Tài liệu: Alfred Rényi (1921 - 1970)

Tài liệu
Alfred Rényi (1921 - 1970)

Nội dung

ALFRED RÉNYI (1921 - 1970)

 

Sinh ngày 20 tháng 5 năm 1921, Alfred Rényi (Aneret Rêni) là con của một Kỹ sư cơ khí, người Hongrie. Ông ngoại của Rényi là một nhà nghiên cứu triết học và phê bình văn học nổi tiếng. Chính ông ngoại và mẹ đã truyền cho Rényi lòng say mê và những kiến thức vỡ lòng về văn học và triết học. Những kiến thức đó đã giúp cho Rényi rất nhiều về sau này trong quá trình sáng tạo toán học của ông. Năm 1939, tuy tốt nghiệp phổ thông trung học với điểm số cao nhất, ông vẫn không được nhận vào trường Đại học Tổng hợp, nơi ông ngoại mình là Giáo sư! Song đức tính kiên trì và tài năng đã đưa lại cho ông giải nhất trong cuộc thi toán hàng năm do hội đồng toán học tổ chức. Với thành tích này, ông được nhận vào học tại khoa Toán - Lý Đại học tổng hợp Budapest sau khi đã lao động ở nhà máy đóng tàu được một năm.

Tháng 5 năm 1944, ông tốt nghiệp Đại học và gần một năm sau, tháng 3 năm 1945, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ toán. Thời kỳ gặt hái, những thành công rực rỡ đầu tiên của ông là giai đoạn ông được đề cử đi Lêningrad từ tháng 10 - 1946 đến tháng 7-1947. Với nỗ lực phi thường, ông đã tập trung sức lực và thời gian để viết và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nổi tiếng của mình. Ngoài ra, ông còn công bố hai công trình khác và bước đầu làm quen với lý thuyết xác suất, một ngành toán học sau này là lĩnh vực nghiên cứu của chính ông.

Năm 1949, ông được phong Giáo sư và được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học Hongrie và đảm đương chức vụ Viện trưởng viện Toán học ứng dụng (sau này đổi tên là Viện toán). Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy, từ năm 1952 là Giáo sư lãnh đạo bộ môn xác suất thống kê trường Đại học Tổng hợp Budapest. Nói đến sức sáng tạo phi thường của Alfred Rényi, trước hết phải nhắc tới con số những công trình đã xuất bản của ông từ năm 1944 cho đến khi mất đột ngột do bệnh tim (ngày 1 tháng 2 năm 1970).

Ông đã để lại 365 công trình lớn nhỏ, trong đó có những cuốn sách chuyên khảo dày tới năm sáu trăm trang. Có một điều bất ngờ là khi mất đi, trong phòng làm việc của ông không còn lại một dự án nào còn dở dang. Bạn bè và đồng nghiệp của ông hết sức khâm phục và gọi ông là “người sáng tạo cực nhanh”.

Tên tuổi của Rényi gắn liền với trường phái nghiên cứu thuyết xác suất thống kê của Hongrie và thực sự ông là cha đẻ của nó. Khi bắt đầu làm quen lý thuyết xác suất trong thời gian ở Lêningrad, được làm việc với các Viện sĩ ở Kolmogorov và Linnik, ông đã nhanh chóng đi sâu vào chuyên ngành này: trở về nước với tài năng tuyệt vời và sức hút mạnh mẽ. ông đã xây dựng một đội ngũ nghiên cứu đông đảo những nhà nghiên cứu trẻ đầy triển vọng, đặt nền móng và xây dựng trường phái xác suất thống kê Hongrie.

Đồng nghiệp và học trò của ông đều hết sức khâm phục tài năng của Rényi trong việc ứng dụng lý thuyết xác suất để giải quyết các vấn đề thực tế rất khác nhau, từ các quá trình công nghiệp hóa, sinh vật, giao thông đến điều chỉnh giá cả thị trường,... Hơn hẳn những người khác, ông đã nhanh chóng hiểu được bản chất toán học của vấn đề và cũng rất nhanh chóng tìm ra được mô hình toán học thích hợp nhất cho nó.

Sự phong phú và phát triển mạnh mẽ của khoa học trong đó có toán học ở thế kỷ XX đã làm cho người ta khó tìm được những nhà Bác học nghiên cứu nhiều lĩnh vực toán học như Gauss hay Euler ở các thế kỷ trước. Càng ngày càng ít người có khả năng nghiên cứu đồng thời trên nhiều lĩnh vực chuyên môn và kết hợp được kết quả của nhiều chuyên ngành rất khác biệt nhau. Viện sĩ Alfred Rényi là một trong số những người hiếm hoi đó.

NGÔ DUY MINH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390179236118750/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận