Đứa trẻ khám phá ra thế giới
Trong phần trước, chúng ta đã bước sang khu vực thứ hai những nhu cầu tinh thần chủ yếu của đứa trẻ, tức là ta đã sang lĩnh vực dạy dỗ nó (khu vực thứ nhất là những nhu cầu tinh thần của nó về sự trìu mến chăm sóc của bố mẹ). Chỉ kích thích đứa trẻ học thì chưa đủ, những kích thích ấy phải có một ý nghĩa nhất định, phải dễ hiểu đối với nó, sao cho nó xử lý được những kích thích ấy và tạo ra được một lượng kinh nghiệm có ích với nó trong tương lai. Nghĩa là trước hết cần những xung động với một liều lượng đủ để nó thực sự học được. Ví dụ, người mẹ cúi xuống đứa con mới vài tháng tuổi, bỗng thấy nó mỉm cười với mình. Nụ cười ấy chứng tỏ nó bắt đầu nhận thức được bản thân nó, đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối tiếp xúc riêng của nó với thế giới xung quanh - hiện giờ thế giới ấy mới chỉ tập trung ở người mẹ. Trong gia đình, nụ cười đầu tiên của đứa trẻ khiến ai cũng vui mừng, và từ phút ấy, mọi người cố làm cho nó cười. Tất nhiên, người cố nhiều nhất là người mẹ, hễ rảnh rang một phút chị cũng đến với con. Chị trò chuyện với nó, mỉm cười với nó, phản ứng vui sướng của chị khích lệ nó và củng cố cách xử sự “mọi người mong muốn” ở nó. Thế là bắt đầu sự biến đổi không ngừng những mối quan hệ tiêu biểu của con người. Sự việc cũng xảy ra tương tự khi đứa trẻ bắt đầu vừa bập bẹ vừa cầm mọi thứ đồ chơi lên tay, hoặc khi nó đòi giúp nó ngồi xuống, khi nó phát âm một từ đầu tiên có nghĩa hoặc khi nó tự ra bô - tóm lại, mỗi khi nó làm một điều gì đơn giản đáng yêu rõ ràng là để những người xung quanh tán thưởng. Những gì tán thành, chúng ta củng cố bằng cách tỏ ra bằng lòng, khen ngợi. Những gì ta thấy nó không nên làm, ta dập ngay đi bằng cách không phản ứng gì, có khi phạt đứa trẻ. Cách xử sự thế nào trong từng trường hợp cụ thể, thì ta có thể biết qua nhiều tài liệu về giáo dục con cái. Nhưng ở đây cũng như ở trong tất cả những gì liên quan đến đứa trẻ, ta phải có ý thức chừng mực và phải lưu ý sao cho phạt ít hơn khen.
Đó chính là sự dạy dỗ đầu tiên. Người mẹ và những người khác trong gia đình là những người thầy đầu tiên của đứa trẻ. Tất nhiên đây chưa phải trường đại học, chưa phải thi cử để trở thành một nhà chuyên môn gì đó, nhưng đối với cuộc sống sau này, sự dạy dỗ đầu tiên như vậy tuyệt nhiên không kém phần quan trọng. Vấn đề là ở chỗ khi thấm nhuần những bài học đầu tiên về cuộc đời, đứa trẻ sẽ học được cách học tập. Không phải vì lòng yêu thích các khoa học, mà cũng không phải chỉ vì niềm vui của những người thân. Nó hiểu dần ra rằng việc học là quan trọng, đáng gắng sức một chút, việc học khiến những người thân sung sướng và trong quá trình học, có một sự luân chuyển rất hữu ích và rất dễ chịu các xung động. Nó sẽ có thói quen cho và nhận niềm vui.
Từ những điều đã trình bày ở trên, ta dễ dàng thấy cuộc sống đứa trẻ nghèo nàn thế nào nếu nó không được trao đổi các xung động với những người thân. Khi bên cạnh nó không có ai vui sướng. Khi nó có bố mẹ, những người có thể hiểu các phát hiện của nó, đứa trẻ sẽ ít biết hơn so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi nhưng lại hạnh phúc hơn nó. Và sau này năng lực học tập của nó cũng sẽ bị kém.