Tài liệu: Các lễ tục cưới xin của người Khmer Campuchia

Tài liệu
Các lễ tục cưới xin của người Khmer Campuchia

Nội dung

CÁC LỄ TỤC CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI KHMER CAMPUCHIA

 

Chế độ mẫu quyền đã xuất hiện và tồn tại ngay từ giai đoạn đầu của thời kỳ công xã nguyên thủy xa xưa. Triết học duy vật khẳng định, trong lịch sử loài người, chế độ này đã từng tồn tại ở tất cả mọi tộc người không loại trừ một tộc người nào. Khi kết hôn, người phụ nữ vẫn ở lại thị tộc mình, còn người đàn ông thì chuyển sang thị tộc nhà vợ... Thế nhưng, những dấu ấn từ thuở ấy vẫn cứ đọng lại từng lớp, từng lớp như một trầm tích trong khá nhiều lễ tục, mà đậm nét nhất là lễ tục cưới xin của người Khmer Campuchia ngày nay.

Trong thời đại Ăng co (đầu thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIII) phụ nữ Khmer có đầy đủ quyền tự do trong việc lựa chọn bạn đời, kể cả quyền quyết định ly hôn. Mãi đến sau lễ La M'lu (lễ trầu cau - lễ thứ 3 trong mai mối) nhà gái thường tỏ ra chưa thỏa mãn về tư cách chàng trai - chàng trai nào cũng bị như vậy. Vì thế, họ phải đến phục vụ bố mẹ vợ tương lai cho đến ngày cưới. Tuy nhiên, nhà gái chỉ giao cho những công việc ở phạm vi nhà ngoài, anh ta chưa có quyền vào nhà trong.

Theo tập tục truyền thống, lễ cưới được tổ chức tại nhà gái. Song trước tiên, nhà trai phải xin phép bên nhà gái và phải được nhà gái bằng lòng, giống như việc nhà trai phải mang lễ vật đến nhà gái làm lễ hỏi. Truyện cổ Núi trai núi gái (Phnum b'rôs ph'num 'rây) giải thích tục này như sau: ''Ngày xưa vương quốc Khmer có một nữ Vương trị vì. Đến tuổi thành hôn, nữ Vương phải đi hỏi chồng, bởi vì không ai dám hỏi đấng quân Vương làm vợ cả. Rồi thành lệ, trong thần dân con gái phải đi hỏi con trai làm chồng. Về sau, giữa một số con gái và một số con trai có cuộc đua tài. Họ giao ước: bên trai và bên gái mỗi bên đắp một ngọn núi, đắp trong một đêm, đến khi sao Mai mọc, bên nào đắp được cao hơn là bên ấy thắng, người bên thua sẽ phải đi cầu hôn người bên thắng. Bên gái dùng mưu đốt đèn lồng treo lên ngọn một cây sào dài. Bên trai tưởng rằng sao Mai đã mọc nên đã dừng tay trước. Kết cục, núi bên gái cao hơn. Từ đó, con trai phải đi hỏi con gái làm vợ”. Xa xưa, người phụ nữ Khmer vẫn được coi trọng và có nhiều quyền hạn. Trong hôn nhân, họ luôn ở vị thế chủ động. Cho dù hiện nay, người Khmer đã vượt xa thời kỳ mẫu quyền nhưng một số phong tục cũ vẫn giành ưu thế cho nhà gái trong việc lấy vợ, lấy chồng.

Ngày nay, sau lễ cưới người đàn ông Khmer vẫn ở nhà vợ, chịu cảnh ở rể và chấp nhận mọi quy định của tập tục. Tuy nhiên, ở một mặt nào đấy tục lệ này cũng tỏ ra không có lợi cho những cô gái nhà nghèo. Con trai thường kén chọn con gái nhà giàu để trao thân gởi phận. Bởi vì nhà vợ sẽ là nơi cư ngụ lâu dài của anh ta. Xét về một khía cạnh nào đó, tục này lại có lợi cho những anh chàng “dài lưng tốn vải”,…

Nhìn sang những lĩnh vực khác như ngôn ngữ chẳng hạn, dấu ấn của chế độ mẫu quyền còn in khá đậm nét. Hầu hết những từ chỉ cương vị cao và vị trí trọng yếu đều có cấu tạo tiên tổ mê (mê có nghĩa là mẹ), như mê đay (ngón tay cái), mê chong (ngón chân cái), mê bạ (chủ hôn), mê ‘rua (chủ hộ), mê phum (trưởng thôn), mê toác (thủ trưởng bộ đội), mê bành chia ca (chỉ huy trưởng), mê cheo (chúa trộm, tướng cướp), mê con t’rrêng (chúa tể), mê bia (người cầm cái trong đám bạc),v.v…

Trích trong Tạp chí Thế giới trong ta

N.S.T.S




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1065-02-633390299640806250/Phong-tuc-ve-cuoi-xin-hon-nhan/Cac-le-tuc...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận