Chiến đấu trên mặt trận quân sự
1. Những cuộc chiến đấu ở Hà Nội và các đô thị khác. Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947
Những cuộc chiến đấu ở Hà Nội và các đô thị khác ở Bắc vĩ tuyến 16
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, khoảng 20 giờ ngày 19-12-1946 trở đi, quân dân Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên. Tiếp đó, là các thành phố Đà Nẵng, Huế, Vinh, Nam Định, Hải Dương lần lượt nổ súng tấn công vào các đồn trại đóng quân của thực dân Pháp, mở đầu cuộc tổng giao chiến trong toàn quốc.
Lúc này ở Hà Nội có 6.500 sĩ quan và binh lính Pháp được trang bị đầy đủ đóng tại 45 địa điểm, trong đó, một số địa điểm có số quân lớn như trường Bưởi, phủ Toàn quyền, trường Anbe Xarô, khu Đồn Thủy, sân bay Gia Lâm. Ngoài ra còn rất đông Pháp kiều, trong đó có một số đã được trang bị vũ khí.
Còn phía ta, thời kì này Đảng bộ Hà Nội có 400 đảng viên, 16 vạn hội viên cứu quốc, 5 tiểu đoàn bộ binh, trang bị kém cỏi, thiếu thốn, 8 trung đội công an xung phong. Lục lượng dân quân tự vệ nội, ngoại thành là 28.500 người.
Khoảng 20 giờ ngày 19-12, công nhân nhà máy đèn phá máy, điện tắt làm tín hiệu tấn công. Pháo của ta từ các pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo bắn vào khu thành. Vệ quốc đoàn và tự vệ đồng loạt tiến công vào các mục tiêu đã định. Vật cản, chiến lũy được dựng lên khắp các phố. Cả Hà Nội đã đứng lên. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, tiêu biểu là trận chiến đấu ở Bắc Bộ phủ - một trận đánh lớn ở khu trung tâm Hà Nội, làm 45 chiến sĩ hi sinh. Sau 3 ngày chiến đấu, theo kế hoạch đã định, tiểu đoàn 101 chuyển vào Liên khu I - là khu phố có địa bàn phức tạp ở trung tâm Hà Nội; các tiểu đoàn khác chiến đấu ở Liên khu II và Liên khu III, hình thành thế trận “trong đánh ngoài vây - trong ngoài cùng đánh”. Ở Liên khu I, dựa vào địa thế hiểm hóc, quân ta liên tục nổ súng, kiềm chế địch khi chúng đánh tỏa ra các cửa ô. Ở vòng ngoài, quân dân ta đánh chặn hàng chục đợt tấn công ra các cửa ô của địch, phối hợp và hỗ trợ cho Liên khu I. Thực hiện phương châm vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, lực lượng quân đội ta ở Liên khu I được xây dựng thành trung đoàn. Trung đoàn Liên khu I – trung đoàn Thủ đô được chính thức thành lập ngày 6-1-1947, gồm có 3 tiểu đoàn với quân số 2000 người. Sự ra đời của trung đoàn Thủ đô đánh dấu một bước trưởng thành mới của các lực lượng vũ trang Hà Nội, tạo thêm điều kiện của thế trận “trong ngoài cùng đánh”, cầm chân địch thêm một thời gian nữa.
Về phía thực dân Pháp, đến trung tuấn tháng 1-1947, sau khi có thêm viện binh, chúng đã mở các cuộc tiến công mới ra các cửa ô nhằm đẩy lực lượng của ta ra ngoài thành phố.
Cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội ở cả nội và ngoại thành thêm quyết liệt.
Ở Liên khu I, mỗi góc phố, mỗi căn nhà trở thành một pháo đài. Quân dân Hà Nội đã nêu cao quyết tâm chiến đấu với khẩu hiệu “Sống chết với Thủ đô” và với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Biểu dương tinh thần chiến đấu của quân dân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Trung đoàn Thủ đô trong dịp Tết Đinh Hợi (1947), trong đó Người viết: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyện lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.
Đến thượng tuần tháng 2-1947, các trận đánh của quân ta ở Liên khu được diễn ra trong điều kiện lực lượng so sánh địch - ta quá chênh lệch, song quân ta đã anh dũng, kiên cường mưu trí chiến đấu, tiêu biểu là trận đánh ở chợ Đồng Xuân ngày 14-2-1947.
Trận địa Liên khu I bị thu hẹp dần. Việc tiếp tế từ ngày vào rất khó khăn. Xung quanh Liên khu I, vị trí địch dày đặc.
Trước tình hình đó, các lực lượng vũ trang Liên khu I được lệnh rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng tiếp tục chiến đấu lâu dài.
Đêm 17-2-1947, Trung đoàn Thủ đô đã bí mật tổ chức một cuộc hành quân rút ra khỏi Liên khu I, vượt đê sông Hồng qua gầm cầu Long Biên, rồi vượt sông Hồng qua Phúc Yên an toàn. Mãi đến 9 giờ sáng ngày 18-2, địch mới phát hiện và cho lực lượng đuổi tiếp. Chúng đã bị tiểu đội du kích Hồng Hà chặn đánh, kìm chân địch. Cả tiểu đội du kích Hồng Hà do Nguyễn Văn Nại chỉ huy đã anh dũng hi sinh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã gửi thư biểu dương tinh thần anh dũng của cán bộ và chiến sĩ trung đoàn Thủ đô. Thư có đoạn viết:
“Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu Cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của quân đội quốc gia Việt Nam.
Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo tồn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần.
Cho đến ngày Tổ quốc độc lập, thống nhất.
Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được rạng mặt làm Thủ đô một nước độc lập, thống nhất”.
Trải qua 60 ngày đêm (19-12-1946 đến 18-2-1947) chiến đấu anh dũng, sáng tạo và quyết liệt, quân dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 địch, phá hủy nhiều xe các loại, bắn chìm 1 ca nô, bắn rơi và phá hủy 5 máy bay, thu nhiều quân trang, quân dụng, giam chân chúng dài ngày để hậu phương có điều kiện tổ chức và triển khai thế trận chiến đấu lâu dài. Các cơ quan Đảng và Nhà nước di chuyển về các căn cứ, hàng chục vạn đồng bào Thủ đô đã tản cư an toàn.
Quân và dân các thành phố, thị xã khác ở Bắc vĩ tuyến 16, nơi có địch đóng cũng đã kịp thời đứng lên chiến đấu.
Thành phố Đà Nẵng là hải cảng quan trọng, cửa ngõ ở miền Trung. Ở đây địch có 6.500 quân. Cuộc chiến đấu của quân dân thành phố Đà Nẵng diễn ra trong điều kiện lực lượng so sánh về quân sự rất chênh lệch, song với tinh thần dũng cảm quân ta đã tiêu hao được một số sinh lực địch, ngăn chặn bước tiến của chúng, tạo điều kiện cho toàn tỉnh chuyển sang kháng chiến lâu dài.
Ở Huế, quân dân ta đã nổ súng lúc 2 giờ 30 ngày 20-12-1946. Cuộc chiến đấu vây đánh địch ở Huế diễn ra trong 50 ngày đêm. Do lực lượng ta còn yếu, nên không thể ngăn chặn được sự tiến công của địch. Mặt trận Huế bị vỡ. Đến ngày 8-2-1947, bộ đội ta phải rút khỏi thành phố. Địch đánh tiếp ra phía bắc Huế. Trải qua 50 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã chiến đấu, làm tiêu hao, tiêu diệt gần 200 tên địch. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh.
Ở Vinh (Nghệ An), cuộc chiến đấu áp đảo của quân ta buộc địch phải đầu hàng. Ta thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
Ở thành phố Nam Định, quân dân ta đã ngoan cường chiến đấu mưu trí, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh vây hãm chúng gần 3 tháng. Đến giữa tháng 3-1947, các lực lượng vũ trang của ta đã rút quân thắng lợi, kết thúc cuộc vây đánh địch.
Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, chiến sự đã diễn ra quyết liệt. Đến ngày 30-12, địch phải bỏ Bắc Giang, Bắc Ninh chạy về Hà Nội.
Phối hợp với cuộc chiến đấu của quân dân các thành phố, thị xã ở Bắc vĩ tuyến 16, quân dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng và tài sản chiếm được ở phía nam ra đánh ở Trung, Bắc Bộ.
Phát động tổng giao chiến đêm 19-12-1946 là sự mở đầu chiến lược kháng chiến toàn quốc đúng thời cơ nhất, tạo đà cho sự phát triển thắng lợi của cuộc kháng chiến trong cả nước.
Thực hiện hướng chiến lược tiến công ở Hà Nội và các thành phố, đô thị có quân địch đóng trên vĩ tuyến 16 và cuộc chiến đấu của quân dân ta hãm địch trong các đô thị (kéo dài trong vòng 2 đến 3 tháng), tiêu hao và tiêu diệt được một số sinh lực địch trong điều kiện so sánh lực lượng ta và địch còn chênh lệch, song vẫn bảo toàn lực lượng của ta nhằm chuyển toàn bộ đất nước sang chiến tranh lâu dài là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đầu tiên của cuộc kháng chiến toàn quốc của quân và dân Việt Nam.
Chiến đấu chống địch mở rộng vùng chiếm đóng và phản công địch ở Việt Bắc thu - đông 1947
Cùng với cuộc chiến đấu ở Hà Nội và các thành phố, đô thị khác, chúng ta đã thực hiện thắng lợi cuộc tổng di chuyển các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận các cấp, nhất là ở Trung ương về hậu phương, về các căn cứ kháng chiến. Đến tháng 3-1947, Hồ Chí Minh và các cơ quan lãnh đạo Trung ương đã chuyển lên căn cứ Việt Bắc an toàn.
Các tầng lớp nhân dân ta ở đô thị cũng như nông thôn đã thực hiện triệt để chủ trương tiêu thổ kháng chiến với một ý thức tự giác, một quyết tâm hi sinh tất cả của cải để bảo vệ độc lập tự do. Phá hoại để ngăn quân địch tấn công ta cũng là kháng chiến. “Phá cho rộng, phá cho sầu, phá cho bọn Pháp không lợi dụng được. Một nhát cuốc của đồng bào cũng như một viên đạn của chiến sĩ bắn vào quân địch vậy”.
Nhân dân ở các vùng có chiến sự đã triệt để thi hành chính sách “vườn không, nhà trống”, tản cư ra vùng tự do.
Hàng triệu đồng bào ta quyết không chịu cảnh đội trời chung với quân thù, nghe theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hi sinh nhà cửa, tài sản, cam chịu gian khổ và tản cư. Tản cư cũng là kháng chiến nhằm góp phần đánh thắng quân thù.
Chuyển mọi hoạt động của dân tộc ta sang thời chiến và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để đối phó với các cuộc tiến công mới của kẻ thù là hoạt động chủ yếu của quân và dân ta suốt xuân-hè năm 1947.
Về phía quân đội thực dân Pháp, sau khi có thêm viện binh chúng đã mở rộng vùng chiếm đóng ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng Tây Bắc và duyên hải Đông Bắc.
Tháng 3-1947, chính phủ Pháp cử Bôlaec (Bollaert) sang Đông Dương làm cao ủy thay cho Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) để thực hiện âm mưu mới của Pháp là tập hợp lực lượng, dựng lên một chính quyền bù nhìn tay sai và đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta. Bôlaec tuyên bố không công nhận Việt Nam độc lập thống nhất, không công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam.
Trước thái độ ngang ngược đó của thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ thị: “Mọi lực lượng của dân tộc ta phải được động viên vào việc chống mưu mô “dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp và sửa soạn đối phó những cuộc tấn công lớn của địch trong những tháng tới”. Khẩu hiệu của dân tộc ta lúc này là: “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”.
Bộ Tổng chỉ huy quân đội ta dự đoán: Bắc Bộ sẽ là chiến trường chính, nếu địch... mạo hiểm thì chúng sẽ đánh Việt Bắc. Chiến lược của địch là “đánh nhanh thắng nhanh”, nhằm mau chóng kết thúc chiến tranh.
Kế hoạch tiến công lan Việt Bắc của quân đội Pháp, do tướng Salăng vạch ra, được Chính phủ Pháp phê chuẩn tháng 7-1947 nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá hoại kho tàng, xưởng máy, bao vây và khóa chặt biên giới, cố giành một thắng lợi về quân sự để tập hợp lực lượng phản động lập chính phủ bù nhìn tay sai và hi vọng kết thúc chiến tranh.
Theo kế hoạch đó, ngày 7-10-1947, thực dân Pháp đã huy động lực lượng mở cuộc hành quân lên Việt Bắc mang mật danh LEA.
Quân địch chia làm ba cánh tấn công Việt Bắc:
Ngày 7-10-1947, binh đoàn quân dù do Xôvanhắc (Sauvagnac) chỉ huy, lần lượt đổ quân xuống thị xã Bắc Cạn, Chợ Mới, Chợ Đồn. Cùng ngày, binh đoàn cơ giới do Bôphơrê (Beaufré) chỉ huy, từ Lạng Sơn ngược đường số 4 lên Na Sầm, Thất Khê, đánh lên Cao Bằng rồi vòng xuống Bắc Cạn.
Ngày 9-10, một binh đoàn hỗn hợp bộ binh và lính thủy đánh bộ do Commuynan (Communal) chỉ huy, từ Hà Nội ngược sông Hồng và sông Lô lên Tuyên Quang, Chiêm Hóa để đánh vào Đài Thị.
Ngày 15-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp.
Nghiên cứu thế và lực của ta và địch trên chiến trường, Bộ Tổng chỉ huy quyết định tập trung lực lượng đánh địch trên ba mặt trận.
Ở mặt trận Sông Lô - Chiêm Hóa, quân dân ta liên tục chặn đánh địch hàng chục trận, nổi bật là các trận Đoan Hùng, Khoan Bộ, Khe Lau, đánh chìm nhiều tàu chiến, ca nô, diệt nhiều địch.
Ở mặt trận đường số 4, quân ta đã đánh nhiều trận phục kích, đặc biệt là trận ở Bông Lau ngày 30-10-1947, phá hủy nhiều xe của giặc, diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí.
Ở mặt trận đường số 3, quân ta đánh phục kích tập kích, địa lôi trên 20 trận lớn nhỏ ở Chợ Mới, Chợ Đồn...
Các gọng kìm của địch ở Việt Bắc bị bẻ gãy.
Phối hợp với Việt Bắc, ở các chiến trường trên toàn quốc, quân và dân ta đã hoạt động kiềm chế địch. Bị thất bại nặng nề, địch buộc phải rút chạy khỏi Việt Bắc.
Trải qua 75 ngày đêm chiến đấu (7-10 đến 21-12-1947), quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng, giữ được căn cứ kháng chiến của cả nước, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến và lực lượng chủ lực của ta.
Thắng lợi của cuộc phản công lớn ở Việt Bắc của quân và dân ta là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong năm đầu toàn quốc kháng chiến, giáng một đòn quyết định đập tan chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa kháng chiến của dân tộc ta sang một giai đoạn mới – giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến.
“Cuộc phản công thắng lợi ở Việt Bắc và chiến tranh nổi mạnh ở miền Nam đã gây thêm tinh thần nỗ lực phấn khởi trong toàn dân, tăng thêm tin tưởng ở tiền đồ kháng chiến vẻ vang của dân tộc. Nó chứng tỏ Việt Nam nước nhỏ, không có căn cứ địa chắc chắn, biên giới có thể bị bao vây vũ khí kém, nhưng với sự đoàn kết và cố gắng của toàn dân, dưới chế độ dân chủ cộng hòa, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hồ Chí Minh và của Hội (tức là Đảng Cộng sản Đông Dương) vẫn có thể kháng chiến thắng lợi”.
2. Phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, tiến dần lên chiến tranh chính quy (1948 - 1950)
Sau khi chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” bị thất bại, thực dân Pháp phải chuyển sang “đánh kéo dài”, ráo riết thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, rải quân để bình định, củng cố các vùng chiếm đóng của chúng ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bình-Trị-Thiên và đồng bằng Bắc Bộ, thực thi chiến lược “chiến tranh tổng lực” đánh phá cơ sở kinh tế, chính trị và lực lượng hậu bị của ta.
Hệ thống tháp canh Đơ Latua (De Latour), chiến thuật “cứ điểm nhỏ và đối ứng chiến nhỏ” được áp dụng không chỉ ở Nam Bộ mà cả ở Trung Bộ và Bắc Bộ. Hệ thống lô cốt của địch được dựng lên khắp các vùng bị chiếm đóng, trên các trục đường giao thông. Địch còn áp dụng chiến thuật “khóa then cửa”, lập hệ thống hành lang chia cắt, cô lập các chiến trường của ta, đồng thời còn mở những cuộc tấn công càn quét lớn vào một số vùng căn cứ và vùng tự do của ta ở Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ. Tháng 5-1949, tướng Rơve (Revers) sang Đông Dương tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược.
Chúng cũng xúc tiến mạnh việc lập tề, tổ chức chính quyền bù nhìn ở địa phương và trung ương. Sau thất bại của cái gọi là Chính phủ “Nam Kì quốc” của Nguyễn Văn Thinh (6-1946) và Chính phủ Lê Văn Hoạch (12-1946), thực dân Pháp lập ra “cái gọi là” Chính phủ lâm thời Nam phần Việt Nam (10-1947), do Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng, và xúc tiến mạnh mẽ việc lôi kéo Bảo Đại đứng ra lập Chính phủ “quốc gia”. Thỏa ước Auriol - Bảo Đại kí kết tháng 3-1949, đã cho phép Bảo Đại đứng ra lập chính phủ vào tháng 7-1949 do Bảo Đại làm Quốc trưởng kiêm Thủ tướng, Nguyễn Văn Xuân - Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng. Đến tháng 1-1950, Bảo Đại lại cho lập chính phủ mới do Nguyễn Phan Long làm Thủ tướng, Phan Huy Quát làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tháng 5-1950, chúng lại lập chính phủ do Trần Văn Hữu làm Thủ tướng kiêm việc ngoại giao, quốc phòng. Từ đó đến năm 1954, Chính phủ “quốc gia” do thực dân Pháp thành lập một cách bất hợp pháp đã liên tục cải tổ và thay đi, đổi lại nhiều lần song vẫn không đạt được ý muốn vì chúng đi ngược lại nguyện vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Cái “quốc gia” do Bảo Đại làm Quốc trưởng được Pháp dựng lên nhằm đối lập với chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam, như Philip Đơvile (Philippe Devillers) nhận xét: nó “Chẳng phải một nước quân chủ, cũng chẳng phải một nước cộng hòa. Cái “Quốc gia Việt Nam” này không có cơ sở nhân dân, không có Quốc hội, ngay một Quốc hội tư vấn cũng không có, không có Hiến pháp và trong nhiều năm không có cả ngân sách. Một vài cái gọi là đảng chính trị của nó chỉ là những đoàn thể, những bè phái lộng quyền, những môn khách của các nhân vật tai mắt, nó hoàn toàn phụ thuộc vào quân đội, cảnh sát và ngân khố của nước Pháp. Nó sắp sửa phát triển thành một chế độ cung đình, trong đó những âm mưu sẽ được kết cấu ngay trong lòng hoặc xung quanh “nơi cái hoàng gia” thực chất là một phòng chính trị. Nhà vua ở đây gợi lên ấn tượng mình hầu như chỉ là một biểu tượng mà thôi. Ở đằng sau là những nơi đi săn, những sòng bạc, những người đàn bà, những địa vị, đồng bạc”.
Để chống lại chiến lược đánh kéo dài và chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp, quân và dân ta đã tích cực phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, biến hậu phương địch thành tiến phương của ta. Đây là một cuộc đấu tranh tổng hợp, kết hợp cả quân sự chính trị, kinh tế - một phương thức tiến công của chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích của Việt Nam.
Vào giữa năm 1948, để hỗ trợ và thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích, chống lại âm mưu bình định của địch, từ Liên khu IV trở ra, hơn một phần ba bộ đội chủ lực (103/299 đại đội) được phân thành các đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền, đội xung phong công tác tiến sâu vào các vùng bị địch chiếm đóng để hoạt động, kết hợp tác chiến với vận động quần chúng, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, thực hiện phá “tề”, trừ gian, xây dựng và củng cố cơ sở kháng chiến. Được sự hỗ trợ của lực lượng chủ lực, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và du kích đã bám đất, bám dân.
Cuối năm 1948, thực hiện lệnh tổng phá “tề”, xóa bỏ chính quyền địch ở cơ sở, lực lượng du kích cùng nhân dân vùng tạm chiếm đã nổi dậy quét “tề” trên phạm vi rộng lớn, lập lái chính quyền kháng chiến cơ sở ở những nơi bị địch đánh phá vỡ. Tổng phá tề là một hình thức nổi dậy đồng loạt của quần chúng ở thôn, xã vùng địch chiếm đóng, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dưới sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, phá hệ thống kìm kẹp, chống lại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” của địch.
Phong trào chiến tranh du kích diễn ra vô cùng phong phú. Du kích và nhân dân đánh giặc bằng mọi phương tiện, bằng mọi vũ khí, bằng hình thức quấy rối, phá hoại, chông mìn, cạm bẫy, đánh lẻ, bắn tỉa, phục kích, tập kích v.v.., tiêu hao lực lượng địch, làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên và luôn trong tình trạng căng thẳng, sợ hãi. Biến hậu phương địch thành tiền phương của ta là một thành công lớn nhất của quân và dân ta trong năm 1948.
Tiếp đến năm 1949 sang năm 1950, chiến tranh du kích càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn khi lực lượng bộ đội chủ lực được lớn mạnh và địa vị của “vận động chiến” được nâng dần lên.
Cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích, các cơ sở chính trị, tổ chức lực lượng du kích và vũ trang quần chúng cũng phát triển đã dẫn đến sự xuất hiện những làng chiến đấu, những khu chiến đấu mạnh, đương đầu có hiệu quả với các cuộc tấn công đánh phá của địch như ở Cự Nẫm, Cảnh Dương, Hưng Đạo (Quảng Bình), Xitơ (Tây Nguyên), Điện Tiến (Quảng Nam), ba xã Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Vĩnh An (Nam Bộ), Vật Lại (Sơn Tây), Ái Quốc (Hải Dương)... Nhiều căn cứ của huyện, tỉnh cũng lần lượt được xây dựng và củng cố ở một số địa phương.
Sự phát triển của chiến tranh du kích nhằm chống lại chính sách bình định của địch, phục hồi và phát triển cơ sở kháng chiến của quân và dân ta là một cuộc đấu tranh gay go phức tạp, quyết liệt có nhiều tổn thất hi sinh và còn nhiều khó khăn, gian khổ, song qua thực tiễn đấu tranh, quân và dân ta có thêm nhiều kinh nghiệm và sáng tạo, đã vượt mọi trở ngại, đưa chiến tranh du kích ngày một lớn mạnh, mang tính chất quần chúng sâu rộng, trở thành một phương thức tiến công chiến lược của nghệ thuật tiến công trong kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.
Đi đôi với việc phát triển chiến tranh du kích, coi du kích chiến là chính, bộ đội ta còn đánh địch theo kiểu vận động chiến do bộ đội chủ lực của bộ Tổng chỉ huy, cửa các khu cùng bộ đội địa phương các tỉnh thực hiện.
Từ năm 1948 trở đi, “vận động chiến” dần dần trở thành cách đánh tương đối phổ biến của quân đội ta. Với nhiều trận phục kích thắng lợi như: La Ngà (3-1948), Tầm Vu (4-1948) ở Nam Bộ đèo Hải Vân, cầu Độc Mạch (7-1948) ở Trung Bộ và một số trận phục kích trên đường số 4 ở Bắc Bộ.
Quân đội ta cũng đã sớm mở một số trận đánh, thường gọi là các “chiến dịch” nhỏ mang nặng cách đánh du kích như chiến dịch Nghĩa Lộ (3-1948), chiến dịch Yên Bình xã (6-1948), chiến dịch đường số 3 (7-1948), chiến dịch Đông Bắc (10-1948), chiến dịch Sông Đà (1-1949), chiến dịch Sông Thao (5-1949), chiến dịch Hồ Chí Minh ở Tây Nguyên (6-1949), chiến dịch Lê Lợi (11-1949), chiến dịch Lê Lai ở Quảng Trị và Quảng Bình (11-1949), chiến dịch Lê Hồng Phong (1-1950) v.v...
Nhìn chung từ năm 1948 đến giữa năm 1950, quân đội ta đã mở hàng chục chiến dịch và đợt hoạt động quy mô nhỏ trên các chiến trường toàn quốc. Từ các trận đánh lẻ với binh lực sử dụng phổ biến là đại đội, ta đã tiến lên đánh tập trung ở quy mô sử dụng tiểu đoàn, có những chiến dịch sử dụng từ hai đến bốn, năm trung đoàn trên một địa bàn rộng. Đó là một bước tiến quan trọng của quân đội ta trên con đường đẩy mạnh “vận động chiến”, từ du kích tiến dần lên chính quy, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy.
Phối hợp với đấu tranh vũ trang, ở các thành phố, đô thị bị địch chiếm đóng, nhiều cuộc đấu tranh kinh tế và chính trị của quần chúng đã nổ ra. Ngày 9-1-1950, hơn 3000 học sinh, sinh viên Sài Gòn-Chợ Lớn xuống đường biểu tình lên án đế quốc và tay sai. Chính quyền tay sai đã đàn áp dã man, học sinh Trần Văn ơn bị sát hại. Hàng vạn người lại xuống đường biểu tình đưa tang Trần Văn Ơn, biểu dương lực lượng. Đặc biệt ngày 19-3-1950, hơn 30 vạn đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã xuống đường biểu tình chống Mĩ với khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mĩ!”, “Đế quốc Mĩ cút đi!". Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, hai tàu chiến của Mĩ buộc phải rút ra khỏi cảng Sài Gòn.
Cùng với việc đẩy mạnh kháng chiến trên mọi mặt trận, quân và dân ta còn thực hiện nhiệm vụ liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và Campuchia, giúp đỡ và cùng với nhân dân hai nước bạn xây dựng lực lượng và đấu tranh vũ trang. Nhiều đội công tác cùng các đơn vị bộ đội tình nguyện đã sang hoạt động và chiến đấu trên đất nước bạn. Phong trào kháng chiến của Lào và Campuchia trưởng thành nhanh chóng, dẫn đến sự ra đời của Mặt trận dân tộc thống nhất và Chính phủ kháng chiến Campuchia tháng 4-1950, Mặt trận Lào Itxala và Chính phủ kháng chiến Lào Itxala tháng 8-1950.
Đối với cách mạng Trung Quốc, từ đầu năm 1949, quân đội ta được phái sang giúp bạn xây dựng khu giải phóng ở Ung, Khâm, Liêm, chủ yếu là vùng Thập Vạn Đại Sơn. Sau ba tháng hoạt động, ta đã phối hợp và giúp bạn chiến đấu diệt hàng ngàn địch, giải phóng hàng vạn dân, mở rộng khu căn cứ...
Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích tiến dần lên chiến tranh chính quy là sự chỉ đạo chiến lược chiến tranh đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta, đưa kháng chiến tiến lên mạnh mẽ trong những năm 1948-1949 và năm 1950. Lực lượng kháng chiến của ta đã trưởng thành về mọi mặt.
Giữa lúc đó, sự phát triển thắng lợi của cách mạng Trung Quốc đã tạo thêm điều kiện khách quan cho sự phát triển cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Để đón cơ hội thuận lợi mới, Đảng và Chính phủ đã đề ra chủ trương chiến lược “tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công” và tháng 2-1950, lại khẳng định “ta cần phải nhân đà tiến bộ của bản thân ta, dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng bạn, lợi dụng sự lúng túng của địch, trước mưu mô của đế quốc Mĩ – Anh mà gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công trong năm 1950 này”.
Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 20/SL ngày 2-2-1950 quyết định tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân để tiến tới tổng phản công.
Do đánh giá chưa chính xác tương quan lực lượng so sánh giữa ta và địch một cách toàn diện, lại bị chi phối bởi tư tưởng chủ quan, phía ta đã vội vàng đề ra chủ trương tiến tới tổng phản công năm 1950, dẫn đến một số lệch lạc trong xây dựng lực lượng và tác chiến, nhất là trong việc huy động tài lực của nhân dân. Phát hiện những lệch lạc đó trong tổ chức thực hiện, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành kiểm điểm, uốn nắn về tư tưởng và sửa chữa về tổ chức, hành động. Nhờ vậy, mọi hoạt động của cuộc kháng chiến đã tiến những bước vững chắc, chuẩn bị cho các trận tiến công quân sự to lớn hơn.
Để tạo những chuyển biến mạnh mẽ cho kháng chiến, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ Việt Bắc, đánh thông đường liên lạc quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa.
Lực lượng địch ở liên khu biên giới Đông Bắc có 11 tiểu đoàn, 9 đại đội lẻ, đại bộ phận là lính Âu-Phi tinh nhuệ, với 27 khẩu pháo các loại, 8 chiếc máy bay, 4 đại đội cơ giới.
Bộ chỉ huy chiến dịch, do Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy và Bí thư đảng ủy mặt trận, đã quyết định tập trung một lực lượng mạnh để tiến công giải phóng từ Cao Bằng đến Thất Khê. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Đại đoàn 308, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174, 4 đại đội sơn pháo, cùng phối hợp có lực lượng vũ trang của Liên khu Việt Bắc và 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Phương án dự kiến ban đầu là đánh địch ở Cao Bằng để kéo quân địch lên, song sau khi cân nhắc kĩ, Bộ chỉ huy quyết định đánh xuống Đông Khê, nơi lực lượng địch yếu hơn ở Cao Bằng, để đảm bảo đánh chắc thắng và cô lập được Cao Bằng. Phương châm chiến dịch là “đánh điểm, diệt viện”.
Đảng ủy mặt trận đã nhất trí với đề nghị của Bộ chỉ huy mặt trận và báo cáo lên Trung ương Đảng. Đề nghị này đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn y. Hồ Chí Minh đã “chống gậy lên non xem trận địa”, kiểm tra kế hoạch tác chiến, công tác chuẩn bị và động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch.
Ngày 16-9-1950, tiếng súng mở đầu chiến dịch đã nổ. Trận then chốt mở màn chiến dịch đánh vào cứ điểm Đông Khê thắng lợi sau 54 giờ chiến đấu gay go quyết liệt, đã tạo điều kiện thời cơ thuận lợi cho sự phát triển của chiến dịch. Mất Đông Khê nên Cao Bằng bị cô lập. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng theo đường số 4, với kế hoạch tổ chức đưa một binh đoàn do Lơ Pagiơ (Le Page) chỉ huy, tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón binh đoàn ở Cao Bằng do Sactông (Charton) chỉ huy và mở cuộc hành quân lớn lên Thái Nguyên nhằm thu hút lực lượng của ta.
Nắm vững phương châm “đánh điểm, diệt viện”, quân đội ta kiên nhẫn đợi thời cơ.
Sau một thời gian vừa chuẩn bị, vừa thăm dò ý định của quân đội ta, ngày 30-9 địch cho binh đoàn Lơ Pagiơ tiến lên Đông Khê. Quân của Sactông ở Cao Bằng cũng bắt đầu rút về. Bộ chỉ huy mặt trận đã tập trung lực lượng tiêu diệt từng cánh quân địch, diệt quân của Lơ Pagiơ rồi diệt quân của Sactông. Qua 8 ngày đêm chiến đấu ác liệt tại khu núi Cốc Xá và khu đồi 477 ở phía tây Đông Khê, bằng chiến thuật vận động, quân đội ta đã đánh tan, bắt gọn toàn bộ quân địch, trong đó có cả Sactông và Lơ Pagiơ. Hoảng sợ, quân địch trên tuyến đường số 4 phải rút chạy khỏi Thất Khê, Na Sấm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu về sát Tiên Yên thuộc khu duyên hải.
Sau 29 ngày đêm chiến đấu, chiến dịch Biên giới đã kết thúc thắng lợi.
Phối hợp với chiến dịch Biên giới, quân dân các mặt trận Tây Bắc, ở đường số 6, số 12, ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Bình-Trị-Thiên, ở Liên khu V và Nam Bộ cũng đã tiến công mạnh mẽ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và hàng vạn dân.
Thắng lợi của chiến dịch Biên giới là thắng lợi chung của chiến sĩ ta trong toàn quốc.
Với chiến dịch Biên giới, quân ta đã diệt và bắt sống hơn 8.000 tên địch, trong đó có 8 tiểu đoàn bị diệt gọn, giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất đai quan trọng của Tổ quốc trên một dải biên giới dài 750km, gồm 35 vạn dân. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng. Đất nước được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa.
Thắng lợi đó đã giáng một đòn choáng váng vào ý đồ xâm lược của địch, thúc giục nhân dân Pháp đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đẩy địch ngày càng lún sâu vào thế bị động về chiến lược.
Chiến dịch Biên giới là một chiến dịch tiến công có quy mô lớn, một chiến dịch đánh tiêu diệt hay và gọn theo phương thức “vận động chiến”, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch và trình độ tác chiến tập trung của quân đội ta.
Thắng lợi của chiến dịch Biên giới đã tạo ra một chuyển biến cơ bản cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đưa kháng chiến bước vào giai đoạn mới, giai đoạn quân đội ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, chủ động tiến công và phản công ngày càng lớn.