Tài liệu: Tâm lý trẻ thơ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tâm lý học hiện đại đã chứng minh rằng, trong mấy tháng đầu tiên sau khi ra đời, đứa trẻ cần một số xung động bên ngoài để hệ thần kinh trung ương của nó có thể điều chỉnh vào một “làn sóng” nhất định
Tâm lý trẻ thơ

Nội dung

Tâm lý trẻ thơ

Tâm lý học hiện đại đã chứng minh rằng, trong mấy tháng đầu tiên sau khi ra đời, đứa trẻ cần một số xung động bên ngoài để hệ thần kinh trung ương của nó có thể điều chỉnh vào một “làn sóng” nhất định. Dải “sóng” mà qua đó, các xung động bên ngoài đi vào não và được xử lý ở trong ấy, sẽ xác định mối liên hệ của đứa trẻ với thế giới xung quanh. Chúng tôi xin giải thích điều này bằng ví dụ. Chúng ta biết có những đứa trẻ yếu ớt, sau khi sinh ra ăn rất ít hoặc nói chung không chịu bú mẹ. Sự can thiệp kịp thời của y tế có thể cứu được nó. Nhưng dù bây giờ nó có ăn gấp ba, gấp bốn, nó cũng vẫn không đuổi kịp ngay được (về trọng lượng và chiều dài) những đứa cùng lứa tuổi với nó ngay từ đầu đã ăn uống bình thường. Tình hình cũng diễn ra tương tự trong trường hợp từ đầu đứa trẻ đã bị “đói xung động” một cách có hệ thống. Về sau có “cho nó ăn” bao nhiêu, “nạp” cho nó những xúc cảm tích cực gì, nó cũng không thể tiếp nhận trọn vẹn và rút ra được lợi ích. Như chúng ta nói trong trường hợp như thế, năng lực duy trì sự tiếp xúc đầy đủ với thế giới xung quanh của đứa trẻ đã bị phá hỏng ở tận nền móng.

Để khách quan, chúng tôi xin nói rằng ta rất ít gặp những trường hợp rõ ràng cho thấy sự phát triển tinh thần của trẻ bị vi phạm. Nhưng những hình thức vi phạm “nhẹ” do không đánh giá đúng tầm quan trọng của các xung động bên ngoài thì ta có thể gặp nhiều hơn và trước hết ta gặp khi bố mẹ bận quá hay có nhiều “hứng thú” quá nên đứa trẻ phải sống một mình trong nhiều tiếng đồng hồ. Trong phạm vi tầm nhìn của nó chẳng có gì thay đổi, còn môi trường xung quanh thì đơn điệu và bất động. Ai đã quan sát đứa trẻ 2-3 tháng tuổi sẽ không thể không nhận thấy nó phản ứng rất sống động với tia nắng lọt qua vòm lá cây, với cái cảnh ánh sáng và bóng râm như nô giỡn, và vẫn đứa trẻ đó sẽ như thế nào nếu rèm cửa sổ khép kín, còn trên trần nhà trắng toát chẳng có gì mà nhìn. Bởi vậy, phòng dành cho trẻ sơ sinh ở nhà trẻ không nên “trắng toát” như bệnh viện, phía trên các giường con nên treo những đồ chơi nhiều màu sắc đung đưa như đứa trẻ cựa quậy và thay bằng đồ chơi khác khi chúng không còn hấp dẫn trẻ nữa.

Ngày nay, chúng ta không còn cương quyết gạt bỏ việc bế trẻ “ru nín” nữa. Ngược lại, trong khi bế trẻ trên tay, chúng ta có thể đưa nó lại gần vật này vật nọ để nó xem cho rõ, thậm chí để nó sờ tay vào, rồi ta gọi tên những vật ấy. Tất nhiên như vậy tuyệt nhiên không có nghĩa là hễ đứa trẻ oe oe khóc, ta phải chiều ngay: hoặc ru, hoặc dỗ, hoặc cho ăn, thay tã... Nuông quá, sẽ chỉ làm nó yếu đuối chứ không rèn luyện được tính cách nó. Nhưng chúng ta phải hiểu rõ rằng đứa trẻ không phải là trò vui và một cái máy vô hồn, mà là một con người với những nhu cầu riêng. Điều đó có nghĩa đối với từng đứa trẻ phải có cách xử sự riêng, tính tới những đặc điểm chỉ riêng một mình nó có.

Nhu cầu về ăn và ngủ có thể khác nhau ngay cả những đứa trẻ sinh đôi. Cũng như chúng có thể có phản ứng khác nhau đối với ấm, lạnh, âm thanh, chói tai, đột ngột, giọng nói của người này người kia, sự lại gần nó của bố mẹ... Trước cùng một hiện tượng, hệ thần kinh của mỗi đứa trẻ phản ứng theo những cách khác nhau, và nếu đối với tất cả con cái chúng ta, chúng ta đều muốn đạt tới mục tiêu là khoẻ mạnh và phát triển hài hoà, thì chúng ta phải biết tiếp cận từng đứa phù hợp với cá tính riêng của nó.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4313-02-633737426297671252/Nam-nam-qui-bau-cua-dua-Con/Tam-ly-tre-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận