Tài liệu: Mikhail Ghêrasimôv

Tài liệu
Mikhail Ghêrasimôv

Nội dung

MIKHAIL GHÊRASIMÔV[1]

 

Ghêrasimốv là một nhà nhân loại học, khảo cổ học kiêm điêu khắc Xô Viết nổi tiếng. Nhà Bác học này lừng danh thế giới do công việc phục chế những bộ mặt căn cứ ở hộp sọ.

Sử dụng những phương pháp do chính mình phát triển, từ năm 1927, ông đã tạo ra hàng chục chân dung điêu khắc; bao gồm cả những chân dung người vượn Pitecantrov, Java và Xinantrov. Ông đã phục chế điêu khắc những mẫu dân cư sống ở Liên Xô từ thời đồ đá cũ tới thời hiện đại. Do khối lượng và sự chính xác về công việc của ông, Mikhail Ghêrasimôv vượt hẳn tất cả những hoạt động được thực hiện trong lĩnh vực này trên thế giới. Dưới đây là một số mẩu chuyện nói lên một phần tài năng của ông.

Iarôsláv Trí Duệ (anh minh)

Câu chuyện bắt đầu với các bóng đen bao phủ những nhân vật quan trọng.

Lịch sử còn ghi lại rất nhiều về Iarôslav (974 - 1054), đại Công tước Vương quốc Kiév (Vương quốc lớn nhất châu Âu thời đó, bao gồm vùng thượng lưu sông Volga và sông Đông) và là một nhà chính trị lớn của nước Nga cổ xưa. Những người đương thời mặt cho Iarôsláv biệt hiệu là Trí Duệ để ca ngợi con người khôn ngoan và thông thái này.

Hộp sọ đã có thời ấp ủ những tư tưởng của một con người khôn ngoan, giờ đây đang nằm trong tay nhà điêu khắc. Đây là lần đầu tiên, một người đảm nhiệm công việc khôi phục lại bộ mặt của một nhân vật lịch sử.

Ghêrasimôv đã giải quyết thành công vấn đề khó khăn đó, ông đã tạo được đầu của một người chết từ chín thế kỷ trước. Cần phải giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là phải cho cái tượng đó đội mũ, có một kiểu tóc và quần áo. Phải dựa vào những bức tranh tường, các bức tiểu họa in trong sách và chứng cớ tìm thấy của khảo cổ học. Kết quả là đã được một bức chân dung điêu khắc một nhà Vua trong những năm cuối đời, có cặp mắt thông minh, sâu hoắm, và một bộ râu nhọn. Chẳng bao lâu sau khi công việc điêu khắc phục hồi đã hoàn thành, những người phục chế làm việc ở nhà thờ Thánh Sôphia tìm ra một bức tranh tượng cổ nằm dưới một lớp thạch cao khá mới. Giữa bức tranh này là hình một ông già đội Vương miện nhà Vua. Cặp mắt ông già đó nằm sâu trong tròng mắt và dưới cằm là một bộ râu nhọn. Không còn nghi ngờ gì nữa, vẫn chính là con người đó. Thành công của Ghêrasimôv thật hoàn hảo.

Chân dung ''Hổ thọt''

Tamelan (khoảng 1336 - 1405), người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ ở Trung Á, còn được gọi bằng những tên khác nhau: Hổ Thọt “Kẻ gây tai họa cho thế giới”', Thiết Mộc Nhĩ, Timua Gurugan. Không có bức chân dung nào của Timua được để lại, bởi luật lệ Đạo Hồi cấm vẽ hoặc tạo chân dung người sống.

Ghêrasimôv được mời đến nhà thờ Đạo Hồi Guamia ở Xamacan để "khuấy động giấc ngủ của kẻ gây tai họa cho thế giới'', bắt hắn "hiện lên từ đáy thời gian''.

Bước đầu tiên là mở ngôi mộ đó để tìm xem bộ xương của Hổ Thọt còn tốt hay không. Nếu bộ xương còn tốt, có thể bắt đầu dựng lại một bức chân dung điêu khắc. Công việc dường như rõ ràng, dứt khoát. Nhưng thật khó phân biệt đâu là thật, đâu là bịa. Điều không thể bác bỏ được là Timua, con trai của Tácgai, là một người Mông Cổ đã Thổ Nhĩ Kỳ hóa. Timua sinh năm 1336, và mất năm 1405. Theo chứng cớ thời đó, Timua bị thương ở chân trong một trận chiến đấu với quân Thổ Nhĩ Kỳ khi hắn 28 tuổi. Người chiến binh danh tiếng này thọt và một tay bị thương tật. Nhưng hắn là một người kiên trì và tàn bạo. Hắn đã chinh phục được nửa thể giới: Thổ Nhĩ Kỳ, Kim Trướng (một phần của Đế quốc Mông Cổ nằm trên đất Nga), Ân Độ... Cái chết của hắn đã cứu thế giới khỏi bị tàn phá chết chóc thê thảm. Trước sự căm ghét của nhân dân, để dân chúng không được biết về cái chết của hắn, người ta đã đưa thi hài của hắn về Xamacan và chôn giấu giếm dưới vòm mái nhà thờ Guamia màu thanh thiên. Điều này được ghi lại trong giấy tờ cổ xưa bằng một thứ chữ viết tay đẹp đẽ.

Ngoài các giấy tờ cổ xưa đó, còn có những truyền thuyết mà các nhà khoa học bất đắc dĩ phải tin. Nhiều truyện được truyền tụng về Timua. Có truyền thuyết đáng tin là hắn đã từng đánh nhau với cha hắn. Khi lưỡi gươm đã tuốt ra khỏi vỏ thi Timua nhận ra Tácgai. Không còn kịp nói gì nữa, Timua dùng bàn tay không nắm lấy gươm của cha giữ chặt lưỡi gươm, và chịu một nhát đâm khủng khiếp vào lòng bàn tay. Có những bài ca nói về chuyện đó. Nhưng sự thực như thế nào? Có truyền thuyết dân gian cho rằng mái tóc của Timua Hổ Thọt màu đỏ. Các nhà sử học hoài nghi chuyện này, cho rằng theo phong tục phương Đông, Timua đã dùng cây lá móng (Lowsonia inermis) để nhuộm râu tóc. Còn có rất nhiều truyền thuyết khác, có truyền thuyết đẹp đẽ, có truyền thuyết khủng khiếp, nhưng tất cả đều bị bao phủ trong lớp sương mù mờ mịt của thời gian. Chẳng ai nói được bộ mặt của Timua trông như thế nào.

Phiến đá vôi nặng nề, bề mặt có ốp đá mã não dạng dải (onixơ) đặt từ năm trăm năm trước, giờ đây được nhấc ra khỏi mộ. Sau khi cậy hết lớp vữa kiểu Trung Á, người ta đỡ ra nhiều chiếc xà đá được đẽo thô sơ. Những mảng còn lại của một tấm vải màu xanh da trời sẫm, có thêu chỉ bạc, cũng được gỡ nốt và nắp quách được nâng lên. Một đám bụi thơm bốc lên, mùi nhựa cây nồng nặc tràn ngập hầm. Mọi người hoa mày chóng mặt. Một số người thậm chí bất tỉnh. Hương thơm phai dần nhưng vẫn còn phảng phất, từ nấm mồ trong nhiều giờ. Bộ xương của Timua còn đó!

Đối với Mikhail Ghêrasimôv đây là một thời kỳ bận rộn, và hầu như ngày nào cũng mang lại được một điều gì đó mới mẻ. Cổ tay phải của Timua quả thực bị thương tật do một nhát gươm. Đầu hắn có mái tóc dài (trong chiến dịch cuối cùng của mình, người chiến binh hung dữ này không có thời gian cạo râu tóc như luật lệ. Đạo Hồi đòi hỏi) và màu đỏ gạch tự nhiên, không hề có dấu vết nào chứng tỏ là được nhuộm bằng chồi và lá của cây lá móng, hắn có bộ ria mép Mông Cổ trễ xuống, đúng như truyền thuyết dân gian đã nói đến. Các học giả đã từng bác bỏ truyền thuyết về bộ ria này bởi vì người theo Đạo Hồi không được phép để ria. Nay người ta thấy luật lệ đó có ngoại lệ: một chiến binh có thể chọn cách để bộ râu ria theo ý thích của mình. Cuối cùng thế giới đã có được hình ảnh chân thực đầu tiên Tamelan. Đó là một người Mông Cổ cao lớn, vóc dáng mạnh mẽ, một chân thọt và một tay bị thương tật đầu có những nét điển hình của Mông Cổ và Thỗ Nhĩ Kỳ, rất ngạo nghễ trên đôi vai. Chân dung “kẻ gây tai họa cho thế giới” là như thế đấy.

Ở Xamacan, trên trần tường của nhà thờ Đạo Hồi Bibi Khanum, cũng do Tamean cho xây dựng, có một dòng chữ cổ. Do sai lầm của nhà kiến trúc, dòng chữ cổ này trở thành buồn cười hoặc thông minh tùy theo cách đọc. Nhà kiến trúc muốn viết dòng chữ đầy kiêu ngạo và gây khiếp sợ: ''Timua là cái bóng của Thượng đế trên Trái đất”, nhưng do tính toán sai lầm không còn đủ chỗ, nên chỉ còn là: "Timua là cái bóng". Trong năm thế kỷ người ta đọc và suy nghĩ về ý nghĩa của những chữ đó, Ghêrasimốv đã biến cái bóng này trở thành một hình ảnh trông thấy được, và ông đã được khoa học biết ơn.

Phương pháp Ghêrasimốv

Điều quan trọng nhất về nghệ thuật của Ghêrasimốv là không chỉ đưa vào cảm hứng, mà còn dựa vào những định luật chính xác và tính toán toán học. Để rõ thêm phương pháp làm việc của Ghêrasimốv, chúng tôi thấy không gì bằng mạn phép trích lời của chính Ghêrasimốv kể với C. Dongianski:

Tủ phiếu này đựng vô số công thức, kiểu mẫu, sơ đồ số liệu tính toán. Chúng tôi chứa đựng ở đây kết quả của 20 năm nghiên cứu, phát hiện bất ngờ, khám phá, thất vọng. Nghiên cứu thực tế và chiếu điện quang, xác định về bề dày của trong mô hợp thành khuôn mặt. Có những cái có thể gọi là tiêu chuẩn cố định, tuy cũng có ít nhiều thay đổi tùy theo lứa tuổi.  Đôi khi có những chỗ cần tuỳ theo độ gồ lên của xương gò má mà sửa đổi. Cho nên chúng tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng xương sọ và phải đo đạc thật chính xác. Như thế mới phát hiện được hình dáng chủ yếu của khuôn mặt đang tìm kiếm, sau đó chúng tôi dùng đến những bảng do chúng tôi lập ra, để vẽ đồ thị những bộ phận có thịt của khuôn mặt. Vẽ xong, chúng tôi đắp cho khuôn mặt nổi lên một cách thỏa đáng. Rõ ràng đây là phần khó khăn nhất của công việc. Không chính xác tưởng như tí ti thôi trong việc suy đoán chiều dày của bắp thịt, bộ mặt có thể sai khác hoàn toàn. Một khi những góc cạnh chủ yếu của khuôn mặt đã tìm thấy rồi, thì các khoảng cách ở giữa được lấp bằng mát tít. Tượng chân dung thế là gần xong. Chỉ còn phải gắn thêm tóc, lông mày, râu ria,… Người ta cứ hay quên bẵng đi sự khác biệt giữa công việc của tôi với công việc của nghệ sĩ. Nhà điêu khắc có thế nhấn mạnh nét này hay nét khác của bộ mặt, đều ít nhiều thể hiện tình cảm, nhấn mạnh một số đặc điểm tâm tính của mẫu. Còn mục đích công việc của tôi là đạt tới sự thật có tính chất tư liệu. Điêu khắc trong phòng phục nguyên phải phục hồi bộ mặt thật của mẫu, có thể nói là phục hồi chân dung giải phẫu học của mẫu. Những yếu tố cơ bản của hình dáng sọ ràng buộc tôi. Nếu khuôn mặt nào đó có vẻ sinh động hơn khuôn mặt khác, thì đó chẳng qua là vì trong đời sống thật, có những người có bộ mặt sinh động hơn người khác. Không có cái gì bí ẩn ở đây cả. Phương pháp chúng tôi xây dựng hoàn hảo đến mức không phải chỉ một đôi người học được các bí quyết của nó. Một số học trò cũ của tôi hiện nay công tác hoàn toàn độc lập trong nước ta và ở nước ngoài, nhất là ở Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Rumania. Các bạn đồng sự của tôi là G. Lebedinskaia và Tsuabina đã phục nguyên hình nhiều khuôn mặt theo sọ mà không cần một sự giúp đỡ nào. Trong bài này, C. Dongianski viết: Nhà Bác học đi đến chỗ tạo được những nét biểu lộ tình cảm tinh tế phi thường. Bí quyết ở đây  là gì? Chúng tôi được biết rằng sự vận động hằng ngày của các bắp thịt ở mặt để lại trên xương những vết nhăn không bao giờ phai mờ. Đo đạc trong phòng phục chế cho phép khám phá ra những dấu vết nhỏ nhất đó, và phục hồi lại được những khuôn mặt còn in dấu buồn hay vui khô khan hay dịu dàng. Ai cũng biết rằng mặt người không cân đối. Việc nghiên cứu tỉ mỉ các đặc điểm của sự không cân đối đó đưa đến điều khám phá thú vị: dù cho khuôn mặt không cân đối đến mức nào chăng nữa, thì ở tất cả mọi người, một số bộ phận của khuôn mặt trùng hợp với cùng những bộ phận ấy của khuôn mặt mẹ, và một số bộ phận khác trùng hợp với các bộ phận tương ứng của khuôn mặt cha. Đã từ lâu, ai cũng phải thừa nhận rằng tìm ra được hình dáng cái loa tai rất khó. Việc này càng khó, vì tai mỗi người có hình dáng duy nhất, cũng như dấu lăn đầu ngón tay, chẳng ai giống ai. Khó khăn này đã được giải quyết: Khoa học đã phát hiện ra rằng có mối liên quan giữa sụn của cánh mũi và sụn của loa tai, và từ lâu chúng tôi đã biết phục hiện nguyên hình của mũi chính xác như chụp ảnh vậy. Ngày nay có thể căn cứ vào sọ mà nói rằng sinh thời người có sọ đó hói trán hay không, lông mày giao nhau hay không, mi mắt thế nào..."

(KH – ĐS

Số 2 – 16 – 1 – 1980). T.Đ




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390176730025000/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận