HOẢ TÁNG
Hỏa táng được lưu truyền ở Trung Quốc từ lâu. Mọi người thường cho rằng lối tang lễ này thịnh hành rất sớm ở Ấn Độ, cuối triều Hán mới được truyền vào Trung Quốc cùng với Phật giáo. Trên thực tế hỏa táng đã xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc. Sách Liệt Tử cho biết ''phía Tây Tần có nước Nghi Cừ (vùng ven các sông Kinh Hà, Khánh Dương, Cam Túc ngày nay) thi thể người chết được người ta chất củi đốt lên, khói bốc lên người ta cho là hồn được bay cao sau này trở thành người con có hiếu''. Việc tang lễ được mô tả như vậy, người thì cho đó là thủ đoạn chính trị, người thì cho là phong tục, thực ra thì cả hai đều đúng. Có thể thấy vào thời Xuân Thu - Chiến quốc xa xưa, Trung Quốc có một số vùng dân cư có tập tục hỏa táng: Thời Tống, tục hỏa táng được lưu hành ở nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc. Tống Sử phần Lễ giáo viết: ''Có người kiến nghị cấm hỏa táng và đề xướng cách chôn cất thi hài ở trong những khu đất bỏ hoang xa vắng. Nhưng vào đời Thiệu Hưng năm thứ 28 có một viên quan sáng suốt phản bác lại cho rằng xưa nay đa số người đã quen với hỏa táng, thói quen đó đã trở thành phong tục khó mà thay đổi ngay được. Ông chủ trương người nghèo và những người dân tộc khác chết thì tạm thời theo phong tục đó”. Một số tư liệu khác cho biết, vùng sông nước phía tả ngạn Triết Giang có tục người chết dù là người giàu có quyền lực cũng đều hỏa thiêu như các sư trong chùa cho tiện lợi.
Xưa kia nhiều dân tộc ít người của Trung Quốc như dân tộc Mông Cổ, Thổ, Khương đều hỏa táng, nhưng hình thức hỏa táng có một số điểm khác nhau. Các vị quý tộc, Vương công, những nhà giàu có khi chết được lột bỏ những bộ quần áo đang mặc, lấy lụa trắng tốt bọc lại rồi đặt ở một nơi nào đó theo như ý muốn của Lạt Ma, tiếp đến người ta niệm chú theo tập tục. Khoảng năm ngày sau, con cháu, bạn bè, người thân tụ tập đông đủ để đưa thi thể người đó ra một cánh đồng rộng rồi để lại vài ba người trông coi. Mười bốn ngày sau người ta mới hỏa thiêu thi thể đã được bôi mỡ cùng với những thứ mà lúc sống người đó thích. Hỏa thiêu xong người nhà thu nhặt tro xương. Sắp xếp tro xương có nhiều cách, có cách dùng đũa gắp hài cốt, trước tiên đặt vào một cái bánh bột mì, sau đó đặt vào những cái chậu sâu hoặc tiểu sành theo ý của Lạt Ma. Người ta mang những chậu sành hoặc tiểu sành chôn ở những khu mộ của gia đình mình bày tỏ mãi mãi nhớ thương người đã khuất. Lại có cách dùng gấm đỏ gói tro xương lại đặt ở sân chùa, sau đó rắc tro xương vào những cái lư hương; các vị Lạt Ma, tụng niệm cầu mong cho người chết nhanh chóng được “lên thiên đàng”. Hoặc có cách người ta dùng tro xương trộn với bột mì nặn thành hình người; họ cho rằng người chết đã thành Phật, rồi đặt vào trong tháp ở miếu gần đó, hoặc đem đặt ở nơi xa xôi linh thiêng trên Ngũ Đài Sơn. Dù đặt tro xương người chết theo cách nào và ở đâu họ hàng thân thuộc của người chết đều dùng vàng bạc châu báu và gia súc cúng tế Lạt Ma, đó là điều kiện để duy trì việc cúng tế lâu dài. Sau khi làm xong những thủ tục đó, có nhiều gia đình họ hàng người chết vào đó để tỏ lòng tưởng nhớ người đã chết. Còn dân du mục nghèo khổ, người chết vì những bệnh truyền nhiễm, chết vì bệnh phụ khoa, nghi thức hỏa thiêu đơn giản hơn nhiều. Khi chết thi thể được đem ra khỏi nhà, tiếp đó lấy một bát sữa bò hắt ra khắp bốn phía, đồng thời đốt cành cây hoặc phân trâu bò để hun các lều trại, nhằm đuổi Thần dịch bệnh. Thi thể sau ba ngày được hỏa thiêu trong nơi thâm sơn cùng cốc, người nhà tới thăm, nếu như tro xương còn lại một ít tức là người chết ''phải xuống địa ngục'', nếu như tro xương bay về phía Tây tức là người chết đã ''lên thiên đàng''. Người nhà khóc lóc thảm thiết và đề nghị Lạt Ma cầu kinh sám hối cho tới khi không còn vết tích của tro xương.
Người dân tộc Thổ khi chết, người trong gia đình đặt người chết ngồi dậy, hai tay bắt chéo nhau, hai ngón tay cái đặt dưới xương cổ rồi dùng sợi vải hoặc sợi đay trắng rộng 5 tấc buộc lại, từ các khớp ngón tay cho tới các khớp ngón chân, mỗi khớp xương đều thắt một nút, rồi lấy một mảnh vải hình chóp chùm lại. Người Thổ thường chế ra một thứ linh kiệu để đựng thi thể người chết gọi là “Oát đông”. “Oát đông” của người già được làm rất tinh xảo, giống như một cái điện thờ ba gian hai tầng, tác phẩm của những người thợ điêu khắc lành nghề khéo tay. ''Oát đông'' được trạm trổ hoa văn cùng những bức tranh hoa cỏ bóng bẩy, màu sắc sặc sỡ, giống như điêu khắc ở lầu vàng gác ngọc vậy. Đỉnh ở giữa của ''Oát đông'' có hình Mặt trăng, Mặt trời tỏa hào quang. Thi thể của người chết được đặt vào bên trong “Oát đông”. Trong thời gian lo tang lễ, các gia đình người Thổ, ngoài việc mời Lạt Ma hoặc thấy Mo (Đạo giáo) tụng Kinh cầu siêu ra, họ phải mời người làng hàng tối tới niệm Kinh Phật. Bình thường mỗi gia đình một người, nhưng ai muốn đến từ già tới trẻ đều được chấp thuận cả. Khi tụng Kinh, người ta thường dùng các loại thức ăn như bánh kẹo, quẩy không nhân rán bằng dầu thực vật và nước trà để tiếp khách, đó gọi là tập tục bố thí. Trước khi đưa ma một ngày các nghi thức tang lễ chính thức được cử hành. Những người bạn bè thân thích khi biết tin cáo phó đều nhất nhất phải chịu tang, tùy theo quan hệ thân sơ và tập quán ma chay để dâng cúng, gồm một bộ (12 cái bánh bao) hoặc hai bộ thức ăn chay, gà cúng, vàng mã, tiền phúng... Ngày hôm ấy, con trai, con gái, con dâu túc trực bên linh cữu đều phải khóc. Bài khóc đám ma người Thổ gọi là ''Đạo đề'', có khúc điệu không thay đổi, lời ca thì tùy theo quan hệ giữa người khóc với người chết mà có sự khác nhau, đa số là kể lể công lao đức hạnh của người chết và sự thương xót buồn khổ của người sống. Người ta trải những chiếc chiếu hình tròn để đón tiếp những người đến viếng và cũng dùng thức ăn chay và thức ăn ngọt bằng các loại bánh kẹo, quẩy không nhân rán bằng dầu thực vật và nước trà. Xong tang lễ mỗi người đều lấy một nửa chiếc bánh mang về. Họ hàng ruột thịt thì ở lại ngày hôm sau đưa ma, khách khứa đều đến từ biệt ngày hôm đó. Khi hỏa táng, người ta khiêng ''Oát đông'' đặt lên một cái “đàn” đã chuẩn bị sẵn, rồi đưa thi thể ra khỏi “Oát đông” đặt lên ''dàn'' hỏa thiêu, bôi thêm mỡ và đập vỡ ''Oát đông'' cho lên thiêu cùng với thi thể.
Thời cổ xưa, người dân tộc Khương cũng thường áp dụng hỏa táng. Sách Lã thị xuân thu - Nghĩa Thưởng có viết: ''Tù binh người Khương không sợ mệt nhọc đau đớn vì trói buộc, chỉ sợ chết không được hỏa táng''. Sách Thái bình ngự lãm có trích lời Trang Tử, cũng viết: ''Người Khương chết, đốt lửa hỏa táng, lửa cháy mạnh tới mức bay cả tro xương''.
Người Hương hỏa táng người chết thông thường ba ngày sau khi chết, trước khi hỏa táng nhất thiết phải mời thầy Mo tới niệm chú, sau đó khiêng quan tài tới nơi hỏa táng của gia tộc mình. Khi hỏa táng, người ta kéo mái che dàn hỏa táng ra chỗ khác, đặt quan tài lên giàn, sau đó đặt củi bốn phía để đốt. Lúc ấy gia quyến người chết ngồi xung quanh khóc lóc và hát những bài ca bi thương gọi là ''Hiếu ca''; họ múa những điệu múa đặc biệt chuyên dùng trong tang lễ. Hỏa thiêu xong, người ta chôn tro xương dưới đất hoặc đặt vào trong hang đá ở vùng thuộc xã Nhạn Môn, huyện Vấn Châu, tỉnh Tứ Xuyên, mỗi một dòng họ người Khương có một khu mộ, mỗi thôn có chín khu mộ hỏa táng. Những khu mộ này nằm sát thôn trại, dùng gỗ hoặc đá dựng thành hình giống như một ngôi nhà cao khoảng năm thước, vuông vức, có cửa nhỏ; người chết được hỏa thiêu cùng quan tài, thiêu xong bỏ tro vào mộ qua chiếc cửa đó. Có nơi phân biệt, đặt riêng ra nam bên trái, nữ bên phải. Có nơi đặt cả nam và nữ vào cùng một ngôi mộ. Trước mộ người ta đều trồng một cây gọi là bách tế Thần, khi cúng tế thì ngắt cành cây đốt để cúng tế.