Tài liệu: Xây dựng nền dân chủ cộng hòa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ. Mặt trận quân sự ngày càng lan rộng và quyết liệt.
Xây dựng nền dân chủ cộng hòa

Nội dung

Xây dựng nền dân chủ cộng hòa

Kháng chiến muốn đạt được thắng lợi đòi hỏi phải có một hậu phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu chi viện sức người, sức của và cả tinh thần chính trị cho tiền tuyến. Phải nỗ lực bồi đắp và phát huy sức mạnh vật chất, tinh thần dồi đào của chế độ mới, của cả dân tộc để phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Xây dựng hậu phương kháng chiến thực chất là xây dựng một chế độ mới ưu việt - chế độ dân chủ cộng hòa trên nền tảng dân chủ mới.

Kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ. Mặt trận quân sự ngày càng lan rộng và quyết liệt. Mọi hoạt động trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội phải chuyển hướng theo hoàn cảnh thời chiến và phục vụ kháng chiến.

1. Chính trị

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường đoàn kết toàn dân, thực hiện quân dân nhất trí, chống mọi âm mưu chia rẽ của thực dân Pháp, phá tan chính quyền bù nhìn tay sai, củng cố bộ máy Nhà nước theo hướng tập trung thống nhất để điều hành chiến tranh.

Các đoàn thể quần chúng như Tổng liên đoàn lao động, Hội nông dân cứu quốc, Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội liên hiệp phụ nữ... được củng cố chặt chẽ hơn về mặt tổ chức.

Thực hiện chỉ thị cửa Ban thường vụ Trung ương Đảng ngày 18-3-1948, tổ chức công đoàn và phong trào công nhân được củng cố và phát triển. Cán bộ hoạt động công đoàn ở các cấp được bổ sung và tăng cường. Tổ chức công đoàn đã hình thành thêm trong ngành bưu điện và vô tuyến điện.

Tổ chức công đoàn đã thu hút thêm nhiều đoàn viên. Ở vùng tự do, đến năm 1948, công đoàn đã kết nạp được 168.142 đoàn viên, chiếm tỉ lệ 49% trong tổng số công nhân. Ở trong các vùng bị địch chiếm đóng, các tổ chức cơ sở công đoàn đã được bí mật xây dựng, số đoàn viên được tổ chức chiếm tỉ lệ 20,5% số công nhân. Tổ chức công đoàn có vai trò quyết định trong việc động viên và tổ chức công nhân thi đua sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật.

Ngày 1-1-1950, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã họp Đại hội tại Việt Bắc để kiểm điểm tình hình tham gia kháng chiến đã qua và thảo luận nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Gửi thư cho Đại hội, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Trong công việc kháng chiến và kiến quốc, trong sự nghiệp xây dựng nên dân chủ mới, giai cấp công nhân phải là người lãnh đạo. Vì vậy, mỗi nam, nữ công nhân phải cố gắng học hỏi, tiến bộ, phải cố gắng xung phong làm kiểu mẫu trong mọi việc để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của giai cấp mình”[1].

Nông dân là một lực lượng to lớn của dân tộc, đồng thời là một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Nông dân sẵn có lòng yêu nước nồng nàn, có chí khí kiên quyết đấu tranh và biết hi sinh. Muốn kháng chiến thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự phải dựa vào lực lượng vĩ đại của nông dân. Năm 1948, Hội nông dân cứu quốc có hơn 82 vạn hội viên. Để đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động và tổ chức nông dân phục vụ kháng chiến. Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc đã họp tại Việt Bắc từ ngày 28-11 đến 7-12-1949 để kiểm điểm tình hình vận động nông dân đã qua và đề ra nhiệm vụ, phương hướng hoạt động nông dân, trước mắt là mở các cuộc vận động lớn trong năm 1950: tăng gia sản xuất tự túc, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tác xã, hoàn thành giảm tô, giảm tức, đào tạo cán bộ, thanh toán nạn mù chữ. Trong thư gửi Hội nghị, Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của nông dân trong kháng chiến và chỉ rõ công tác vận động nông dân là phải: “Tổ chức nông dân thật chặt chẽ. Đoàn kết nông dân thật khăng khít. Huấn luyện nông dân thật giác ngộ. Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc”[2].

Người còn chỉ rõ: phải làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc, của giới mình, tham gia hội đông đảo để phấn đấu cho lợi ích của mình và tích cực tham gia kháng chiến.

Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc đánh dấu một bước tiến lớn trong lịch sử vận động nông dân ở nước ta.

Công tác vận động và tổ chức phụ nữ được thực hiện theo hướng đơn giản tổ chức và thống nhất lực lượng phụ nữ. Đoàn phụ nữ cứu quốc và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phải được thống nhất lại làm một. Hội liên hiệp phụ nữ vừa là một hội, vừa là một mặt trận. Nhiệm vụ của Hội là giáo dục, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng và giải phóng phụ nữ.

Công tác vận động thanh niên được tiến triển mạnh mẽ. Từ năm 1947 trở đi, các tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc, Liên đoàn thanh niên Việt Nam, Tổng hội sinh viên Việt Nam được củng cố và lần lượt mở đại hội. Liên đoàn thanh niên Nam Bộ được thành lập ngày 7-1-1947, Chi hội sinh viên Nam Bộ thành lập ngày 25-5-1947. Hệ thống tổ chức của Đoàn thanh niên cứu quốc Nam Bộ đã được thống nhất trong toàn xứ và Đại hội của xứ đoàn vào đầu tháng 12-1947. Tổ chức Đoàn lúc này đã có 237.789 đoàn viên. Đây là một bước trưởng thành lớn của Đoàn thanh niên Nam Bộ.

Trên cơ sở trưởng thành của tổ chức Đoàn trong toàn quốc và đòi hỏi mới của kháng chiến, Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên cứu quốc toàn quốc lần thứ nhất đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên) ngày 7-2-1950. Đại hội đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của phong trào thanh niên cứu quốc Việt Nam.

Tiếp theo Đại hội Đoàn thanh niên cứu quốc, Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Liên đoàn thanh niên Việt Nam đã họp. Đại hội là hình ảnh của khối đoàn kết toàn thể thanh niên Việt Nam trong mặt trận thanh niên vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi.

Công tác vận động đoàn kết với giới trí thức, đoàn kết các dân tộc và tôn giáo cũng được đẩy mạnh.

Tháng 10 - 1949, giặc Pháp mở rộng đánh chiếm vùng đồng bằng Bắc Bộ, cho quân nhảy dù xuống Phát Diệm, xâm phạm đến “đất Thánh” của Công giáo ở Bắc Bộ Việt Nam, ráo riết gây chia rẽ tôn giáo, cố gây ra cảnh huynh đệ tương tàn. Trong tình hình đó, Hồ Chí Minh và Mặt trận đã không ngừng vạch trần âm mưu chia rẽ của kẻ thù, vận động giáo dục đồng bào theo đạo đoàn kết, ủng hộ và tham gia kháng chiến cứu nước, cứu mình, cứu đạo.

Trung tuần tháng 10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào công giáo, lên án giặc Pháp đánh chiếm Phát Diệm, kêu gọi đồng bào phải ra sức giúp bộ đội về mọi mặt để đánh tan lũ giặc, để cứu mình, cứu nước. Người “cầu nguyện Đức Chúa phù hộ đồng bào giữ vững tinh thần ái quốc, đủ sức chống lại giặc Pháp, đặng làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng là: phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc”[3].

Tổ chức Việt Minh và Liên Việt cũng được củng cố và tiến dần đến thống nhất. Ngày 7-11-1948, Tổng bộ Việt Minh đề nghị hợp nhất hai mặt trận thành một tổ chức thống nhất gọi là Hội Liên Việt. Biện pháp thống nhất được thực hiện từ cơ sở đến Trung ương. Việt Minh và Liên Việt đã nhất trí với chủ trương trên.

Các tổ chức của Mặt trận dân tộc thống nhất đã đi sâu vận động quần chúng ở vùng tự do cũng như vùng bị địch chiếm, đấu tranh chống lại âm mưu chia rẽ của giặc Pháp trong việc tạo ra những cái gọi là “Xứ Nùng tự trị”, “Xứ Thái tự trị”, “Xứ Mường tự trị”; chống lại âm mưu “dùng người Việt chống người Việt”; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các mặt trận kháng chiến.

Yêu cầu chỉ đạo và quản lí trong kháng chiến phải có bộ máy chính quyền, phải có tính tập trung thống nhất chặt chẽ mới giải quyết mọi công tác kháng chiến được nhanh chóng kịp thời. Bộ máy chính quyền ở Trung ương là Chính phủ, có Ban thường trực Quốc hội ở bên cạnh, còn cấp dưới có ủy ban kháng chiến các khu, tỉnh v.v..

Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào tay chính phủ Trung ương. Ban thường trực Quốc hội ở bên cạnh chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến trực tiếp về các chủ trương chính sách lớn, giám sát và phê bình chính phủ trong mọi việc kháng chiến. Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn thường tham gia các phiên họp của Hội đồng chính phủ. Các đại biểu Quốc hội tùy theo cương vị của mình tiếp tục hoạt động ở địa phương, ở các cơ quan nhà nước Trung ương hoặc tham gia trong các lực lượng vũ trang.

Bộ máy chính quyền đã từng bước ổn định và củng cố trong tiến trình kháng chiến.

Năm 1947, chính phủ Trung ương được cải tổ để mời thêm một số trí thức, nhân sĩ tham gia nhằm thực hiện tính liên hiệp quốc dân rộng rãi hơn. Phan Anh được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Hoàng Minh Giám giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tạ Quang Bửu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đặng Văn Hướng giữ chức Bộ trưởng không Bộ. Sau khi Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng qua đời, tháng 11-1947, Hồ Chí Minh mời Phan Kế Toại giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Chính phủ rất coi trọng việc quản lí và chỉ huy các lực lượng vũ trang. Võ Nguyên Giáp được phong cấp Đại tướng theo sắc lệnh số 110/SL do Hồ Chí Minh kí ngày 20-1-1948, và đến tháng 7-1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Hội đồng Quốc phòng tối cao được thành lập theo sắc lệnh số 206/SL do Hồ Chí Minh kí ngày 19-8-1948. Hội đồng gồm có Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ kiêm Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Lê Văn Hiến, Phó Chủ tịch và các vị Bộ trưởng Phan Anh, Phan Kế Toại, Võ Nguyên Giáp là ủy viên. Ngày 25-7-1949, Phạm Văn Đồng được cử giữ chức Phó Thủ tướng và được bổ sung giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Bộ máy chính quyền các cấp dần dần được kiện toàn. Hội đồng nhân dân cấp xã và cấp tỉnh cũng được bầu lại.

Chính quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là “chính quyền dân chủ của nhân dân, nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ... Chính quyền đó dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí thức làm nền tảng và do giai cấp công nhân làm lãnh đạo...”[4]. Vì vậy, trong quá trình kiện toàn bộ máy kháng chiến, Hồ Chí Minh rất coi trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ nhân viên Nhà nước. Trong thư gửi các cơ quan chính phủ tháng 6-1947, Hồ Chí Minh viết: “Trường kì kháng chiến là một viên đá thử vàng đối với mỗi quốc dân, đồng thời là một trường học để rèn luyện cho cán bộ. Vì vậy, chúng ta phải tuyệt đối giữ kí luật. Phải tuyệt đối giữ bí mật. Đối với đồng sự phải đoàn kết chặt chẽ, khuyên nhau, giúp nhau. Đối với dân chúng phải thân cận, phải giúp đỡ họ mọi việc, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”[5].

Cán bộ nhân viên Nhà nước phải đem toàn bộ tinh thần cách mạng mà khắc phục các khuyết điểm như: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỉ luật, ích kỉ, hủ hóa... và nêu cao uỷ điểm, đồng tâm hiệp lực đoàn kết nội bộ, chấn chỉnh công tác.

Đề chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy, tháng 2-1950, Hội nghị kháng chiến hành chính được tổ chức có đủ đại biểu Bắc, Trung, Nam về họp. Bản quy chế công chức nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được áp dụng theo Sắc lệnh số 76/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 20-5-1950. Đây là một bước tiến khá lớn về hành chính.

Căn cứ vào Hiến pháp 1946 và thực tiễn kháng chiến, chính phủ đã ban hành hàng trăm sắc lệnh, nghị định, thông tri để chỉ đạo, điều hành kháng chiến. Các sắc lệnh của chính phủ đều được sự thỏa thuận của Ban Thường trục Quốc hội. Ban Thường trực Quốc hội cũng đã nghiên cứu soạn thảo một số luật và tu chỉnh Hiến pháp. Ngày 18-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 72/SL lập Hội đồng tu luật. Do hoàn cảnh chiến tranh, việc nghiên cứu dự thảo luật và tu chỉnh Hiến pháp không thực hiện được.

Đảng - hạt nhân lãnh đạo kháng chiến, đã được phát triển mạnh mẽ và trở thành một đảng có tính quần chúng.

Đông đảo công nhân, nông dân, trí thức cách mạng và chiến sĩ lực lượng vũ trang ưu tú đã được gia nhập Đảng. Cuối năm 1947, có trên 70.000 đảng viên. Năm 1948 và 1949, Đảng đã kết nạp hơn 50 vạn đảng viên, gồm những người ưu tú đã được rèn luyện thử thách trong lò lửa kháng chiến, và đến tháng 9-1950, đội ngũ của Đảng đã có trên 70 vạn đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực, khắp các địa phương. Hàng vạn tổ chức cơ sở của Đảng đã ăn sâu bám rễ trong nhân dân. Đảng đã được nhân dân thừa nhận là đội tiên phong của mình.

2. Xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân

Cuộc kháng chiến của ta là chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

Để tổ chức nhân dân đánh giặc, tháng 2-1947, Bộ Quốc phòng ra thông tư quy định mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi đến 45 tuổi vào dân quân và quy định nhiệm vụ của dân quân tự vệ cùng các đội du kích ở địa phương. Chỉ có thể thực hiện vũ trang toàn dân, tổ chức dân quân và các đội du kích khắp các địa phương, phối hợp sự chiến đấu của lực lượng dân quân, du kích của toàn dân với sự chiến đấu của bộ đội tập trung thì quân đội chính quy mới thực hiện thuận lợi quyền chủ động đánh giặc. Từ hè năm 1947 trở đi, hàng chục vạn người đã hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân, du kích và tự vệ chiến đấu, hình thành một lực lượng to lớn “có tiến không thoái”. Đến cuối năm 1949, trong cả nước số dân quân du kích đã có khoảng 1 triệu người, trong đó có hàng ngàn lão du kích được gọi là “bạch đầu quân”.

Thực hiện đường lối vũ trang toàn dân, tổ chức dân quân du kích khắp nơi là lực lượng chủ yếu quyết định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào chiến tranh du kích trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Du kích là một lực lượng cực kì to lớn trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sức du kích thật mạnh thì chiến tranh giải phóng nhất định thắng lợi. Tổ chức chặt chẽ và rộng khắp, trong vùng địch và xung quanh vùng địch, làng nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có du kích thì nó thành một tấm lưới sắt, một thứ “thiên la địa võng” mà địch không tài gì thoát ra được. Địch đi đến đâu cũng bị chặn đánh. Địch làm gì cũng bị phá hoại. Du kích làm cho địch có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, có chân cũng như què. Một bộ phận địch thì bị du kích tỉa dần, tỉa mòn. Bộ phận địch còn sống sót thì ăn không yên, ở không yên, nghe gió thổi chim kêu cũng hoảng sợ, rồi cũng bị du kích tiêu diệt nốt”[6].

Cùng với phong trào gia nhập lực lượng dân quân du kích, phong trào xung phong tòng quân đã diễn ra sôi nổi. Chỉ trong mùa hè năm 1947, đã có 35.000 người tình nguyện nhập ngũ. Từ 85.000 chiến sĩ trước ngày toàn quốc kháng chiến, đến hè năm 1947 tổng số bộ đội chủ lực đã lên đến 125.000 quân, trong đó có 57 trung đoàn và 19 tiểu đoàn độc lập. Từ “các hạt giống bé nhỏ” là giải phóng quân ngày trước, đến nay đã “nảy nở thành cánh rừng to lớn là vệ quốc quân”. Đó là một bước tiến lớn của lực lượng vũ trang nhân dân của ta.

Vệ quốc quân cùng với du kích và dân quân khắp nơi là lực lượng nòng cốt của toàn dân để đối phó với mọi âm mưu quân sự mới của địch trong chiến dịch thu - đông năm 1947.

Từ đầu năm 1948, với chủ trương phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích, chúng ta đã phát triển mạnh hơn nữa lực lượng dân quân du kích, đồng thời phân tán một bộ phận bộ đội chủ lực thành các đại đội, trung đội độc lập đi sâu vào các vùng bị địch tạm chiếm để phát triển phong trào chiến tranh du kích địa phương, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Trước yêu cầu mới của kháng chiến, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và phát triển dân quân. Trong quá trình phát triển của chiến tranh, bộ đội địa phương và dân quân là lực lượng hậu bị trực tiếp của quân chủ lực. Nhờ lực lượng đó mà tài sản của nhân dân, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và cơ sở Đảng được bảo vệ. Việc xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và phát triển dân quân là một công tác then chốt để đẩy mạnh chiến tranh.

Ngày 7-4-1949, Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập lực lượng bộ đội địa phương. Bộ đội địa phương và bộ đội chính quy là hai bộ phận của quân đội quốc gia Việt Nam. Bộ đội địa phương là lực lượng có tính cách địa phương, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, có trang bị và tự túc về cấp dưỡng.

Thực hiện sắc lệnh của Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy đã quyết định hợp nhất với các đơn vị cảnh vệ tỉnh, huyện với các đơn vị du kích tập trung để xây dựng bộ đội địa phương.

Đến cuối năm 1949, từ Liên khu IV trở ra, bộ đội địa phương đã có hơn 20.000 người. Đến năm 1950, lực lượng bộ đội địa phương lên đến 45.000 người. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đến đầu năm 1950, mỗi huyện có từ 1 đến 2 trung đội, mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đại đội.

Lực lượng bộ đội địa phương từng bước thực hiện nhiệm vụ nòng cốt cho chiến tranh du kích ở địa phương, tạo điều kiện để các đại đội độc lập được tập trung về xây dựng bộ đội chủ lực.

Giữa năm 1949, các đại đội độc lập được lệnh rút về cùng các tiểu đoàn tập trung để xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Từ Liên khu IV trở ra, mỗi liên khu đã xây dựng được từ 2 đến 3 trung đoàn chủ lực. Ở Nam Bộ, mỗi khu có một trung đoàn. Toàn quốc đến năm 1950 có 12 trung đoàn chủ lực.

Ngày 28-8-1949, đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội Việt Nam - Đại đoàn 308, được thành lập. Tiếp đến, Đại đoàn 304 được thành lập ngày 10-3-1950, Đại đoàn 312 thành lập ngày 27-12-1950 và Đại đoàn 320 thành lập ngày 16-1-1951.

Bộ Tổng tư lệnh cũng đã quyết định lập Cục pháo binh (5-1949) và Cục thông tin liên lạc (31-7-1949).

Một số binh chủng chuyên môn cũng được phát triển hơn.

Thực hiện đường lối xây dựng lực lượng vũ trang đúng đắn và sáng tạo của Đảng và Hồ Chí Minh, trải qua một quá trình chiến đấu và xây dựng, lực lượng vũ trang của chúng ta đã hình thành 3 thứ quân rõ rệt: dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Lực lượng vũ trang ngày một trưởng thành, từ phân tán đến tập trung, với các đại đoàn và trung đoàn chủ lực đảm nhận sứ mệnh đi tiên phong trên con đường vận động chiến.

Cùng với sự lớn mạnh về mặt tổ chức, lực lượng quân đội ta (nhất là quân chủ lực) cũng đã có sự trưởng thành vượt bậc về chính trị, quân sự và hậu cần. Sức chiến đấu của quân đội đã được nâng cao rõ rệt qua thực tiễn, đặc biệt trong tác chiến chiến dịch phản công và tiến công từ năm 1950 trở đi.

3. Kinh tế

Nền kinh tế của ta vốn nghèo nàn lạc hậu do chế độ cũ để lại, lại bị địch tăng cường phá hoại bằng mọi thủ đoạn tàn bạo, song nhu cầu của kháng chiến ngày càng lớn cho nên mặt trận kinh tế cũng không kém phần gay gắt.

Nhiệm vụ của nhân dân ta là phải nỗ lực xây dựng nền kinh tế kháng chiến có tính chất dân chủ nhân dân, có khả năng tự túc, tự cấp, vừa đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc kháng chiến, vừa từng bước cải thiện đời sống của quân đội, cán bộ và nhân dân, vừa phải đấu tranh chống lại sự phá hoại của địch.

Nông nghiệp giữ vị trí hàng đầu trong nền kinh tế kháng chiến.

Đảng và Chính phủ đã động viên nông dân, cán bộ, bộ đội đẩy mạnh thi đua canh tác, đắp đê, chống hạn hán, lũ lụt, cải tiến kĩ thuật, khai hoang, phục hóa, chống sâu bệnh, đầu tư vốn cho nông dân vay, phân phối giống, tổ chức đổi công, hợp tác trong sản xuất. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp đã thu được những kết quả quan trọng.

Theo thống kê của Bộ Canh nông, tại Bắc Bộ và Liên khu IV, năm 1948 diện tích lúa mùa là 1.030.611 hecta, thu hoạch được 1.346.569 tấn, diện tích vụ chiêm là 63.511 hecta, thu hoạch được 78.971 tấn. Ngô trồng được 71.639 hecta, thu được 85.048 tấn. Ở Nam Bộ, đã cày cấy được 2.000.000 hecta, trên tổng số 2.300.000 hecta diện tích.

Năm 1950, từ Liên khu IV trở ra, tổng sản lượng thu hoạch được ở các vùng tự do và căn cứ du kích là 2.414.830 tấn.

Để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông dân có ruộng đất cày cấy, thu hẹp dần chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ phong kiến, Đảng và Chính phủ đã thực hiện một đường lối riêng biệt của Việt Nam về cách mạng ruộng đất bằng những phương pháp cải cách dần dần để sửa đổi chế độ ruộng đất ở nông thôn như tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian đem chia cho nông dân không có hoặc thiếu ruộng; tạm cấp ruộng đất vắng chủ; giảm tô, giảm tức và chia lại ruộng công cho hợp lí.

Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh 78/SL ngày 14-7-1949, quy định mức giảm  địa tô là 25% so với mức tô trước Cách mạng tháng Tám, lập Hội đồng giảm tô cấp tỉnh; Sắc lệnh số 25/SL ngày 13-2-1950 về việc sử dụng ruộng đất vắng chủ trong thời kì kháng chiến; Sắc lệnh số 26/SL ngày 15-2-1950 về việc lập ban giảm tô xã; Sắc lệnh 88/SL ngày 22-5-1950, quy định những điểm chính về lĩnh canh ruộng đất; Sắc lệnh số 89/SL về việc giảm lãi, xóa nợ, hoãn nợ đối với những việc vay mượn trước đây; Sắc lệnh số 90/SL ngày 22-5:1950, cấm bỏ hoang ruộng đất có chủ từ trước đến nay vẫn chưa được trồng trọt. Hội đồng giảm tô, giảm tức, Ban giảm tô, giảm tức xã được thành lập; phần lớn ruộng đất do nông dân lĩnh canh đã được giảm tô 25%. Tính từ năm 1945 đến năm 1949, nông dân đã được chia 177.000 hecta ruộng đất các loại, trong đó ruộng đất của thực dân Pháp là 18.400 hecta, ruộng đất của địa chủ là 39.600 hecta, ruộng đất công và bán công là 119.000 hecta. Từ năm 1949 trở đi, số ruộng đất được chia cho nông dân càng nhiều hơn, nhất là sau khi các Sắc lệnh về ruộng đất do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí được ban hành. Đây là một bước đi đúng đắn trong việc thực hiện chính sách ruộng đất của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tình hình sở hữu ruộng đất ở nông thôn trong các vùng tự do đã có sự biến đổi cách mạng khá lớn.

Các hình thức tổ đổi công, hợp công và mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cũng đã được Nhà nước hướng dẫn tổ chức. Cuối năm 1949, chưa kể ở Liên khu V, cả nước đã có 18.921 tổ đổi công và hợp công, 982 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đến năm 1950, cả nước có 25.491 tổ đổi công và hợp công, 1562 hợp tác xã.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, tài chính

Trong những tháng đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, công nhân đã di chuyển máy móc, vật tư nguyên liệu ra các vùng tự do, các khu căn cứ (riêng công nhân quân giới đã chuyển 4 vạn tấn máy móc, vật tư). Đó là vốn vật chất đầu tiên để xây dựng công nghiệp kháng chiến.

Những xí nghiệp quốc phòng và dân dụng có quy mô thích hợp đã lần lượt được xây dựng trong các vùng tự do và vùng căn cứ kháng chiến. Công nghiệp quốc phòng là hệ thống công nghiệp quan trọng nhất trong thời kì kháng chiến. Đến cuối năm 1947, công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã có hàng loạt nhà máy, xí nghiệp thuộc quyền quản lí của Cục quân giới Bộ Quốc phòng và Ban vũ khí dân quân, Công an, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, công đoàn các khu, tỉnh. Cục quân giới quản lí 89 xưởng và 12 công trường. Đến cuối năm 1947, có 24.000 công nhân làm việc trong ngành công nghiệp quân giới. Đến năm 1950, công nghiệp quân giới nước ta có 150 nhà máy, công xưởng và hàng trăm công trường hoặc tổ vũ khí với số công nhân là 25.000 người. Chỉ tính từ năm 1946 đến năm 1950, các xưởng quân giới từ Liên khu IV trở ra đã sản xuất được 1323 tấn vũ khí, đạn dược các loại, trong đó có kiểu súng cối các cỡ 60 li, 120 li, súng SKZ... Các xưởng quân khu, quân dược cũng được thành lập. Đến năm 1949, đã có 21 cơ sở quân dược với 1200 công nhân và 20 cơ sở quân nhu với 1700 công nhân. Ngành giao thông công chính có 600 công nhân.

Nhịp độ sản xuất vũ khí đạn được phát triển rất mạnh. Tính theo trọng lượng tấn và lấy chỉ số năm 1946 là 100, thì nhịp độ sản xuất vũ khí đạn dược ở Liên khu IV trở ra tăng như sau: năm 1946 là 100, năm 1947 là 707, năm 1948 là 1044 và năm 1949 là 3544.

Công nghiệp kinh tế quốc doanh và tiểu thủ công nghiệp phục vụ quốc phòng và dân sinh cũng được xây dựng và phát triển như khai khoáng, hóa chất, cơ khí, dệt, giấy, diêm, xà phòng, đồ gốm, chè, thuốc lá, đường v.v..

Giao thông vận tải và bưu điện giữ vai trò quan trọng trong chiến đấu, kinh tế và dân sinh. Đến năm 1950, ngành giao thông đường sắt đã có 5000 công nhân hoạt động, công nhân vận tải các loại khác có 7000 công nhân hoạt động. Từ đầu năm 1950, đã có trên 2600 km đường ô tô được sửa chữa, hơn 1,6 triệu ngày công được huy động vào mặt trận giao thông vận tải. Công nhân đã đào đắp được 452.000 m3 đất đá, làm 5325m cẩu các loại trong năm 1950. Trong 3 năm đầu kháng chiến, trên 9000 công nhân bưu điện đã chuyển hơn 35 triệu bức thư và công văn (trong đó có trên 12 triệu thư, báo) vào vùng địch hậu.

Nguồn động viên về tài chính từ năm 1947 đến năm 1950 chủ yếu là thuế điền thổ, thuế môn bài, công trái kháng chiến, quỹ tham gia kháng chiến... Tổng số thu ngân sách năm 1947 là 1158 triệu đồng, năm 1948 là 2851 triệu, năm 1949 là 5081 triệu và năm 1950 là 1203,3 triệu đồng.

4. Văn hóa giáo dục

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục tiếp tục được phát triển trong chiến tranh nhằm bồi dưỡng sức mạnh tinh thần và trí tuệ của nhân dân ta trong cuộc đối đầu với kẻ thù xâm lược. Trong lò lửa kháng chiến, nền văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ đã lớn mạnh nhanh chóng.

Tháng 7-1948, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai được triệu tập. Tổng Bí thư Đảng - Trường Chinh đã đọc báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” nêu rõ lập trường văn hóa mác xít, tính chất, nhiệm vụ văn hóa dân tộc dân chủ, phê phán những khuynh hướng và quan điểm văn hóa thực dân, phong kiến tư sản và xác định thái độ đúng đắn của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa kháng chiến. Xác định mục đích và tính chất văn hóa Việt Nam, báo cáo nêu rõ: “Mục đích của những nhà văn hóa chúng ta là thắng địch giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui, là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, sửa bỏ những tàn tích phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa dân chủ mới thế giới. Văn hóa dân chủ Việt Nam... phải gồm đủ 3 tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng”[7].

Mọi hoạt động văn hóa văn nghệ đều hướng vào phục vụ kháng chiến theo khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng”. Nền văn hóa văn nghệ kháng chiến vươn lên mạnh mẽ và giành được những thành tựu đáng tự hào.

Ngành giáo dục đã có một bước phát triển mới về nội dung, phương hướng đào tạo trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Giáo dục bình dân học vụ được tiếp tục và phát triển mạnh hơn trước. Đến tháng 6-1950, số người được xóa nạn mù chữ trong cả nước lên đến 10 triệu người. Một số đông được tiếp tục qua lớp dự bị để biết đọc, biết viết một cách chắc chắn hơn. Tổng số đơn vị được công nhận thoát nạn mù chữ là 10 tỉnh, 80 huyện, 1424 xã và 7248 bản. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xóa xong nạn mù chữ.

Ngành giáo dục phổ thông không ngừng phát triển. Từ sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, việc dạy và học trong nhà trường đi dần vào ổn định. Tháng 7-1948, Bộ Giáo dục đã triệu tập Hội nghị giáo dục toàn quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho hội nghị. Người chỉ rõ: muốn xây dựng một nền giáo) dục kháng chiến và kiến quốc cần phải sửa đổi chương trình giáo dục cho hợp với yêu cầu kháng chiến và kiến quốc, phải biên soạn sách, sửa đổi cách dạy học, đào tạo cán bộ... Từ sau hội nghị này, ngành giáo dục đã có những chuyển biến về nội dung và phương pháp dạy và học.

Tháng 7-1950, chính phủ đã thông qua để án cải cách giáo dục phổ thông, thay hệ thống giáo dục cũ bằng hệ giáo dục phổ thông mới 9 năm, đưa giáo dục phục vụ tích cực công cuộc kháng chiến kiến quốc, đặt nền móng cho một nền giáo dục dân tộc, dân chủ dựa trên nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Số học sinh và giáo viên thuộc hệ giáo dục phổ thông tăng lên rõ rệt. Năm 1945, có 290.161 học sinh và 3629 giáo viên; đến năm 1950, có 439.130 học sinh và 11.162 giáo viên.

Còn ở bậc trung học chuyên nghiệp, mới có trường Trung học Giao thông (1948), trường Trung học Sư phạm (1950) và ở bậc đại học có Đại học Y dược (1947) và Cao đẳng giao thông công chính (1948).

Ngành dân y, ở các liên khu đã lần lượt xây dựng được hệ thống y tế từ xã đến tỉnh, gồm có trạm cứu thương, trạm xá, phòng phát thuốc, bệnh xá, bệnh viện. Cuộc vận động thực hiện nếp sống vệ sinh được đẩy mạnh. Phong trào ba sạch - “ăn sạch, uống sạch, ở sạch” phát triển rộng rãi trong nhiều địa phương.

Mọi hoạt động kháng chiến và kiến quốc đều được thúc đẩy mạnh mẽ bằng phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng vào tháng 6-1948. Người nói: ... “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kì sĩ, nông, công, thương, binh; bất kì làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:

Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều”[8].

Phong trào thi đua yêu nước là một động lực lôi cuốn toàn dân tham gia trên mọi mặt trận, phát huy năng lực sáng tạo trong chiến đấu và sản xuất, góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc thành công.

5. Ngoại giao

Cùng với việc xây dựng thực lực bên trong của dân tộc, chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chủ trương làm cho các lực lượng hòa bình dân chủ trên thế giới đồng tình, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa vì độc lập, thống nhất và tự do của Việt Nam, cô lập kẻ thù xâm lược. Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[9].

Nhân dân Việt Nam đứng dậy kháng chiến nhằm chống bọn thực dân xâm lược Pháp để giành hòa bình, độc lập tự do thực sự cho đất nước. Còn đối với nước Pháp và nhân dân Pháp, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn thân thiện và “muốn cộng tác với nhân dân Pháp như anh em trên một căn bản tín nghĩa và bình đẳng”[10].

Từ tháng 12-1946 đến tháng 3-1947, Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thư[11] cho Chính phủ, Quốc hội Pháp và cả Tổng thống Vanhxăng Ôriôn (Vincent Auriol), đề nghị “lập lại ngay nền hòa bình để tránh cho hai nước chúng ta khỏi bị hao người thiệt của, và để gây lại sự cộng tác và tình thân thiện giữa hai dân tộc”[12] Việt - Pháp. Song Chính phủ Pháp đã không đáp ứng. Trái lại, thực dân Pháp đã cử Pôn Muyt (Paul Mus) đến gặp Hồ Chí Minh, ngang ngược đòi ta phải nộp vũ khí cho họ, đòi để cho quân đội Pháp được tự do đi khắp đất nước ta v.v.. Vì vậy, chúng ta buộc lòng phải tiếp tục chiến đấu.

Đối với các nước ở châu Á, ngoài việc tổ chức xây dựng khối liên minh chiến đấu Việt - Miên - Lào, Chính phủ ta đã tích cực xây dựng quan hệ thân thiện với các nước dựa trên lập trường chống đế quốc thực dân, bảo vệ độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong những bức thư gửi cho các vị lãnh tụ dân tộc và nhân dân các nước ở châu Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước hết là các dân tộc anh em ở Á Đông và dân tộc Pháp. Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Vận mệnh của Việt Nam rất mật thiết quan hệ với vận mệnh các dân tộc Á châu. Vận mệnh các dân tộc châu Á quan hệ với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam mong muốn được tất cả các dân tộc thân thiện và giúp đỡ. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tỏ tình đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Inđônêxia, của Ấn Độ, thân thiện với Thái Lan, Mianma.., và cử đoàn đại biểu đi dự Hội nghị liên Á họp ở Niu Đêli vào tháng 3-1947. Tháng 4-1947, ta đặt cơ quan đại diện chính phủ tại Băng Cốc (Thái Lan) do Nguyễn Đức Quỳ làm đại diện và được hưởng đặc quyền như một cơ quan ngoại giao. Tháng 2-1948, Chính phủ Miến Điện (nay là Mianma) đồng ý cho Việt Nam đặt một cơ quan đại diện chính phủ tại Rangun, do Nguyễn Văn Luân làm đại diện và được hưởng quy chế ngoại giao. Từ 1947 đến 1949, ta đã tổ chức được 12 phòng thông tin ở Pari, Luân Đôn, Niu Iooc, Praha, Niu Đêli, Rangun, Băng Cốc, Xingapo, Hồng Kông, Tân Đảo... Được sự giúp đỡ của các tổ chức dân chủ, các hội ái hữu sở tại và Việt kiều, các phòng thông tin của ta đã tuyên truyền, giới thiệu với quốc tế về tình hình của cuộc kháng chiến và đường lối chính sách của chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta ngay từ đầu đã được nhiều tầng lớp nhân dân các nước đồng tình ủng hộ.

Đối với Mĩ, Việt Nam muốn giữ mối liên hệ. Trong bức điện trả lời một nhà báo Mĩ ngày 12-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới nhân dân Mĩ tình hữu nghị tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam và hi vọng nhân dân Mĩ sẽ ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập, hi vọng Mĩ sẽ giúp các dân tộc nhỏ giành độc lập như Tổng thống Rudơven đã thường nói. Trong thư gửi Hội Việt - Mĩ ái hữu ngày 2-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta không bao giờ quên sự hợp tác thân ái của các bạn người Mĩ hồi chúng ta du kích chống Nhật, và chúng ta mong rằng sự hợp tác đó được tiếp tục trong cuộc tranh đấu của chúng ta chống thực dân phản động Pháp, giành thống nhất và độc lập. Chúng ta mong rằng, Hoa Kì là nước đầu tiên đã tranh đấu cho nền dân chủ và độc lập của quốc gia, nước đầu tiên đã kí vào các bản hiến chương rộng rãi của Liên Hiệp Quốc, nước đầu tiên đã công nhận nền độc lập cho các thuộc địa, nước đã thi hành đúng các nguyên tắc của Oasinhtơn, của Lincôn, của Rudơven, sẽ giúp chúng ta trong công cuộc tranh đấu giải phóng hiện nay và trong công cuộc kiến thiết xây dựng sau này”[13].

Đầu năm 1948, Chính phủ đã cử một đoàn cán bộ ngoại giao sang Thái Lan, Miến Điện (Mianma), Trung Quốc, Tiệp Khắc để tuyên truyền về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã cử nhiều đoàn đại biểu đi dự các hội nghị quốc tế như Hội nghị của công đoàn ngành giầy da Tiệp Khắc (6-1949), Hội nghị thủy thủ và công nhân bến tàu ở Mácxây (Pháp, 7-1949), Hội nghị thanh niên công nhân thế giới ở Praha (Tiệp Khắc), Đại hội liên hiệp công đoàn thế giới ở Milan (Italia, 7-1949) v.v...

Trải qua 4 năm chiến đấu, lực lượng kháng chiến của Việt Nam đã trưởng thành, uy tín của Việt Nam đã tăng lên. Tình hình quốc tế có những biến chuyển có lợi, Chính phủ ta chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao và tuyên truyền quốc tế để nhân dân thế giới, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa, hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Đầu năm 1950, Hồ Chí Minh sang thăm Trung Quốc. Người đã hội đàm với Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Mao Trạch Đông hứa sẽ tích cực chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam... Tiếp đến Người sang Liên Xô. Tại đây, Người đã hội đàm với Xtalin cùng các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô về các vấn đề liên quan đến cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Xtalin đã đồng tình với đường lối chiến lược, sách lược của ta trong những năm kháng chiến đã qua, hứa chi viện trang bị cho ta vũ khí một trung đoàn pháo cao xạ 37, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc cho quân y...[14]

Tiếp theo, Người đã sang Hunggari dự cuộc họp của các đại biểu phong trào cộng sản quốc tế.

Hoạt động của Hồ Chí Minh về ngoại giao đã tranh thủ thêm sự đoàn kết và viện trợ quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.

Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”[15].

Ngày 15-1-1950, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Ngày 18-1-1950, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết đã công nhận Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đó, các nước khác lần lượt chính thức công nhận Chính phủ ta: Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (31-1), Cộng hòa Tiệp Khắc (2-2), Cộng hòa dân chủ Đức (2-2), Cộng hòa nhân dân Hunggari (5-2),Cộng hòa nhân dân Rumani (3-2), Cộng hòa nhân dân Ba Lan (5-2), Cộng hòa nhân dân Bungari (8-2), Cộng hòa nhân dân Anbani (13-2).

Việc Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận Chính phủ nước Việt Nam dần chủ cộng hòa là một thắng lợi to lớn về chính trị, là một việc trọng yếu trong lịch sử ngoại giao của nước ta. Thắng lợi đó có ảnh hưởng lớn đến cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4653-02-633921710892966250/Su-bung-no-va-tien-trien-cua-cuoc-khang-c...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận