VIỆN SĨ LEVĐ. LANĐAO (1908 - 1968)
Có nhiều điều thú vị kể về Lanđao nhưng cũng khó kể. Khó trước hết vì ông là một nhà lý luận sản phẩm trí tuệ của ông là vô số những phép tính, công thức phương trình. Ngôn ngữ của những biểu tượng toán học khô khan và không mấy ai hiểu được. Nhưng những người am hiểu ngôn ngữ này, coi những công trình của Lanđao như một tác phẩm thơ ca nhiều tập; mà một chương đã khám phá ra nhiều đặc điểm chưa từng ai biết và những quá trình có liên quan đến thế giới hạt nhân nguyên tử, của các hạt cơ bản, chất Plasma, hiện tượng từ tính siêu dẫn, hiện tượng siêu lỏng, thuyết điện động lực học lượng từ, vật lý thiên văn và nhiều điều bí ẩn khác của thiên nhiên. Nhiều điều cao siêu trong những tính toán lý thuyết của ông, cho đến nay, chỉ có những nhà vật lý - nhà tư tưởng lỗi lạc nhất mới hiểu được. Vì vậy có một lần, lụ.Rume – người bạn hồi trẻ của Lanđao và là tác giả cùng cộng tác với ông trong lĩnh vực này đã kiên quyết tuyên bố rằng: “ý định làm cho người không phải là nhà vật lý am hiểu về sự nghiệp sáng tác khoa học của Lanđao trong những bài báo ngắn - đó là một ý định không thích hợp. Nó phải được bác bỏ ngay từ đầu”.
Sau tai nạn ô tô cực kỳ nghiêm trọng xảy ra năm 1962, không những chỉ có các nhà y học lớn nhất thế giới, mà còn có nhiều nhà vật lý học nổi tiếng bậc nhất của các nước đã tham gia cứu chữa cho Lanđao. Nhưng người sáng lập ra trường phái vật lý lý thuyết Xô viết đã không thể trở về với khoa học được nữa. Năm 1968, ông qua đời. Nhưng những gì ông đã kịp thời làm được trước khi xảy ra tai nạn bi thảm, sẽ làm cho tên tuổi ông mãi mãi được ghi vào lịch sử khoa học. Việc ông được bầu làm Viện sĩ của nhiều Viện Hàn Lâm và hội khoa học của nước ngoài là một sự công nhận cấp bậc cao nhất các tác phẩm của ông: Lanđao đã được giải thưởng Lênin, ba giải thưởng Quốc gia, và giải thưởng Nobel.
Vậy, Lanđao đã đến với khoa học như thế nào?
Thời thơ ấu
Ông sinh năm 1908 ở Baku. Cha mẹ ông là những người lao động trí óc, đã có nhiều cống hiến cho nước Nga. Cha là Kỹ sư, chuyên gia ngành dầu mỏ, mẹ là Giáo sư y học. Còn cậu bé Lêva (tên thường gọi Lanđao hồi nhỏ) là một Thần đồng! Trong một chừng mực nào đó quả là vậy. Ở trường phổ thông, sau khi vào học ngay lớp ba, cậu đã bỏ qua lớp bốn, lên thẳng lớp năm.
Tốt nghiệp xuất sắc phổ thông năm 13 tuổi, cậu nộp đơn vào trường Đại học Tổng hợp Baku. Vì còn “quá trẻ” cậu bị từ chối, nhưng năm 14 tuổi cậu đã đạt được mục đích của mình - vào trường Đại học Tổng hợp và bắt đầu học ngay tại hai khoa – hoá và toán lý. Sau ba năm cậu tốt nghiệp Đại học tổng hợp và chàng thanh niên mười bảy tuổi đến Lêningrad, tiếp tục học tại khoa lý của trường Đại học Tổng hợp Lêningrrad. Năm 18 tuổi Lanđao đăng tác phẩm khoa học đầu tiên của mình. Lần đầu tiên, Lanđao đưa ra khái niệm của cái gọi là ma trận tỷ trọng - sau này là một khái niệm quan trọng của vật lý lượng tử.
Năm 1929, Nhà nước cử Lanđao ra nước ngoài nghiên cứu khoa học, ông đã đến thăm các trung tâm khoa học của Đan Mạch, Đức, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Anh và gặp gỡ các nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng: Paoli, Orenphextơ, Vichne và nhiều người khác. Nhưng đặc biệt quý giá với ông là cuộc gặp gỡ ở Copenhagen với Niels Bohr vĩ đại, là người có uy tín lớn nhất trong vật lý nguyên tử.
Lanđao cho đến giờ phút cuối cùng của đời mình vẫn coi con người thông thái và tốt bụng này là bậc thầy của mình.
Tại nước ngoài, nhà vật lý 21 tuổi của nước Nga Xô Viết đã tham dự nhiều hội nghị chuyên đề, hội thảo và đã làm các bạn đồng nghiệp lớn tuổi của mình ở châu Âu phải ngạc nhiên vì sự hiểu biết sâu rộng không chỉ các lĩnh vực cổ điển của vật lý, mà cả những tư tưởng phức tạp nhất vừa hình thành trong bộ môn này. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ vài năm, sau khi đi công tác ở nước ngoài về, Lanđao đã thành lập ở Kharkov một trung tâm vật lý lý thuyết lớn. Các nhà Bác học có tên tuổi trên thế giới như Xambô, Paoli, Đirắc thường tới thăm trung tâm này.
Nhà sáng tạo
Nhà Bác học trẻ tuổi ở Kharkov đã tập hợp được một nhóm những người cùng chí hướng là ''trường phái Lanđao" nổi tiếng sau này. Họ đã đem lại vinh quang cho nền khoa học Xô Viết.
Năm 1937, Lan đao đến Moskva để mãi mãi gắn liền với hoạt động nghiên cứu của mình với viện nghiên cứu các vấn đề vật lý của Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô. Vào thời gian này, phát minh của ông được gọi là "hiện tượng từ tính Lanđao'' đã nổi tiếng trong ngành vật lý thế giới. Nói một cách khác, ông không chỉ giảng dạy say mê mà còn tích cực sáng tạo, khám phá ra những tính quy luật của thiên nhiên cho đến nay vẫn chưa hề ai biết.
Một thời gian dài trước khi giải thích cặn kẽ mọi chi tiết về cơ chế vật lý của tính siêu dẫn, Lanđao (cùng với Viện sĩ Liên Xô Vitali Ginbua) đã thành lập được phương trình của tính siêu dẫn. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế tạo các hợp kim siêu dẫn. Những công trình của ông giải thích việc sử dụng chất Plasma giúp chúng ta đặt nhiều hy vọng vào nguồn năng lượng vô tận của tương lai - nguồn năng lượng nhiệt hạch.
Lý thuyết về hiện tượng siêu lỏng của Heli lỏng do Lanđao sáng tạo, đã được công nhận trong nền khoa học thế giới. Lý thuyết này không những đã giải thích được hiện tượng kỳ lạ đến mức bí ẩn của hiện tượng siêu lỏng của Heli do nhà vật lý Xô Viết Piốtr Capitxa, người được giải thưởng Nobel phát hiện ra. Nó còn tiên đoán được kết quả rất phù hợp với lý thuyết, đã được các nhà thực nghiệm khám phá ra sau này. Thành công trình đó, theo đề nghị của một loạt các nhà vật lý học nổi tiếng nhất thế giới, đã được tặng giải thưởng Nobel - là một sự công nhận Quốc tế cao nhất trong lĩnh vực khoa học. Xin trích dẫn một đoạn đối thoại ngắn sau đây giữa Lanđao với một trong số các học trò của ông, người học trò hỏi:
- Đao (các bạn và học trò thường gọi Lanđao một cách yêu mến như vậy), thầy coi tác phẩm nào của mình là có giá trị nhất?
- Lý thuyết về hiện tượng siêu lỏng. Vì cho đến nay chưa ai hiểu được thực sự lý thuyết này.
Dĩ nhiên trong câu trả lời này cũng có đôi chút pha trò. Nhưng pha trò ở chỗ nào?
Trước đây người ta cho rằng hiện tượng siêu lỏng vốn là đặc điểm chỉ có ở Heli, đồng thời chỉ có trong điều kiện nhiệt độ gần với độ không tuyệt đối. Nhưng sau đó đã phát hiện được những ngôi sao neutron mà những lớp vật chất của những hình cầu này được đốt nóng đến một tỷ độ. Hóa ra là một phần đáng kể chất lỏng neutron siêu nóng tạo thành tinh cầu lại ở trong trạng thái siêu lỏng. Chúng ta cũng không loại trừ là, hiện nay các nhà vật lý đang nói rằng cả hạt nhân nguyên tử thông thường cũng mang trong nó những chất có tính siêu lỏng. Và tất cả những tư tưởng quan điểm mới này là do lý thuyết của Lanđao đề ra.
Con người
Có lẽ tất cả những con người “vĩ đại” đều có quyền lập dị. Lanđao cũng vậy. Ví dụ, âm nhạc hoàn toàn không gây cho ông một cảm xúc nào.
Tuy vậy, ông lại thích thơ ca và có thể ngâm nga khá lâu bằng các thứ tiếng khác nhau (ông biết khá nhiều ngoại ngữ) các bài thơ của nhiều nước.
Là một con người hoạt động và yêu đời, ông không chịu được sự giả dối, xu nịnh và phê phán gay gắt những thói xấu đó. Không phải vô cớ ở trên cánh cửa phòng ông ở Kharkov có treo một tấm biển với dòng chữ rất hài hước, châm biếm: “L.D LanĐao. Cẩn thận, cắn đấy!”.
Ông không thể bàng quang nếu được chứng kiến một sự bất công dù là rất nhỏ xảy ra. Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè gọi ông là “lương tâm của những nhà vật lý Xô Viết”. Bản thân ông không bao giờ dối trá ai và ông căm ghét sự dối trá đó ở những người khác.
Ông hoàn toàn không chịu được tính làm cao, kênh kiệu và những lời lẽ khoa trương bay bướm. Ông khinh bỉ những kẻ lười biếng và có lần đã lớn tiếng nói với một anh chàng lười nhác là: ''Nếu anh làm việc như vậy, anh sẽ mọc đuôi”, ý ám chỉ là ''sẽ trở lại với loài khỉ”.
Ông đánh giá rất cao và luôn luôn bảo vệ sự trong sáng của khoa học khỏi sự thao túng của những kẻ bất tài mà lại to mồm.
…"Người không am hiểu khoa học - có lần ông nói - khó hình dung được ngành vật lý học đã phát triển sâu rộng biết chừng nào trong việc tìm hiểu các quy luật của thiên nhiên và một cảnh tượng kì diệu biết chừng nào đã được mở ra... Và, có lẽ, thắng lợi vĩ đại nhất của thiên tài con người là ở chỗ con người có thể hiểu được những sự vật mà nó không thể hình dung nổi”.
(Theo tài liệu của Thông tấn xã Novôxti
KH - ĐS số 2 3-1985)
Nỗi oan trái của nhà Bác học Lév Lan Đao
May mắn nhất trong cuộc đời Lan đao được gặp một người có con mắt tinh đời và tấm lòng nhân hậu, đó là ông trưởng khoa Toán - Lý, trường Tổng hợp Baku. Mùa Hè năm 1924, ông viết về người học trò của mình:
- Tôi thấy có phận sự phải lưu ý những năng khiếu đặc biệt của người sinh viên trẻ tuổi tài năng này, người đã liếp thu dễ dàng và sâu sắc các môn học đồng thời của cả hai khoa. Nếu như khoa Toán – Lý trường tổng hợp Lêningrad tạo điều kiện cho anh hoàn thiện học vấn của mình, tôi tin chắc rằng sau này quý trường sẽ có quyền tự hào vì đã đào tạo được cho nước Nga một nhà hoạt động xuất sắc”.
Và thế là năm 16 tuổi, Lanđao được chuyển tới theo học tại khoa Vật lý trường tổng hợp Lêningrad. Mới 21 tuổi, ông tốt nghiệp đại học và bảo vệ xong luận án. Năm 1929, còn là một thanh niên, ông được gửi ra nước ngoài một năm rưỡi để đến làm việc tại những trung tâm khoa học lớn nhất châu Âu.
Từ đó đến tháng 3 năm 1937, Lanđao làm việc tại Viện vật lý kỹ thuật Ucraina, kiêm chủ nhiệm bộ môn Vật lý đại cương của trường Đại học Tổng hợp Kharkov. Vào hồi đó tình hình ở đây rất đáng lo ngại, bắt đầu có những cuộc bắt bớ các nhà khoa học. E ngại cho số phận của Lanđao, lúc đó Piôtr Kapitxa mời ông tới Moskva làm việc ở Viện nghiên cứu mà Kapitxa làm Viện trưởng.
Bấy giờ trong giới khoa học từ ''siêu dẫn'' còn rất “mốt”. Phát minh này hứa hẹn một cuộc cách mạng trong khoa học và kỹ thuật kể cả năng lượng học. Trước đó, Lanđao đã có những đóng góp to lớn trong lý thuyết siêu dẫn. Nhưng đóng góp lớn hơn nhiều của ông là xây dựng lý thuyết về siêu chảy - đó là sự chuyển động. “Sự chảy” của chất lỏng mà không hề có sức cản, không có độ nhớt. Heli ở nhiệt độ gần không độ tuyệt đối là một chất có tính chất như thế. Hiện tượng siêu chảy do Piôtr Kapixta phát hiện năm 1937 ở Viện Kapitxa và Lanđao chủ yếu nghiên cứu hiện tượng này. Song, giữa lúc việc nghiên cứu đang được tiến hành khẩn trương thì Lanđao bị bắt...
Thư của Kapítxa gửi Staline
Moskva ngày 28- 4 -1938
Thưa đồng chí Staline!
Sáng nay, người ta đã bắt L.Đ. Lan đao, một cộng tác viên khoa học của Viện chúng tôi. Mặc dù mới 29 tuổi, Lan đao cùng với Phlốc là những nhà vật lý lý thuyết lớn nhất của nước ta. Những công trình của anh về từ học và về lý thuyết lượng tử được trích dẫn thường xuyên trong các tài liệu ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Vừa mới năm ngoái, Lan đao đã công bố một công trình nổi tiếng trong đó lần đầu tiên chỉ ra một nguồn năng lượng mới trong các ngôi sao. Công trình đó đã cho một lời giải đáp khả dĩ cho câu hỏi: - Tại sao năng lượng của Mặt trời và các ngôi sao không bị suy giảm rõ nét theo thời gian và cho tận đến nay năng lượng đó vẫn chưa cạn? Chính Niels Bohr và các nhà khoa học xuất sắc khác đã thừa nhận những ý tưởng đó của Lan đao sẽ có một tương lai rất rộng lớn.
Chắc chắn việc mất Lan đao với tư cách một nhà khoa học đối với Viện chúng tôi, đối với khoa học Xô Viết cũng như khoa học thế giới không thể lờ đi được mà sẽ được cảm nhận một cách mạnh mẽ. Tất nhiên, sự uyên bác cũng như tài năng dù lớn lao đến đâu đi nữa cũng không cho phép con người vi phạm luật pháp. Và nếu như Lan đao có lỗi, anh ấy phải gánh lấy trách nhiệm. Tôi tha thiết đề nghị đồng chí chiếu cố đến tài năng đặc biệt của Lan đao mà ra chỉ thị thích hợp để người ta đặc biệt lưu ý đến vụ án này. Tôi cũng nghĩ rằng nên xét đến cá tính của Lan đao, một cá tính nếu nhìn một cách đơn giản thì có thể nói là xấu. Anh ấy là người hay gây sự thích tìm những sai lầm của người khác và khi tìm được - nhất là đối với những ông già quan trọng như các Viện sĩ của chúng ta thì anh lại hay trêu chọc một cách không tôn kính. Vì thế Lan đao đã tạo cho mình nhiều kẻ thù.
Với Lan đao ở Viện chứng tôi cũng không dễ dàng gì, mặc dù anh cũng đã chịu nghe lời khuyên răn và cũng đã khá hơn. Vì tài năng đặc biệt của Lan đao, tôi đã tha thứ cho sự trái tính trái nết của anh. Song với tất cả những khuyết điểm trong tính cách của Lan đao tôi cũng rất khó mà tin được rằng anh lại có thể làm một điều gì đó bất chính.
Lan đao còn trẻ và sẽ còn cống hiến được nhiều cho khoa học. Không ai khác với tư cách là nhà khoa học có thể viết về tất cả những điều này, vì vậy tôi mạnh đạn viết lá gửi cho đồng chí.
P.KAPITXA
Đáp lại bức thư điềm tĩnh và đầy sức thuyết phục đó là sự im lặng. Có tin đồn là người ta độc ác buộc tội Lan đao làm gián điệp cho phát xít Đức và Kapítxa lại viết tiếp một lá thư mới.
Thư của Kapítxa gửi Môlôtốv
Moskva 6 - 4 - 1939
Thưa đồng chí Môlôtốv!
Gần đây, khi nghiên cứu Heli lỏng ở gần không độ tuyệt đối tôi đã thành công phát hiện được nhiều hiện tượng mới, ngõ hầu làm sáng tỏ được một trong những lĩnh vực bí ẩn nhất của vật lý học hiện đại. Trong mấy tháng nay, tôi đang suy nghĩ sẽ cho công bố một phần trong số các công trình đó. Để làm việc này tôi rất cần sự giúp đỡ của một số nhà lý thuyết. Ở nước ta người nắm được tới mức hoàn hảo ở lĩnh vực lý thuyết mà tôi đang cần là Lév Lan đao. Nhưng tai hại thay anh ấy lại đang ngồi tù từ hơn một năm nay.
Tôi vẫn hy vọng người ta sẽ thả anh ấy, vì cũng cần phải nói thẳng ra rằng tôi không thể tin Lan đao lại là một tên tội phạm Quốc gia. Tôi không tin như thế bởi vì một nhà Bác học trẻ tài năng rực rỡ như Lan đao, người mà mới ba mươi tuổi đời đã nổi danh nhất châu Âu, hơn nữa lại là một người trọng danh dự và tràn đầy những chiến công khoa học khiến cho không còn năng lực, cảm hứng và thời gian dư thừa để làm những hoạt động thuộc loại khác. Sự thật thì Lan đao là một người ác khẩu và khi lạm dụng điều đó, lại với một đầu óc thâm thúy nữa, anh đã tạo cho mình nhiều kẻ thù, những kẻ luôn luôn thích thú gây cho anh những điều khó chịu. Nhưng cho dù cá tính của anh có rất xấu đi nữa, tôi cũng chưa bao giờ thấy anh có hành động bất chính nào.
Tất nhiên khi đề cập tới tất cả những chuyện đó tôi đã can thiệp vào công việc không phải của mình, vì đây là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ dân ủy về nội vụ. Song dẫu sao tôi vẫn nghĩ rằng cần phải nêu lên những điểm sau mà tôi cho là bất bình thường:
1 - Lan đao đã ngồi tù một năm mà việc điều tra vẫn chưa kết thúc, thời hạn điều tra như vậy kéo dài một cách không bình thường.
2 - Với tư cách là thủ trưởng cơ quan, nơi Lan đao làm việc, tôi vẫn chưa biết người ta buộc anh về tội gì.
3 - Điều chủ yếu là đã một năm nay, do một nguyên nhân gì không biết, khoa học Xô Viết cũng như khoa học thế giới đã bị tước mất bộ óc của Lan đao.
4 - Lan đao là người ốm yếu và nếu làm cho anh ấy kiệt sức, chết một cách vô ích thì điều đó thật đáng xấu hổ cho những người Xô Viết chúng ta.
Bởi vậy, tôi viết thư này đề nghị đồng chí.
1 - Liệu có thể đặc biệt lưu ý Bộ dân ủy về nội vụ đẩy nhanh việc giải quyết vụ Lan đao không?
2 - Nếu không thể được thì có thể sử dụng bộ óc của Lan đao cho công tác khoa học trong khi vẫn để anh ấy ngồi tù. Nghe đồn với các Kỹ sư người ta cũng đã làm như vậy.
P.KAPÍTXA
Vào thời kỳ đó mà viết những bức thư như vậy phải là người hết sức dũng cảm và có một trách nhiệm công dân rất cao. Những bức thư của Kapítxa đúng là vừa dũng cảm nhưng cũng rất thông minh, khôn khéo và giàu sức thuyết phục. Không phải ngẫu nhiên mà ông kiên trì nhắc nhở về sự ác khẩu và cá tính phức tạp của Lan đao. Chính bằng cách đó ông muốn giải thích nguyên nhân của thái độ thiếu thiện chí của một số đồng nghiệp đối với Lan đao: Đó là do sự ghen ghét tài năng và sự bực bội có tính chất cá nhân. Và dường như nhà Bác học đã mách bảo cho Bộ dân ủy về nội vụ lối thoát khỏi tình hình đó. Bởi vì mục tiêu chính của Kapítxa là bằng mọi giá phải cứu Lan đao không bị chết trong tù.
Nhờ sự kiên trì của Kapítxa, uy tín Quốc tế của ông, cũng như chiến thuật sáng suốt và khôn khéo, cuối cùng người ta đã mời ông tới gặp ''thủ trưởng cao cấp'' của Bộ dân ủy về nội vụ. Ở đó, người ta đã cho ông xem một tập “hồ sơ” dày cộm, Lan đao đã rơi vào tình trạng phải ký nhận tất cả mọi sự buộc tội quỷ quái và vô lý. Như Kapítxa kể lại sau này, lúc đó ông hiểu ngay rằng bác bỏ từng trang một tất cả những điều kỳ quặc đó là hoàn toàn vô nghĩa vì có thể sẽ bị chìm ngập trong đó. Ông đã gạt tập ''hồ sơ'' sang một bên và kiên trì khẳng định sự vô căn cứ của lời buộc tội Lan đao làm gián điệp.
Kapítxa bảo lãnh cho ''tên kẻ thù của nhân dân'' mặc dù ông hiểu rõ rằng điều đó sẽ gây cho chính bản thân ông nỗi nguy hiểm như thế nào.
Thư của Kapítxa
Gửi Bêria
Ngày 26 - 4 - 1939
Tôi đề nghị thả Giáo sư vật lý Lév Đaviđovích Lan đao dưới sự bảo lãnh của cá nhân tôi.
Tôi xin đảm bảo trước Bộ dân uỷ về nội vụ rằng Lan đao sẽ không có những hoạt động phản cách mạng chống lại chính quyền Xô Viết trong viện của tôi và tôi cũng sẽ sử dụng mọi biện pháp thuộc khả năng của tôi để ông Lanđao không có những hoạt động phản cách mạng cả ở ngoài Viện nữa.
P.Kapítxa
Việc này đã khiến cho Bêria suốt đời căm thù Kapítxa. Đã nhiều lần Bêria định thanh toán nhà Bác học này nhưng trong thời gian chiến tranh, y đã không làm được.
Những công trình của Viện sĩ Kapítxa đã có ý nghĩa to lớn đối với quốc phòng cũng như uy tín khoa học của ông đối với thế giới đã không cho phép y trấn áp trả thù. Nhưng rồi một cơ hội đã đến với y vào năm 1946, Kapítxa đã nổi giận và do thường xuyên xung khắc với Bêria đã từ chối không tiếp tục tham gia những nghiên cứu về hạt nhân mà Chính Phủ giao cho Beria lãnh đạo. Ông viết rằng, Bêria cũng như người chỉ huy không đọc được bản dàn bè thì không thể nào điều khiển dàn nhạc được. Thế là người ta thải luôn ông ra khỏi Viện mà chính ông đã lập nên, nơi ông đã là Viện trưởng không thể thay thế được và sau đó còn thải luôn ra khỏi trường Tổng hợp Moskava nữa.
Tại nhà nghỉ của mình trên Núi Nicôlin, từ một cái nhà kho, Piôtr Kapítxa đã cùng với con trai - cũng là nhà vật lý - và người trợ tá thường xuyên của ông là Sergei Ivanovits Philimonov dựng nên một phòng thí nghiệm và họ làm việc ở đó suốt 8 năm trời. Mãi tới năm 1955, P. Kapítxa mới trở lại làm Viện trưởng Viện các vấn đề vật lý.
Trở lại năm 1940, P. Kapítxa muốn giải quyết dứt điểm vụ Lan đao ''kẻ thù của nhân dân'', người được ông bảo lãnh. Ông quyết định đưa Lan đao vào danh sách đề cử Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô.
Thư của P.Kapítxa gửi Môlôtốv
Moskava ngày 31 - 3 - 1940
Thưa đồng chí Môlôtôv!
Nhân cuộc bầu Viện sĩ sắp tới vào Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô, do Viện sĩ Vavilốv đang bị ốm, O.Yu Smít (hồi đó là Phó chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô - ND) đã đề nghị tôi giới thiệu một danh sách đề cử. Giới khoa học đều nhất trí đề cử Lan đao với tư cách là ứng cử viên có triển vọng ứng cử nhất. Nhưng họ đều không biết Lan đao đang ở trong tình trạng dưới sự bảo lãnh của tôi. Vì không biết ai khác trong giới lãnh đạo ngoài đồng chí tôi quyết định phiền đồng chí về vấn đề này và xin đồng chí cho biết liệu điều đó có cản trở việc đưa Lan đao vào danh sách đề cử hay không?
Cũng cần phải nói rằng tính nết của Lan đao đã khá hơn, mềm mỏng và có kỷ luật hơn, và cứ đà này thì anh sẽ trở thành một người không đến nỗi nào. Về khoa học, Lan đao làm việc rất nhiều và vẫn xuất sắc như trước. Sau một năm anh ấy đã làm được hai công trình lớn.
Để đồng chí khỏi mất công, nếu sau sáu ngày nữa (thời hạn phải trình danh sách cho Smít) mà tôi không nhận được chỉ thị gì khác của đồng chí tức là tôi có thể đưa Lan đao vào danh sách.
P. Kapítxa
Những năm 1941, do chiến tranh, các cuộc bầu Viện sĩ vào Viện Hàn Lâm khoa học nói chung không được tổ chức. Và tới tháng Giêng năm 1946, Lan đao được bầu làm Viện sĩ chính thức của Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô.
Mặc dù có những oan trái cuộc đời, Lan đao vẫn là người hạnh phúc trong sáng tạo khoa học giữa những học trò và bè bạn của mình. Công trình nổi tiếng về xây dựng lý thuyết siêu chảy đã hoàn tất. Và do tổng thể những nghiên cứu trong lĩnh vực này mà cả Lan đao lẫn Kapítxa đều đã được trao giải thưởng Nobel về vật lý: Năm 1962 cho Lan đao và năm 1978 cho Kapítxa.
Theo tạp chí Ngọn lửa nhỏ
Số 3, tháng 1 năm 1988
(KH – ĐS số 8 – 16/4/1998) TH.H (dịch)