ĐỜI SỐNG XA XƯA CỦA NỀN VĂN MINH AI CẬP
TRÊN ĐẤT NƯỚC CỦA CÁC PHARAON
Ở Ai Cập xưa kia, người ta xây dựng các ngôi đền thờ không phải để cho tín đồ lui tới cúi mình cầu khẩn Thần linh. Những nơi thờ cúng do các Pharaon xây dựng, trước hết nhằm bảo tồn bộ máy Vũ trụ nhờ những sự chăm sóc chu đáo của nhà Vua, đại diện cho sức mạnh của thần quyền trên Trái đất, bậc giáo trưởng tối cao và cả một hệ thống cấp bậc các hàng giáo sĩ. Người dân thường không lui tới đây: thấm nhuần tính chất thiêng liêng, giống như ''mọi sinh vật sống trên mặt đất, trong không trung và dưới đáy nước'' (kể cả các loài khoáng vật và thực vật), người ta công nhận và thờ kính Đấng tạo hoá đã sinh ra mình, dưới mọi biểu hiện của thiên nhiên xung quanh và không cần phải đi lễ các đền. Vì vậy, đến gần với Thần linh bằng đơn thuần một giai đoạn là cái chết, con người ta có thể tuỳ theo những đồ tuỳ táng tạo ra cho mình một chân dung riêng trước con mắt của những vị Thần dưới cõi âm mà mình sẽ có quan hệ trực tiếp, cho tới khi hoàn toàn hội nhập vào với Vũ trụ.
Ta cũng không nên có quan niệm sai lầm về những gì được thấy khi đi xem các lăng tẩm: những hình ảnh hào nhoáng gợi lại những cảnh trong đời sống hàng ngày, trên tường các đền thờ và thường thấy lại trên hoa văn những đồ nghi lễ; phải được nhìn nhận dưới một ánh sáng thần bí như hình ảnh tượng trưng cho cái ''thường nhật'' của những cuộc thử thách mà người chết cần phải thoát ra khỏi, và các cuộc thăng trầm trên đường đi, sau khi chết, trong cõi âm phủ của Thần Osins mà người chết chắc chắn lại sẽ vinh hiển vượt qua để đi vào cõi bất diệt.
Qua sự thể hiển bằng hình ảnh, ngôn ngữ này vẫn phỏng theo những cảnh trong đời sống hàng ngày bên bờ Sông Nil: bữa cỗ đám ma khuyến khích người chết nếm thử để biết cái thú say sưa của Thần linh; bụi cói chỉ gợi lại cảnh bãi lầy nguyên thuỷ trong đó người chết phải dần dần từng bước, qua giai đoạn ''hoài thai'' tiến tới trở thành Thần; đi săn hà mã hay tiêu diệt vịt trời để trói tay những ma quỷ có thể cản trở bước tiến của mình; đánh bắt cá thần, biểu tượng của sự ''chuyển hoá'' của mình; gặt lúa vả hái nho để có bánh và rượu cúng Thần Osiris; bê con xuất hiện, tượng trưng cho sự hồi sinh của Mặt trời.
Như vậy, người ta có thể qua bức tranh toàn cảnh sinh động và đầy màu sắc dùng vào những mục đích khác này - vẫn thấy lại được đại thể khung cảnh hàng ngày trong đó ''Bầy chiên của Thượng đế'' như người Ai Cập thời xưa tự gọi - đã sinh sống.
Ở đó hầu như hoàn toàn là một khung cảnh nông nghiệp chịu sự chì phối của cái mà Julius Caesar đã gọi là ''niên lịch vĩ đại nhất và thông minh nhất Thế giới'' (Caesar đã chấp nhận lịch này và áp đặt nó trong thế giới La Mã). Hẳn mọi người đều biết, niên lịch đó là Sông Nil và các kỳ lũ của nó cứ sau 365 1/4 ngày lại trở lại làm tràn ngập và đem lại màu mỡ cho những đất đai đang khô nẻ của Ai Cập (một nước không có sông ngòi nào khác và hầu như không mưa).
Những con lũ đều đặn hàng năm đã định ra từ thời rất xa xưa một niên lịch gồm ba mùa, mỗi mùa bốn tháng. Chu kỳ đều đặn ấy làm cho người Ai Cập vốn hết sức nhạy cảm với môi trường chung quanh - thấm đượm một lòng tin sâu sắc và vững chắc ở nguyên lý của sự đổi mới không ngừng và bất tận.
Quan hệ giữa nam và nữ được rập theo mối quan hệ giữa các cặp vợ chồng Thần Thánh ''thời cổ sơ” hoàn toàn bình đẳng. Khác với phụ nữ ở nhiều xã hội thời Cổ đại cổ điển, phụ nữ Ai Cập có đầy đủ tư cách pháp lý. Phụ nữ có chồng vẫn có quyền quản lý tài sản riêng của mình, được quyền hưởng một phần tài sản của chồng, được tuỳ ý để lại di sản của mình cho bất kỳ người con nào mà mình muốn cho thừa kế. Khi đã lấy chồng, phụ nữ trở thành “nội tướng”, giúp đỡ ý kiến cho chồng, trông nom quán xuyến mọi công việc trong nhà và đóng góp một phần rất lớn vào sự thịnh vượng của gia đình. Được chồng chiều chuộng, được sự kính nể của con cái mà mình mong cho đông đàn dài lũ, người phụ nữ tìm thấy hạnh phúc ở chỗ cảm thấy mình là cột trụ trong nhà và của tập thể gia đình. Con trai cũng như con gái đều được chia sẻ một cách công bằng sự chú ý chăm sóc của bố mẹ.
Thật ra, hình như không phải tất cả các trẻ em Ai Cập đều được đến trường - con gái nói chung lại càng ít được đi học so với con trai. Tuy vậy, cũng đã có một số con gái được học lên một cấp khá cao vì phụ nữ đã có thể làm nhiều nghề khác nhau trong các cơ quan Nhà nước, trong ngành thương nghiệp và thậm chí làm cả những nghề thuộc các ngành khoa học chẳng hạn như nghề thầy thuốc. Trong lịch sử loài người, phu nhân Pesechèt là người đã trị bệnh cứu người ở Memphis từ thời các Kim Tự Tháp vào thiên niên kỷ thứ III Tr. CN.
Người Ai Cập rất yêu nước, nhưng tuyệt nhiên không có tư tưởng bài ngoại. Đó là một trong những nét cơ bản về bản lính của người Ai Cập. Ngay từ thời rất xa xưa đã có những người bị bắt làm tù binh trong các cuộc xung đột bùng nổ do sự cần thiết phải bảo vệ biên giới, vì con người ở vùng Đất đen (Kemi, tên nước Ai Cập thời xưa) bản chất vốn yêu hoà bình và đối với họ ''chiến tranh là một đại tai họa”. Tù binh được đối xử nhân đạo và nhiều khi được trao cho chính những binh sĩ hay sĩ quan đã bắt được họ trông coi; và họ có thể được trả lại tự do đôi khi được nhận làm ở rể trong gia đình của những người đã chiến thắng họ trước kia. Dù sao, họ vẫn được tự do thờ cúng nhữn thần linh ở nước nguyên quán của họ.
Như vẫn còn phần nào xảy ra trên bờ Sông Nil ở đầu Thế kỷ XX, hôn nhân không được hợp thức hoá bằng một nghi lễ tôn giáo cũng như không được đăng ký trước một cấp chính quyền. Chỉ có sự thoả thuận trước người làm chứng giữa hai bên nam nữ muốn lập gia đình với nhau, là làm cho sự kiện này được nhân lên thành một sự cam kết đặc biệt về tinh thần. Đôi khi có thể có một hợp đồng công nhận tài sản riêng của mỗi bên. Mục đích của hợp đồng này, chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi của người vợ khi người vợ hay người chồng đòi ly dị. Thậm chí có thể nói rằng, khi người chồng buộc phải trả lại cho người vợ mà mình ly dị những gì người vợ đã mang về nhà chồng thì người chồng gần thư phá sản. Những điều kiện đó kết hợp với ý thức về lẽ phải, đã góp phần củng cố sự ổn định của hôn nhân và gia đình.
Nhà ở của dân thường bao giờ cũng có một cái sân rào kín, một gian chính làm nơi họp mặt của mọi người trong nhà. Phía sau nhà là chỗ đặt những gian phụ. Ngoài sân có một cầu thang lên một gác sân, nơi gia đình có thể dùng để ngủ đêm trong mùa hè và hưởng đôi chút gió mát.
Các di vật về nhà ở của những người rất giàu có cho thấy, có một thiết kế mặt bằng hợp lý được liên tiếp dùng đi dùng lại không thay đổi trong suốt hàng chục Thế kỷ. Xưa nay đá là thứ vật liệu cao cấp và lâu bền, bao giờ cũng được dành cho việc xây dựng đền, đài, miếu mạo; còn trong các công trình kiến trúc dân sự thì dùng gạch mộc, làm bằng bùn Sông Nil trộn với rơm và tro bếp. Được xây bằng vật liệu đó, các nhà ở nông thôn có ba loại phòng tương ứng với các nhu cầu trong đời sống hàng ngày. Một tiền sảnh lớn ở cửa vào dẫn tới trung đường, trần cao, có một hay bốn cột đỡ. Các cửa sổ đều ở phía trên, nhỏ và có chấn song. Tiếp khách và tiệc tùng - người Ai Cập rất thích tiệc tùng yến hội - đều tổ chức ở đây và những gian bên được dùng làm buồng kho hay căn phòng và nơi ở cho thư ký hay thậm chí cả quản gia. Tại đây còn có cầu thang dẫn tới một hành lang dài chạy suốt dọc tiền sảnh.
Phần thứ ba trong nhà dành cho sinh hoạt gia đình: một ''phòng sinh hoạt'' chung ở giữa, còn lại là gian phòng dành cho trẻ con học hành, chơi đùa trong mùa Đông tháng giá và những phòng ngủ rồi cả một khu tắm rửa, gồm phòng tắm vòi sen, phòng xức dầu, nhà vệ sinh có trang bị hệ thống tiêu thoát nước bẩn.
Ấp trại được tổ chức thành một cơ sở kinh tế tư nhân nhỏ; và bổ sung cho nhà ở chính, bên ngoài còn có những nhà bếp, nhà làm bánh mỳ, nhà để thóc, lò sát sinh, các xưởng thợ, trong đó có nhà làm rượu, bia, xưởng dệt. . . Ở Ai Cập thời ấy, đầy tớ trong nhà - nói chung là đầy tớ trai - được giao cho nhiệm vụ làm bếp, trừ việc làm bột bánh và làm bia. Trong ấp có chuồng nuôi lừa và từ thời Tân đế chế bắt đầu nuôi cả ngựa (mới được đưa vào Ai Cập) chủ yếu dùng để kéo những chiến xa nhẹ cũng xuất xứ từ Cận Đông.
Một khu vườn trồng sung, liễu, me, cọ, xen lẫn những luống hoa và những giàn nho trông rất đẹp mắt; cộng thêm một bể nước để lấy hơi mát, là điều mơ ước của mọi người Ai Cập. Ở thành phố, đất đai rất chật hẹp chỉ cho phép có những khoảnh đất nhỏ để trồng trọt chung quanh những ngôi nhà nhiều tầng; trong đó các phần để ở cũng chỉ rộng bằng một tầng các nhà ở nông thôn. Ở tầng hầm có bố trí một xưởng dệt và có lẽ có cả hầm lạnh để chứa đồ ăn thức uống dự trữ (đặc biệt là rượu vang). Trên gác sân là nhà bếp và gian chứa thóc.
Trẻ con đi học ở nhà trường. Trường học là những ngôi đền. Những ký văn còn để lại cho biết, có một em trai con nhà bình dân đã có thể ''tới được dưới chân Pharaon nhờ một bản viết dâng lên Vua”. Người mẹ hàng ngày mang thức ăn đến trả công cho thầy giáo, học sinh nào tỏ ra có năng khiếu trong học tập thường ở lại học nhiều năm trong đền.
Trong chương trình bậc trung học gồm có việc học chữ tượng hình Ai Cập, học tập văn ngôn, học văn học và các môn số học, hình học, địa lý; học sinh tốt nghiệp được cấp bằng “Ký lục, được cấp bút nghiên”.
Các cơ quan Nhà nước khi đó có trách nhiệm bổ dụng người thi đỗ. Sau khi tốt nghiệp trung học, học sinh đặc biệt có năng khiếu, có thể học tiếp lên bậc Đại học tại một ''Sinh viện'' cũng nằm trong khu vực một ngôi đền. Giảng viên là các giáo sư tầm cỡ lớn trong ngành kiến trúc, khoa học (y, dược, hoá, thiên văn, hình học), văn học, triết học giảng dạy. Họ nghe giảng có bài tập và nhiều buổi thực tập ở phòng thí nghiệm.
Những ngày lễ, toàn dân được nghỉ để cử hành các lễ tiết lớn hàng năm; trong đó có lễ rước và biểu diễn kịch hát, trò vui, mà trung tâm là sự xuất hiện trước công chúng những biểu tượng về Thần linh được đưa từ các Thánh đường ra ngoài và được rước trên thuyền riêng.
Lễ tiết quan trọng nhất là ngày tết đầu năm và những tuần nước lũ Sông Nil đổ về tràn ngập tất cả đất đai canh tác ở Ai Cập khiến cho nông dân được nghỉ làm mọi công việc đồng áng. Trong địp này, ngoài việc lao dịch công ích, họ có thể đi đây đó; từ làng này sang làng khác, thăm bà con họ mạc và bè bạn, cùng họ hàng tạ ơn tổ tiên và Đấng tạo hoá đã phù hộ và ban phúc lành cho đất đai Ai Cập.
GS. CHRISTIANE DESROCHES NOBLECOURT