Đấu tranh chống Mĩ – Diệm ở miền Nam
1. Đấu tranh giữ gìn lực lượng cách mạng
Ngày 7-7-1954, trước khi hiệp định Giơnevơ được kí kết 13 ngày, Mĩ đã đưa Ngô Đình Diệm (người được Mĩ nuôi dưỡng từ lâu) về nước làm thủ tướng bù nhìn thay thế Bửu Lộc. Tháng 9-1954, Mĩ quyết định viện trợ trực tiếp cho Ngô Đình Diệm. Tháng 11-1954, Mĩ cử tướng Côlin (L.Colins) sang làm đại sứ ở Sài Gòn. Côlin đề ra kế hoạch 6 điểm để củng cố chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm độc chiếm miền Nam bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Kế hoạch Côlin gồm những vấn đề sau:
- Bảo trợ chính quyền Diệm. Viện trợ thẳng cho Chính phủ Sài Gòn.
- Xây dựng quân đội Nam Việt Nam gồm 15 vạn người do Mĩ trang bị, huấn luyện.
- Bầu cử quốc hội ở miền Nam, hợp pháp hóa chính quyền Sài Gòn.
- Định cư cho số người công giáo miền Bắc di cư vào Nam và vạch kế hoạch cải cách điền địa.
- Thay đổi chế độ thuế khóa, đành ưu tiên cho hàng hóa Mĩ ở mền Nam.
- Đào tạo cán bộ hành chính.
Ngày 13-12-1954, Pháp buộc phải kí với Mĩ bản hiệp ước giao trách nhiệm huấn luyện, trang bị quân ngụy ở miền Nam cho Mĩ.
Ngày 19-12-1954, Pháp kí hiệp định trao quyền hành chính, chính trị ở miền Nam cho Ngô Đình Diệm.
Cũng trong thời kì này, quân Pháp rút dần khỏi Việt Nam, Lào, Campuchia. Giữa năm 1955, Chính phủ Pháp tuyên bố chấm dứt chế độ Cao ủy ở miền Nam Việt Nam, từ bỏ trách nhiệm một bên phải thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Thực tế từ sau hiệp định Giơnevơ, ở miền Nam nước ta đã diễn ra cuộc vật lộn giành giật gay gắt giữa chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mĩ với chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của thực dân Pháp. Để tạo dựng một bộ mặt “độc lập” giả hiệu cho Ngô Đình Diệm, trước mắt là phải loại bỏ ngay ảnh hưởng của Pháp và chính quyền Bảo Đại ở miền Nam. Đây là cái mà Mĩ - Diệm gọi là “đả thực”, “bài phong”. “Đả thực” là hất cẳng Pháp, xóa bỏ bộ máy cai trị của Pháp. Đó là bước đi của Mĩ để phục vụ cho mục tiêu cơ bản là “diệt cộng”, tức chống phá cách mạng miền Nam. Mĩ còn mua chuộc các thế lực phản động trong các giáo phái và các phe phái chống đối Diệm. Ngày 9-10-1954, Diệm cách chức Tổng tham mưu trưởng của Nguyễn Văn Hình và một loạt tướng tá thân Pháp khác. Tiếp đó, Mĩ - Diệm đã dùng bạo lực để tiêu diệt các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên.
Nắm được quân đội, công an - công cụ thống trị chủ yếu, Diệm tiến thêm một bước mới. Ngày 17-7-1955, Diệm tuyên bố từ chối hiệp thương tổng tuyển cử, Ngày 28-10-1955, Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý”, phế truất Bảo Đại và đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống.
Để củng cố vị trí của mình ở Đông Dương, từ tháng 11-1954, Mĩ đưa Kàtày lên lập chính phủ ở Lào. Tháng 12-1954, dưới sự chỉ huy của Mĩ, Kàtày tiến công lấn chiếm hai tỉnh tập kết của quân đội Pathét Lào là Sầm Nưa và Phongxalì. Ngày 19-1-1955, Mĩ kí hiệp ước viện trợ cho Chính phủ hoàng gia Lào. Ở Campuchia, tháng 7-1955, Mĩ đặt phái đoàn viện trợ và cố vấn quân sự (MAAG). Tháng 9-1955, Xihanuc tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội và tuyên bố rút ra khỏi liên hiệp Pháp.
Ở Việt Nam, sau khi lên nắm chính quyền, Ngô Đình Diệm đã xây dựng miền Nam thành một “quốc gia mạnh” của “thế giới tự do”, có một “đạo quân cảnh sát” và một “đạo quân sen đầm” lớn mạnh để chống cách mạng, chống cộng sản. Để tạo chỗ dựa, Diệm đã cho thành lập “Đảng Cần lao nhân vị”, phong trào “cách mạng quốc gia”, “thanh niên cộng hòa”, “phụ nữ liên đới” từ Trung ương tới địa phương nhằm tập hợp bọn phản động trong giai cấp tư sản, địa chủ, Thiên chúa giáo và những tên có hận thù với cách mạng, làm hậu thuẫn cho chính quyền Diệm. Ngày 4-3-1956, Diệm tổ chức bầu “Quốc hội” riêng rẽ và ngày 26-10-1956 cho công bố “Hiến pháp Việt Nam cộng hòa”. Đây là việc làm hoàn toàn bất hợp pháp, trái với tinh thần Hiệp định Giơnevơ nhằm biến miền Nam nước ta thành một “quốc gia” riêng.
Về quân sự, cho tới tháng 6-1955, Mĩ đã xây dựng cho chính quyền Sài Gòn một đội quân dưới quyền điều khiển trực tiếp của Mĩ gồm 10 sư đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp và 54000 quân địa phương. Số cố vấn Mĩ từ 35 người (năm 1950), tăng lên 699 người (năm 1956). Các cố vấn Mĩ có mặt đến tận cấp sư đoàn. Đội quân đó được trang bị tương đối hiện đại và huấn luyện theo chương trình do cố vấn Mĩ đặt ra. Mĩ còn cho xây dựng một hệ thống sân bay, quân cảng, đường giao thông chiến lược nhằm biến miền Nam nước ta thành một căn cứ quân sự khổng lồ. Chúng hò hét “Bắc tiến” “lấp sông Bến Hải” và chuẩn bị đánh ra miền Bắc.
Về kinh tế, chúng đưa hàng hóa ế thừa vào miền Nam, làm cho nền kinh tế dân tộc bị lũng đoạn và phụ thuộc vào Mĩ. Viện trợ Mĩ tăng vọt: từ năm 1955-1957, Mĩ đã viện trợ cho Diệm 1,1 tỉ đô la (trong đó gần 60% chi dùng vào mục đích quân sự). Tháng 1-1955, Diệm tuyên bố “Cải cách điền địa” với những luận điệu “chia ruộng đất cho dân”, “hữu sản hóa vô sản”, “bài phong, đả thực”... Thực chất là chúng tước lại ruộng đất mà cách mạng đã chia cho nông dân từ thời kháng chiến chống Pháp và khôi phục, củng cố lại giai cấp địa chủ ở miền Nam.
Về văn hóa, chúng đưa “lối sống Mĩ” tràn vào miền Nam để đầu độc nhân dân ta, nhất là tầng lớp thanh - thiếu niên.
Dựa vào các đạo dụ cũ của Bảo Đại đã ban hành từ năm 1953, Mĩ - Diệm cho bổ sung thành những đạo dụ mới: Dụ số 2 (ra ngày 8-1-1955), Dụ số 7 (ra ngày 3-2-1955) và Dụ 57 (22-10-1956). Dụ số 2 quy định tá điền phải lập khế ước lĩnh canh. Dụ số 7 quy định hàng tháng chủ ruộng đất phải khai báo về việc khai thác ruộng đất. Mục đích của hai đạo dụ này là lấy lại ruộng đất của nông dân đã được chia từ thời kháng chiến chống Pháp, khôi phục lại quyền chiếm hữu của giai cấp địa chủ, biến nông dân đã có ruộng trở thành tá điền của địa chủ như trước đây.
Dụ 57 quy định những ruộng đất đem phân phối cho nông dân là những ruộng bỏ hoang và đất “truất hữu” của những địa chủ có trên 100 mẫu. Tính đến 31-12-1959, tổng số ruộng đất khai báo để “truất hữu” là 463.557 mẫu (trong số đó, 454.874 mẫu đã “truất hữu” với tổng số điền chủ bị “truất hữu” là 1980 người). Trong số ruộng đất “truất hữu”, chỉ có 252.179 mẫu được cấp bán cho 128.719 người. Nếu cộng thêm vào đó số ruộng “truất hữu” của Pháp kiều là 228.620 mẫu, trong đó chỉ có 52473 mẫu đem cấp bán cho nông dân thì số người được “hữu sản hóa” quá ít ỏi so với số người cần ruộng. Qua đó, ta thấy rằng đại bộ phận giai cấp địa chủ và 2/3 số ruộng đất mà họ chiếm giữ không bị động chạm tới qua “truất hữu” ruộng đất.
Tình hình thực tế diễn ra ở các địa phương sau khi Mĩ - Diệm thi hành chính sách ruộng đất như sau:
- Ở miền Tây Nam Bộ, địa chủ Việt gian đã ngóc đầu dậy cướp đoạt ruộng đất của nông dân bằng nhiều cách: lấy lại tất cả ruộng đất bị cách mạng tịch thu hoặc ruộng của địa chủ đã hiến trước đây, để trở lại thu tô. Số ruộng đất của địa chủ vắng mặt đã chia cho nông dân thì nông dân vẫn cày cấy nhưng phải nộp tô cho ngụy quyền địa phương.
- Ở miền Trung Nam bộ, tại tỉnh Mĩ Tho, trong số 46.415 ha ruộng đất các loại đã chia cho nông dân trong thời kì kháng chiến, hầu hết bị địa chủ và chính quyền Diệm cướp lại, nông dân chỉ còn giữ được quá ít (khoảng 16 ha). Mức tô do nông dân đấu tranh trước đây đã giảm xuống còn 20 đến 25 giạ/ha, nay lại tăng lên 35 đến 60 giạ/ha. Diện tích bị tăng tô lên tới 25000 ha.
- Ở Nam Trung Bộ, riêng tỉnh Bình Thuận trong 2 năm (1954-1955), số ruộng đất bị Mĩ-Diệm cướp lại, nơi ít nhất là 45%, nơi nhiều nhất là 78-80%.
- Ở Trung Trung Bộ và Trị - Thiên, chúng cướp lại hầu hết công điền, công thổ mà cách mạng cấp cho nông dân. Tính đến cuối năm 1955, chúng đã cướp 50% ruộng công ở Trị - Thiên, 20% ruộng công ở Quảng Ngãi.
- Ở Tây Nguyên, chúng tịch thu hàng vạn ha ruộng vườn, nương rẫy của đồng bào Thượng để lập dinh điền, đồn điền và các căn cứ quân sự. Như vậy, thông qua các Dụ số 2, Dụ số 7 và Dụ 57, chính quyền Diệm đã khôi phục và cấu kết với giai cấp địa chủ để cướp đoạt ruộng đất của nông dân, khôi phục lại chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, tăng tô lan tràn để từ đó, xóa bỏ những thành quả mà cách mạng đã đem lại cho nông dân.
Với một hệ thống cố vấn chặt chẽ cắm từ Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Nha cảnh sát, các Bộ của chính quyền Sài Gòn đến các đơn vị quân đội, các địa phương và dựa vào quyền lực của vũ khí, đô la viện trợ, Mĩ đã can thiệp ngày càng sâu vào miền Nam, quyết định từ đường lối, chính sách đến các công việc cụ thể của chính quyền miền Nam như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội và ngoại giao. Miền Nam đã trở thành “thuộc địa kiểu mới” của Mĩ. Âm mưu xâm lược của Mĩ ở miền Nam là nhằm biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ để tiến công miền Bắc và hệ thống XHCN, làm “con đê” ngăn chặn chủ nghĩa xã hội và không cho phong trào cách mạng tràn xuống vùng Đông Nam Á.
Sau khi thiết lập được quyền kiểm soát trên toàn bộ miền Nam, từ tháng 5-1955 đến 5-1956, Mĩ - Diệm phát động “chiến dịch tố cộng” giai đoạn I, gọi là giai đoạn mở rộng diện để gây xáo trộn và phát hiện cộng sản. Diệm còn cho lập “Phủ đặc ủy công dân vụ” và “Hội đồng chỉ đạo tố cộng” để phụ trách, theo dõi, đúc kết kinh nghiệm “tố cộng”.
Tháng 2-1955, Diệm mở chiến dịch tố cộng Phan Châu Trinh, đánh phá thí điểm các tỉnh Trung Bộ, trọng điểm là Quảng Nam.
Tháng 4-1955, chúng mở chiến dịch giải phóng, đánh phá Quảng Ngãi và vùng bắc Bình Định.
Tháng 5-1955, chúng mở chiến dịch Trịnh Minh Thế, đánh phá toàn diện các tỉnh khu V.
Ở Nam Bộ, từ tháng 6 đến tháng 10-1956, chúng mở chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đánh vào vùng Đồng Tháp Mười, Mĩ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng... Từ tháng 7 đến tháng 12-1956, chúng mở chiến dịch Trương Tấn Bửu đánh phá miền Đông Nam Bộ. Chúng đã huy động gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát mật vụ và một phần quân đội vào các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”. Chúng nêu khẩu hiệu hành động “tiêu diệt cán bộ nằm vùng, tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa cộng sản”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Mĩ - ngụy đã cho quân đánh phá điên cuồng, giết hại những người yêu nước, những người kháng chiến cũ, những người cách mạng hoặc bị tình nghi. Chúng đã gây ra những vụ thảm sát đẫm máu như ở Chợ Được, Vĩnh Trinh, Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Chúng chôn sống 21 đồng bào ta ở Chợ Được, đem chết 42 người ở đập Vĩnh Trinh. Tháng 7-1955, chúng bắn giết một lúc 92 dân thường ở Hướng Điền. Cùng thời gian trên, chúng đem quân đánh phá ác liệt huyện Đại Lộc (Quảng Nam), bắt giam tra tấn, giết chết 500 đồng bào ta.
Ở Nam Bộ, trong các chiến dịch “tố cộng” chúng đã cưởng bức nhân dân ta họp, học tập “tố cộng” liên miên, vu khống tố cáo cộng sản, đề cao Ngô Đình Diệm. Thủ đoạn của chúng là vừa mua chuộc, lừa mị vừa đàn áp trắng trợn. Cách mạng bị tổn thất rất nặng nề, Chỉ trong 4 năm (từ 1955-1958), 9/10 cán bộ đảng viên ở miền Nam đã bị tổn thất. Riêng Nam Bộ, chỉ còn khoảng 5000 so với 60000 đảng viên trước đó. Ở đồng bằng Liên khu V, có khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên bị địch bắt giết hại, 12 huyện không còn cơ sở Đảng. Ở Quảng Trị, chỉ còn 176/8400 đảng viên trước đó. Bằng những thủ đoạn vô cùng đã man tàn bạo đó; Mĩ hi vọng có thể khuất phục được nhân dân miền Nam, từ đó tiến lên xâm lược toàn bộ nước ta. Nhưng chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ xâm lược miền Nam không phải thuận lợi như nhiều nơi khác trên thế giới. Nhân dân miền Nam, với tinh thần yêu nước đấu tranh rất anh dũng, đã cùng với dân tộc vùng dậy đánh đuổi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đã từng được hưởng quyền tự do dân chủ do chế độ mới đem lại và họ thực sự là những người đã chiến thắng. Một dân tộc như vậy tất nhiên sẽ không bao giờ chịu làm nô lệ cho chủ nghĩa thực dân một lần nữa.
Tình hình quốc tế, trong nước cũng có nhiều thay đổi có lợi cho ta. Các lực lượng cách mạng trên thế giới ở thế tiến công vào chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng trong nước đã có sự trưởng thành vượt bậc so với thời kì Cách mạng tháng Tám năm 1945. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, đang bước vào thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từng bước xây dựng củng cố về mọi mặt, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Nhân dân miền Nam lại có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những nhân tố căn bản bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tuy nhiên, do phải đối mặt với một đế quốc hung bạo, đầu sỏ, một đế quốc lớn mạnh nhất trong thế giới tư bản, trong tình trạng đất nước bị chia cắt và sự bất hòa của phong trào cộng sản quốc tế đã làm cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, diễn ra lâu dài và vô cùng phức tạp.
Sau hiệp định Giơnevơ, lực lượng quân đội, cán bộ đảng viên của ta phải tập kết ra miền Bắc, vì thế so sánh lực lượng cách mang và phản cách mạng ở miền Nam bất lợi cho ta. Báo cáo tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (7-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tranh lấy hòa bình không phải là việc dễ, nó là cuộc đấu tranh trường kì, gian khổ, phức tạp”. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 nhận định: “Ngày nay, do tình hình mới, ta thay đổi phương châm, chính sách và sách lược đấu tranh cốt để thực hiện một cách thuận lợi mục đích trước mắt. Đây là một sự thay đổi quan trọng về phương châm và sách lược cách mạng, nhưng còn mục đích của cách mạng vẫn là một”. Ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp để cụ thể hóa và bổ sung thêm tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 6 nói trên. Hội nghị chỉ rõ: cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam phải từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ của đảng bộ miền Nam là lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện đình chiến, củng cố hòa bình, đòi các quyền tự do dân chủ (tự do ngôn luận, hội họp, đi lại, từ chức), cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất, tranh thủ độc lập, chống khủng bố, bảo vệ những thành quả mà quần chúng đã giành được trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Để lại những đảng viên chưa lộ mặt và những cán bộ có thể giữ bí mật được, làm cho tổ chức hoạt động gọn, nhẹ, bí mật, lực lượng của ta ở miền Nam đã nhanh chóng rút lui vào hoạt động bí mật. Riêng Nam Bộ đã có 6 vạn đảng viên rút vào bí mật, hơn 1 vạn súng và nhiều điện đài được chôn giấu. Tại Liên khu V, 2,5 vạn đảng viên được lệnh rút vào bí mật, các tổ chức Đảng được sắp xếp gọn nhẹ cho phù hợp với tình hình mới. Tại Trị Thiên Huế, ta cũng cho cất giấu một số lớn vũ khí và bố trí nhiều cán bộ quân sự ở lại địa phương. Đến năm 1955, về cơ bản, bộ máy chỉ đạo của Đảng từ xứ ủy, tỉnh ủy đến huyện ủy đã được sắp xếp xong và chuyển hướng hoạt động bí mật. Những cán bộ bị lộ thì được điều sang các địa phương khác hoặc tạm ngừng hoạt động để che giấu lực lượng. Việc vận động ngụy quân, ngụy quyền và đưa người của ta vào hoạt động trong các tổ chức của địch được chú ý. Các tổ chức quần chúng công khai đã hình thành ở cả nông thôn và thành thị, cán bộ đảng viên đã có mặt ở hầu khắp các thôn, xã, huyện trên toàn miền Nam làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh. Trong những tháng 8 và 9 năm 1954, ta đã tổ chức vận động cho hàng triệu quần chúng mít tinh, hội thảo mừng hòa bình, đòi địch không được trả thù những người kháng chiến. Ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng..., hàng vạn người lao động, trí thức, học sinh, sinh viên đã tập hợp trên các đường phố lớn, hoan nghênh hiệp định Giơnevơ, chào đón hòa bình. Tết Trung thu năm 1954, hơn 1 vạn nông dân thuộc 6 xã của huyện Mỏ Cày (Bến Tre) đã biểu tình chống chính quyền Diệm khủng bố những người kháng chiến cũ. Lính Diệm đã bắn chết và làm bị thương nhiều người. Không khí căm thù sôi sục lan rộng khắp tỉnh Bến Tre và toàn Nam Bộ. Hàng chục vạn quần chúng thuộc các tỉnh Sa Đéc, Gò Công, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu đã xuống đường lấy chữ kí phản đối Mĩ - Diệm, đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Phong trào đấu tranh chính trị cũng bắt đầu lan rộng khắp các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết. Tiêu biểu nhất cho phong trào đấu tranh chính trị lúc này là Phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn (8-1954), thu hút nhiều nhân sĩ trí thức tôn giáo tiêu biểu và đông đảo quần chúng đô thị tham gia. Phong trào đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Nhiều người tham gia phong trào này bị địch bắt, tra tấn dã man. Sau khi phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn bị dập tắt, tháng 2-1955 lại dấy lên phong trào đòi lập lại quan hệ bình thường Nam - Bắc. Hai phong trào trên nói lên nguyện vọng tha thiết của nhân dân miền Nam là hòa bình, thống nhất nước nhà và giáng một đòn nặng vào âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của Mĩ -Diệm. Đồng thời với hai phong trào trên là phong trào đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống, như Phong trào cứu đói ở Thừa Thiên, Quảng Trị (1955), Phong trào cứu tế nạn nhân (1955), Phong trào chống lệnh giải tỏa đô thành và đòi cải thiện sinh hoạt (1955-1956)... Những phong trào này không chỉ có quần chúng lao động tham gia mà còn lôi cuốn được rất đông đảo các tầng lớp khác như trí thức, học sinh, sinh viên, các nhà công thương, tu hành và cả một số tư sản, địa chủ, nhân viên chính quyền, binh lính tham gia.
Song gay go quyết liệt và đẫm máu nhất là phong trào đấu tranh chống chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” của Mĩ - Diệm. Phong trào này diễn ra từ cuối năm 1954, khi chính quyền Diệm cho tuyên truyền và tổ chức “tố cộng” rầm rộ. Chúng đặc biệt chú trọng khủng bố giới công nhân và nông dân. Tới tháng 11-1955, chúng tiến hành chiến địch “tố cộng” đợt 3 nhằm vào các cơ quan, bắt công chức phải học tập, thanh toán thái độ lừng chừng, thỏa hiệp. Trong các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, chúng dùng thủ đoạn đánh phá tràn lan, đánh sâu vào các vùng trọng điểm, chà xát nhiều lần trên một khu vực... Các gia đình kháng chiến cũ, các gia đình có người đi tập kết là đối tượng chủ yếu của “tố cộng”. Để hỗ trợ cho việc “tố cộng”, chúng còn tiến hành các cuộc càn quét cờ đại đội, tiểu đoàn vào các vùng căn cứ cách mạng. Mĩ - Diệm chia từng ô làng xã, phân loại từng gia đình theo A, B, C để kìm kẹp, khống chế. Chúng cho bắt tất cả đàn ông, đàn bà từ 18 đến 54 tuổi, không phân biệt gia đình loại nào, phải vào tổ chức bảo vệ hương thôn để tuần tra, canh gác, phát hiện cộng sản.
Tháng 4-1957, chính quyền Diệm triển khai kế hoạch lập dinh điền, đưa dân miền Bắc di cư và đồng bào ở các tỉnh đồng bằng lên vùng rừng núi, dọc biên giới từ tỉnh Kon Tum đến miền Đông Nam Bộ. Chúng đồn đồng bào các dân tộc miền núi vào những khu trù mật, trại dinh điền ở dọc các trục đường giao thông và căn cứ quân sự. Mục đích của chúng là nhằm bảo đảm an ninh cho các vùng chúng nghi có lực lượng cách mạng thâm nhập.
Tháng 5-1957, Diệm ban hành đạo luật đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Không khí khủng bố, chết chóc bao trùm khắp nông thôn, thành thị miền Nam. Cán bộ đảng viên và quần chúng tích cực bị địch săn lùng ráo riết. Bọn phản động hoành hành ở khắp nơi, dồn ép quần chúng đến nghẹt thở. Nhưng nhân dân miền Nam, với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí tiến công địch kiên quyết, sắc bén, đã từng bước đẩy lùi và đập tan chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” của địch. Cuộc đấu tranh chống địch “tố cộng” gắn liền với cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi thống nhất đất nước. Ngày Quốc tế lao động 1-5-1957, 20 vạn lao động Sài Gòn - Chợ Lớn đã xuống đường đòi “tăng lương cho công nhân”, “Đả đảo bọn khủng bố” và “Hãy nối lại quan hệ hai miền Nam - Bắc”. Tháng 5-1957, ở huyện Hương Trà (Thừa Thiên) gần 2000 người biểu tình phản đối hành động đàn áp dã man của địch. Trong hai tháng, 7 và 8 - 1957, nhân dân các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đấu tranh chống lệnh giới nghiêm và bắt học tập “tố cộng” của địch. Nhân dân các tỉnh Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ, Mĩ Tho, Long An, Bà Rịa... đấu tranh phong dịch cướp đoạt ruộng đất, đuổi nhà và chống “tố cộng”. Đồng bào vùng rừng núi Tây Nguyên và các tỉnh vùng cao Liên khu V liên tục chống dồn dân vào các khu trù mật, khu dinh điền của địch.
Trước hành động khủng bố ngày càng tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm, đảng viên và quần chúng cách mạng ở nhiều địa phương phải vũ trang để chống lại kẻ thù.
Tháng 6-1956, Bộ Chính trị đã nêu rõ: chế độ miền Nam là chế độ độc tài phát xít của bọn tư sản mại bản và phong kiến thân Mĩ phản động nhất. Cần phải dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định.
Tháng 8-1956, Lê Duẩn - ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư xứ ủy Nam Bộ đã viết “Đề cương cách mạng miền Nam”. Đề cương xác định: nhân dân miền Nam không có con đường nào khác là đứng lên làm cách mạng để cứu nước, cứu mình.
Tháng 12-1956, xứ ủy Nam Bộ đã quyết định phải tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập các đội vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ ở rừng núi. Theo phương hướng đó, các đảng bộ đã xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành vũ trang tuyên truyền mang tính chất tự vệ. Liên tỉnh miền Trung Nam Bộ xây dựng được 3 đại đội vũ trang hoạt động ở vùng Đồng Tháp Mười. Liên tỉnh miền Tây xây dựng được 3 đại đội vũ trang. Một đại đội hoạt động ở vùng Trà Ôn, Lấp Vò (Sa Đéc). Hai đại đội hoạt động ở Phụng Hiệp, Long Mĩ, Châu Thành (Cần Thơ).
Các tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vành, Kiến Tường, Mĩ Tho, Long An, Gò Công, Bến Tre đều tổ chức được từ 1 tiểu đội đến 1 tiểu đoàn. Đó là các tiểu đoàn Ngô Văn Sở, Đinh Tiên Hoàng, tiểu đoàn 502, 404, 512 và các đội vũ trang mang danh hiệu Hòa Hảo, Bình Xuyên. Quần chúng nhiều nơi đã tìm bới vũ khí (chôn giấu từ năm 1954), cướp súng địch, rèn lại cho phẳng để làm mã tấu, dùng khăn rằn bí mật thủ tiêu những tên chỉ điểm, ác ôn nguy hiểm nhất. Ở những vùng căn cứ kháng chiến cũ, một số cán bộ, bộ đội cũ lánh địch truy lùng đã tự tổ chức nhau lại vừa sản xuất vừa tự vệ chống địch. Căn cứ địa được hình thành phần lớn từ các vùng căn cứ thời kháng chiến chống Pháp. Chiến khu Đ, Đồng Tháp, U Minh, phía tây các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Hoạt động vũ trang tự vệ đã hạn chế sự lùng sục của những tên chỉ điểm và tác động của bọn gây chiến tranh tâm lí. Bọn tề điệp ác ôn phải co lại. Quần chúng ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh với địch để tự bảo vệ mình. Cán bộ đảng viên trong thế đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ ít bị tổn thất và đạt hiệu quả hơn.
Mặc đầu quân số ít, trang bị thô sơ nhưng do biết dựa vào dân và các vùng căn cứ kháng chiến cũ, các đơn vị vũ trang cách mạng miền Nam tuy mới ra đời nhưng đã có chỗ đứng chân khá vững chắc. Hoạt động vũ trang bắt đầu rộ lên ở một số nơi, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tiến tới tập kích tiêu diệt một số đồn bốt của địch. Ngày 10-8-1957, lực lượng vũ trang của ta tập trung ở miền Đông Nam Bộ tập kích đồn Minh Thạnh; ngày 18-9-1957, quân ta tập kích địch ở Trại Be - một cơ sở khai thác gỗ của Trần Lệ Xuân ở Hiếu Liêm (Biên Hòa), diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí, giải tỏa thế uy hiếp của địch đối với chiến khu Đ từ phía đông - bắc. Tháng 11-1957, tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng (Sóc Trăng) phục kích diệt 1 trung đội biệt kích của quận Phước Long, đột nhập vào thị trấn ngã Năm để tuyên truyền phát động quần chúng. Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo tiến công địch ở xã Loan Mĩ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), diệt 1 trung đội đi càn quét của địch, thu toàn bộ vũ khí. Bước sang năm 1958, các đơn vị vũ trang ở nhiều nơi liên tục hoạt động tiêu diệt địch. Nổi bật nhất là trận đánh của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tiến công vào quận lị Dầu Tiếng, cách Sài Gòn 70 km về phía bắc, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn địch, diệt 200 tên và thu 200 súng. Quân cách mạng làm chủ quận lị trong nhiều giờ, kẻ địch hoang mang bỏ chạy khỏi nhiều đồn bốt. Chiều 25-10-1958, đội biệt động Đông Nam Bộ tập kích vào trụ sở phái đoàn cố vấn Mĩ (MAAG) ở Biên Hòa, diệt nhiều tên.
Hoạt động vũ trang của quân cách mạng đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Năm 1957, có 2 triệu lượt người tham gia đấu trành chính trị, năm 1958 - tăng lên 3,7 triệu lượt người, năm 1959 - có 5 triệu lượt người. Trong ngày Quốc tế lao động 1-5-1958, nửa triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã xuống đường đòi quyền dân sinh, dân chủ, hòa bình, thống nhất đất nước.
Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của quần chúng, Mĩ - Diệm đã trắng trợn đàn áp thẳng tay, dùng chính sách phát xít ngăn chặn phong trào cánh mạng. Ngày 1-12-1958, chúng đầu độc 6000 người yêu nước ở nhà tù Phú Lợi, giết hại gần 1000 người. Phong trào phản đối vụ đàn áp Phú Lợi đã lan ra khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới.
Tháng 3-1959, Diệm tuyên bố đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh. Tháng 5-1959, Diệm ra Luật 10-59, thiết lập 3 tòa án quân sự đặc biệt, công khai chém giết đồng bào ta. Không khí đàn áp khủng bố bao trùm lên khắp miền Nam. Tình thế cách mạng miền Nam ngày càng đi đến chín muồi bởi kẻ thù không thể thống trị như cũ được nữa. Chúng đã phải dùng những hình thức đã man tàn bạo nhất để duy trì nền thống trị của mình là lê máy chém đi khắp miền Nam. Còn nhân dân cũng không thể sống như cũ được nữa, họ phải dùng những biện pháp đấu tranh quyết liệt để bảo vệ lực lượng phong trào đấu tranh quần chúng.
Cùng thời gian này, tháng 10-1958 ở Campuchia, Mĩ giúp Đáp Chuôn làm cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ Vương quốc Campuchia, nhưng đã thất bại. Mĩ lại xúi giục Sơn Ngọc Thành chuẩn bị đảo chính. Ở Lào, tháng 8-1958, Mĩ ép Thủ tướng trung lập Phu Ma từ chức, đưa Phủi Xananicon - phần tử cực hữu thân Mĩ - đứng ra lập chính phủ mới, không có Pathét Lào.
2. Phong trào “Đồng khởi”
Trong bối cảnh đó, tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 1.5 của BCHTƯ Đảng được tiến hành tại Hà Nội. Hội nghị đã phân tích đặc điểm tình hình mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của xã hội miền Nam từ sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc. Hội nghị chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng. Và chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Hội nghị còn dự đoán: “Đế quốc Mĩ là đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kì. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kì giữa ta và địch và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”. Cách mạng miền Nam cần có Mặt trận dân tộc thống nhất riêng cho phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của cách mạng nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc và tay sai.
Nghị quyết 15 có ý nghĩa vô cùng to lớn, đáp ứng nhu cầu bức thiết nhất của cách mạng miền Nam lúc đó, làm xoay chuyển tình thế và mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, đưa cách mạng thoát khỏi cơn nguy hiểm, đáp ứng nguyện vọng tha thiết nóng bỏng của nhân dân miền Nam là vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ để giành quyền làm chủ. Ngay sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Trung ương Đảng đã lập Đoàn vận tải quân sự Trường Sơn (Đoàn 559) để tăng cường sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Đến cuối năm 1959, theo con đường Trường Sơn, miền Bắc đã đưa được 542 cán bộ, 1667 súng bộ binh, 188 kg thuốc nổ, 788 dao găm và nhiều đồ dùng quân sự khác. Năm 1960, miền Bắc tiếp tục chi viện 51 tấn vũ khí đạn dược cho khu V.
Nghị quyết 15 đến với cách mạng miền Nam giữa lúc nhân dân “không thể sống như cũ được nữa”, đã thổi bùng ngọn lửa “đồng khởi” trên nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam.
Ở Liên khu V, từ tháng 2 đến tháng 4 - 1959, nhân dân huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã nổi dậy, dời làng vào rừng sâu, thành lập các làng chiến đấu, giành thế làm chủ cuộc đấu tranh công khai với địch ở gần 60 làng với hơn 5000 dân.
Tháng 2-1959, bùng nổ một đợt phá tế trừ gian xây dựng làng chiến đấu của nhân dân ở vùng Đông và Tây Bác Ái (Ninh Thuận). Tháng 4-1959, nhân dân làng Tà Bóoc, huyện Đắc Lây (Kon Tum) và nhiều làng ở Kon Tum, Đắc Lắc đã nổi dậy diệt ác, dời làng vào rừng chống Mĩ-Diệm. Các cuộc nổi dậy trên đây đã phá tung một mắt xích quan trọng trong hệ thống cai trị của địch ở miền Tây Trung Bộ. Trong tất cả các cuộc nổi dậy của đồng bào rừng núi Liên khu V, điển hình nhất là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (8-1959).
Trà Bồng là một trong bốn huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Sau hiệp định Giơnevơ, lực lượng cách mạng và nhân dân ở đây đã đấu tranh quyết liệt chống lại kẻ thù. Lãnh đạo ở đây ngay từ đầu đã xác định: con đường đấu tranh để giải phóng là con đường bạo lực cách mạng. Nhân dân các dân tộc ở đây đã xúc tiến xây dựng căn cứ địa miền núi, xây dựng lực lượng vũ trang và các tổ chức quần chúng, tích trữ lương thực, sẵn sàng nổi dậy khi thời cơ tới. Tháng 3-1959, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh (339) được thành lập tại Trà Bồng. Để chống lại âm mưu của địch bắt nhân dân đi bầu cử Quốc hội, quần chúng đã phát huy khí thế cách mạng của những ngày tiền khởi nghĩa. Sáng ngày 28-8-1959, lực lượng thanh niên vũ trang ở các xã của huyện như Trà Phong, Trà Lãnh, Trà Quân, Trà Sơn, Trà Nham, Trà Khê đã nhất loạt nổi chiêng trống, tù và vang động, tiêu diệt bọn cảnh sát, bảo an. Khởi nghĩa Trà Bồng đã nhanh chóng lan ra các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long. Ở Sơn Hà, nhân dân 9 xã đã nhất tề nổi dậy, diệt địch, thành lập chính quyền tự quản. Ở Minh Long, nhiều xã đã xóa bỏ ngụy quyền, bố phòng đánh địch. Một vùng đất đai rộng lớn của Minh Long được giải phóng. Ở Ba Tơ, nhân dân nhiều nơi đã lập chính quyền cách mạng... Phối hợp với cuộc nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân, các nhóm vũ trang tuyên truyền và lực lượng vũ trang tỉnh đã mở nhiều đợt hoạt động ở vùng thấp, phá vở từng mảng chính quyền địch. Nhân dân Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã chiến đấu quyết liệt chống địch càn quét, bảo vệ vùng giải phóng (40 xã thuộc các huyện miền Tây Quảng Ngãi được giải phóng), tạo thế đứng chân vững chắc của cách mạng trên vùng rừng núi hiểm trở, nối liên với các căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên. Thắng lợi của khởi nghĩa Trà Bồng có ý nghĩa lớn, nó mở đầu một trang sử mới, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở miền Nam.
Tại Nam Bộ, cuộc đấu tranh của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ phát triển mạnh, hoạt động vũ trang của ta rộng khắp, bộ đội Đinh Tiên Hoàng kết hợp với lực lượng vũ trang xã Khánh An tấn công đồn Vàm Cái Tàu, diệt 1 trung đội địch, giải phóng xã Khánh An. Các xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây và một số vùng lân cận đã nổi dậy giành quyền làm chủ. Toàn huyện Trần Văn Thời được giải phóng, phong trào lan sang cả các huyện Thới Bình, Cái Nước, Ngọc Hiển.
Ở Kiến Phong, ta đã đánh bại cuộc càn quét của Trung đoàn 42 đặc nhiệm ngụy tại Giồng Thị Đam, gò Quản Cung, tiêu diệt hàng trăm tên địch, hỗ trợ nhân dân 4 huyện tả ngạn sông Tiền vùng dậy. Tháng 10-1959, tại Tây Ninh, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu đã nổi dậy phá kìm. Tháng 11 và 12- 1959, hoạt động vũ trang của ta được phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long, phục kích 90 trận, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Tại Bến Tre, ngày 17-1-1960, cuộc “đồng khởi” nổ ra ở 3 xã “điểm” là Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp, rồi nhanh chóng lan ra toàn huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại. Hàng vạn nhân dân đã ào ạt xuống đường, vũ trang giáo mác, nổi trống mõ, truy lùng bọn tề diệp ác ôn, quét sạch các tổ chức kìm kẹp của địch. Quần chúng đã diệt đồn, giải tán các trụ sở hội đồng xã, giải tán các tổ chức tay sai của địch. Chỉ trong tuần lễ đầu “đồng khởi”, nhân dân 47 xã đã đồng loạt nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng 150 ấp, bức rút 47 đồn bốt, diệt hơn 300 tên. Các thôn xã được giải phóng đã mở Đại hội nhân dân, lập tòa án trừng trị những tên nợ máu, tịch thu ruộng đất của bọn địa chủ chia cho dân nghèo. Thanh niên nô nức gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng.
Ngày 22-3-1960, địch huy động hơn 1 vạn quân có tàu chiến, xe tăng yểm hộ, mở cuộc càn quét lớn đánh vào 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp. Nhân dân ở đây đã đấu tranh chính trị và binh vận để ngăn chặn, phân tán lực lượng của địch và dùng vũ trang đánh một số trận tiêu hao lớn, buộc chúng phải chấm dứt càn quét kéo dài hơn 1 tháng. Cuộc phản công lớn của địch vào vùng điểm đồng khởi đã bị thất bại.
“Đồng khởi” đợt 1 thắng lợi đã mở ra một cục diện mới cho toàn tỉnh Bến Tre. Hệ thống kìm kẹp của địch ở phần lớn thôn xã đã bị đập tan, khí thế cách mạng của quần chúng lên cao, kẻ thù hoảng hốt tạo điều kiện cho “đồng khởi” đợt 2 thắng lợi. Qua “đồng khởi” đợt đầu, Bến Tre đã thể hiện thành công phương pháp cách mạng với ba mũi giáp công, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Cùng với Bến Tre, phong trào cách mạng ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ cũng chuyển mạnh lên thế tiến công và tạo ra phong trào “đồng khởi” rộng khắp. Ngày 26-1-1960, ta nổ súng tiến công địch ở Tua Hai, diệt hơn 500 tên địch, bắt giáo dục tại chỗ 500 tên khác, thu hồi hàng nghìn súng các loại. Chiến thắng này đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các tỉnh Nam Bộ vùng dậy giành chính quyền. “Đồng khởi” đã lan rộng ra khắp một vùng rộng lớn ở Nam Bộ. Trong các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Mĩ Tho, Tân An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiến Phong, Kiến Tường và vùng rừng núi miền Trung Trung Bộ, nhân dân thuộc 2/3 số thôn xóm ở đây đã giành được quyền làm chủ. Hầu hết chính quyền địch ở cơ sở bị tan rã hoặc tê liệt, 865 xã ở Nam Bộ và 3200 thôn ở miền núi khu V, nhân dân đã giành được quyền làm chủ. Chính quyền địch, các tổ chức chính trị phản động ở đây đều tan rã, hàng nghìn binh lính, sĩ quan địch đầu hàng. Các khu trù mật, trại dinh điền, trại tập trung bị phá tan. Hầu hết ruộng đất (khoảng 17 vạn ha của nông dân bị địa chủ cướp đoạt sau hiệp định Giơnevơ) đã được trả lại cho nông dân. Lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh. Hầu hết các tỉnh đều có một vài đại đội hoặc tiểu đoàn, huyện có trung đội, đại đội, xã có tiểu đội, trung đội cộng với hàng chục nghìn tự vệ, du kích xã. Hình thái lực lượng vũ trang 3 thứ quân xuất hiện từ trong phong trào “đồng khởi”. Căn cứ địa liên hoàn nối liền giữa các huyện, các tỉnh hình thành. Trong vùng giải phóng, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về quần chúng lao động. Chính quyền tự quản của quần chúng đã ra đời, giải quyết mọi việc ở thôn xã nhưng vẫn sử dụng thế hợp pháp để đấu tranh với địch. Từ chỗ hô hào “Bắc tiến”, địch buộc phải quay về chống đỡ cho cơ sở ở phía nam và Tây Nguyên.
“Đồng khởi” thắng lợi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam: từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công liên tục, thời kì ổn định tạm thời của chính quyền Mĩ - Diệm ở miền Nam đã chấm dứt và chuyển sang thời kì khủng hoảng triền miên không lối thoát. Từ thế đấu tranh chính trị là chủ yếu, ta chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang đập tan từng mảng chính quyền địch ở nông thôn giành quyền làm chủ. Phong trào “đồng khởi” ở nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở thành thị. Tháng 1-1960, 8000 công nhân đồn điền cao su Biên Hòa đình công được sự ủng hộ của công nhân cao su toàn Nam Bộ. Ngày 1-5-1960, hàng ngàn công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn xuống đường “Đả đảo đế quốc Mĩ”, đòi quyền tự do dân chủ. Ngày 20-9-1960, 2 vạn đồng bào Khơme, trong đó có hàng ngàn sư sãi ở Trà Vinh, kéo vào thị xã đòi quyền tự do tín ngưỡng. Ngày 4-10-1960, hàng vạn đồng bào huyện Cao Lãnh kéo vào thị xã Sa Đéc đấu tranh chống khủng bố, chống bắt phu, bắt lính. Ngày 15-10-1960, 6 vạn đồng bào Bến Tre kéo vào thị xã đòi hủy bỏ Luật 10/59... Trong năm 1960, có hơn 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị, tiều biểu nhất là phong trào đấu tranh nhân ngày 20-7, ngày đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngày này trên khắp miền Nam, từ thành thị đến nông thôn, nhân dân đã xuống đường biểu tình mít tinh chống chính sách xâm lược và gây chiến của Mĩ, đòi lật đổ chính quyền Diệm. Ở Trung Nam Bộ, trong thời gian này đã lôi cuốn 400 xã (trong tổng số 509 xã) với hàng nghìn cuộc biểu tình lớn nhỏ có hơn 60 vạn người tham gia. Nội bộ Mĩ – nguy ngày càng lục đục. Ngày 11-11-1960, Mĩ xúi giục Nguyễn Chánh Thi làm cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Cuộc đảo chính thất bại nhưng khủng hoảng trong nội bộ ngụy quyền vẫn tiếp tục kéo dài triền miên, dẫn đến hàng loạt cuộc đảo chính, li khai, “thay ngựa giữa dòng” của Mĩ sau này.
Thắng lợi của phong trào “đồng khởi” đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Nó chứng tỏ chiến tranh đơn phương của Mĩ- ngụy, dùng chính quyền tay sai để đàn áp cách mạng miền Nam đã hoàn toàn thất bại. Lực lượng chống Mĩ cứu nước tăng lên nhanh chóng, ủy ban nhân dân tự quản đã được thành lập ở nhiều nơi. Trên cơ sở đó ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) trong vùng căn cứ Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, các tôn giáo, dân tộc toàn miền Nam đã họp, ra quyết định thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn, Chương trình hành động 10 điểm gồm những vấn đề sau:
1- Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mĩ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm - tay sai của Mĩ, thành lập chính quyền liên minh, dân tộc, dân chủ.
2- Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi, tiến bộ.
3- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cải thiện dân sinh.
4- Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng.
5- Xây dựng nền văn hóa, giáo dục dân tộc dân chủ.
6- Xây dựng một đội quân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
7- Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngoại kiêu và kiều bào.
8- Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập.
9- Lặp lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
10- Chống chiến tranh xâm lược; tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.
Tóm lại, nội dung cơ bản của Chương trình hành động 10 điểm là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mĩ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà. Khẩu hiệu “hòa bình”, “trung lập” là một chủ trương sáng tạo, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Sự ra đời của Mặt trận là một thắng lợi lớn của cách mạng miền Nam trong thời kì mới.