VĂN HÓA ẨM THỰC PHƯƠNG ĐÔNG
“…Dùng các vị thuốc có dược tính khác nhau để trị bệnh, dùng ngũ cốc làm chất dinh dưỡng, dùng ngũ quả làm chất bổ trợ, dùng thịt năm loài gia súc làm chất bổ dưỡng, dùng năm loại rau để cho thêm đầy đủ. Ăn uống hòa hợp khí và vị sẽ giúp bổ tinh ích khí”…
Sách Tố vấn
Thiên Tàng khí pháp thời luận
Ăn uống là cơ sở vật chất hàng đầu của sự sinh tồn và cải tạo thể chất con người, đồng thời cũng là tiền đề của sự phát triển xã hội, của văn hóa, văn minh. Văn hóa ẩm thực nảy sinh cùng với sự xuất hiện xã hội loài người và ngày càng phong phú tùy theo sự phát triển của nền văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Động lực ban đầu của sự phát triển văn hóa ẩm thực là sự sản xuất lương thực, là nhu cầu thỏa mãn cái đói và nuôi dưỡng cơ thể. Chính vào lúc loài người thoát khỏi nền kinh tế săn bắn, hái lượm thuần túy dựa vào tự nhiên cũng là lúc loài người khai phá ra con đường sản xuất thực phẩm và các nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt cá ra đôi, tạo cơ sở vật chất cho sự sinh tồn của loài người.
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật sản xuất, con người ngày càng tích lũy được những tri thức phong phú về thực phẩm, hiểu rõ tính năng của từng loại thức ăn và học tập cách sử dụng thức ăn vào những mục đích khác nhau, như nuôi dưỡng cơ thể, bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh, phát triển trí tuệ, v.v. . .
Ở Đông phương, với một nền văn minh tối cổ như văn minh Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc,…ngay từ những thời đại xa xưa, con người đã biết tích lũy được những tri thức sâu sắc, phong phú và độc đáo xung quanh vấn đề ẩm thực thường nhật của con người. Và ngày nay, trong lúc con người sôi nổi bàn bạc, thảo luận đến vấn đề sức khỏe, vấn đề bệnh học thế kỷ XX, vấn đề đào tạo nhân tài, v.v… Thế giới chừng như nhận ra và có xu thế quay về với truyền thống ẩm thực thanh đạm của các hiền triết Cổ đại Đông phương.
* Người xưa đi thi ăn gì?
Theo sử sách các Tú tài Cổ đại Trung Quốc, cứ mỗi lần đi thi thí sinh thường ăn nhiều một loại thức ăn là hồ đào. Theo kinh nghiệm, trong những lúc cần động não căng thẳng, nhớ lại tức thời, thể hiện tài ứng đối v.v... ăn hồ đào đã giúp cho đầu óc các nhà Tú tài sáng suốt, minh mẫn, kinh sách tái hiện mạch lạc, rạch ròi. Trong các bí phương còn lưu truyền lại, người Trung Hoa xưa đã phát hiện được nhiều vị thuốc có tác dụng ích trí, cường trí. Chẳng hạn trong Bị cấp thiên kim yếu phương, Tôn Tư Mạc đời Đường có nói: Viên xương bồ ích trí gồm các vị xương bồ, viễn chí, ngưu tất, cát cánh, nhân sâm, bạch phục linh, chế phụ tử, nhục quế. Tất cả tán nhỏ, trộn với mật, viên thành viên, ngày uống hai lần sẽ có tác dụng ích trí, dưỡng tâm, an thần, tăng cường trí nhớ. Cũng trong sách này, ông còn đưa ra phương thuốc Dưỡng mệnh, khai tâm, ích trí có tác dụng phát triển trí tuệ, tăng cường trí nhớ, ôn thận tráng dương. Trong những cuốn sách cổ như: Thần nông bản thảo kinh; Bản thảo cương mục; Thiên kim dục phương, v.v. . . đều có liệt kê những vị thuốc có tác dụng ích trí. Ví dụ “xương bồ” được mệnh danh là tinh anh của thủy thảo, linh dược của Thần tiên; “phục linh” được coi là có công dụng khai tâm ích trí, an hồn phách, dưỡng tinh thần; "long nhãn'' thì giúp ích trí, ninh tâm, dưỡng huyệt, an thần...
Có thể nói, qua kinh nghiệm ngàn đời, người Đông phương đã tích lũy được những tri thức phong phú và quý giá về phép ẩm thực phát triển trí tuệ. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học, các nhà dinh dưỡng học quan tâm nhiều đến phép ẩm thực Đông phương. Các công trình nghiên cứu hiện đại đã cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa dinh dưỡng với sự tăng trưởng của não và sự phát triển trí tuệ. Thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng thất thường sẽ ảnh hưởng đến chức năng và sức khỏe của toàn não bộ. Dinh dưỡng đúng phép ẩm thực có thể tăng cường một số quá trình tâm lý trong hoạt động trí tuệ: như trí nhớ, tư duy, tưởng tượng.
Những thực nghiệm trên động vật và những công trình nghiên cứu trên người đã chứng minh rằng tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể đưa đến tai họa đối với sự phát triển trí tuệ con người. Nếu như động vật trong thời gian mang thai (đặc biệt là trước lúc sinh) thiếu dinh dưỡng và sau khi sinh vẫn tiếp tục thiếu dinh dưỡng sẽ dẫn tới số lượng tế bào não của động vật con thiếu hụt, thể tích cũng nhỏ bé. Thời gian thiếu dinh dưỡng sau khi sinh càng dài thì tác hại càng lớn. Các chuyên gia Anh quốc đã thí nghiệm trên chuột bạch: hạn chế thời gian bú sữa của chuột bạch nhằm làm thiếu chất dinh dưỡng, sau một tháng tiến hành giải phẫu thì thấy não của chúng có sự khác biệt rõ rệt với những chú chuột bạch được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Các chuyên gia thuộc Sở nghiên cứu dinh dưỡng của người thuộc trường Đại học Columbia - Mỹ đã tiến hành nghiên cứu não của những trẻ em chết do những biến cố ngẫu nhiên hoặc do trúng độc đã phát hiện thấy rằng hiện tượng thiếu dinh dưỡng cũng ảnh hưởng tương tự đến sự phát triển của bộ não đứa trẻ. Cách đó ít lâu các nhà khoa học tiến hành điều tra ở một bang của Cộng hòa Liên bang Brazil đã phát hiện thấy có 200 nghìn bà mẹ có trình độ phát triển trí tuệ không bằng các trẻ em 12 tuổi. Thì ra, các bà mẹ này lúc nhỏ bị thiếu Protein nên đã làm cho trí tuệ của họ thấp hơn các trẻ em bình thường 12 tuổi. Và như tất cả chúng ta đều biết, cơ sở vật chất của trí tuệ, của hết thảy mọi hành vi con người là não bộ. Sự phát triển tốt, xấu như thế nào của não ảnh hưởng trực tiếp đến trí tuệ con người, mà then chốt của sự phát triển của não là ở chỗ con người có ăn vào đủ những chất dinh dưỡng cần thiết cho nó hay không.
Người Đông phương xưa, qua kinh nghiệm đã ý thức được rõ điểm này. Vì vậy, các Tú tài khi đi thi ăn hồ đào quả là có lý. Những kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm hiện đại đã cho hay rằng, trong hồ đào có rất nhiều Lipít, mà phần lớn lại là các Axít béo chưa no có quan hệ mật thiết đến cấu tạo sinh lý của não.
Khoa học ngày nay đã cho hay rằng, các tế bào não chủ yếu do bảy loại thành phần dinh dưỡng dưới đây tạo thành:
Lipit: chiếm 60% thành phần tế bào não.
Protein: chiếm 35% thành phần tế bào não.
Đường
Họ vitamin B
Vitamin C
Vitamin E
Canxi
Trong bảy thành phần trên, Lipit chiếm vị trí chủ yếu. Lipit có nhiều trong động vật, các loại dầu thực vật các loại đậu sữa, mỡ v.v... Trong cơ thể người, Lipit tồn tại dưới dạng Lipit nhìn thấy và Lipit không nhìn thấy. Lipit nhìn thấy chỉ chất béo dưới da hình thành do Axít béo no được tạo thành trong cơ thể. Còn Lipit không nhìn thấy là Axit béo chưa no của photpholipit và axit linoleic v.v,… do không thể tạo thành trong cơ thể nên nó còn có tên gọi là Axit béo không thể thiếu được. Lipit nằm trong thành phần não chính là Lipit không nhìn thấy, cũng tức là Axit béo chưa no, mà Axit béo chứa no có rất nhiều trong hồ đào.
Chính vì vậy mà các nhà dinh dưỡng học ngày nay nói: Trí tuệ có thể được ăn vào qua miệng!
* Y thực đồng nguyên
Trong xã hội nguyên thủy Cổ đại, lúc con người lang thang tìm kiếm thức ăn, đã lần lần phát hiện thấy tính vị và công dụng của các loại thức ăn và các loại thuốc, hiểu ra rằng nhiều loại thức ăn có thể dùng làm thuốc và nhiều loại thuốc có thể dùng làm thức ăn giữa thuốc và thức ăn rất khó phân biệt rạch ròi. Vì thế mà người Đông phương xưa có thuyết Y thực đồng nguyên, xem đó là cơ sở của phép ăn uống chữa bệnh. Trong cuốn sách chuyên nói về thuốc sớm nhất hiện còn giữ được, có cách ta trên hai nghìn năm trước là cuốn Thần nông bản thảo kinh có ghi rõ nhiều loại thức ăn cũng chính là những vị thuốc như vừng, hạt sen, mật ong, long nhãn, táo, nho, hồ đào, muối ăn, gừng, hành tỏi v.v...
Trong cuốn Bị cấp thiên kim yếu phương của Tôn Tư Mạc đã thu thập khoảng trên 150 loại thức ăn chữa bệnh và nhấn mạnh rằng. “Thức ăn có thể trừ tà và an tạng phủ, tinh thần sảng khoái, bổ dưỡng khí huyết”. Cũng trong cuốn sách ấy, một chỗ khác lại nói: trong phép chữa bệnh, trước hết phải hiểu rõ nguồn gốc sinh bệnh, xác đinh rõ bệnh gì, rồi dùng phép ăn uống chữa bệnh, nếu bệnh không lui mới dùng đến thuốc. Những sách chuyên nói về phép ăn uống chữa bệnh lưu truyền từ đời này qua đời khác ta có thể kể: Thực liệu bản thảo, Thực tính bản thảo, Thực y tâm cảnh, ẩm thiện chính yếu, Thực vật bản thảo, Thực giám bản thảo, Tùy tức ẩm cư thực phổ,... Qua đây ta có thể thấy rằng, giới y học Đông phương Cổ đại đã coi trọng phép ăn uống chữa bệnh như thế nào.
Phép ăn uống chữa bệnh là bộ phận tạo thành quan trọng của y học Đông phương, nó chẳng những có một lịch sử lâu đời mà còn lưu truyền rộng rãi. Và trong những năm gần đây, phép ăn uống chữa bệnh không ngừng được nghiên cứu phổ biến, kế thừa, phát huy và ngày càng được giới y học coi trọng và quảng đại quần chúng hoan nghênh.
Cơ sở lý luận và tư tưởng chỉ đạo của phép ăn uống chữa bệnh là học thuyết Âm Dương, Ngũ hành, học thuyết tạng tượng, học thuyết về nguyên nhân gây bệnh, học thuyết về tính vị của dược vật, v.v…
Lấy học thuyết Âm Dương làm tư tưởng chỉ đạo, phép ăn uống chữa bệnh đem những thức ăn sau khi vào cơ thể làm cho con người hưng phấn, cơ thể nóng ấm lên như: hành, gừng, hồ tiêu, rượu, thịt dê, v.v… quy thành thức ăn dương tính, có công dụng ôn dương tán hà; còn những thức ăn sau khi vào cơ thể hạ nhiệt, làm cho con người có cảm giác mát mẻ như bạc hà, dưa hấu, lê, ba ba được quy thành thức ăn âm tính, có tác dụng bổ âm thanh nhiệt. Còn về học thuyết Ngũ hành, người Đông phương chẳng những phối hợp ngũ tạng của cơ thể với ngũ hành, mà còn phối hợp các loại lúa gạo (ngũ cốc), hoa quả (ngũ quả), tính vị (ngũ vị), màu sắc (ngũ sắc) của thức ăn với ngũ hành, ngũ tạng. Nếu như bạch mộc nhĩ sắc trắng nên có tác dụng bổ phế thì hắc mộc nhĩ có sắc đen sẽ có tác dụng bổ thận. Đường vị ngọt, nên thuộc thổ bổ tỳ, giấm chua nên thuộc mộc, quy về gan.
Còn học thuyết tạng tượng là học thuyết Đông y dùng để nghiên cứu chức năng sinh lý nội tạng và hiện tượng bệnh lý. Phép ăn uống chữa bệnh cũng chịu sự chi phối của học thuyết đó. Hãy lấy hoa quả làm ví dụ. Phép ăn uống chữa bệnh cho rằng, quả lê có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, lại do học tạng tượng cho rằng, phế và đại trường có quan hệ biểu lý, liên quan rất mật thiết, do đó lê có tác dụng nhuận trường. Còn táo có tác dụng kiện tỳ và do học thuyết tạng tượng cho rằng, tỳ có liên quan đến sự vận hóa, do đó có tác dụng giúp cho sự vận hóa, cổ trướng, có thể tất các chứng tiết tả.
Trong phép ăn uống chữa bệnh còn có phép trị liệu lấy tạng bổ tạng. Phương pháp này có liên quan với học thuyết tạng tượng. Phép ăn uống chữa bệnh cho rằng nội tạng và các mô động vật có quan hệ bổ dưỡng đặc biệt đối với nội tạng và các mô tương ứng của người, chẳng hạn tim lợn bổ tim, gân hươu bổ gân, xương hổ bổ xương, v.v...
Phép ăn uống chữa bệnh còn chịu sự ảnh hưởng của học thuyết về nguyên nhân gây bệnh. Học thuyết Đông y này cho rằng, các nguyên nhân gây bệnh đại để có thể quy thành các nhân tố gây bệnh như Lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa), Thất tình (vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ) cho đến việc ăn uống, lao lực, đàm ấm, sang chấn, tình dục, ứ huyết, v.v…
Phép ăn uống chữa bệnh cho rằng, những thức ăn khác nhau có thể loại trừ những nguyên nhân gây bệnh nói trên, phát huy lác dụng phòng chữa bệnh tật. Chẳng hạn, hoa cúc có thể khử phong tà, gừng uống có thể khử hàn tà, lê có thể khử táo tà, cà rốt có thể thực đới trệ, hạnh nhân có thể hóa đàm tà, sơn tra có thể trừ ứ huyết v.v...
Ngoài ra, phép ăn uống chữa bệnh còn ứng dụng học thuyết về tính vị của dược vật để chữa bệnh, nghĩa là chữa bệnh dựa vào chức năng tứ khí, ngũ vị của thức ăn, thức uống.
Tứ khí là chỉ bốn loại tính năng khác nhau của thức ăn là hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (ấm), lương (mát). Chẳng hạn: gừng tính nhiệt, dưa hấu tính hàn, thịt dê tính ôn, ba ba tính lương v.v...
Ngũ vị là năm vị khác nhau của thức ăn: tân (cay), cam (ngọt), toan (chua), khố (đắng), hàm (mặn). Vị đã khác nhau thì tác dụng cũng khác nhau. Chẳng hạn: ớt thuộc tân vị, có tác dụng phát tán hàn tà; đường mạch nha thuộc cam vị có tác dụng bổ ích, hòa trung, hoãn cấp, ô mai thuộc toan vị, có tác dụng thu liễm, sinh tân; mướp đắng thuộc khổ vị, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết; sứa biển thuộc hàn vị, có tác dụng nhuyễn kiên, tán kết v.v...
Và nếu như lại khéo biết kết hợp phép ăn uống với phép dùng thuốc chữa bệnh, thuốc và thức ăn hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau; sẽ càng thu được hiệu quả, giúp cho người bệnh mau lành, chóng bình phục.
* Bí quyết trường thọ của người Nhật Bản.
Khoa học hiện đại định nghĩa: sức khỏe là trạng thái cân bằng động của cơ thể với tự nhiên và xã hội, là trạng thái hoàn hảo về thể chất, tinh thần và xã hội. Nhưng thực tế, phần đông chúng ta, với những mức độ khác nhau, ở vào trạng thái không hoàn toàn khỏe mạnh, cũng chẳng có tật bệnh. Trạng thái trung gian giữa mạnh khỏe và bệnh tật này y học gọi là trang thái thứ ba: Trạng thái thứ ba chính là điểm tiếp xúc, đồng thời cũng là điểm chuyển hóa qua lại giữa sức khỏe và tật bệnh. Nếu như cơ thể phát triển theo chiều hướng đi xuống, tật bệnh sẽ lấn át ngấm ngầm, tiềm lực lao động xã hội sẽ ngày càng suy giảm. Rồi sớm muộn, đến một ngày nào đó, tật bệnh sẽ phát triển ở những khâu yếu nhất. Vậy muốn phòng bệnh cần phải cải thiện trạng thái thứ ba. Một trong những phương sách hữu hiệu là cải thiện trên cơ sở khoa học chế độ ẩm thực của con người. Và, khi trạng thái thứ ba đã được cải thiện, có nghĩa là sức khỏe đã được tăng cường, lao động xã hội sẽ được huy động tối đa. Do đó ta thấy vấn đề dinh dưỡng hợp lý có thể tăng cường sức khỏe, dinh dưỡng lệch lạc sẽ dẫn tới tật bệnh.
Những bệnh do ăn uống không đủ chất gọi chung là bệnh suy dinh dưỡng, còn về những bệnh do ăn uống quá độ hoặc mất cân bằng gây ra, ta có thể kể: bệnh béo phì, huyết áp cao, xơ cứng động mạch vành, đái đường, v.v… Và cũng do ăn uống thiếu vitamin A nên đã làm cho nhiều trẻ em mắc chứng khô mắt, nếu như không bổ sung kịp thời có thể dẫn tới mù lòa; còn bệnh béo phì, xơ cứng động mạch vành ở một số nước ngày nay đã trở thành vấn nạn ở nước ta, tuy có giảm đi nhiều về số lượng so với trước đây, song vẫn còn có những trường hợp suy dinh dưỡng và hiện tượng thừa dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không cân bằng tại có chiều hướng tăng lên.
Ở Đông phương, từ lâu các nhà hiền triết đã chú tâm đến phép trường sinh, tức là chú ý đến phép ẩm thực, đạo dẫn, hành khí, coi trọng cả việc nuôi dưỡng bên ngoài và tập luyện bên trong. Kiên trì việc tập luyện bên trong, thông kinh lạc, làm cho khí huyết lưu thông, tăng cường khả năng miễn dịch, ninh tâm ích trí. Còn ăn uống là nuôi dưỡng bên ngoài, có tác dụng làm cho cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, kéo dài tuổi thọ. Những kinh nghiệm phong phú và quý giá về mặt này ngày nay đã được các nhà y học, dinh dưỡng học, hóa thực phẩm, các chuyên gia nấu ăn nghiên cứu, kế thừa và phát huy.
Đại chiến thế giới thứ Hai kết thúc, tuổi thọ trung bình của người Nhật là 49,8; đến năm 1979, tuổi thọ trung bình của nam giới là 73, của nữ giới là 78, trở thành quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới. Bí quyết thành công của Nhật Bản là ở chỗ cải cách chế độ ăn uống, đề xướng phương pháp ẩm thực, coi trọng thức ăn nguồn gốc thực vật ngang hàng với thức ăn nguồn gốc động vật. Phương pháp ẩm thực ngày nay đã được các nhà dinh dưỡng học thừa nhận. Và gần đây nhất, giới y học Nhật Bản đề xướng quan điểm ăn uống hợp lý mới, chú trọng 12 điểm then chốt sau đây:
1. Định rõ thực đơn chính trong tuần
2. Định rõ thời gian và số bữa ăn nhất định trong ngày.
3. Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, không nên ăn lệch mãi một loại thức ăn.
4. Bữa lót dạ không nên quá thừa thãi, thừa dễ dẫn tới béo phì.
5. Nhai kỹ, nuốt chậm.
6. Nên ăn nhiều các loại rau, cá, thịt, trứng.
7. Nấu nướng vừa lửa, đề phòng phá hủy vitamin.
8. Cố hết sức ăn ít muốt, người lớn mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 10 gam muối.
9. Nên ăn nhiều các loại đậu, nhất là sữa đậu.
10. Không nên ăn no quá, ăn vừa đủ thì dừng.
11. Tốt nhất cả gia đình nên ngồi ăn uống đông vui tránh ăn một mình với tâm trạng buồn chán.
12. Nên hết sức tránh những thức ăn có ướp chất chống ôi thiu hoặc thoa phẩm màu, nên ăn nhiều những thức ăn thiên nhiên.
Qua những điều trình bày trên, ta thấy phép ẩm thực Đông phương thấm đượm quan niệm chỉnh thể và phép biện chứng thi thực. Các nhà hiền triết Đông phương cho rằng cơ thể người là một chỉnh thể, thống nhất, con người cũng lại thống nhất với giới tự nhiên. Tính vị, hương sắc của thức ăn liên hệ mật thiết với giới tự nhiên. Cơ thể người dựa vào ăn uống để đạt sự thống nhất toàn vẹn cùng sự cân bằng và thống nhất giữa Âm Dương, khí huyết, ngũ tạng trong nội bộ cơ thể, đồng thời cũng dựa vào ăn uống nhằm làm cho con người thống nhất với giới tự nhiên, hòa đồng Tiểu ngã cùng Đại ngã.
THẾ TRƯỜNG
* Một số tập tục kiêng kỵ cấm trong ẩm thực
- Cấm thịt
Dân tộc Hồi về mặt ăn uống, ngoài việc cấm ăn thịt lợn còn cấm ăn thịt các động vật không nhai lại như chó, lừa, la... cấm ăn cầm thú hung dữ, súc vật chết như bò, lạc đà, cừu... cấm ăn tiết của các loài động vật, chim muông, gia cầm, cấm ăn thịt súc vật do người ngoài tín đồ Đạo Hồi giết thịt.
Tập tục cấm ăn nghiêm ngặt này của dân tộc Hồi có quan hệ nhiều đến Đạo Ixlam. Trong phần 3 chương 5 của Kinh Côran đã chỉ rõ: ''cấm ăn thịt những súc vật bị chết, không ăn tiết, thịt lợn và những động vật bị mắc bẫy chết, bị đập chết, bị ngã chết, chống cự bị chết mà dã thú ăn không hết, nhưng vẫn được ăn sau khi giết thịt. Cấm ăn thịt súc vật bị giết trên hòn đá Thần… trong tình thế bắt buộc mà vô ý phạm tội (tuy là ăn thịt các súc vật đã bị cấm cũng không bị tội) bởi vì chân chủ (vị Thần duy nhất mà Đạo Ixlam tôn thờ) đích thực đã miễn xá cho”.
Trước khi Đạo Ixlam ra đời, người Cổ Ả Rập đã coi việc ăn tiết là điều cấm kỵ của tôn giáo. Họ cho rằng linh hồn của người tồn tại trong máu, ăn tiết là hành vi xúc phạm đến Thần. Cấm ăn thịt súc vật bị chết. Về sau được Đạo Ixlam đưa vào Kinh Côran có mang theo màu sắc Thần bí của tôn giáo:
Do ảnh hưởng của Đạo Ixlam nên về sau, trải qua sự phát triển lâu dài dân tộc Hồi hết sức chú ý đến việc lựa chọn ăn uống. Học giả Lưu Trí dân tộc Hồi ở triều đại nhà Thanh Trung Quốc trong cuốn sách Thiên phương Chí thành thực lục, đã chỉ ra: "3 con: ngựa, la, lừa trong lục súc có thể xua đuổi được, nhưng người không được ăn 2 con lạc đà, bò có thể xua đuổi và thu phục được mà người có thể ăn, chỉ có thể được ăn mà không được xua đuổi là con cừu''.
Dân tộc Hồi có tập quán không ăn thịt lợn, ngựa, la, lừa không ăn thịt con vật nào bị chết và có máu. Ngày nay đối với một số con vật có đặc tính hung dữ, thích ăn những vật ô uế, hình dạng nom quái dị, ăn thịt cả đồng loại, mắt dữ tợn, răng nhọn sắc, chân có móng vuốt, ăn thịt sống thì dân tộc Hồi cũng không ăn như các loài: hổ, sói, báo, cáo, lừa, chó, la, mèo, chim ưng, điều hâu, cá xú, vây cá, nhím, gấu, khỉ, rắn, gà đồng, chuột vàng... Họ chỉ ăn các loài động vật trên trừ phi cuộc sống cùng quẫn, túng thiếu để bảo toàn tính mạng nên phải ăn một chút để sống nhưng không được ăn no.
Đối với các con vật mà dân tộc Hồi có thể ăn như bò, cừu, lạc đà, gà, vịt, ngỗng, thỏ cũng phải mời thầy tu Đạo Ixlam hoặc tín đồ Đạo Hồi hiểu biết quy luật hiến sinh đến để tế. Họ cũng không được ăn thịt các con vật không phải do tín đồ Hồi giáo nuôi và giết thịt bằng máy móc.
Dân tộc Hồi cũng không ăn những động vật sống dưới nước loại có bộ áo giáp bằng vây hoặc hình thù kỳ quái như cua, cá mập... Họ cũng không ăn một số loại cá to nuốt cá bé mà chỉ ăn tôm và loại cá có vẩy như cá chép, trắm, mè, diếc...
Dân tộc Hồi nói chung không sát hại chim bồ câu và cũng ít ăn thịt loại chim này. Theo truyền thuyết của người Hồi, chim bồ câu đã từng bảo vệ vị thủy tổ của dân tộc này; cho nên trong dân tộc Hồi có câu nói: “ăn thịt bồ câu phải dùng đến dao vàng để giết”.
Ngoài dân tộc Hồi, các dân tộc theo Đạo Ixlam như Duy Ngô Nhĩ, Hông Hương, Bảo Yên, Táp Lạp, Cô Dắc, T-gich, Khơrơ Khơ chư Tat ta rơ, Ni ao chư bia khơ đều có phong tục giống nhau.
* Cấm ăn thịt chó
Dân tộc Mãn rất tôn sùng chó, không ăn thịt chó, không dùng da chó làm lều và không đeo bao tay áo làm bằng da chó, không đội mũ làm bằng da chó. Khi khách đến nhà người, nếu có roi ngựa làm bằng da chó thì phải để ở ngoài ngõ, chân tường, không được đem vào nhà. Nếu không làm như vậy thì bị coi là bất tôn kính tổ tiên họ. Tại sao dân tộc Mãn lại tôn sùng chó? Nghe nói là vì chó vàng đã từng cứu tổ tiên họ. Tôn sùng chó thực tế là tôn kính ngưỡng mộ tổ tiên. Truyền thuyết dân gian của họ kể rằng: ''khi Vua Hãn đưa quân đi Nam chinh Bắc chiến, có một lần bị thua trận phải trốn vào một vùng đồng cỏ chăn nuôi, vì đã bị thương lại thêm đói và mệt nên đã ngủ mê mệt trong đồng cỏ này. Quân địch truy đuổi đến để tìm Hãn Vương, chúng bèn phóng đốt cháy đồng cỏ này, lửa gặp gió cháy càng to. Mắt nhìn thấy lửa sắp cháy đến nơi Hãn Vương đang ngủ, lúc này một con chó vàng mà Hãn Vương mang theo bèn dùng mõm kéo ống tay áo bào của Hãn Vương đánh thức Hãn Vương tỉnh dậy, nhưng Hãn Vương vẫn không tỉnh. Chú chó vàng bèn nhảy xuống con sông gần đó cho đẫm nước rồi làm ướt cả một vùng cỏ nơi Hãn Vương đang nằm ngủ. Nhờ đó mà Hãn Vương được cứu thoát. Con chó vì phải chạy đi chạy lại nhiều lần mình đầm nước nên mệt quá đã chết. Khi Hãn Vương tỉnh lại, thấy con chó cứu mình đã chết đang nằm bên cạnh. Hãn Vương vô cùng xúc động thương xót con vật trung thành, ông nói. ''Ôi chó ơi. Chính là mày đã cứu ta, ta sẽ mang ơn mày hết đời này sang đời khác không thể quên được mày. Từ nay về sau người dân tộc Mãn không được ăn thịt mày, không khoác da của mày". Chính lẽ đó mà sau này dân tộc Mãn không ăn thịt chó.
* Cấm uống rượu, hút thuốc
Dân tộc Hồi không uống rượu, trong nhà cũng không có đồ dùng uống rượu. Khi khách đến nhà cũng không bầy rượu. Có khi tiếp đãi khách ăn tiệc, người khác thì chúc rượu và chạm cốc còn dân tộc Hồi phần lớn lại dùng các loại nước uống khác thay thế như nước ga, nước quýt, nước cam... có lúc bản thân người Hồi không muốn ngồi chung bàn với người uống rượu. Người Hồi ở thành phố hiện nay cá biệt cũng có người uống rượu, nhưng họ đều giấu bố mẹ, uống trộm. Vì sao người dân tộc Hồi cấm rượu? Theo truyền thuyết từ xa xưa có một người tên là I Mả Mu, ông có người con trai khi say rượu đã cưỡng hiếp một cô gái làm cô gái có mang. Sau đó mọi người bất bình đến nhà I Mả Mu tố cáo, I Mả Mu nghĩ mình đang truyền giáo mà gặp phải sự việc rắc rối này bèn hạ lệnh đánh đứa con 40 roi, ai ngờ đứa con đó bị đánh chết. “I Mả Mu rất đau khổ”. Sau này đứa con báo mộng cho ông, nhờ ông tâu đến Thánh Mục, coi rượu là một lệnh cấm. Sau khi I Mả Mu tâu lên Thánh Mục nói: ''Ông không cần phải đánh chết đứa con''. Sau khi Thánh Mục Hãn Mạc Đức từ Maichia dời đến Maitina, lại gặp mấy lần người uống rượu, khuyên bảo không nghe mà khi say còn nôn mửa nói luyên thuyên, đánh nhau không thể lễ bái được. Từ đó Mục Hãn Mạc Đức bắt đầu ra lệnh cấm uống rượu với danh nghĩa Thánh Allah viết vào Kinh Côran: “Các tín đồ! Chỉ là một hành vi của quỷ, rời xa được nó, các người sẽ thành công. Bọn quỷ ác chỉ mong muốn các người hận thù lẫn nhau vì uống rượu và đánh bạc''.
Dân tộc Hồi do bị ảnh hưởng của Kinh Côran nhiều đời nay đã hình thành được thói quen tốt không uống rượu và cũng hiểu được tác hại của rượu. Tác giả điều tra thấy nhân dân dân tộc Hồi cho rằng, uống rượu không những không có lợi cho sức khỏe mà trong lịch sử trước đây cũng như ngày nay, vì uống rượu mà để lỡ công việc quốc gia đại sự, bại gia, thiệt thân, trái pháp luật, loạn kỷ cương, làm điều xằng bậy không sao kể xiết. ''Rượu là điều ô nhục đầu tiên'' hủy hoại danh dự của mình, vì vậy dân tộc Hồi cho rằng phải cấm chỉ nghiêm khắc đối với trẻ con, từ bé đã phải giáo dục không cho phép uống rượu. Hiện nay dù là rượu mạnh rượu ngọt, hay là bia, dân tộc Hồi đều xếp vào loại hàng cấm.
Dân tộc Hồi cũng không biết hút thuốc. Họ cho rằng hút thuốc, đặc biệt là hút thuốc phiện là một loại tội phạm. Số người hút thuốc lá cũng không nhiều, nếu có chăng nữa thì cũng chỉ là đám trẻ dân tộc Hồi trong thành phố. Hiện nay, gặp ngày cưới, họ chuẩn bị một ít thuốc lá để chủ yếu chiêu đãi đồng bào dân tộc anh em. Họ cho rằng hút thuốc lá không lợi cho sức khỏe con người; hoặc người hút thuốc sẽ giảm tuổi thọ. Do đó người Hồi không thích hút thuốc. Những người già dân tộc Hồi còn phản đối người khác đến nhà mình lễ bái lại hút thuốc. Ký giả Phạm Trường Giang trong cuốn sách Ở một vùng Tây Bắc Trung Quốc đã nói: ''Riêng về mặt thân thể thì: người Hán thân thể gầy yếu, quần áo rách rưới, mặt gầy xanh bủng sau khi hút thuốc phiện, tất cả những cái đó đang treo trên đầu quá nửa người Hán! Ai thân thể cường tráng, áo quẩn chỉnh tề, người cưỡi la cao, ngựa to đều là người Hồi”.
Về Người Hồi không hút thuốc, không uống rượu cho nên dân tộc Hồi ai ai cũng mặt mày hồng đỏ, mắt mũi tinh tướng, thân thể khỏe mạnh, không nhổ đờm, không thở hổn hển, dù người già đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn còn thường xuyên đi xe đạp, tham gia lao động. Người Hồi có tuổi thọ ngày càng cao.