Kháng chiến toàn quốc bùng nổ
1. Thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị thực hiện “cái kịch bản” của cuộc đảo chính
Nước Việt Nam cần hòa bình để kiến thiết đất nước, vì vậy Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã kiên trì giải quyết mối quan hệ bang giao hòa bình và hợp tác với Chính phủ Pháp. Việt Nam đã phải nhân nhượng khi kí Hiệp định sơ bộ 6 - 8 - 1946 và Tạm ước 14 - 9 - 1946.
Việt Nam càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Những người cầm đầu Chính phủ Pháp lúc bấy giờ tuy có khác nhau ít nhiều trong cách giải quyết vấn đề bang giao Pháp - Việt, song đều có một quyết tâm chung là giành lại quyền thống trị của chúng ở Việt Nam và toàn bộ bán đảo Đông Dương với bất cứ giá nào, trong đó cực đoan phản động nhất là các tướng tá điều hành quân sự ở Đông Dương như Đacgiăngliơ (D’Argenlieu), Valuy (Valluy), Pinhông (Pignon) ...
Hiệp định sơ bộ 6 - 3 vừa được kí kết đã bị thực dân phản động Pháp phản bội. Quân Pháp đã tấn công các phòng tuyến của quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ngày 10 - 4 - 1946, tướng Valuy đã kí và ban hành “phương án số 2” nhằm thực hiện các biện pháp hữu hiệu có tác dụng biến đổi dần “cái kịch bản” của một hành động thuần túy quân sự thành “kịch bản của cuộc đảo chính” (Un scénario de coup d’Etat). Philip Đơvile (Philippe Devillers), qua nghiên cứu các nguồn tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh của Pháp chống Việt Nam đã nói: “cái bộ ba D’Argenlieu - Pignon - Valluy sau khi cân nhắc đắn đo kĩ lưỡng, đã cố tình gây ra cuộc xung đột nhằm loại bỏ ông Hồ Chí Minh và Việt Minh trước khi nối tiếp lại những cuộc đàm phán đã dự định”.
Thực dân Pháp đã trắng trợn phá hoại làm cho các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp không đạt được kết quả. Chúng lập ra cái gọi là “Chính phủ Nam Kì tự trị” (1 - 6 - 1946) do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh cầm đầu, nhằm tách Nam Kì ra khỏi Việt Nam thống nhất.
Các cuộc hành binh lấn chiếm của quân Pháp được diễn ra liên tục ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Quân Pháp đã ngang nhiên nắm quyền kiểm soát thuế quan ở Hải Phòng. Valuy trực tiếp ra lệnh cho đại tá Đebơ (Dèbes) chỉ huy quân Pháp đóng ở Hải Phòng bằng mọi lực lượng có trong tay phải nhanh chóng làm chủ Hải Phòng, đẩy quân đội Việt Nam ra khỏi thành phố. Cùng với việc đánh chiếm Hải Phòng, quân Pháp cũng đã tiến công đánh chiếm Lạng Sơn. Quân đội Pháp đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn, vào ngày đầu hạ tuần tháng 11 - 1946 bắt đầu mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn và quyết liệt đối với miền Bắc. Đó là màn diễn đầu tiên của một “Kịch bản của cuộc đảo chính” mà Valuy là tác giả, được trình diễn ở một thành phố cảng duy nhất và một thành phố cửa ngõ đường bộ quan trọng trên miền Bắc Việt Nam.
Đầu tháng 12-1946, tình hình càng nghiêm trọng hơn. Thực dân Pháp đã tăng thêm quân, chiếm đóng trái phép ở Đà Nẵng và Hải Dương, đưa thêm viện binh đến Hải Phòng, mở rộng đánh chiếm Đồ Sơn, Đình Lập và liên tiếp gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.
Quân và dân ta đã khẩn trương chuẩn bị, song vẫn bình tĩnh chịu đựng.
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn kiên trì tìm cách duy trì hòa bình, tránh cuộc chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố rõ lập trường của Việt Nam khi trả lời với báo Paris - Sài Gòn, rằng: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình... Chúng tôi không muốn chiến tranh... Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm... Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy.
Cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam đều không phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là một điều tai hại”.
Hồ Chí Minh đã gửi lời kêu gọi các nước Anh, Trung Quốc, Hoa Kì, Liên Xô và các thành viên của Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ thiện chí hòa bình và ý chí quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và mong mỏi Liên hợp quốc chấp nhận những yêu cầu chân chính của Việt Nam để vãn hồi hòa bình, để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng và để “khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ”. Người cũng đã liên tiếp gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên gặp gỡ với những người cầm đầu Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh đổ máu. Song mọi cố gắng của Việt Nam đều vô hiệu. Họ coi nguyện vọng hòa bình của Chính phủ Việt Nam là biểu hiện của sự yếu kém nên họ càng lấn tới.
Quân đội Pháp đã liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội trong các ngày 15, 16 tháng 12 - 1946. Ngày 17-12, quân Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt chúng đã gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh.
Ngày 18-12, tướng Móoclie (Morlière) gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi tạ phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20-12-1946 quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.
Ngọn lửa chiến tranh xâm luợc của thực dân Pháp bùng cháy trên toàn quốc là điều không thể tránh được nữa vì Pháp quyết định sẽ châm ngòi vào ngày 20-12 bất cứ giờ phút nào.
2. Hồ Chí Minh phát động toàn quốc kháng chiến và đường lối kháng chiến của Đảng
Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng, Nhà nước - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - phải có một sự chọn lựa lịch sử, phải kịp thời có một quyết định chiến lược để chuyển xoay vận nước đang lâm nguy.
Sẽ là một tội ác đối với lịch sử nếu chần chừ, do dự để quân dân Hà Nội và các thành phố, thị xã khác trở thành nạn nhân của “kịch bản đảo chính quân sự” của quân đội Pháp sẽ diễn ra như chúng “đã diễn” ở Hải Phòng, Lạng Sơn.
Độc lập tự do hay nô lệ ? Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại kiếp nô lệ. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ nhất định không chịu mất độc lập tự do. Đã đến lúc phải đứng lên chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngày 17-12-1946, Hội đồng chính phủ đã họp với sự có mặt của Trưởng ban thường trực Quốc hội - Bùi Bằng Đoàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Võ Nguyên Giáp đã báo cáo tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng cùng âm mưu mở rộng chiến tranh ở Hà Nội và các nơi khác của thực dân Pháp.
Theo điều 38 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 đã ghi rõ: “Khi nghị viện không họp được, Ban Thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến” và điều 49 (điểm k) quy định Chủ tịch nước có quyền “tuyên chiến hay đình chiến theo như điều 38 đã định”, Hồ Chí Minh đã báo cáo với Hội đồng chính phủ và Thường trực Quốc hội để thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến trong toàn quốc.
Ngày 18, 19-12-1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng. Ban Thường vụ Trung ương đã điện cho các chiến khu, các tỉnh ủy chỉ thị “Tất cả hãy sẵn sàng”.
Chiều 19-12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc.
Đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, tín hiệu bắt đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc đã được phát ra.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã công bố mệnh lệnh chiến đấu, hạ lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước.
Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, khoảng 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ phá máy, đèn điện toàn thành phố phụt tắt.
Quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.
Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến toàn quốc đang rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước. Người kêu gọi:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hời đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm?”.
Tiếp đến ngày 21-12-1946, Người đã gửi thư đến nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các nước Đồng minh nói rõ mục tiêu và ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của Việt Nam và khẳng định: “Cuộc kháng chiến rất lâu dài và đau khổ. Dù phải hi sinh bao nhiêu và thời gian kháng chiến đến bao giờ, chúng ta cũng nhất định chiến đấu đến cùng, đến bao giờ nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập và thống nhất. Chúng ta có 20 triệu chống lại 10 vạn thực dân. Cuộc thắng lợi của chúng ta rất được bảo đảm”.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, động thấu trái tim và khối óc của mọi người Việt Nam yêu nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Lời kêu gọi kháng chiến là một bản cương lĩnh kháng chiến mang tính khái quát cao, chứa đựng tư tưởng, quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lâu dài, tự lực cánh sinh và nhất định thắng lợi.
Quyết tâm phát động kháng chiến toàn quốc theo quan điểm chiến tranh nhân dân là một quyết định đúng, kịp thời và là điểm xuất phát cơ bản cho mọi thắng lợi về sau của cuộc kháng chiến.
Cuối tháng 12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng công bố rộng rãi chỉ thị Toàn dân kháng chiến, nêu một cách tóm tắt nội dung đường lối và chính sách kháng chiến gồm: mục đích, tính chất, chính sách, cách đánh, chương trình kháng chiến, cơ quan lãnh đạo kháng chiến, khẩu hiệu tuyên truyền để hướng dẫn các Đảng bộ và cơ quan chỉ đạo kháng chiến các cấp thi hành.
Để giải thích và phát triển quan điểm, đường lối kháng chiến của Đảng và Hồ Chí Minh, Trường Chinh - Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đã viết một loạt bài đăng trên báo Sự thật từ số 70 đến số 81,và nhân dịp kỉ niệm lần thứ hai ngày Nam Bộ kháng chiến, tác giả đã sửa chữa, bổ sung và in thành tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi.
Tác phẩm của Trường Chinh nhằm “vạch một phương châm tử chiến với thực dân phản động Pháp để giành độc lập, thống nhất thực sự cho Tổ quốc, giữ vững và mở rộng chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam, góp phần nhỏ mọn của dân tộc ta vào công cuộc xây dựng hòa bình, dân chủ thế giới”. Việc giành thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ này chỉ có thể đạt được với điều kiện căn bản là: đường lối chính trị và quân sự đúng, toàn dân đoàn kết chặt chẽ và có nhiều bạn bè, chỉ huy quân sự ta khôn khéo và dũng cảm, tất cả căn bộ, binh sĩ và nhân dân ta bền gan vượt khó, không sợ gian khổ hi sinh.
Tư tưởng, đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra từ ngày đầu của cuộc kháng chiến được thể hiện tập trung trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta là kế tục sự nghiệp cuộc Cách mạng tháng Tám bằng phương thức chiến tranh cách mạng. Nó nhằm mục đích đánh thực dân xâm lược Pháp, giành độc lập và thống nhất. Đây là một cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc, chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ.
Cuộc kháng chiến này không những có tính chất dân tộc giải phóng mà còn có tính chất dân chủ mới. “Trong lò lửa kháng chiến, một nước Việt Nam mới đang được rèn đúc: nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường - một nước Việt Nam dân chủ mới”). Vì vậy, nhiệm vụ giải phóng dân tộc và nhiệm vụ dân chủ có quan hệ với nhau, trong đó nhiệm vụ cấp bách và nóng bỏng nhất là nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Nhiệm vụ dân chủ về ruộng đất được thực hiện dần dần để thích hợp với hoàn cảnh của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Giải thích về mối quan hệ dân tộc và dân chủ, Trường Chinh viết: “Có bạn cho rằng cuộc kháng chiến này đã có tính chất dân tộc và dân chủ như thế thì nó phải vừa đánh đuổi thực dân, vừa tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày.
Chúng tôi xin trả lời: Không!
Cuộc kháng chiến này chỉ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, củng cố và mở rộng chế độ cộng hòa dân chủ. Nó không tịch thu ruộng đất của địa chủ phong kiến chia cho dân cày, chỉ tịch thu ruộng đất và các hạng tài sản khác của Việt gian phản quốc để bổ sung ngân quỹ kháng chiến hay ủng hộ gia đình các chiến sĩ hi sinh”.
Đây là một quan điểm độc lập sáng tạo của Đảng ta về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày trong cuộc chiến tranh giải phóng ở một nước vốn là thuộc địa còn nhiều tàn dư phong kiến về sở hữu ruộng đất, theo tư tưởng độc lập tự do và chiến lược đại đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh.
Cuộc kháng chiến của ta vì độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện và lâu dài.
Cách mạng, kháng chiến là sự nghiệp của toàn dân. Phải động viên giáo dục và tổ chức toàn dân tham gia kháng chiến, kháng chiến khắp nơi, thực hiện khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi phố là một mặt trận, mỗi làng là một pháo đài”. Chiến tranh nhân dân, toàn dân kháng chiến là nội dung chủ đạo của đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Chiến tranh là một cuộc đọ sức toàn diện giữa hai bên tham chiến. Đảng chủ trương phải xây dựng và sử dụng sức mạnh tổng hợp và toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để chống lại cuộc chiến tranh tổng lực của kẻ thù.
Để thực hiện mục đích chính trị của cuộc kháng chiến, phải đẩy mạnh mặt trận quân sự nhằm: tiêu diệt lực lượng của địch trên đất nước ta, đè bẹp ý chí xâm lược, của chúng, giành lại toàn bộ đất nước.
Do tương quan lực lượng giữa ta và địch còn chênh lệch nên phương châm chiến lược của toàn bộ cuộc kháng chiến là đánh lâu dài, không phải đánh mau, giải quyết chóng. Đánh lâu dài là bí quyết của sự thắng lợi. Đánh lâu dài là nhằm vừa đánh vừa phát triển lực lượng từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh để chiến thắng quân thù. Thời gian sẽ ủng hộ chúng ta và là thầy chiến lược của ta nếu dân tộc ta nhất tâm kháng chiến bên bỉ. Đảng dự đoán cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta sẽ trải qua 3 giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, tổng phản công. Trong quá trình kháng chiến sẽ có những cuộc đàm phán mới xen vào và đấy là một đặc điểm của nó.
Phương châm tác chiến là tích cực tiến công, giải quyết mau trong từng trận, dùng cách đánh du kích, đánh vận động và có thể đánh trận địa...
Về chính trị, phải đoàn kết toàn dân, thực hiện quân dân nhất trí, làm cho mặt trận dân tộc thống nhất ngày càng rộng rãi và vững mạnh. Phải củng cố chế độ cộng hòa dân chủ, xây dựng bộ máy kháng chiến vững mạnh, thống nhất quân, chính, dân trong toàn quốc, phát triển các đoàn thể cứu quốc, củng cố bộ máy lãnh đạo kháng chiến toàn dân. Tóm lại là phải: “Đoàn kết toàn dân, cô lập kẻ thù, kháng chiến đến mực”.
Về kinh tế, là xây dựng nền kinh tế kháng chiến theo nguyên tắc vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tự cung tự cấp về mọi mặt, phá hoại kinh tế của địch, xây dựng kinh tế của ta. Kinh tế kháng chiến về hình thức là kinh tế chiến tranh, về nội dung là dân chủ mới, chú trọng phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghiệp.
Về văn hóa, có hai nhiệm vụ: xóa bỏ nền văn hóa ngư dân nô dịch của thực dân và xây dựng nền văn hóa dân chủ mới cho nước nhà, dựa trên ba nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Tất cả mọi hoạt động văn hóa lúc này phải nhằm vào khẩu hiệu “yêu nước và căm thù”. Cuộc kháng chiến của ta chống lại một đội quân xâm lược nhà nghề, có ưu thế về trang bị vũ khí nên phải tiến hành lâu dài, gian khổ và hi sinh, song cuối cùng thắng lợi nhất định thuộc về chúng ta. Vì “Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, chiến tranh tiến bộ. Ta lấy sức mạnh vật chất và tinh thần trong nguồn vô tận của nhân dân, trong chính ngay tính chất tiến bộ của cuộc chiến tranh chính nghĩa”.
Điều có tính chất quyết định là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm chiến lược mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc đúng lúc và xác định được từ đầu những nội dung cơ bản về quan điểm, đường lối kháng chiến là chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực, cánh sinh và nhất định thắng lợi. Trong buổi đầu tiến hành kháng chiến, khó có thể vạch ra được một đường lối hoàn thiện, thậm chí còn ít nhiều biểu hiện của sự rập khuôn theo lí luận quân sự nước ngoài, như lí luận kháng chiến 3 giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, tổng phản công. Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến, chúng ta dần dần nhận thức sâu hơn thực tiễn chiến tranh cách mạng ở nước ta, từng bước bổ sung đường lối kháng chiến, phát triển khoa học và nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
Đường lối kháng chiến của Đảng là sự kế thừa và nâng lên tầm cao mới tư tưởng quân sự truyền thống của tổ tiên xưa, là sự vận dụng lí luận chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm nước ngoài vào điều kiện Việt Nam. Đường lối đó là ngọn cờ dẫn dắt và là động lực chính trị tinh thần đưa quân và dân ta tiến lên chiến đấu và chiến thắng thực dân xâm lược Pháp.
Đây chính là ưu thế chính trị tinh thần, là lợi thế duy nhất tạo thành sức mạnh vật chất, bảo đảm cho quân và dân ta tin tưởng và kiên trì chiến đấu trong thế bị bao vây, chiến đấu bằng sức mạnh tự lực tự cường với một tinh thần độc lập tự chủ và nghị lực sáng tạo vô biên của dân tộc.