Tài liệu: Đền thờ Mahabalipuram

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cụm di tích ở Mahabalipuram, hay còn gọi là cụm đền thờ là những thánh tích nổi tiếng bậc nhất của nước Ấn Độ hùng vĩ.
Đền thờ Mahabalipuram

Nội dung

Đền thờ Mahabalipuram

Cụm di tích ở Mahabalipuram, hay còn gọi là cụm đền thờ là những thánh tích nổi tiếng bậc nhất của nước Ấn Độ hùng vĩ. Cụm thánh tích Mahabalipuram này nằm ở phía Nam Ấn, trên một vùng đất ở ngay cửa sông Palar, bên bờ vịnh Bengal, gần thành Madras. Cụm di tích Mahabalipuram được xây dựng vào khoảng những năm 630 đến 715, khi vương triều Palava ở vào thời cực thịnh ở miền Nam Ấn. Nhưng do cuộc chiến tranh với triều đại Chola nên việc xây dựng kéo dài từ 876 đến 895 nên hiện còn nhiều đền đài to nhỏ khác nhau nằm xen lẫn được tạc vào trong các vách đá lớn liền khối như các Ratha (thiên sa) và đền Shiva, còn gọi là đền ven biển, được xây toàn bằng đá. Trong các đền đài ở đây đều có đặt nhiều tượng voi, sư tử, bò..v..v...

Trong số các thiên sa tạc sâu vào vách núi của những khối đá lớn có năm thiên sa đứng cạnh nhau là nổi bật hơn cả. Những ngôi thiên sa này đều mang tên những người anh em nhà Pandava trong sử thi Mahabharata và người vợ chung của họ. Đó là các thiên sa: Yudisthira, Dharmaradja, Arguiman Bhimaratha và Nakula. Các thiên sa này có kết cấu kiến trúc khác nhau. Chẳng hạn Dharmaradja có kích thước vuông, mỗi cạnh dài 8,85 mét, cao 12,2 mét và bộ mái ba tầng thu nhỏ dần về phía đỉnh. Hai tầng mái phía dưới có hành lang bao quanh và được tô điểm thêm bằng các tháp nhỏ, còn tầng trên cùng là một khối vòm tròn lớn. Trong khi Dharmaradja hình dáng vuông thì Bhimaratha đứng bên cạnh lại có cấu trúc hình chữ nhật, cao 7,90 mét và có bộ mái kết cấu hoàn toàn khác: mái dài, hai cánh cong như hai lưng voi. Ngôi thiên sa này chỉ có hai tầng, bộ mái lại chạy theo chiều dài của kiến trúc, nhưng các khối lớn củn thân và mái đã tạo cho ngôi tháp này một dáng vẻ bề thế, vững chắc. Đặc biệt nhất là thiên sa Draupadi có cấu trúc giống hệt mái nhà gỗ đơn sơ với các mái tranh trùm lên bốn bức tường nhà. Nhưng thực tế, thiên sa này được tạo thành bằng cách đục vào vách đá núi, vì thế Draupadi mang vẻ đẹp trang nhã, bình dị.

Khu đền Shiva cũng là một quần thể kiến trúc, được xây dựng dưới triều đại nhà vua Ratjasimha vào khoảng năm 700. Nhưng cho đến nay chỉ còn lại hai ngôi đền. Đó là hai ngọn tháp nhiều tầng kiểu như Dharmaradja. Một trong hai ngọn tháp có kích thước rất lớn, chiều cao khá cao đã tạo cho ngôi đền tháp Shiva cao lồng lộng giữa trời xanh ngay cạnh bờ biển, trông như một ngọn hải đăng khổng lồ.

Một điều hết sức thú vị, là hầu hết tất cả các ngôi đền ở Mahabalipuram đều được chạm trổ, điêu khắc. Trong đó giá trị nhất là bức phù điêu đá khổng lồ mô tả câu chuyện huyền thoại về sông Hằng linh thiêng. Một dãy phù điêu hoành tráng, giàu trí tuởng tủợng không kém phần giá trị là lớp phù điêu kể về truyền thuyết nổi tiếng là câu chuyện Kiratarjunnarut, rút ra tù sử thi Mnhabharata. Đây là một câu chuyện mang đầy chất lãng mạn vì ước vọng bay bổng. Những ai nhìn thấy nhóm phù điêu này sẽ nhận ra kỳ tích của người anh hùng Ardjuna. Ngoài nhóm phù điêu lớn mô tả về huyền thoại và truyền thuyết, thì toàn bộ ngôi đền Mahabalipuram được phủ kín bằng một lớp phù điêu thể hiện đủ loại người, thần linh, súc vật và các truyền thuyết khác nhau của Ấn Độ giáo.

Đề tài thể hiện của các phù điêu rất phong phú đa dạng, nghệ thuật khắc đá ở Mahabalipuram vẫn mang một phong cách nghệ thuật chung là mạnh mẽ, sống động, hoành tráng, giàu chất trữ tình.

Mahabalipuram với những ngôi đền độc đáo, được phủ lên đó những cụm phù điêu khổng lồ mang tính nghệ thuật cao, vì vậy người ta không lấy làm ngạc nhiên khi các nhà khoa học, nghệ thuật đã ví đền Mahabalipuram như là đỉnh Everest của nghệ thuật thời Trung đại của Ấn Độ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4055-02-633703703541006250/An-Do/Den-tho-Mahabalipuram.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận