LINUS PAULING (1901 - 1994)
Linus C. Pauling - một trong những gương mặt sáng chói nhất của nền khoa học thế kỷ XX, một nhà hoạt động không mệt mỏi cho hòa bình thế giới đã mất ngày 19 - 8 - 1994 vì bệnh ung thư tại trang trại của ông ở Bắc Carolina, thọ 93 tuổi.
Nhiều người coi Pauling là một trong những nhà hóa học vĩ đại nhất mà thế giới đã từng biết đến. Sự nghiệp của ông trải dài suốt 7 thập niên - một thời kỳ mà hoá học đã phát triển như vũ bão từ khi chỉ là một môn khoa học mô tả để trở thành một trong những môn khoa học có ích nhất, mạnh mẽ nhất, như ngày nay Pauling, người đã dành những năm tháng sung sức nhất trong đời với tư cách là Giáo sư hoá học tại Viện công nghệ California đã đóng vai trò quyết định trong cuộc phát triển ấy.
Trước cái chết của L.Pauling, Ahmeh H.Zewail, Giáo sư hoá lý tại Caltech đã nói "Thế giới vừa mất một nhà khoa học và một nhà nhân đạo vĩ đại. Linus Pauling rất độc đáo trong sáng tạo. Ông đã có những đóng góp to lớn cho ngành hoá học, là người đặt nền móng để hiểu được các khái niệm cơ bản như độ âm điện, cộng hưởng, hiện tượng lai tạo và ông cũng là cha đẻ của ngành sinh học phân tử hiện đại”.
John D.Robert, Giáo sư hoá học tại Caltech cũng nói về Pauling như sau ''Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự hiểu biết cơ bản của chúng ta về hóa học và sinh học. Những công trình mà ông đã thực hiện là hết sức quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là ông đã chỉ ra cho chúng ta cách suy nghĩ khác đi về các liên kết hóa học và các hệ sinh học”. Robert còn gọi Pauling là nhà quán quân của hòa bình thế giới.
Pauling sinh ngày 28-2-1901 tại Porland. Ông tốt nghiệp Viện Nông nghiệp Oregon (nay gọi là trường Đại học Tổng hợp bang Oregon) năm 1922 và nhận học vị Tiến sĩ hóa học tại Caltech năm 1925.
Trong những năm 20, Pauling là một trong những nhà khoa học đầu tiên sử dụng được công cụ mới của thời đó là tinh thể học tia X để xác định chính xác cấu trúc phân tử và từ đó bắt đầu say mê nghiên cứu lâu dài về vai trò của cấu trúc phân tử trong chức năng phân tử.
Các công trình của Pauling về bản chất của các liên kết hóa học kể cả những khái niệm về cộng hưởng và lai tạo đã làm thay đổi tận gốc bộ môn hóa học ảnh hưởng của thuyết này đến hóa học có thể sánh ngang với ảnh hưởng của thuyết tương đối của Einstein đến vật lý học. Việc áp dụng thuyết cấu tạo hóa học của Pauling vào các phân tử sinh học mở đầu một cuộc cách mạng trong sinh học phân tử đến nay vẫn còn tiếp diễn. Do những đóng góp cho môn hóa học, đặc biệt là các công trình về liên kết hóa học, Pauling đã được trao giải thưởng Nobel về hóa học năm 1954.
Ngoài sự nghiệp khoa học, Pauling còn cống hiến sức mình cho các hoạt động khác mà ông yêu tha thiết, nhưng lại thường làm cho các nhà chính trị và những đồng nghiệp bảo thủ của ông tức giận. Trong những năm 50, ông đã đạt được việc cấm thử vũ khí hạt nhân nhờ bản kêu gọi có chữ ký của trên 11.000 nhà khoa học trên thế giới.
Ông cũng lớn tiếng chống chiến tranh. Năm 1951, ông cùng với 51 nhà khoa học khác được giải Nobel kêu gọi chấm dứt việc dùng chiến tranh để thanh toán mọi sự bất đồng.
Pauling được giải thưởng hòa bình năm 1962, và đấy chính là sự thừa nhận những cố gắng của ông trong việc đòi cấm thử vũ khí hạt nhân. Do đó, ông là nhân vật duy nhất từ xưa đến nay một mình nhận 2 giải thưởng Nobel mà không phải chia xẻ với ai. Nhưng những hoạt động dẫn đến việc ông được nhận giải thưởng Nobel lần thứ hai đã phải trả giá. Đầu những năm 50, ông bị ủy ban điều tra những hoạt động chống nước Mỹ của Hạ nghị viện coi là người có cảm tình với cộng sản và thậm chí chính là một người cộng sản. Bộ ngoại giao Mỹ từ chối không cấp hộ chiếu cho ông năm 1952 vì cho rằng việc ông ra nước ngoài không phục vụ gì cho lợi ích của nước Mỹ. Chỉ sau khi ông nhận được giải thưởng Nobel, năm 1954 ông mới nhận được hộ chiếu.
Năm 1960, Pauling đã bị kết tội coi thường Quốc hội vì không trao cho thượng nghị viện danh sách những nhà khoa học đã giúp ông thu thập chữ ký đề ra bản tuyên bố cấm thử vũ khí hạt nhân, ông rời bỏ Caltech năm 1963, sau 21 năm ở cương vị Chủ tịch phân ban hóa học và hóa kỹ thuật một phần do các hoạt động của ông đã làm rạn rứt mối quan hệ của ông với ban lãnh đạo Viện.
20 năm trước đây, Pauling đã gây nên một cuộc tranh cãi về cái ông gọi là ''Y học phân tử ortho" và nhất là quan niệm của ông cho rằng một liều lượng lớn Axit ascorbic hoặc vitamin C có thể ngăn được các loại cảm lạnh thông thường và phòng được bệnh ung thư.
Pauling cũng hoạt động tích cực trong Hội hóa học Mỹ mặc dầu cũng giống như trong các hội khác mà ông tham gia, quan hệ của ông với hội đôi khi cũng có những sóng gió. Ông tham gia Hội Hóa học năm 1920, là Chủ tịch năm 1949 và ủy viên Ban chấp hành từ 1948 - 1950. Khi làm Chủ tịch Hội ông đã kêu gọi Hội phải tích cực tham gia vào việc phòng chống chiến tranh hồi đó là lập trường đối lập.
Ông cũng công khai tỏ ý bất đồng với Ban chấp hành về việc năm 1954, Ban chấp hành từ chối không kết nạp Irène Joliot Curie - Giải thưởng Nobel về hoá học - làm thành viên của Hội hóa học do Hội không thừa nhận quan điểm chính trị của bà. Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, Irène Joliot Curie đã hoạt động trong các phong trào được coi là chịu ảnh hưởng của cộng sản.
Trong những năm tháng cuối đời, nhiều rạn nứt trong quan hệ của Pauling với những tổ chức mà ông từng va chạm đã được hàn gắn. Caltech lại mở rộng vòng tày đón ông vào những năm 80 như là một trong những cựu thành viên nổi tiếng nhất. Hội Hóa học đã trao cho ông vinh dự cao nhất. Huân chương Priestley năm 1984. Ban chấp hành Hội hóa học họp ở Washington cuối tháng 8 - 1994 đã thông qua nghị quyết biểu lộ tình cảm sâu sắc của mình trước việc Pauling - một người khổng lồ trong số các nhà hóa học – qua đời.