Tài liệu: Đềcac hay Niutơn? Quả quýt hay quả chanh

Tài liệu
Đềcac hay Niutơn? Quả quýt hay quả chanh

Nội dung

ĐỀCAC HAY NIUTƠN? QUẢ QUÝT HAY QUẢ CHANH?

 

Các quan điểm lý thuyết của Giôvani Đômênicô Catxini lạc hậu rất nhiều so với thời đại. Ông không công nhận học thuyết Côpecnic và các định luật Keple mà cho rằng các hành tinh chuyển động quanh Mặt Trời không theo hình elip, mà theo các hình ôvan đặc biệt. Catxini ủng hộ thuyết Đềcac, theo đó tất cả các thiên thể, kể cả Mặt Trời và Trái Đất đều hình thành từ hệ thống các luồng xoáy trong môi trường ête giữa các hành tinh. Lý thuyết của Đềcac cạnh tranh với lý thuyết hấp dẫn Vũ Trụ của Niutơn trong một thời gian dài, tuy không cho ra các kết quả định lượng như thuyết kia. Hệ quả của các thuyết này rất khác nhau. Chẳng hạn, nếu theo thuyết Niutơn, Trái Đất và các hành tinh phải bẹt ở hai cực (hình quả quýt), còn theo Đềcac thì ngược lại, chúng phải thuôn dài theo trục quay (hình quả chanh).

Để kiểm tra các kết luận này, Giăng Pica trong các năm 1668 - 1670 đã tiến hành đo đạc chính xác độ dài cung kinh tuyến Pari (giữa Pari và Amiăng (Amiens)) và thu được kết quả cung 1o dài 111 km 210 m, dài hơn 3 m so với trị số hiện đại. Niutơn đã sử dụng kết quả này để kiểm tra thuyết hấp dẫn Vũ Trụ.

Gi. Đ. Catxini quyết định tiếp tục công việc của Pica. Từ năm 1683 ông đã bắt đầu đo độ dài cung 1o ở các đoạn khác nhau của kinh tuyến Pari, từ bờ bắc nước Pháp đến biên giới Tây Ban Nha ở phía nam. Catxini cho rằng các kết quả đo sẽ xác nhận thuyết Đềcac. Nhưng ông đã không hoàn thành được khối công việc đồ sộ ấy. Khi Cônbe chết thì kinh phí cũng bị cắt và chỉ sau khi Gi. Đ. Catxini mất, con trai ông là Giăc Catxini mới nhận được tài trợ cần thiết. Các kết quả đã được công bố năm 1720.

Đoàn nghiên cứu của Giăng Risê đến Nam Mỹ ngoài các kết quả khác còn thu được một kết quả quan trọng: hoá ra là chu kỳ dao động của con lắc ở Caien lớn hơn ở Pari. Điều này có nghĩa là gia tốc rơi tự do ở gần xích đạo nhỏ hơn ở các vĩ độ trung bình. Gi. Đ. Catxini gán nguyên nhân hiện tượng này cho tác động của gia tốc hướng tâm liên quan đến chuyển động quay của Trái Đất. Tuy nhiên, nếu như ông tính toán kỹ hơn gia tốc này thì sẽ hiểu rằng chỉ giải thích sự khác biệt đã thấy bằng gia tốc hướng tâm là không ổn. Cần phải giả định rằng Trái Đất hơi bẹt ở hai cực, và Caien ở xa tâm Trái Đất hơn Pari. Nhưng Catxini không muốn cho phép tồn tại khả năng này mà coi sự không khớp là do sai số đo đạc của Risê. Chỉ sau 65-70 năm nữa vấn đề này mới được giải quyết hoàn toàn, nghiêng về thuyết Niutơn trong các công trình của các nhà thiên văn Pháp.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/377-02-633326330682743750/The-ky-XVIII-va-co-hoc-thien-the/Decac-hay...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận