Tài liệu: Đế Quốc Pháp và can thiệp Mĩ kéo dài chiến tranh xâm lược Đông Dương

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Năm 1950, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã giành được những thắng lợi to lớn về chính trị, ngoại giao và quân sự.
Đế Quốc Pháp và can thiệp Mĩ kéo dài chiến tranh xâm lược Đông Dương

Nội dung

Đế Quốc Pháp và can thiệp Mĩ kéo dài chiến tranh xâm lược Đông Dương

Năm 1950, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã giành được những thắng lợi to lớn về chính trị, ngoại giao và quân sự.

Sức mạnh và uy tín của nước Việt Nam được tăng cường rõ rệt.

Lực lượng xã hội chủ nghĩa trên thế giới được củng cố và tăng cường. Liên Xô đã hoàn thành việc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh và chuẩn bị thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1951 - 1955), nền quốc phòng vững mạnh. Hiệp định Xô - Trung được kí kết tháng 2 - 1950 đã tăng thêm sức mạnh cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc kiến thiết.

Các nước xã hội chủ nghĩa từ sau khi lập quan hệ ngoại giao đã ủng hộ Việt Nam về tinh thần và viện trợ cho Việt Nam về vật chất. Năm 1950, hàng viện trợ của Trung Quốc đã được chuyển đến Việt Nam. Phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục phát triển, một số nước đã giành được độc lập dân tộc. Đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.

Đế quốc Mĩ càng tăng cường chạy đua vũ trang, lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO, 9-1949), đẩy mạnh cuộc “chiến tranh lạnh”, tiếp tay cho các nước đế quốc khác trong cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa và trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (10 - 1950).

Tháng 5-1950, Tổng thống Mĩ Tơruman (Truman) chính thức quyết định viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, ủng hộ Chính phủ “quốc gia” Bảo Đại.

Tháng 12 - 1950, Mĩ, Pháp cùng các Chính phủ “quốc gia” Việt, Miên, Lào đã kí bản “Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương”. Mĩ cam kết sẽ viện trợ quân sự cho các nước trên để phòng thủ Đông Dương.

Tháng 9-1951, Mĩ trực tiếp kí với Bảo Đại hiệp ước tay đôi, gọi là “Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt - Mĩ”, nhằm chuyển thẳng một phần viện trợ Mĩ cho Chính phủ Bảo Đại và trực tiếp ràng buộc chính phủ đó vào Mĩ. Tháng 12 - 1951, Mĩ lại kí với Bảo Đại một bản “Hiệp nghị an ninh chung”.

Từ sau khi các bản Hiệp định viện trợ quân sự, kinh tế an ninh được kí kết, viện trợ của Mĩ chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong ngân sách của Pháp ở Đông Dương. Năm 1951, viện trợ Mĩ chiếm 19% ngân sách chiến tranh, năm 1952 - chiếm 35%, năm 1953 - chiếm 43%, năm 1954 - chiếm 73%.

Các phái đoàn viện trợ kinh tế, cố vấn quân sự... đã lần lượt đến Việt Nam. Tháng 5-1950, phái đoàn viện trợ Mĩ do Rôbe Bơlum (Robert Blum) dẫn đầu đến Sài Gòn. Tháng 9 - 1950, phái đoàn cố vấn quân sự Mĩ – MAAG được thành lập ở Việt Nam. Năm 1952, các phòng thông tin Mĩ được đặt ở nhiều trung tâm trong vùng chúng chiếm đóng. Các tướng tá, các chính khách Mĩ đi lại ở Đông Dương ngày càng nhiều. Các trung tâm và các trường huấn luyện của Mĩ bắt đầu chọn, đưa người từ Việt Nam sang học ở Mĩ.

Được Mĩ viện trợ, Pháp đã kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, tập trung lực lượng phòng ngự và bình định vùng tạm chiếm, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời chuẩn bị mở các cuộc phản công với hi vọng giành lại quyền chủ động chiến lược đã bị mất ở chiến trường Bắc Bộ.

Ngày 6-12-1950, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Đơ Lat đơ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny), Tư lệnh lục quân khối Tây Âu, sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh, kiêm cao ủy Pháp ở Đông Dương.

Nắm toàn bộ quyền lực trong tay, Đơ Latđơ Tátxinhi đã vạch ra một kế hoạch quân sự: gấp rút tập trung quân Âu-Phi để xây dựng thành một lực lượng cơ động chiến lược mạnh, đồng thời phát triển ngụy binh với quy mô lớn để bổ sung vào đội quân viễn chinh Pháp; xây dựng “quân đội quốc gia” của chính quyền Bảo Đại; xây dựng tuyến công sự phòng ngự bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm đối phó với chủ lực của quân đội ta và ngăn chặn ta đưa nhân lực, vật lực ra vùng tự do; tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng bị chiếm và vùng du kích; phá hoại vùng căn cứ hậu phương và chuẩn bị tiến công ra vùng tự do.

Thực hiện kế hoạch đó, Đơ Lat đã tập trung phần lớn các tiểu đoàn cơ động chiến thuật thuộc lực lượng chiếm đóng ở Bắc Bộ, xây dựng được 7 binh đoàn cơ động chiến lược (GM) và 4 tiểu đoàn dù bố trí ở các tỉnh phía Bắc đồng bằng Bắc Bộ. Cuối năm 1951, Pháp đã đưa tổng số quân lên 338.000 tên, đến năm 1958 là 465.000 tên.

Lực lượng ngụy binh tăng nhanh. Chính quyền Bảo Đại ra “dụ tổng động viên”, cưỡng bức thanh niên vào ngụy quân, thành lập các “tiểu đoàn khinh quân”, “tiểu đoàn sơn chiến”, chuyển lực lượng vũ trang phản động của các giáo phái Cao đài, Hòa hảo, Thiên chúa thành quân chính quy. Cuối năm 1953, thành phần ngụy quân trong quân đội Pháp chiếm 65%.

Kế hoạch xây dựng phòng tuyến “boong ke” ở Bắc Bộ được thực hiện từ đầu năm 1951, gồm khoảng 800 lô cốt, lập thành hàng chục cụm cứ điểm lớn nhỏ do 20 tiểu đoàn lính Âu - Phi chiếm đóng kéo dài từ Hồng Gai, Đông Triều, Lục Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hà Đông đến Ninh Bình. Ở vòng ngoài, song song với phòng tuyến là một “vành đai trắng” có chiều rộng từ 5 km đến 10 km.

Cùng với việc lập phòng tuyến ở Bắc Bộ, địch đã đẩy mạnh hơn cuộc “chiến tranh tổng lực” ở các vùng chiếm đóng, nhất là vùng trung châu sông Hồng và sông Cửu Long. Chúng cho quân càn đi, quét lại nhiều lần, đánh phá các cơ sở chính trị và quân sự của ta; giành giật, phá hoại mùa màng, cướp đoạt kinh tế. Chỉ tính năm 1951, địch đã mở trên 100 cuộc càn quét, riêng ở Bắc Bộ có 49 cuộc.

Chúng còn kích động các ổ phỉ dọc biên giới Việt - Trung cấu kết với tàn quân Tướng Giới Thạch (đạt sang biên giới nước ta từ năm 1949) thường xuyên quấy phá hậu phương kháng chiến.

Chiến tranh tổng lực của địch đã gây cho ta, nhất là vùng sau lưng địch, nhiều khó khăn và tổn thất. Một số vùng cơ sở kháng chiến bị tổn thất nghiêm trọng. Chỉ riêng cuộc càn quét của địch vào đầu tháng 10-1951 đã giúp chúng chiếm đóng lại khu vực Tiên - Duyên - Hưng với 363 làng, gồm 280.000 dân. Căn cứ du kích liên hoàn gồm ba huyện Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân ở phía bắc tỉnh Thái Bình trở thành vùng tạm chiếm.

Địch còn dốc sức củng cố ngụy quyền ở hương thôn, lập “hương dũng”, “hương đồn”, tuyên truyền cho nền “độc lập quốc gia” giả hiệu và đề cao viện trợ Mĩ để lừa gạt dân chúng.

Nội các Trần Văn Hữu, được dựng lên tháng 5 - 1950, cũng được Bảo Đại cho cải tổ lại hai lần (2- 1951), song đó chỉ là việc thay ghế cho những phần tử bù nhìn tay sai già nua, nhút nhát, đa nghi mà thôi.

Tháng 6 - 1952, Nguyễn Văn Tâm ra lập nội các mới, hi vọng tập hợp được những phần tử tay sai hoạt động chống lại cuộc kháng chiến của dân tộc ta một cách ráo riết và hữu hiệu hơn, theo khẩu hiệu chống cách mạng quyết liệt của y: “Tôi đánh giặc”!. .Nội các mới này do Nguyễn Văn Tâm làm Thủ tướng, hai Phó Thủ tướng là Ngô Thúc Định và Phan Văn Giáo, Tổng trưởng Bộ Quốc phòng là Nghiêm Văn Tri. Nội các Nguyễn Văn Tâm tăng cường phát triển “quân đội quốc gia” giả hiệu để chống lại cộng sản, chống kháng chiến. Đến tháng 1 - 1958, nội các Nguyễn Văn Tâm được cải tổ: chức Thủ tướng vẫn do Nguyễn Văn Tâm nắm giữ, hai Phó Thủ tướng mới là Lê Văn Hoạch và Nguyễn Huy Lai, Bộ Quốc phòng do Lê Quang Huy quyền Tổng trưởng. Sau đó mấy tháng Phan Huy Quát được Nguyễn Văn Tâm đưa lên giữ chức Tổng trưởng Bộ Quốc phòng. Thủ tướng Tâm và Tổng trưởng Quát rất chú trọng xây dựng quân đội bằng các phương pháp đặc biệt để tăng quân số và đào tạo sĩ quan. Phan Huy Quát cho biết: “Cần phải áp dụng các phương pháp đặc biệt để đối phó với tình thế đặc biệt và với nhu cầu đặc biệt và khẩn cấp về các cấp chỉ huy quân đội” với “mục tiêu cốt để tìm kiếm và huấn luyện trong một thời gian ngắn nhất các sĩ quan đủ các cấp có khả năng và kinh nghiệm để chỉ huy quân đội quốc gia và để đối phó với mọi biến chuyển của thời thế”[1].

Với sự viện trợ của Mĩ, tướng Đơ Lát và Chính phủ “quốc gia” đã xây dựng được một đội quân đông đảo, thực hiện ráo riết hơn chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”.

Nghiêm Kế Tổ đã viết về vai trò của đội quân được gọi là “quân đội quốc gia” như sau: “Nhiệm vụ quân đội quốc gia rất nặng. Thế giới tự do đã chú mục đến những người lính Việt Nam trên đồng ruộng Việt Nam. Quân đội quốc gia không còn chiến đấu lẻ biệt để riêng phụng sự cho người Việt Nam nhỏ bé mà đã có nhiệm vụ tiên phong trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản của toàn thế giới tự do dưới sự lãnh đạo chiến lược đại cường quốc dân chủ Hoa Kì”[2].

Sự nỗ lực chiến tranh của Pháp và Chính phủ “quốc gia do Mĩ viện trợ tuy đã gây cho ta nhiều tổn thất, song chúng không thể xoay ngược tình thế trên chiến trường. Mùa hè năm 1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava (Navarre) sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Dưới áp lực của Mĩ, Bảo Đại đưa Bửu Lộc đứng ra lập nội các mới thay nội các của Tâm. Ngày 12-1-1954, thành phần nội các của Bửu Lộc được công bố, do Bửu Lộc làm Thủ tướng, Nguyễn Trung Vinh - Phó Thủ tướng, Phan Huy Quát - Tổng trưởng Quốc phòng.

Nội các Bửu Lộc cũng chỉ tồn tại được 6 tháng.

Trước áp lực của Mĩ, Bảo Đại để Ngô Đình Diệm đứng ra lập nội các mới, gồm 17 thành viên do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng (7-7-1954), một nội các đặt dưới sự bảo trợ của Mĩ.

Ngày 8-8-1954, Hội đồng an ninh quốc gia Mĩ - do tổng thống Aixenhao chủ trì, chính thức quyết định chủ trương để Mĩ thay Pháp xâm lược Việt Nam. Sự can thiệp của Mĩ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương từ năm 1950 ngày càng sâu hơn. Viện trợ quân sự của Mĩ (chiếm trên 70% ngân sách quân sự của Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược này) được mở rộng và đưa cuộc chiến tranh diễn ra quyết liệt hơn, dựa trên xương máu của binh lính, sĩ quan Pháp và ngụy quân với đôla, vũ khí của Mĩ. Từ đó trở đi, quyền quyết định chi phối về quân sự và chính trị không thuộc về Pháp mà dần dần thuộc về Mĩ.

Nava đã chua chát nói: người chỉ huy thực sự ở Đông Dương đã thuộc về phái đoàn MAAG. Cuối cùng, Mĩ đã nắm toàn quyền về quân sự và chính trị, thay Pháp xâm lược Việt Nam.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4654-02-633921712170310000/Cuoc-khang-chien-phat-trien-manh-me-va-ke...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận