Sự lớn mạnh của nền dân chủ cộng hòa
1. Về chính trị
Vào đầu năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến của ba dân tộc ở bán đảo Đông Dương trên đà phát triển mới, cục diện chiến tranh ở Đông Dương thay đổi có lợi cho Việt Nam, Lào và Campuchia thì Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp ở Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang), từ ngày 11 đến 19-2-1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 58 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 76 vạn đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng (2 -1951) (Ảnh của VNTTX)
Căn cứ vào yêu cầu lãnh đạo và tổ chức kháng chiến của cả ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, Đại hội đã quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở Việt Nam, Lào, Campuchia mỗi nước một đảng Mác-Lênin riêng biệt, có cương lĩnh thích hợp với đặc điểm phát triển của từng dân tộc.
Ở Việt Nam, Đại hội đã quyết định thành lập Đảng Lao động Việt Nam và cho ra hoạt động công khai, đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc kháng chiến của Việt Nam, giúp đỡ và phối hợp với các đảng cách mạng ở Lào và Campuchia, đưa sự nghiệp kháng chiến của hai dân tộc anh em tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do Trường Chinh đọc, thông qua Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ mới của Đảng.
Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng qua các chặng đường lịch sử đấu tranh oanh liệt kể từ ngày Đảng ta ra đời, khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập, thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn. Báo cáo đã vạch trần âm mưu can thiệp của Mĩ vào Đông Dương và nêu lên khẩu hiệu chính của quân và dân Việt Nam là “Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mĩ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới”.
Báo cáo đã nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng là:
1- Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
2- Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.
Đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn là nhiệm vụ cấp bách. Các nhiệm vụ khác đều nhằm phục vụ nhiệm vụ cấp bách đó. Để đưa kháng chiến đến thắng lợi, cần phải đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang và các tổ chức quần chúng, phát triển tinh thần yêu nước, đẩy mạnh thi đua yêu nước, thi hành chính sách ruộng đất ở vùng tự do để cải thiện đời sống của nông dân lao động, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, thành lập Mặt trận thống nhất Việt-Lào-Campuchia, đoàn kết quốc tế.
Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam “ đã trình bày có hệ thống và sâu sắc toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về các chính sách của Đảng và về Đảng Lao động Việt Nam. Toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng được Đại hội thảo luận và được đúc kết một cách khái quát trong bản Chính cương Đảng Lao động Việt Nam.
Chính cương gồm có 3 chương: Thế giới và Việt Nam (chương I), Xã hội Việt Nam và cách mạng Việt Nam (chương II), Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam (chương III).
Xuất phát từ bối cảnh quốc tế và xã hội Việt Nam lúc này, Chính cương nêu rõ cách mạng Việt Nam phải giải quyết mâu thuẫn giữa chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam và những thế lực phản động, giúp cho chế độ ấy phát triển mạnh mẽ và thuận chiều tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thế lực phản động chính đang ngăn cản sự phát triển của xã hội Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Những tàn dư phong kiến cũng làm cho xã hội Việt Nam đình trệ. Vì vậy, cách mạng Việt Nam có hai đối tượng: đối tượng chính lúc này là chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Cụ thể là đế quốc Pháp và can thiệp Mĩ, đối tượng phụ là phong kiến, cụ thể là phong kiến phản động. Mâu thuẫn xã hội và sự tồn tại của hai đối tượng đó đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải thực hiện:
“Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội.
Ba nhiệm vụ đó khăng khít với nhau. Song nhiệm vụ chính trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Cho nên lúc này phải tập trung lực lượng vào việc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược”.
Lực lượng để thực hiện cuộc cách mạng đó là nhân dân, bao gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những thân sĩ yêu nước mà nền tảng là công, nông và lao động trí thức. Công nhân là giai cấp lãnh đạo. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường đấu tranh lâu dài và phải trải qua ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất - nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai - nhiệm vụ chủ yếu là xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng, phát triển kĩ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn thứ ba - nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội. Ba giai đoạn ấy không tách rời nhau, mà mật thiết liên hệ xen kẽ với nhau. Nhưng mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm đó để tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện.
Đại hội còn thảo luận và quyết định nhiều chính sách về công tác xây dựng và củng cố chính quyền, quân đội, mặt trận dân tộc thống nhất, về kinh tế tài chính... nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến về mọi mặt.
Ban chấp hành Trung ương mới của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 23 ủy viên. Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng, Trường Chinh được bầu lại làm Tổng bí thư của Đảng.
Đại hội Đại biểu lần thứ hai của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Việc Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, có cương lĩnh và đường lối, chính sách đúng, phù hợp với thực tiễn có ý nghĩa quyết đỉnh đưa kháng chiến tiến lên giành những thắng lợi ngày càng lớn. Quan hệ giữa Đảng và quần chúng mật thiết hơn, sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi mặt trận kháng chiến càng thuận lợi. Sức mạnh của Đảng được tăng cường về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. ...Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
Tiếp theo Đại hội Đảng, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt đã họp từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951. Đại hội đã quyết định thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt), thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Mặt trận. Mục đích phấn đấu của Mặt trận Liên Việt là: tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mĩ, trừng trị Việt gian phân quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ tự do, phú cường và góp sức cùng nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình lâu dài.

Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt
Đại hội đã cử ra Ủy ban toàn quốc của Mặt trận, gồm có 53 thành viên do Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch. Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự của Mặt trận.
Báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, chuyển thành cơ quan trung ương Mặt trận Liên Việt. Thành công của Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt là một sự kiện chính trị quan trọng, là hình ảnh: “...rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão”. Khối đại đoàn kết dân tộc đã tạo thành một lực lượng vĩ đại, thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến đi đến thắng lợi, kiến quốc thành công.
Ngày 11-3-1951, Hội nghị đoàn kết nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã họp, gồm đại biểu Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Khơ me Ítxarăc, Mặt trận Lào Ítxala. Hội nghị đã quyết định lập khối liên minh nhân dân Việt Nam-Lào-Campuchia dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau; định ra chương trình hành động chung và thành lập ủy ban liên minh của khối liên minh ba nước.
Dân tộc Việt Nam đoàn kết với hai dân tộc Lào và Campuchia là để giúp đỡ nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc ở Đông Dương, vì lợi ích chung mà hợp tác lâu dài trong kháng chiến và sau kháng chiến thắng lợi như đã nêu trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam.
Thành công của Hội nghị nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia là một thắng lợi mới của chiến lược đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết ba dân tộc anh em trên bán đảo Đông Dương, đoàn kết các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ thế giới của Đảng Lao động Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh của khối đoàn kết quốc tế nhằm đưa kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mĩ đi đến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất của Việt Nam và Người đã dày công xây đắp khối đại đoàn kết ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, đã nói: “Dân tộc Việt đại đoàn kết, dân tộc Miên đại đoàn kết, dân tộc Lào đại đoàn kết... Việt-Miên-Lào đại đoàn kết. Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sức đại đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mĩ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thật sự”.
Hệ thống chính quyền dựa trên cơ sở chính trị là Mặt trận Liên Việt đã tiếp tục được củng cố và kiện toàn về tổ chức và lề lối hành chính từ trung ương đến địa phương.
Ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Việt Nam công an vụ được thành lập năm 1946, đến tháng 2-1953 đã được đổi thành Thứ Bộ Công an và đến tháng 6-1953 thành Bô Công an do Trần Quốc Hoàn giữ chức Bộ trưởng. Tháng 3-1954, Nghiêm Xuân Yêm được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông.
Quan hệ giữa Ban Thường trực Quốc hội với Chính phủ ngày càng chặt chẽ và mật thiết trong công tác tổ chức điều hành kháng chiến và kiến quốc.
Vào đầu năm 1953, trước yêu cầu động viên sức người sức của cho tiền tuyến và vấn đề bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân, đang đặt ra những đòi hỏi mới cao hơn trước, Đảng và Chính phủ đã quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất ngay ở các vùng tự do. Theo đề nghị của Chính phủ, một Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội, ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt đã họp để thảo luận và nhất trí với bản đề án về chính sách ruộng đất mới của Đảng. Tháng 11-1953, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất trong kháng chiến.
Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử đó, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã họp kì thứ ba tại Việt Bắc, từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953. Tuy hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, các chiến trường bị chia cắt, song kì họp đã có mặt đại biểu của cả ba miền đất nước. Quốc hội đã nghiên cứu bản báo cáo “Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo về thành tích kháng chiến và dự thảo luật cải cách ruộng đất của Chính phủ do phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày.
Quốc hội đã lần lượt thông qua Nghị quyết tín nhiệm Chính phủ, Nghị quyết biểu dương các đại biểu đã hi sinh vì nước, Nghị quyết truất quyền đại biểu Quốc hội của những đại biểu đã rời bỏ nhiệm vụ kháng chiến, và đặc biệt là thông qua Luật cải cách ruộng đất.
Ngày 19-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 197/SL – ban bố Luật cải cách ruộng đất.
Luật cải cách ruộng đất gồm có 5 chương, 38 điều.
Điều I của Luật đã ghi rõ mục đích và ý nghĩa của cải cách ruộng đất là:
“Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ.
Để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.
Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp phát triển.
Để cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, lực lượng của kháng chiến.
Để đẩy mạnh kháng chiến hoàn thành giải phóng dân tộc, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc kiến quốc”.
Luật đã quy định các điều khoản về tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất về cách chia ruộng đất, về cơ quan chấp hành và phương pháp cải cách ruộng đất cùng điều khoản thi hành.
Luật cải cách ruộng đất được ban hành là cơ sở và sức mạnh pháp lí để thực hiện triệt để nhiệm vụ lịch sử cách mạng ruộng đất của nhân dân Việt Nam. Đây là đạo luật đầu tiên được Quốc hội thông qua sau bàn Hiến pháp 1946 của nước ta. Điều này thể hiện rõ tính chất cách mạng, tính nhân dân của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - một Quốc hội của dân, do dân và vì dân.
Phát biểu tại kì họp thứ ba của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ.
Ngoài ra chúng ta cũng chiếu cố đến đồng bào công thương nghiệp, chiếu cố cán bộ, công nhân, nông dân lao động khác và đồng bào tản cư. Chúng ta cũng chiếu cố các chiến sĩ hi sinh xương máu hay tính mạng cho Tổ quốc, đó là thương binh và gia đình tử sĩ”.
2. Về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân
Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn là nhiệm vụ chính của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam. Vì vậy, “chúng ta phải ra sức phát triển lực lượng của quân đội và của nhân dân để đánh thắng nữa, đánh thắng mãi, để tiến tới tổng phản công”. Phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang là phải coi trọng chất lượng của bộ đội chủ lực, đẩy mạnh việc xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích, phải làm cho quân đội ta trở thành một quân đội cách mạng của nhân dân.
Về mặt tổ chức, chúng ta đã lập thêm một số đại đoàn mới. Đó là Đại đoàn bộ binh 816 (1-5-1951), Đại đoàn công pháo 351 (27-3-1951) - đại đoàn binh chủng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam; Đại đoàn bộ binh 325 (5-12-1952) lớn lên trên chiến trường Bình-Trị-Thiên. Bộ Tổng tư lệnh cũng xây dựng hai trung đoàn trực thuộc là Trung đoàn 148 và Trung đoàn 246.
Như vậy, kể từ khi thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên đến nay, quân chủ lực trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh gồm có 6 đại đoàn, 2 trung đoàn bộ binh và một đại đoàn công pháo.
Bộ đội chủ lực ở các liên khu cũng được củng cố và phát triển phù hợp với chiến trường. Ở Nam Bộ có Tiểu đoàn 302 và Tiểu đoàn 307, ở cực Nam Trung Bộ có Trung đoàn 812, ở Liên khu V có Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803, ở Liên khu III có Trung đoàn 42 và Trung đoàn 46, ở Liên khu Việt Bắc có Trung đoàn 238.
Bộ đội chủ lực là lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh chính quy, là lực lượng cơ động trên những địa bàn quan trọng của chiến trường. Việc nhanh chóng phát triển bộ đội chủ lực với quy mô thích hợp trên cơ sở bộ đội địa phương mạnh, dân quân du kích hùng hậu và kiên quyết đưa bộ đội chủ lực lên đánh lớn là một cố gắng mới của chúng ta nhằm tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng đất đai, đè bẹp ý chí xâm lược của địch, giành thắng lợi triệt để cho cuộc kháng chiến.
Để nâng cao sức mạnh của lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội chủ lực Tổng Quan ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã thực hiện một loạt biện pháp xây dựng cơ bản về chính trị, quân sự và hậu cần. Công tác lãnh đạo giáo dục tư tưởng chính trị được coi trọng và tiến hành thường xuyên, có hệ thống nề nếp trong toàn quốc. Từ năm 1952, các đợt chỉnh huấn chính trị được tổ chức. Đây là cuộc vận động học tập chính trị tập trung lớn nhất kể từ ngày thành lập quân đội. Công tác huấn luyện quân sự đã nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy chiến đấu, trình độ chiến thuật, kĩ thuật của quân đội nhằm đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu mới đang đặt ra trên chiến trường. Kết quả của việc xây dựng quân đội về chính trị, quân sự và hậu cần đã thực sự nâng cao chất lượng, sức mạnh chiến đấu của quân đội ta trong đánh tiêu diệt, trong tiến công và phản công với quy mô ngày càng lớn trên tất cả các chiến trường.
3. Về kinh tế
Kháng chiến càng phát triển, yêu cầu về kinh tế tài chính càng cao. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách và biện pháp mới toàn diện và có hiệu quả cao hơn trước. Nắm vững phương châm “tất cả để chiến thắng”, Đảng đã nêu ra nhiệm vụ “phát triển kinh tế đảm bảo cung cấp”, tích cực phá âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.
Nông nghiệp là nền tảng của kinh tế kháng chiến. Từ năm 1952, Đảng và Chính phủ đã phát động cuộc vận động toàn dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. “Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi”.
Phong trào sản xuất và tiết kiệm được nhân dân hưởng ứng rộng rãi. Cán bộ các cơ quan, xí nghiệp, học sinh và quân đội cũng tham gia sản xuất lương thực và thực phẩm.
Năm 1953, trong vùng tự do và vùng căn cứ du kích ở các tỉnh từ Liên khu IV trở ra đã sản xuất được 2757.000 tấn lúa và 650.800 tấn hoa màu.
Tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng ruộng đất từng bước theo đường lối riêng biệt của Việt Nam, thúc đẩy sản xuất phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh việc thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”.
Từ năm 1949 trở đi, Chính phủ đã tích cực thi hành chính sách giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất công cho công bằng hợp lí, tạm chia, tạm giao ruộng đất vắng chủ, ruộng đất tịch thu của thực dân Pháp và Việt gian, ruộng hiến của điền chủ cho nông dân không có ruộng và thiếu ruộng.
Chính sách giảm tô đã đạt được kết quả lớn, Tính từ Liên khu IV trở ra, đến năm 1953 đã có 397.000 ha ruộng đất được giảm tô 25%. Ở miền Tây Nam Bộ, có nơi mức tô được giảm cao hơn nhiều.
Ruộng đất đem chia cho nông dân lao động chiếm một diện tích rất lớn. Theo số liệu thống kê của 3035 xã ở miền Bắc trước khi cải cách ruộng đất, kết quả việc chia ruộng đất cho nông dân từ năm 1945 đến 1953 như sau:
Ruộng đất của thực dân Pháp đã được tịch thu chia cho nông dân là 26,8 ngàn ha.
Ruộng đất của địa chủ được đem chia cho nông dân là 156,6 ngàn ha.
Ruộng đất nhà chung đem chia cho nông dân là 3,2 ngàn ha.
Ruộng đất công và nửa công được chia là 289,3 ngàn ha.
So với tổng số ruộng đất được chia cho nông dân đến khi hoàn thành cải cách ruộng đất đã được sửa sai, thì số ruộng đất được chia cho nông dân từ năm 1945 đến năm 1958 chiếm 58,8%.
Riêng ở Nam Bộ, cho đến năm 1953 chính quyền cách mạng đã chia cho nông dân 460 ngàn ha ruộng đất của thực dân Pháp và những địa chủ phản bội Tổ quốc.
Quyền sở hữu ruộng đất của các giai cấp xã hội ở nông thôn đến năm 1953 như sau:
Thành phần | Tỉ lệ dân số | Tỉ lệ ruộng đất sở hữu |
Địa chủ chiếm Phú nông chiếm Trung nông chiếm Bần nông Cố nông Các thành phần khác Ruộng công và bán công Ruộng nhà chung | 2,3% 1,6% 36,5% 43% 18% 6% | 18% 4,7% 39% 25,4% 6,3% 1% 4,3% 1,3% |
Nếu đem so sánh với tình hình trước năm 1945, ta thấy địa chủ chiếm 3% dân số lại chiếm hữu 52,1% tổng số ruộng đất, song đến năm 1953, địa chủ còn chiếm 2,3% dân số và ruộng đất chiếm hữu chỉ còn 18% tổng số ruộng đất.
Nông dân lao động (gồm trung nông, bần nông và cố nông) chiếm 92,5% dân số, đã được làm chủ 70,7% tổng số ruộng đất.
Những số liệu cụ thể nêu trên cho thấy quyền sở hữu ruộng đất ở nông thôn đã có sự chuyển biến cách mạng to lớn. Điều đó khẳng định đường lối tiến hành cải cách dần dần đề thu hẹp phạm vi bóc lột của địa chủ phong kiến bản xứ, đồng thời sửa đổi chế độ ruộng đất trong phạm vi không có hại cho sự đoàn kết dân tộc trong mặt trận thống nhất chống thực dân Pháp - một đường lối cách mạng ruộng đất riêng biệt của Việt Nam, là đúng đắn, sáng tạo.
Đến đầu năm 1953, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp hội nghị lần thứ IV để kiểm điểm việc thi hành chính sách ruộng đất trong tiến trình kháng chiến và ra quyết định phải thực hiện triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến. Tháng 11-1958, Ban chấp hành Trung ương họp hội nghị lần thứ V và Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng đã thông qua Cương lĩnh ruộng đất của Đảng và quyết định tổ chức thực hiện cải cách ruộng đất ở vùng tự do. Quốc hội họp kì thứ ba (tháng 12-1953) đã nhất trí với chủ trương của Đảng và thông qua Luật cải cách ruộng đất.
Từ tháng 4 đến tháng 8-1953, đợt đầu tiên của cuộc phát động quần chúng giảm tô đã được thực hiện trong phạm vi 22 xã ở Liên khu Việt Bắc và Liên khu IV. Đợt 2 được mở rộng trong phạm vi 162 xã thuộc 10 tỉnh ở Liên khu Việt Bắc và Liên khu IV. Cho đến tháng 9-1954, ta đã tiến hành được 5 đợt giảm tô trong phạm vi 830 xã ở miền Bắc.
Cùng với việc phát động giảm tô, ngày 25-11-1958, cải cách ruộng đất đã được thực hiện thí điểm trong phạm vi 6 xã thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Đến tháng 5-1954, đợt 1 của cải cách ruộng đất được tiến hành trong 47 xã thuộc tỉnh Thái Nguyên và 6 xã của tỉnh Thanh Hóa; công việc này được diễn ra trong lúc cuộc tiến công chiến lược của nhân dân ta đang ở đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ nên phải đến tháng 9-1954 mới kết thúc. Cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất được tiếp tục đẩy mạnh trên quy mô rộng lớn ở miền Bắc sau khi hòa bình được lập lại và miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.
Việc tổ chức thực hiện chủ trương triệt để giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta, tích cực chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là thắng lợi của sự nghiệp kiến quốc, của hậu phương kháng chiến, của quá trình thực hiện từng bước khẩu hiệu “người cày có ruộng” của Đảng và Chính phủ ta.
Xét về mặt ruộng đất, đến năm 1953, theo số liệu điều tra trong 3035 xã đã qua cải cách ruộng đất thì nông dân đã sử dụng đến 70,7% tổng số ruộng đất, địa chủ chỉ còn chiếm 18%. Song nếu so với tổng số ruộng đất địa chủ chiếm hữu trước năm 1945, thì họ còn chiếm hơn 48%. Để tăng cường bồi dưỡng lực lượng nông dân lao động, đẩy mạnh sản xuất, phục vụ kháng chiến, việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động cách mạng ruộng đất là cần thiết. Song xét về mặt chủ trương và biện pháp thực hiện, chúng ta đã không kế thừa kinh nghiệm đúng như đã làm từ những năm trước. Trái lại, chúng ta đã học tập thiếu chọn lọc, áp dụng giáo điều kinh nghiệm “giai cấp chống giai cấp” của nước ngoài vào hoàn cảnh nước ta nên đã làm cho cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất – tuy mới thực hiện thí điểm - đã diễn ra quá gay gắt không cần thiết và trong chỉ đạo, đã phạm một số sai lầm về phân định thành phần, về quy kết tội ác dẫn đến bắt giam, xử trí không đúng một số trường hợp cụ thể, gây tổn thất nhất định đến khối đại đoàn kết dân tộc lâu dài, thủy chung của Đảng và Nhà nước. Ngành công nghiệp quốc phòng vẫn tiếp tục giữ vững sản xuất. Từ năm 1951 - 1953, từ Liên khu IV trở ra, chúng ta đã sản xuất được 1.310 tấn vũ khí, đạn dược.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất các hàng tiêu dùng phục vụ đời sống của nhân dân như vải, dầu, muối, giấy viết... cũng được tiếp tục phát triển.
Chính sách thuế mới được ban hành, góp phần bảo đảm nguồn chi tiêu của Nhà nước.
Năm 1951, Nhà nước đã ban hành chính sách thuế nông nghiệp, một nguồn thu chính của quốc gia. Từ năm 1951-1954, tính từ Liên khu V trở ra, ta đã thu được 1.822.620 tấn lúa thuế nông nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành chính sách thuế công thương, thuế xuất nhập khẩu, thuế sát sinh, thuế trước bạ v.v..
Ngân hàng quốc gia Việt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 15/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 6-5-1951, Nguyễn Lương Bằng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Mậu dịch quốc doanh đã ra đời theo Sắc lệnh số 22/SL, kí ngày 14-5-1951 nhằm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp hàng hóa cần thiết cho kháng chiến và đời sống nhân dân, phục vụ sản xuất, quản lí thị trường, bình ổn vật giá, trao đổi hàng hóa với các nước bạn, đấu tranh kinh tế với địch có hiệu quả. Hàng hóa từ vùng tạm bị chiếm đã được khơi luồng đưa ra vùng tự do. Nhờ chính sách kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, chính sách thuế mới công bằng hợp lí, quản lí tài chính chặt chẽ, thu chi ngày càng hợp lí, cho nên sản xuất được phát triển, thu chi ngân sách dần dần cân bằng, nạn lạm phát được khắc phục.
Thắng lợi của nhiệm vụ kinh tế, tài chính của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền kinh tế kháng chiến, một nền kinh tế độc lập và tự chủ, có tính chất dân chủ nhân dân, cơ sở hạ tầng của một chế độ mới.
4. Về văn hóa, giáo dục, y tế, đời sống
Văn hóa, văn nghệ đã có một bước phát triển mạnh mẽ, góp phần đắc lực vào sự nghiệp giáo dục, động viên tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí chiến đấu vì độc lập thống nhất.
Văn nghệ sĩ cũng lên đường ra trận, tham gia chiến dịch, theo sát bước chân người lính xung kích; các đoàn dân công, các đội thanh niên xung phong ra hỏa tuyến, vào nhà máy và làm việc cả trên đồng ruộng: Cuộc sống chiến đấu của dân tộc và của chính người nghệ sĩ đã làm nảy nở nhiều tác phẩm giàu tính hiện thực và chiến đấu. Văn hóa, nghệ thuật thực sự là một mặt trận mà anh, chị em nghệ sĩ chính là những chiến sĩ trên mặt trận đó. Thành tựu của văn hóa, nghệ thuật đạt được trong những năm cuối của cuộc kháng chiến và tiếp tục ra đời sau hòa bình lập lại (1954) đã khẳng định giá trị của khẩu hiệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”.
Nền giáo dục mới đã có bước phát triển vượt bậc từ sau khi thực hiện cải cách giáo dục năm 1950.
Nhiệm vụ chống nạn mù chữ về cơ bản đã hoàn thành. Đến năm 1952, có khoảng 14 triệu người đã thoát khỏi nạn mù chữ. Công tác bổ túc văn hóa được đẩy mạnh. Đến tháng 9-1953, đã có 10.450 lớp bổ túc văn hóa với 335.946 học viên. Một số trường phổ thông lao động ở Trung ương và địa phương được thành lập.
Giáo dục phổ thông 9 năm đã phát triển mạnh mẽ theo phương châm và nội dung chương trình đào tạo của cuộc cải cách giáo dục năm 1950. Năm 1953, các trường phổ thông cấp I, cấp II và cấp III trong vùng tự do có 769.640 học sinh; năm 1954, đã lên đến 1.132.196 học sinh. Từ năm 1951 - 1958, ta đã đào tạo được 7.000 cán bộ kĩ thuật. Sau khi biên giới được khai thông, Chính phủ đã cử hàng ngàn cán bộ và học sinh tốt nghiệp phổ thông và đại học đi học dài hạn ở nước ngoài, nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc.
Sách báo kháng chiến được xuất bản ngày càng nhiều. Không kể các báo ở địa phương, báo các loại xuất bản từ năm 1946 - 1954 được 77.212.128 số Báo Sự thật tăng từ 8000 - 11.000 bản/tuần; báo Nhân dân - 20.000 bản/ngày; báo Cứu quốc - 25000 đến 30000 bản/ngày. Sách các loại có 8.915.972 cuốn. Đây chính là một loại vũ khí tư tưởng sắc bén của kháng chiến.
Công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân được coi trọng. Bệnh viện, bệnh xá, phòng y tế, trạm cứu thương được xây dựng ở khắp nơi. Phong trào “ba sạch” - ăn sạch, uống sạch, ở sạch và “bốn diệt” - diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chấy rận, diệt chuột bọ; đào giếng, làm chuồng phân, làm tổng vệ sinh v.v… được quần chúng tham gia đông đảo.
Đời sống vật chất và tinh thần trong vùng tự do và căn cứ du kích được ổn định và cải thiện rõ rệt. Nạn đói và dịch bệnh được đẩy lùi về cơ bản. Đây là một thành tích đáng ghi nhận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời kì kháng chiến.
Xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa trong tiến trình kháng chiến chính là xây dựng hậu phương vững mạnh của kháng chiến, một nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh.
Quá trình xây dựng và phát triển căn cứ địa, hậu phương của ta được gắn liền với quá trình phát triển của cuộc kháng chiến.
Từ năm 1950 trở đi, căn cứ địa-hậu phương của các chiến trường, càng được củng cố và mở rộng. Việt Bắc, một địa bàn chiến lược quân sự trọng yếu nơi trụ chân của các cơ quan đầu não của kháng chiến, được xây dựng và củng cố một cách toàn diện, vững chắc. Vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh thuộc Liên khu IV, vùng tự do Liên khu V đã được giữ vững từ đầu kháng chiến và được củng cố vững mạnh. Đó là các căn cứ địa lớn, là hậu phương chiến lược của cả nước. Kháng chiến càng thắng lợi, các căn cứ địa đó càng được củng cố, các vùng giải phóng được mở rộng, các căn cứ du kích được hình thành ngày càng nhiều thêm. Đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, vùng tự do và các vùng căn cứ của ta từ Bắc đến Nam đã chiếm hơn 70% diện tích đất nước và hơn 50% dân số trong cả nước.
Sự lớn mạnh của chế độ dân chủ cộng hòa và hậu phương kháng chiến đã chi viện cho tiến tuyến sức người, sức của và cả tinh thần chính trị ngày càng lớn, góp phần quyết định cho thắng lợi oanh liệt của quân và dân ta trên mặt trận quân sự, tiêu biểu là thắng lợi của các chiến dịch tiến công và phản công lớn từ năm 1950 đến khi kháng chiến kết thúc.
Cùng với sự lớn mạnh của chế độ dân chủ cộng hòa và thắng lợi trên mặt trận quân sự ngày càng lớn, nhân dân ta đã nhận được sự chi viện về tinh thần và vật chất của quốc tế, đặc biệt là của Trung Quốc và Liên Xô (Trung Quốc đã cử cố vấn sang giúp ta và viện trợ cho ta về vũ khí, lương thực...). Tính từ tháng 12-1950 đến 6-1954, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã nhận được Viện trợ của quốc tế là 21.517 tấn vật chất-bao gồm vũ khí đạn dược, nguyên liệu quân giới, vận tải xăng dầu, gạo, thực phẩm, quân trang, quân y, thông tin, công binh (trong đó, vũ khí đạn dược là 4.253 tấn; vận tải xăng dầu là 5.069 tấn; gạo, thực phẩm - 9590 tấn).
Tổng số viện trợ trị giá 136 triệu đồng nhân dân tệ (34 triệu rúp) theo thanh toán giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong số đó, vũ khí trang bị kĩ thuật gồm có 24 khẩu sơn pháo 75 li, 24 khẩu lựu pháo 105 li, 76 khẩu pháo cao xạ 37 li (của Liên Xô), 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6 (của Liên Xô), 715 xe ô tô vận tải (trong đó có 685 xe của Liên Xô).
Sự viện trợ tuy không lớn, song trong hoàn cảnh kháng chiến đầy khó khăn của Việt Nam, sự giúp đỡ đó là rất đáng quý, giúp quân đội ta có thêm vũ khí hiện đại phục vụ cho một số chiến dịch lớn ở giai đoạn cuối của kháng chiến, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của nhân dân ta.