THẾ KỶ THỨ MƯỜI TÁM VÀ CƠ HỌC THIÊN THỂ
Ở ngưỡng cửa của thế kỷ XVIII, Ixaac Niutơn đã kết hợp các phương pháp toán học hùng mạnh với các số liệu quan sát thiên văn để đạt tới kết quả đáng kinh ngạc, đưa khoa học vào tâm điểm chú ý của nhân loại. Cơ học thiên thể do Niutơn đặt nền móng đã trở thành khoa học “vua” của thế kỷ XVIII. Vào đầu thế kỷ Etmunđo Halây còn đem sao chổi ra “làm chứng” cho tính đúng đắn của thuyết vạn vật hấp dẫn. Đến cuối thế kỷ thì Pie Ximông Laplaxơ trong cuốn “Trình bày hệ thống thế giới” đã hoàn thiện Vũ Trụ của thuyết hấp dẫn, một thế giới được xây dựng trên hiện tượng hấp dẫn Vũ Trụ trong đó Chúa Trời thậm chí không còn có chỗ để làm Đấng Sáng Tạo các thiên thể và các hệ thống nữa rồi.
Hàng hải phát triển rất mạnh vào thế kỷ XVIII. Để biên soạn các bản đồ địa lý chính xác và dẫn đường hàng hải cần phải tìm ra phương pháp đo kinh độ chính xác trên biển. Các nước châu Âu đua nhau đặt các giải thưởng cho phương pháp giảt quyết hay nhất cho bài toán này vào thế kỷ XVII rồi thế kỷ XVIII. Năm 1713, chính phủ Anh đã đặt giải thưởng 2 vạn bảng cho người nào tìm ra cách đo kinh độ chính xác đến nửa độ. Năm 1716, một giải thưởng lớn khác cũng được Philip xứ Oóclêăng (Philippe III d’Orléans), nhiếp chính của vua Lui XV còn nhỏ tuổi đặt ra. Khoa học tự nhiên và toán học lần đầu tiên trở thành quốc sự có ý nghĩa chính trị quan trọng. Để giải quyết vấn đề này ở châu Âu đã hình thành các Đài thiên văn quốc gia đầu tiên: Côpenhaghen, Pari, Grinuych.