Người ta tìm thấy dầu mỏ bằng cách nào?
Sự phân bố dầu mỏ trên bề mặt Trái đất rất không đều. Người ta đã thống kê những vùng trầm tích có thể hình thành dầu mỏ, nhưng lúc đầu không thế biết được ở đâu có các mỏ. Những vùng chứa nhiều dầu mỏ nhất là địa phận Arab Saudi, Ran, Iraq, Venezuela, tây Siberia, biển Bắc, vùng phía bắc biển Caspian và vịnh Guinea.
Phương pháp chính để thăm dò là phương pháp địa vật lý, đặc biệt phát triền từ năm 1920 đến 1930, nhờ hai anh em người Pháp - Conrad và Marcel Schlumberger. Các công trình của họ do tính chất điện của đá là cơ sở của phương pháp khoa học trong thăm dò dầu mỏ.
Hai cuộc chiến tranh thế giới cũng đã đóng góp vào phương pháp thăm dò địa chấn hiện đại. Cuộc chiến tranh thứ nhất là sự phát triển ở Đức các phương pháp âm học có khả năng phát hiện pháo binh của đối phương, và cuộc chiến tranh thứ hai là sự phát triển các phương pháp xử lý tín hiệu và máy tính số.
Các tiến bộ công nghệ đã giúp tìm dầu mỏ ở những độ sâu ngày càng lớn: các giếng sâu nhất là 1.800m năm 1918 và 3.000m năm 1930. Nhưng người ta vẫn cho rằng yếu tố quyết đinh ở thời kỳ này là sự may mắn!
Hiện nay, ''địa chấn học phản xạ'' giúp lập bản đồ cấu trúc đất ngầm. Phương pháp này gây ra chấn động bề mặt để tạo thành các sóng âm, rồi phân tích các sóng phản xạ khi tiếp xúc với những thay đổi cấu trúc địa chất. Phép đo trọng lực, đo biến thiên của trọng trường, đã được dùng bổ sung.
Nhưng các phương pháp này không đủ để xác định chính xác địa điểm phải khoan. Các nhà địa chất phải đan xen ''hình ảnh'' của đất ngầm mà các nhà địa vật lý thu được với hiểu biết của họ về lịch sử của các vùng trầm tích. Ngoài những nghiên cứu của họ về sự lộ vỉa, họ đã thừa hưởng những khảo sát trên quy mô lớn từ Chiến tranh Thế giới I, là thời kỳ đã xuất hiện các kỹ thuật giám sát từ máy bay. Những nghiên cứu này lại càng có ý nghĩa lớn hơn từ khi bắt đầu giai đoạn quan sát bằng vệ tinh.
Về phần mình, các nhà địa hóa học đánh giá số lượng và thành phần khả dĩ trong cấu trúc. Những mô hình số về sự hình thành dầu mỏ trong quá trình tiến hoá của các vùng trầm tích đã được triển khai dần cùng với tiến bộ của tin học. Cuối cùng, các mô hình ba chiều khả dĩ về các tầng chứa hiện nay đã có sẵn trên Internet.
Cho đến nay người ta đã lập danh mục khoảng 30.000 mỏ, nhưng 60% trữ lượng chỉ nằm ở 1% số mỏ đó. Ở Arab Saudi, Ghawar - mỏ lớn nhất thế giới, chứa 15 tỷ tấn dầu.