng vùng cụ thể. Vùng rừng núi lấy đấu tranh vũ trang là chủ yếu, có nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng căn cứ, xây dựng lực lượng của ta. Vùng nông thôn đồng bằng đã kết hợp song song hai hình thức đấu tranh vũ trang và chính trị và tùy tình hình cụ thể mà đẩy mạnh từng mặt, tích cực tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Còn vùng đô thị lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu. Trong đấu tranh phải giữ thế hợp pháp, đồng thời phải sử dụng cả hình thức đấu tranh bất hợp pháp. Tuy chưa phát triển bằng phong trào ở nông thôn, nhưng phong trào đấu tranh ở đô thị càng ngày càng cao. Riêng năm 1961, phong trào công nhân đã có 1500 cuộc đấu tranh, trong đó chủ yếu ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Cũng trong năm này, quân và dân miền Nam đã tiến hành đấu tranh chính trị, vũ trang rộng khắp, vượt qua cuộc phản kích điên cuồng của đối phương, đánh 15.525 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3 vạn tên, bắt hơn 3200 tên, thu nhiều vũ khí. Song song với tiến công quân sự, 33,8 triệu lượt người đã xuống đường đấu tranh chính trị trực diện với địch và làm công tác binh vận (riêng phong trào đấu tranh chính trị và binh vận đã làm cho 14.500 binh sĩ của Diệm đảo ngũ), Vùng giải phóng được giữ vững với hơn một vạn thôn xã và gần 6 triệu dân. Nhờ đó mà từ năm 1961, ta đã thu được nhiều thóc gạo, phục vụ hậu cấn tại chỗ, 1200 thanh niên các vùng giải phóng gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng. Tuy nhiên phong trào cách mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bị tổn thất và nhiều nơi còn lúng túng, chưa đánh bại được kế hoạch Xtalây - Taylo.
Tháng 2-1962, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam. Nghị quyết vạch rõ: đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, củng cố và mở rộng căn cứ địa, giành và giữ thế chủ động, tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, nhất là lực lượng vũ trang tập trung của miền, đẩy mạnh tác chiến tập trung, tích cực xây dựng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ làm lực lượng hỗ trợ cho đấu tranh chính trị ở cơ sở, phá cho kì được “ấp chiến lược”, coi đây là công tác cấp bách, đồng thời là nhiệm vụ lâu dài, đẩy cách mạng miền Nam tiến lên một bước mới. Kế hoạch quân sự năm 1962 là phá cho bằng được “phương trình bình định” 18 tháng của Mĩ - Diệm.
Ngày 16-2-1962, Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam lần thứ nhất đã khai mạc. Đại hội đã công bố 4 chủ trương cứu nước khẩn cấp trong tình hình mới:
Đế quốc Mĩ phải đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam. Giải tán toàn bộ “ấp chiến lược”.
Thành lập ở miền Nam Việt Nam một chính phủ liên hợp dân tộc. Thực hiện đường lối đấu tranh ngoại giao hòa bình, trung lập. Đại hội đã bầu ủy ban trung ương do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.
Đại hội là một sự kiện chính trị quan trọng, góp phần cổ vũ, động viên đoàn kết nhân dân miền Nam trong sự nghiệp chống đế quốc Mĩ và tay sai. Hàng triệu người trên khắp miền Nam đã tổ chức mít tinh hoan nghênh ủy ban trung ương Mặt trận và bày tỏ niềm tin tưởng vào chính sách đúng đắn, chính nghĩa của Mặt trận.
Tháng 4-1962, trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, Quân khu V, nhiều tỉnh đều đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị (ban hành đầu năm 1962). Tất cả đều tập trung giải quyết 3 nhiệm vụ lớn: tích cực phá ấp chiến lược, đánh bại kế hoạch Xtalây-Taylo, xây dựng và mở rộng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân, đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Nhiều địa phương tổng kết phong trào chiến tranh du kích, đề ra biện pháp chống càn quét, phá ấp chiến lược và các thủ đoạn tác chiến mới, vũ khí mới của Mĩ - ngụy.
Đầu tháng 2-1962, 9 tiểu đoàn địch đánh vào U Minh để dồn 6 vạn dân vào ấp chiến lược, hàng ngàn người đã xuống đường kéo đến trụ sở ngụy quyền và các đồn bốt để đấu tranh tố cáo tội ác của chúng, đòi chấm dứt càn quét. Phối hợp với đấu tranh chính trị, ta tiến công địch ở Đầm Dơi, Cái Nước và nhiều nơi khác, diệt gần 600 tên. Tháng 3-1962, nhân dân 6 tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Tây, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định nổi dậy cùng lực lượng vũ trang đánh trả quyết liệt cuộc hành quân của 8000 quân của Diệm. Chúng xả súng vào đoàn biểu tình, sát hại hơn 500 người và bắt đi hơn 1300 người, đốt hàng nghìn ngôi nhà. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt 3 tháng ròng rã. Tháng 4-1962, hơn 1 vạn đồng bào tỉnh Gò Công kéo vào thị xã, thị trấn, bao vây trụ sở ngụy quyền, đòi bỏ lệnh gom dân lập ấp chiến lược. Trước sức đấu tranh kiên quyết của nhân dân, địch đã phải lùi bước và chấp nhận một số yêu sách của nhân dân. Ngày 12-4, hơn 3 vạn đồng bào Mĩ Tho nổi dậy phá tan nhiều ấp chiến lược giữa lúc phong trào quần chúng ở đồng bằng đang sôi sục. Ngày 26-6, các chiến sĩ biệt động táo bạo đánh kho xăng Tân Sơn Nhất, đốt hàng triệu lít xăng, gây chấn động cả Sài Gòn. Cũng vào đầu năm 1962, ở khu V lực lượng vũ trang đã tiến công tiêu diệt quận lị Trà Mi (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi), các cứ điểm Định Quang, Hương Nhơn (Bình Định), An Lĩnh, núi Hiếu, Hòn Ngang (Phú Yên), Hữu Đức, Từ Lâm (Ninh Thuận), Đồng Kho (Bình Thuận)... Tại Phú Yên, ta chặn đánh các cánh quân càn quét của địch, diệt 1600 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Đầu tháng 5-1962, bảy chiến sĩ thuộc đơn vị vũ trang Quảng Nam đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của tiểu đoàn địch đánh vào xã Điện Ngọc. Đây được coi là một trong những điển hình của chiến tranh du kích ở Trung Bộ.
Đấu tranh quân sự đã hỗ trợ tích cực cho quần chúng đấu tranh chính trị, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược của địch ở vùng nông thôn đồng bằng và miền núi khu V. Đến tháng 5-1962, riêng Quảng Ngãi đã có 15 vạn dân thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa giành được quyền làm chủ. Bình Định có 157 thôn (thuộc 4 huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phú Mĩ, Bình Khê) được giải phóng; ở Phú Yên có 103 thôn (trong 25 xã) với gần 35 vạn dân được giải phóng. Nhân dân Quảng Nam đã phá tan được 24 ấp chiến lược.
Địch tìm mọi cách phản công lại. Với các phương tiện chiến tranh hiện đại chúng gây cho nhân dân miền Nam những tổn thất nặng nề, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 1962, 36.000 người đã bị thiệt mạng. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, địch đã thu gom được gần 2 triệu dân, thiết lập được ấp chiến lược. Lực lượng của ta phải bật ra ngoài; du kích, cán bộ đảng viên phải tạm trụ chân ở các địa phương bạn. Ở miền Tây Nam Bộ, từ 2543 ấp giải phóng chỉ còn 1520 ấp. Ở vùng đồng bằng khu V, chỉ còn 904 thôn (trong tổng số 3829 thôn) có cơ sở với 700 đảng viên. Ở đây, địch lập ấp chiến lược khá dễ dàng. Cách mạng bị tổn thất lớn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam Bộ, khu V chưa kết hợp được tiến công quân sự và chính trị nên phong trào có gặp khó khăn, bị tổn thất nặng, chưa đánh bại được chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mĩ Diệm. Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh quân giải phóng, các Quận khu đã cử cán bộ xuống các tỉnh trực tiếp chỉ dẫn tổng kết kinh nghiệm, giúp đỡ các cơ sở đối phó với mọi thủ đoạn mới của Mĩ - Diệm. Một phong trào thi đua luyện tay súng bắn tỉa, bắn máy bay, diệt xe cơ giới địch được phát động. Việc vận dụng phương châm “2 chân, 3 mũi” (chính trị - quân sự và chính trị - quân sự - binh vận) được thực hiện linh hoạt nhuần nhuyễn hơn). Ngày 15-2-1961, các lực lượng vũ trang giải phóng được thống nhất thành Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân được hình thành rõ rệt. Ngày 2-9-1961, Trung đoàn 1 bộ binh được thành lập tại căn cứ Dương Minh Châu (Đông Nam Bộ). Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của chiến trường miền Nam trong thời kì chống Mĩ. Bộ đội địa phương ở tỉnh, huyện và chủ lực khu có 24500 cán bộ chiến sĩ, mỗi huyện tổ chức được 1 trung đội bộ đội địa phương, có huyện tổ chức được 1 đại đội; mỗi tỉnh có 1 đến 2 đại đội. Chất lượng của lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao. Sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam được tăng cường. Ngoài phòng hậu cần (thuộc Ban Quân sự miền) lo chung cho các đơn vị, mỗi quân khu đều xây dựng căn cứ hậu cần riêng làm nhiệm vụ thu mua, tiếp nhận người, vật chất, tạo dự trữ, vận chuyển cho các hướng phục vụ bộ đội, tổ chức tăng gia sản xuất v.v... Có địa phương (như Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh) còn tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc để trực tiếp báo cáo với Trung ương và chở vũ khí vào Nam. Nhờ đó mà phong trào ngày càng phát triển, những nơi phong trào yếu kém cũng dần dần được hồi phục.
Trong 3 tháng cuối năm 1962, lực lượng vũ trang các tỉnh Cà Mau, Mĩ Tho, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Tây Ninh, Bình Dương phối hợp với bộ đội miền và du kích liên tục tiến công đánh bại nhiều cuộc hành quân Bình Tây, Sao Mai, Thu Đông của Mĩ - Diệm, tiêu diệt hàng nghìn tên. Nhiều trận đánh của du kích xã chống địch càn quét diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi cả máy bay lên thẳng, mở ra khả năng tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân du kích, đập tan các cuộc càn quét quy mô cỡ tiểu đoàn, hỗ trợ trực tiếp cho quần chúng phá ấp chiến lược. Tại Liên khu V, nhiều cuộc tiến công quân sự được diễn ra rất sôi động. Ngày 4-8-1962, bộ đội địa phương tỉnh Bình Thuận tiêu diệt địch ở quận lị Hàm Tân, diệt gọn 1 đại đội và 150 tên khác. Nhân dân các thôn Tam Tân, Gò Đinh, Cửu Can, Tân Hiệp nổi dậy phá các ấp chiến lược. Ngày 30-8, tiểu đoàn bộ đội địa phương Quảng Ngãi đánh bại cuộc tiến công bằng trực thăng vận của 1 tiểu đoàn dù biệt kích, bắn hơn 18 máy bay lên thẳng, diệt nhiều tên địch, giữ vững vùng căn cứ. Tháng 9-1962, bốn tiểu đoàn chủ lực của khu V cùng lực lượng địa phương mở tác chiến, tiến công phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch ở khu vực giáp ranh 4 huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kì (Quảng Nam), hỗ trợ cho nhân dân địa phương phá tan 24 ấp chiến lược, làm chủ 7 xã và 13 thôn...
Trong năm 1962, lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã đánh hàng ngàn trận, loại khỏi vòng chiến đấu 35.000 tên địch (có 400 tên Mĩ), làm rã ngũ 32.000 tên, lật đổ 18 đoàn tàu hỏa, phá sập 3/2 cầu, bắn hỏng 12 tầu xuống, đốt cháy kho xăng Nha Trang, Tân Sơn Nhất... Trên mặt trận đấu tranh chính trị, hàng chục triệu lượt quần chúng đã tham gia chống địch càn quét, gom dân lập ấp chiến lược. Ở Châu Phú (Châu Đốc), nhân dân dùng hàng nghìn xuồng máy, ghe chở người biểu tình đi dọc các kênh rạch đòi địch hủy bỏ ấp chiến lược. Ở khu V, hàng vạn người dân Tuy Hòa, Bình Thuận, Tuyên Đức bao vây trận địa pháo binh của quân Diệm, đòi chúng không được bắn pháo vào dân thường và đòi bồi thường thiệt hại. Phá ấp chiến lược còn gắn liền với xây dựng các làng chiến đấu. Năm 1962, ta đã huy động 11 triệu lượt người, xây dựng hàng trăm làng chiến đấu trên khắp miền Nam. Chỉ riêng ở đồng bằng Cửu Long, ta đã phá được 182 ấp chiến lược và xây dựng được 50 làng chiến đấu, phá thế kìm kẹp của địch ở 760 xã (trong số 902 xã). Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, ta làm chủ 167 thôn, tạo bàn đạp cho lực lượng cách mạng hoạt động ở nội đô. Ở khu V, ta phá thế kìm kẹp của Diệm ở 682 thôn trong tổng số 2848 thôn, giải phóng gần nửa triệu dân. Tính đến cuối năm 1962, ta đã phá được 2665 ấp chiến lược (trong đó có một số phá hoàn toàn), phá thế kìm kẹp ở 2982 thôn, giải phóng hoàn toàn 2441 thôn (trong tổng số 17162 thôn), kiểm soát trên 6,5 triệu dân. Nhiều điển hình về phong trào chiến tranh du kích như Nguyễn Viết Khải (Cà Mau), Huỳnh Văn Đảnh (Long An), Nguyễn Thị Út - tức chị út Tịch (Trà Vinh), Tạ Thị Kiều (Bến Tre),.. Tuy nhiên, do trang bị cho lực lượng vũ trang giải phóng còn thiếu thốn và thô sơ, nên không có những trận đánh tiêu diệt có ý nghĩa làm chuyển biến cục diện chiến trường.
Về phía Mĩ - Diệm, việc thực hiện kế hoạch Xtalây - Taylo trên cả ba phương diện đề ra thì chúng mới đạt được một mục tiêu là tăng cường lực lượng quân đội của Diệm, biên chế, cải tiến trang bị, sắp xếp lại tổ chức, còn mục tiêu thứ hai là đánh bại chiến tranh du kích thì chúng không thực hiện được ; trái lại lực lượng vũ trang giải phóng và dân quân, du kích càng phát triển. Đối với mục tiêu bình định, dồn dân lập ấp chiến lược thì đến giữa năm 1962, từ 16.000 ấp, chúng điều chỉnh rút xuống còn 7000 ấp và đến cuối năm 1962, chúng chỉ lập được 3900 ấp (đạt 3l,7%) với khoảng 6 triệu dân, trong số 14 triệu dân toàn miền Nam. Phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, Mặt trận đã kết hợp từng bước việc giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Ngoài số ruộng đất nông dân đã giành được trong thời kì kháng chiến chống Pháp và còn giữ lại được, Nam Bộ giành thêm gần 3,8 vạn ha, khu V thêm 1200 ha. Trong vùng giải phóng, trường học đã được mô, thu hút nửa triệu học sinh đến trường.
Chương trình bình định miền Nam trong vòng 18 tháng của Kennơđi đã bị phá sản về căn bản. Ngày 22-12-1962, Kennơđi đã phải thú nhận: chúng đang ở trong đường hầm chưa thấy lối ra.
Cuộc chiến tranh yêu nước của đồng bào miền Nam đã phát triển từ cuộc chiến tranh du kích toàn dân, toàn diện, trường kì chống lại một kẻ địch hùng mạnh và tàn bạo nay đã xuất hiện trạng thái giằng co quyết liệt giữa ta và địch.
Quân của Diệm tuy có được tăng cường lực lượng, phương tiện, cơ động nhưng chúng vẫn không thực hiện được kế hoạch Xtalây - Taylo mà còn bị thiệt hại ngày càng nặng nề. Đến cuối năm 1962, ta thu được nhiều thắng lợi nhưng vẫn chưa đánh bại được chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của chúng.
Bước sang năm 1963, yêu cầu đánh bại các cuộc hành quân bằng “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của Mĩ - Diệm trở thành một yêu cầu bức xúc của cách mạng miền Nam. Các địa phương quyết tâm vận dụng phương châm “2 chân, 3 mũi” đánh bại các chiến thuật mới của địch, đưa phong trào cách mạng tiến lên hơn nữa. Tháng 1-1963, chiến trường ấp Bắc tổ chức thắng lợi trận chống càn quy mô lớn.
Ấp Bắc là một ấp nhỏ, thuộc xã Tân Phú Trung, quận Cai Lây, tỉnh Mĩ Tho (cách thị xã Mĩ Tho khoảng 16 km và cách quốc lộ 4 khoảng 5km). Xung quanh ấp Bắc là cánh đồng rộng có hệ thống đường đất, kênh rạch nối liền các thôn ấp nên việc đi lại khá thuận lợi. Nhân dân đã xây dựng ấp thành một hệ thống phòng thủ gồm hầm hào chiến đấu cho bộ đội và du kích thực hành tác chiến thắng lợi. Phía trước có nhiều vườn cây và khu dân cư nhô ra là địa hình thuận lợi để chặn đứng các hướng tiến công của địch. Đây là nơi có phong trào quần chúng mạnh, trở thành một trong những xã căn cứ của tỉnh Mĩ Tho. Tại đây, địch đã huy động một lực lượng lớn với 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội biệt động, 3 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ và biệt kích với 2000 tên, 13 xe M113, 13 tàu chiến, 6 máy bay khu trục và 20 máy bay lên thẳng, 4 máy bay trinh sát 6 máy bay vận tải, 12 khẩu pháo chi viện... Viên tướng tư lệnh vùng 4 chiến thuật và 2 đại tá Mĩ trực tiếp chỉ huy cuộc càn quét. Bên ta chỉ có một đại đội thuộc tiều đoàn chủ lực Quân khu VIII, một đại đội thuộc tiểu đoàn tranh Mĩ Tho và một số bộ đội địa phương, du kích. Tỉ lệ quân số địch - ta là 10-1. Theo đúng chiến thuật “bủa lưới phóng lao”, địch cho không quân pháo binh bắn phá dọn đường; các mũi bộ binh, lính dù, xe bọc thép, tàu chiến trên sông đồng loạt tiến công vào ấp Bắc. Với hàng tấn bom, trên 4000 quả đạn pháo, 200 lính thủy - lục - không quân tấn công vào một ấp nhỏ bé, hi vọng đè bẹp được sự chống cự của quân ta, tiêu diệt bắt gọn bộ đội chủ lực ta hòng gây thanh thế. Nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả vô cùng lợi hại của chiến tranh nhân dân. Lực lượng bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, đánh trận địa kết hợp với đánh du kích, tiến công với phản công và phòng ngự, buộc chúng phải chấm dứt cuộc hành quân với những tổn thất nặng nề: 450 tên địch (có 9 cố vấn Mĩ) bị tiêu diệt, 16 máy bay lên thẳng, 3 xe bọc thép, 1 tàu chiến địch bị tiêu diệt. Giữa đồng bằng, lần đầu tiên quân giải phóng, với lực lượng ít hơn địch 10 lần, đã đập tan cuộc càn quét lớn của địch có sức cơ động cao. Phối hợp chặt chẽ với cuộc chống càn ở ấp Bắc, bộ đội địa phương và dân quân du kích xã trong quận Cai Lây (Châu Thành) và thị xã Mĩ Tho đã đồng loạt tiến công địch. Trong 2 ngày (mùng 2 và 3-1-1963), đã có gần 130.000 luật người ở khắp các đô thị, nông dân đấu tranh hợp pháp với địch. Tiêu biểu là trưa ngày 2-1-1963, hơn 700 quần chúng thuộc các xã Mĩ Hạnh Đông, Mĩ Hạnh Tây, Mĩ Hạnh Trung, Mĩ Phước Tây đã “tản cư ngược” lên khu trù mật Phước Mĩ Tây, bao vây không cho pháo binh địch bắn phá làng xóm. Cùng lúc, hơn 200 gia đình con em binh sĩ ngụy kéo vào bệnh viện thị xã Mĩ Tho đòi chồng con, đưa yêu sách làm cho đối phương lúng túng, tạo điều kiện cho quân dân ấp Bắc chiến đấu thắng lợi. Nhờ kết hợp gắn bó đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng, nên cùng với chiến thắng ấp Bắc, quân dân thị xã Mĩ Tho và các vùng phụ cận đã bức rút 45 đồn bốt, uy hiếp 55 đồn bốt, phá banh 59 ấp chiến lược, giải phóng hoàn toàn 55 ấp khỏi sự kìm kẹp của địch.
Chiến thắng ấp Bắc đã gây tiếng vang lớn, đánh dấu sự phát triển cả về chất lượng của cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam. Kết hợp ba lực lượng: chủ lực - địa phương - dân quân du kích, kết hợp ba hình thức đấu tranh: chính trị, quân sự, binh vận, quân dân Mĩ Tho đã đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của đối phương, mở ra khả năng mới thì quân và dân ta tiến lên đánh bại hoàn toàn “chiến tranh đặc biệt” của chúng, đẩy chúng vào tình trạng khủng hoảng về chiến thuật.
Ấp Bắc là trận mở đầu báo hiệu sự khủng hoảng về chiến thuật của địch, báo hiệu thế đi xuống của chúng trên toàn miền Nam. Chiến thắng ấp Bắc đã làm nức lòng quân và dân miền Nam, mở ra phong trào “Thi đua ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam.
Tháng 10-1963, theo quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Miền được thành lập để giúp Trung ương Cục chỉ huy và đẩy mạnh đấu tranh vũ trang. Việc phá ấp chiến lược là hết sức quan trọng và Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh phải liên tiếp mô các đợt phá ấp chiến lược, hình thành một cao trào quần chúng tiến công vũ trang và chính trị, nổi dậy khởi nghĩa từng phần. Nhiều đợt quần chúng nổi đậy lôi cuốn hàng triệu người tham gia, bức rút, bức hàng hàng loạt đồn bốt, lôi kéo hàng vạn con em gia đình binh sĩ ngụy cùng tham gia làm công tác binh vận, phối hợp phá ấp chiến lược. Lực lượng vũ trang địa phương phát triển nhanh chóng. Số lượng bộ đội tỉnh đã tăng gấp đôi so với năm 1962 (64.000 so với 30.500 quân). Số du kích cũng tăng hơn 70 vạn người, riêng xã Đông Phương, thị xã Cần Thơ có 90% số dân vào du kích. Mọi người dân đều biết sử dụng các loại vũ khí thô sơ tự tạo để đánh địch. Ở Nam Bộ, số địch bị chết bằng vũ khí thô sơ là 27%. Ở Bến Tre, có sáng kiến dùng ong bò vẽ kết hợp với súng ngựa trời đánh đồn Anh Dinh, chống địch càn quét. Trong năm 1963, Bến Tre đã đặt hàng nghìn tổ ong bò vẽ để chống địch trên phạm vi 70 xã. Du kích Cà Mau bao vây, đánh lấn, bức rút nhiều đồn bốt địch, giải phóng nhiều vùng. Một phong trào bắn máy bay lên thẳng, diệt xe M113 được phát động rộng khắp. Năm 1963, ta hạ 690 máy bay lên thẳng, bắn cháy 800 xe cơ giới của địch. Có sự hỗ trợ của phong trào vũ trang chính trị địa phương, tác chiến của bộ đội chủ lực ngày càng tăng lên. Ngày 9-3-1963, ở Nam Bộ đã diễn ra trận tiến công chi khu Cái Nước Đầm Dơi (Cà Mau) diệt 558 tên địch, thu nhiều vũ khí. Cũng trong tháng 9, ta tập kích sân bay Sóc Trăng, diệt 80 máy bay. Ngày 28-11-1963, bộ đội địa phương tỉnh phối hợp với đặc công đánh vào căn cứ huấn luyện biệt kích Đức Hòa (Long An), diệt hơn 170 tên địch (có 13 tên Mĩ). Ngày 31-12-1963, ta tiêu diệt gọn tiểu đoàn Cọp đen khét tiếng gian ác ở Đường Long (Bến Cát, Thủ Dầu Một), mở đầu những trận đánh có quy mô ngày càng lớn của Quân giải phóng.
Tại khu V, Tây Nguyên và Trị Thiên, chiến tranh du kích cũng phát triển mạnh. Tại nhiều khu vực ở đây, du kích vừa chiến đấu vừa tăng gia sản xuất, bảo vệ xóm làng. Tại khu V, bộ đội chủ lực của khu đã mở nhiều đợt hoạt động mạnh đánh trả nhiều cuộc càn quét lớn của Mĩ - Diệm. Trong năm 1963, ta đã đánh 24.600 trận lớn nhỏ, diệt 78 000 tên (có 600 lính Mĩ), bắn rơi và phá hủy 609 máy bay, phá hủy hàng trăm xe cơ giới, trên 800 đồn bốt bị diệt, bức hàng hoặc bức rút, lật đổ 34 đoàn xe lửa, 236 tầu xuồng bị đánh chìm, thu hàng vạn súng các loại của đối phương. Các chiến trường phát triển đồng đều hơn trước. Ta đã phá banh được 2895 ấp chiến lược (trong số 6164 ấp do chính quyền Diệm lập ra), giải phóng 12 000 thôn xã với gần 9 triệu dân.
Những thắng lợi trên đã tác động mạnh mẽ tới phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, nhất là ở đô thị. Ngày 5-8-1963, nhân dịp chính quyền ngụy ở Huế cấm nhân dân treo cờ Phật trong ngày Phật đản, 2 vạn tăng ni, Phật tử Huế đã xuống đường hô vang khẩu hiệu phản đối. Diệm ra lệnh đàn áp dã man, sát hại nhiều người. Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam kêu gọi đồng bào cả nước và thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh này. Làn sóng đấu tranh ủng hộ phong trào Phật giáo lan rộng cả nước và nhiều nước trên thế giới, nhất là ở thành phố Sài Gòn. Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn đã gây xúc động mạnh trong nhân dân. Ngày 16-6-1963, cả Sài Gòn sôi sục trong cuộc đấu tranh của 70 vạn quần chúng, làm rung chuyển chế độ Diệm. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt 3 tháng trời đã làm ngừng trệ một phần những nỗ lực chiến tranh của Mĩ - ngụy.

Thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn biểu tình đòi Mĩ – ngụy bãi bõ lệnh động viên (Ảnh của VNTTX)
Phong trào Phật giáo cùng phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang ở nông thôn đã làm cho chế độ Diệm càng khủng hoảng sâu sắc, lúng túng bị động, khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn. Các tướng lĩnh đầu sỏ bắt đầu đứng ra vận động chống anh em Ngô Đình Diệm. Họ lập ra cái gọi là “Hội đồng quân nhân cách mạng”, bàn mưu kế lật đổ Diệm - Nhu. Mĩ cũng ráo riết chuẩn bị thay ngựa giữa dòng. Tổng thống Kennơđi bổ nhiệm Cabôtlốt làm Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn và ngày 1-11-1963, Mĩ ủng hộ nhóm tướng lĩnh do Dương Văn Minh cầm đầu làm cuộc đảo chính giết chết anh em Ngô Đình Diệm, hi vọng có thể sau đảo chính sẽ ổn định được chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi để Mĩ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Trái với ý muốn của Mĩ, sau khi nền “đệ nhất cộng hòa” với học thuyết “Cần lao nhân vị” do Mĩ nặn ra đã bị lật đổ, chính quyền Sài Gòn ngày càng lao sâu vào thời kì khủng hoảng triền miền không lối thoát. Ngày 7-11-1963, ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã họp khẳng định: “Nhân dân miền Nam đấu tranh cách mạng không phải để làm thay đổi tập đoàn thống trị độc tài Diệm - Nhu bằng một tập đoàn khác cũng thống trị độc tài và tiếp tục phục vụ các chính sách xâm lược của Mĩ mà phải xóa bỏ nguồn gốc đề ra chế độ ấy cùng các chính sách phản dân, hại nước của nó...”.
Ngày 22-11-1963, Tổng thống Kennơđi bị mưu sát. Phó tổng thống Giônxơn lên thay. Giônxơn tuyên bố Mĩ sẽ tiếp tục ủng hộ và trợ giúp chính quyền Sài Gòn chống lại “chế độ cộng sản Tập đoàn tay sai mới ở miền Nam tiếp tục lao vào cuộc chiến tranh một cách điên cuống. Giônxơn gấp rút tăng cường hiện đại hóa cho quân đội Sài Gòn. Pháo binh tăng 1,2 lần, không quân tăng 1,5 lần, tầu xuồng chiến đấu tăng 1,1 lần so với năm 1962. Cuối năm 1963, lực lượng cố vấn và quân yểm trợ Mĩ lên tới 22.300 tên. Quân đội Sài Gòn tiếp tục các hoạt động càn quét, lập ấp chiến lược hòng giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Trọng tâm các cuộc càn quét là tiêu diệt lực lượng vũ trang giải phóng, phá căn cứ kho tàng, hệ thống giao liên vận tải của ta. Chúng còn dùng hỏa lực và chất độc đánh phá ác liệt các vùng giải phóng để tạo nên các “vành đai trắng” cách li với các ấp chiến lược. Đồng thời chúng đẩy mạnh kế hoạch chiêu hồi, lôi kéo mua chuộc những người mất ý chí phản bội, đầu hàng tiếp tay cho Mĩ “chống cộng”. Những nỗ lực đó giúp Mĩ nắm chắc được chính quyền Sài Gòn. Nhìn chung, chế độ Sài Gòn tuy bị khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng chúng vẫn còn rất mạnh. Giônxơn tiếp tục chính sách của Kennơđi một cách điên cuồng. Chúng phê chuẩn kế hoạch oanh tạc miền Bắc Việt Nam mang tên Rôxtốp, quyết định thực hiện chương trình bí mật gọi là “Xuýtxơbắc”, chuyển giao các hoạt động của CIA ở Việt Nam cho giới quân sự. Giônxơn cử Mc Namara - Bộ trưởng quốc phòng Mĩ và Taylo: Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mĩ sang Việt Nam trực tiếp nắm tình hình và vạch ra kế hoạch chiến tranh mới - kế hoạch Giônxơn - Mc Namara, thay thế kế hoạch Xtalây - Taylo đã phá sản. Kế hoạch này gồm những nội dung chính sau:
- Tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của Mĩ, hệ thống yểm trợ, hậu cần, tăng viện trợ vũ khí, trang bị kĩ thuật cho quân đội Sài Gòn.
- Tăng quân số cho quân đội Sài Gòn.
- Xúc tiến hơn nữa việc lập ấp chiến lược.
- Ra sức bình định tập trung vào các tỉnh xung quanh Sài Gòn trong 2 năm (1964-1965).
- Dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam và Lào, đe dọa gây sức ép buộc miền Bắc phải ngừng chi viện cho miền Nam. Đây là một bước thụt lùi lớn so với kế hoạch Xtalây - Taylo vì kế hoạch này kéo dài những 2 năm nhưng lại chỉ bình định có trọng điểm, chủ yếu xung quanh Sài Gòn - Gia Định. Ngày 17-3-1964, Giônxơn tán thành kế hoạch Mc Namara và nỗ lực tăng cường các hoạt động chiến tranh. Chúng đã tăng lực lượng quân chính quy và quân địa phương lên 561.000 người, quân chủ lực biên chế thành 9 sư đoàn, 7 trung đoàn độc lập và 20 tiểu đoàn lẻ được trang bị 375 máy bay (có 100 máy bay lên thẳng), 732 xe tăng và xe bọc thép M113. Quân địa phương gồm có 10 tiểu đoàn, 533 đại đội bảo an, 3780 trung đội và 2570 tiểu đội dân vệ đóng rải rác ở tất cả các xã, ấp trên toàn miền Nam. Đế quốc Mĩ tăng cường lực lượng lục quân, không quân, hải quân cho khu vực Đông Nam Á, đưa lực lượng yểm trợ quân sự và cố vấn Mĩ lên 26.200 người với 608 máy bay, gấp rút chuẩn bị để đánh phá miền Bắc Việt Nam, nhằm hỗ trợ “gây sức ép đáng kể” cho việc tiến hành “chiến tranh đặc biệt”. Mĩ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn năm 1963 - tới 100 triệu đô la, trong đó viện trợ quân sự trên 70%. Được Mĩ giúp đỡ tích cực, ngày 18-2-1964,Nguyễn Khánh (kẻ vừa lật đổ Chính phù Dương Văn Minh ngày 30-1-1964), đã trắng trợn ra Sắc lệnh 93 - đặt cộng sản và lực lượng trung lập ra ngoài vòng pháp luật và phát động chiến dịch “Bắc tiến”, hô hào tiến công ra miền Bắc. Chúng tăng cường càn quét đánh phá ác liệt, nhất là các tỉnh xung quanh Sài Gòn, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung Trung Bộ. Ở Lào, Mĩ lôi kéo Coongle và phái hữu ở Lào phá hoại Chính phủ liên hiệp, mở các hoạt động không quân đánh phá hành lang vận tải chiến lược Trường Sơn. Phái hữu Lào còn cho phép quân Sài Gòn “truy kích Việt cộng” qua biên giới Lào - Việt. Ở Campuchia, chúng gây sức ép đòi Chính phủ Xihanúc từ bỏ con đường hòa bình trung lập. Xihanúc đã khước từ viện trợ Mĩ, tiếp tục mối quan hệ thân thiện với Việt Nam DCCH và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 3-4-1964, Mĩ triệu tập khối SEATO, ra thông cáo vu khống Việt Nam hòng lôi kéo các nước thuộc khối này tham gia chiến tranh chống Việt Nam. Ngày 17-4-1964, Mĩ họp Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đề ra kế hoạch OPLAN 37, đánh các đường “thâm nhập” từ miền Bắc qua biên giới các nước Lào và Campuchia. Chúng xúc tiến kế hoạch dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Kế hoạch chiến tranh mới của Mĩ đã mở rộng “chiến tranh đặc biệt” với quy mô mới.
Để chống lại kế hoạch quân sự Giônxơn - Mc Namara, chúng ta đã phát triển lực lượng về mọi mặt, nhất là lực lượng vũ trang. Nhiều trung đoàn chủ lực được huấn luyện và trang bị tốt từ miền Bắc được tăng cường cho miền Nam. Nhiều cán bộ quân sự có kinh nghiệm được bổ sung chi viện cho miền Nam.
Các lực lượng vũ trang nắm vững thời cơ kiên quyết tiến công đối phương, phá ấp chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến trường. Tháng 3-1964, ở Bến Tre, sau 17 ngày chống càn ta đã đập tan cuộc càn quét lớn, mang tên Phượng Hoàng của quân đội Sài Gòn, diệt 1200 tên, bắn rơi 40 máy bay, thu 200 súng, cất giấu an toàn 300 tấn vũ khí từ miền Bắc đưa vào bãi biển Thạnh Phú. Tháng 4-1964, ta liên tiếp tiến công tiêu diệt và đập tan các cuộc càn quét của chúng, giải phóng toàn bộ các xã phía nam huyện Mỏ Cày.
Trong hai tháng (4 và 5-1964), 3 trung đoàn quân Sài Gòn đánh ra bắc Suối Đá (Tây Ninh), 14 tiểu đoàn đánh ra vùng Bến Súc (Thủ Dầu Một), 14 tiểu đoàn càn quét vùng Bến Cát, 15 tiểu đoàn đánh ra An Nhơn – Gia Định để giãn lực lượng ta ra xa Sài Gòn. Các lực lượng vũ trang ta đã đập tan những cuộc càn quét của chúng, hỗ trợ đắc lực cho nhân dân nổi dậy ở khắp nơi. Đến giũa năm 1964, hệ thống ấp chiến lược ở An Giang căn bản bị xóa bỏ.
Tại khu V, đợt hoạt động hè - thu được triển khai trong tháng 4 và 5 đã đánh bại cuộc càn quét lần thứ hai của 10 tiểu đoàn địch vào căn cứ Đỗ Xá. Đến giữa năm, ở đây ta đã phá banh 1082 ấp chiến lược ở vùng đồng bằng khu V, giải phóng hoàn toàn 123 xã, đưa số dân làm chủ tăng gấp 2 lần năm 1963 là 1,52 triệu người.
Trên chiến trường Tây Nguyên, ta phá banh các ấp chiến lược dọc đường 14.
Trên chiến trường Trị - Thiên, ta quét sạch tề điệp ở nam sông Bến Hải, giải phóng 28 vạn dân, đưa 479 thôn lên làm chủ ở các mức độ. Cùng với phong trào chống càn quét, phá ấp chiến lược, lực lượng biệt động và đặc công của ta đã tập kích táo bạo vào sân bay Tân Sơn Nhất (18-1-1964), đánh mìn rạp Kinh Đô (16-2), đánh chìm tàu Cadơ có trọng tải 15.000 tấn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, phá hỏng nhiều máy bay và phương tiện chiến tranh của chúng. Những trận đánh sâu vào nội đô cùng với các cuộc đấu tranh của hàng vạn quần chúng lao động đòi cải thiện đời sống càng làm cho hậu phương của đối phương thêm rối loạn.
Bị thua đau ở miền Nam, Mĩ càng ra sức khiêu khích phá hoại, chuẩn bị đánh phá miền Bắc. Chúng tung các toán gián điệp ra miền Bắc, đánh phá cầu Hang - Thanh Hóa (12-6-1964), tập kích nhà máy nước Bàu Tró, Quảng Bình (30-6), nhảy dù xuống vùng núi Yên Bái (17 - 6), Quỳ Châu, Nghệ An (19-7). Thực hiện kế hoạch tác chiến 34A, Mĩ đấy mạnh các hoạt động tuần tiễu của các tàu khu trục thuộc hạm đội 7 trong vùng vịnh Bắc Bộ.
Đề phòng đối phương đánh phá, ngày 9-1-1964 Bộ Tổng tham mưu đã họp Hội nghị phòng không nhân dân miền Bắc lần thứ nhất, triển khai hệ thống phòng không ba thứ quân và các biện pháp phòng tránh, sơ tán, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân. Lực lượng vũ trang miền Bắc phát triển nhanh chóng, với 19 vạn quân chính quy, được biên chế thành 9 sư đoàn bộ binh và một số binh chủng. Việc chi viện cho miền Nam được tăng cường: 7000 thanh niên miền Bắc được bổ sung cho đoàn vận tải 559, mức vận tải từ 40 tấn năm 1961 đã tăng lên 4000 tấn năm 1964, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chiến trường. Đường vận tải biển cũng được khai thác, đưa trót lọt nhiều chuyến vũ khí vào tận Hàm Tân, Xuyên Mộc (Bà Rịa), Cà Mau... Tuyến vận tải trên thực sự là những kì công trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước. Các lực lượng vũ trang nhân dân miền Bắc được lệnh sẵn sàng chiến đấu cao.
Sau một loạt các hoạt động khiêu khích dọn đường, ngày 5-8-1964 lấy cớ hải quân Mĩ bị Bắc Việt Nam tiến công ở vùng hải phận quốc tế, Mĩ cho máy bay ném bom miền Bắc gọi là “Mũi tên xuyên”. Đợt ném bom này của chúng bị ta giáng trả nên đã tổn thất nặng nề, 8 máy bay phản lực bị bắn rơi, 2 chiếc bị thương, 1 giặc lái bị bắt sống. Sau ngày 5-8, Mĩ đẩy mạnh ném bom đường vận tải Trường Sơn và tháng 2-1965, chúng ồ ạt ném bom miền Bắc, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với miền Bắc nước ta.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tới cuối năm 1964 đầu năm 1965, “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ đã bị phá sản về căn bản, thể hiện ở mấy điểm sau đây:
1- Quan đội Sài Gòn, công cụ chủ yếu của “chiến tranh đặc biệt” có nguy cơ tan rã hoàn toàn. Bốn ngày sau khi Mĩ ném bom miền Bắc, quân giải phóng khu V đã tiến công địch ở Kì Sanh (Quảng Nam), đánh bại “thiết xa vận” của đối phương, đánh thiệt hại 2 đại đội, 1 tiểu đoàn quân ngụy, phá hỏng 10 xe cơ giới, mở ra thời kì bộ đội chủ lực khu V đánh bại các chiến thuật cơ bản của địch. Trên các mặt trận, cường độ tấn công của quân giải phóng tăng lên, quân chủ lực ngụy sa sút ý chí, tránh né các mũi tiến công của ta. Năm 1964, đội quân tăng cường từ miền Bắc vào với số lượng lớn, gấp 14 lần so với năm 1960 (17.427 người/1217 người). Hai khối chủ lực đã hình thành đứng vững ở địa bàn chiến lược khu V và Nam Bộ. Công tác bảo đảm hậu cần và chỉ huy đánh lớn được đẩy mạnh. Khu V và Tây Nguyên mở đường vận chuyển thô sơ nối với Trung ương, lập hệ thống tiếp nhận từ miền Bắc vào và thu mua từ đồng bằng lên. Các địa phương trên đều có hệ thống hậu cần, quân y, quân giới và các đội vận tải. Đoàn vận tải biển từ miền Bắc vào được tăng cường. Cuối năm 1964, đoàn 559 có sức vận chuyển 4000 tấn/năm. Khối lượng hàng hóa năm 1964 chi viện vào Nam tăng gấp 4 lần so với năm 1968. Chớp lấy thời cơ, ta chủ trương cố gắng đánh bại hoàn toàn quân đội Sài Gòn trước khi quân Mĩ nhẩy vào. Tháng 10-1964, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho đợt hoạt động quân sự đông - xuân trên toàn miền Nam. Lần đầu tiên ta xây dựng một kế hoạch tác chiến trên toàn miền Nam với phạm vi rộng, thời gian dài và nhiều hướng.
Khu V mở đầu đợt hoạt động bằng chiến dịch An Lão (Bình Định, 12-1964). Kết quả, toàn bộ quân nguy chiếm đóng An Lão bị tiêu diệt. Quân tiếp viện đường bộ, đường không đều bị thiệt hại nặng, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 700 tan, giải phóng toàn bộ quận lị và huyện An Lão với 11.000 dân. Cùng với An Lão, trên hướng Quảng Nam, ta tiến công cứ điểm Chóp Chài, diệt gọn 1 đại đội, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn ngụy tiếp viện. Phối hợp với tiến công quân sự, nhân dân khu V đã phá tan 1485 ấp chiến lược ở đồng bằng, 292 ấp chiến lược ở miền núi, giải phóng 123 xã.
Ở Nam Bộ, ta mở chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa) từ tháng 12-1964 đến tháng 1-1965. Đây là lần đầu tiên ta tập trung một lực lượng lớn nhất (khoảng 7000 quân) để mở một chiến dịch dài ngày, trên một địa bàn rộng thuộc bốn tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Thuận - trọng điểm là Bình Long, Phước Long. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, bộ đội ta đã đánh 5 trận cấp trung đoàn, 2 trận cấp tiểu đoàn, diệt gọn 2 tiểu đoàn chủ lực quân Sài Gòn và 1 chi đoàn xe bọc thép, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn khác, diệt 7 đại đội bảo an, làm tan rã hầu hết dân vệ trong khu vực. Ta diệt 1755 tên, bắt 293 tên (có 60 cố vấn Mĩ), phá hủy 45 xe, bắn rơi 56 máy bay, thu nhiều súng. Quận Hoài Đức được giải phóng với 2 vạn dân. Thắng lợi Bình Giã có ý nghĩa lớn, nó mở ra thời kì mới, thời kì kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, thời kì có thể tiêu diệt những đơn vị chủ lực lớn của quân Sài Gòn. Trong chiến dịch này ta sử dụng tới 2 trung đoàn chủ lực, được tăng cường phối hợp với lực lượng vũ trang quân khu và địa phương.
Sau đợt hoạt động đông - xuân vừa kết thúc, ta mở cuộc tiến công hè – thu nhằm làm phá sản hoàn toàn “chiến tranh đặc biệt”. Mở đầu đợt tiến công Trung đoàn 1, chủ lực quân giải phóng đã tấn công thị xã Phước Long, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Sông Bé[2], diệt 1389 tên và 1 chi đội xe bọc thép. Đồng thời lực lượng vũ trang giải phóng khu V đã triển khai chiến dịch Tây Sơn Tịnh, tiến công cứ điểm Gò Cao (Ba Gia), tháng 6-1965. Sau 3 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn địch. Lần đầu tiên trên chiến trường khu V, 1 trung đoàn chủ lực quân giải phóng đã tiêu diệt 1 chiến đoàn chủ lực quân Sài Gòn. Trận đánh thể hiện sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam. Địch liên tiếp bị tiêu diệt gọn từng đơn vị lớn. Tháng 6-1965, lực lượng vũ trang Nam Bộ mở đợt chiến dịch Đồng Xoài. Sau ba ngày chiến đấu ác liệt, ta tiêu diệt và đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn chủ lực nguy, làm chủ cứ điểm Đồng Xoài. Thắng lợi của chiến dịch Đồng Xoài rất to lớn, nó góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường Nam Bộ và chứng tỏ quân Sài Gòn không đủ sức đứng vững trước các cuộc tiến công của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Tính đến tháng 8-1965, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 20 vạn quân ngụy, gấp 1,5 lần năm 1964. Các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài đánh dấu một bước mới trình độ tác chiến tập trung đánh tiêu diệt của ta, tạo ra bước ngoặt trong hình thái đấu tranh vũ trang của cách mạng miền Nam.
2- Ấp chiến lược, xương sống của “chiến tranh đặc biệt” cũng bị phá sản về căn bản. Các đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực ta đã hỗ trợ mạnh mẽ quần chúng nổi dậy phá tan từng mảng ấp chiến lược và 4/5 ấp chiến lược của đối phương đã bị phá rã ở các mức độ khác nhau. Được sự hỗ trợ của tiến công quân sự, nhân dân Nam Bộ đã vùng dậy phá tan từng mảng ấp chiến lược của địch ở dọc tỉnh lộ 2, vùng Đất Đỏ, Long Thành, Nhơn Trạch, ven biển Hàm Tân - nối liền chiến khu Đ và tỉnh Bình Thuận của khu VI. Ở khu V, quân ta giải phóng vùng đồng bằng phì nhiêu An Lão, nối liền căn cứ du kích Bình Định với Quảng Ngãi. Vùng giải phóng cực Nam Trung Bộ cũng được mở thông với Tánh Linh, Hoài Đức, Hàm Thuận... Một loạt ấp chiến lược dọc đường 14 và đường 20 cũng bị phá tan... Thắng lợi của phong trào phá ấp chiến lược là kết quả của phong trào nổi dậy của quần chúng kết hợp với đợt tiến công quân sự của các lực lượng vũ trang từ bên ngoài.
Cuộc chiến đấu phá ấp chiến lược diễn ra vô cùng gay go ác liệt, nhiều ấp địch phải lập đi lập lại hàng chục lần. Cho đến cuối năm 1962, mặc dù Mĩ - ngụy huy động một lực lượng quân sự lớn và dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm để dồn dân lập ấp chiến lược, nhưng chúng cũng chỉ thực hiện được một phần. Thêm nữa, tổng số ấp (8000) với gần 70% số nông dân (6,5 triệu) vẫn do cách mạng kiểm soát. Và tới giữa năm 1963, nếu ý đồ của đối phương đạt tới đỉnh cao là lập được 7512 ấp và kiểm soát được 9 triệu dân, thì đến cuối năm 1964, chúng chỉ còn 3300 ấp và đến giữa năm 1965, con số này tụt đến mức thấp nhất là còn 1300 ấp với gần 5,5 triệu dân. Ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, ta đã phá rã hơn 3000 ấp (trong số 3800 ấp)...
3- Chính quyền Sài Gòn - chỗ dựa chủ yếu về chính trị của “chiến tranh đặc biệt”, ngày càng tan rã, rối loạn. Phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang sôi sục ở các vùng nông thôn đã dội vào các thành thị miền Nam, làm cho chính quyền Sài Gòn ngày càng chao đảo, nội bộ mâu thuẫn, lục đục. Chỉ tính từ tháng 11-1963 đến giữa năm 1965, chúng đã 10 lần làm đảo chính để thanh toán lẫn nhau:
- 1-11-1963, đảo chính lật đổ Diệm - Nhu, do Hội đồng tướng lĩnh thực hiện, đứng đầu là Dương Văn Minh.
- 30-1-1964, đảo chính lật đổ Dương Văn Minh, do “Hội đồng quân lực” thực hiện, đứng đầu là Nguyễn Khánh. Khánh lên làm Thủ tướng kiêm Tổng tư lệnh.
- 27-8-1964, “Hội đồng quân lực” lại “chỉnh lí”, lập “tam đầu chế”: Minh Khánh - Khiêm.
- 13-9-1964, đảo chính hụt do Lâm Văn Phát và Dương Văn Đức cầm đầu.
- 1964, Nguyễn Khánh lật đổ Minh - Khiêm.
- 20-10-1964, do sức ép của Mĩ, Khánh phải ra khỏi chính quyền, đưa Phan Khắc Sửu lên làm Quốc trưởng và Trần Văn Chương làm Thủ tướng.
- 25-1-1965, “Hội đồng quân lực” hạ Hương rồi đưa Phan Huy Quát lên làm Thủ tướng.
- 19-2-1965, “Hội đồng quân lực” do Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu, loại Khánh ra khỏi quân đội.
- 1965, “Hội đồng quân lực” lật đổ chính quyền dân sự của Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát, lập ủy ban quốc gia do Thiệu làm Chủ tịch và Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch ủy ban hành pháp (Thủ tướng) v.v... Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ - Mc Namara từ miền Nam Việt Nam về đã báo cáo trước Nhà Trắng và Quốc hội Mĩ: “quân lực Việt Nam cộng hòa (ngụy quân) đã không còn đủ sức chiến đấu, chế độ Sài Gòn đã thất bại”. Thế là “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ được đẩy đến mức cao nhất và đã đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Trước tình thế khốn quẫn đó, đế quốc Mĩ phải ồ ạt đưa quân viễn chinh Mĩ vào miền Nam, chuyển sang chiến lược mới - “chiến tranh cục bộ”. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới.
Sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là một thất bại nặng nề của Mĩ trong âm mưu dùng miền Nam Việt Nam làm nơi thí điểm một loại hình chiến tranh mới - dùng người địa phương cộng với vũ khí, đô la và các phương tiện kỉ thuật của Mĩ do cố vấn Mĩ trực tiếp chỉ huy hòng dập tắt phong trào nổi dậy của nhân dân và “cuộc chiến tranh đặc biệt mà chúng đang thí nghiệm ở miền Nam Việt Nam đã thất bại thì chúng cũng sẽ thất bại ở bất kì nơi nào khác”[3].