Tài liệu: Hiện tượng dị ứng bắt đầu như thế nào?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ ''di ứng'' (từ tiếng Hy Lạp allos, khác, và ergia, tác dụng/hiệu quả) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1906,
Hiện tượng dị ứng bắt đầu như thế nào?

Nội dung

Hiện tượng dị ứng bắt đầu như thế nào?

Từ ''di ứng'' (từ tiếng Hy Lạp allos, khác, và ergia, tác dụng/hiệu quả) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1906, dưới ngòi bút của thầy thuốc Áo Clemens von Pirquet, để chỉ khả năng của cơ thể phản ứng một cách đặc thù và bất thường chống lại những thành phần lạ không phải là nhiễm khuẩn. Những chất này được gọi là dị ứng nguyên mà đa số người chống chịu được. Nhưng hệ miễn dịch của một số người lại phản ứng đôi chút như thể nó phải đương đầu với các chất gây bệnh. Nó sản xuất ra một loại bạch cầu, trong trường hợp này là tế bào limpho B, là những tế bào tổng hợp các kháng thể đặc hiệu với các dị ứng nguyên gặp phải. Những kháng thể này được gọi là globulin miễn dịch E (hoặc IgE). Kể từ lúc này, người có liên quan được coi là ''mẫn cảm'' với dị ứng nguyên: dù không có dấu hiệu lâm sàng nào, nhưng hệ miễn dịch của người đó bị kích hoạt. Các IgE đi vào vòng tuần hoàn máu, rồi vào các mô và niêm mạc (màng nhầy) để cố định ở bề mặt của những tế bào khác của hệ miễn dịch gọi là dưỡng bào (mastocyte). Người bị mẫn cảm khi ấy chuyển sang một giai đoạn tiềm tàng kéo dài từ vài ngày đến nhiều năm, tùy theo thời gian cần thiết để lượng IgE đã cố định ở dưỡng bào đạt được một giá trị ngưỡng. Khi đã vượt qua ngưỡng này thì mọi cuộc tiếp xúc mới với dị ứng nguyên đều phát động phản ứng dị ứng theo đúng nghĩa: dị ứng nguyên bị tóm bắt bởi các IgE cố định ở dưỡng bào kích hoạt loại tế bào này và giải phóng các chất viêm (như histamin và lơcorien). Khoảng 10-15 phút sau, những chất này kích thích hoạt động của các tuyến nhầy ở đường hô hấp và làm dãn cũng như tăng độ thấm của các mạch máu. Về mặt lâm sàng, hoạt động này biểu hiện ở sự ứ tắc các đường hô hấp và gây phù. Những chỗ viêm này thu hút các tế bào khác của hệ miễn dịch là các bạch cầu đa nhân để tự duy trì phản ứng trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày, bằng giải phóng những chất viêm khác.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1875-02-633462811370000000/Di-ung/Hien-tuong-di-ung-bat-dau-nhu-the-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận