Tài liệu: Tục kiêng trong hôn lễ của người dân tộc Thủy (Trung Quốc)

Tài liệu
Tục kiêng trong hôn lễ của người dân tộc Thủy (Trung Quốc)

Nội dung

TỤC KIÊNG TRONG HÔN LỄ CỦA

NGƯỜI DÂN TỘC THỦY (TRUNG QUỐC)

 

T

rong hôn lễ, dân tộc Thủy có tới trên 20 điều kiêng khác nhau. Người Thủy luôn giữ nguyên tắc không kết hôn với người cùng huyết thống. Người vi phạm điều này sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo luật tục. Trước kia hình phạt là dùng rọ đựng lợn nhốt người trong đó rồi dìm xuống đầm sâu. Những người phụ nữ chưa cưới mà sinh đẻ cũng phải chịu những hình phạt hết sức nặng theo luật tục.

Người Thủy có tục kiêng sấm. Khi đang chuẩn bị cho hôn lễ mà thấy có sấm thì phải đổi ngày xuất giá. Nếu đã đi đến giữa đường hoặc tới nhà chồng rồi thì sau khi vào nhà không ngồi xuống mà lập tức quay trở về nhà mẹ đẻ ngay hoặc trú ở nhà chồng 12 ngày rồi trở về nhà mẹ đẻ, nhưng dù làm gì đi nữa cũng phải giết gà trống mời thày đồng về niệm chú dâng lên Thần sấm. Khi tiến hành hôn lễ, cô dâu bắt buộc phải che ô màu hồng, việc che ô này cũng xuất phát từ tục kiêng sấm mà có.

Ngày xuất giá, các cô đâu người Thủy kiêng dẫm vào vết chân của các cô dâu khác đã xuất giá cùng ngày. Họ cho rằng nếu dẫm phải, bước đi sẽ loạn, sau này sẽ có nhiều việc không toại nguyện. Do vậy, nếu gặp trường hợp đó đám rước dâu sẽ phải đổi đi đường vòng, hoặc cô dâu dựa lưng vào em trai mà đi qua đoạn đường này.

Đối với người Thủy, con đường đi của cô đâu không chỉ phải kiêng dấu chân của cô dâu trước xuất giá cùng ngày mà còn cần phải tránh cả những con đường vừa khiêng người chết đi qua. Gặp trường hợp này, cô dâu phải vòng đi đường khác hoặc cũng phải dựa vào lưng của em trai mà đi. Đêm tân hôn, cô dâu chú rể người Thủy kiêng chung chăn gối, phù dâu luôn luôn đi cùng để “bảo vệ”, đợi cô dâu sau khi lại mặt 1, 2 ngày lúc trở lại mới có thể chung chăn gối. Đối với các cô dâu người Thủy, khi xuất giá kiêng không đi thăm viếng; họ cho rằng đi thăm viếng trong ngày này là không lễ phép với người khác.

Vợ chồng mới cưới kiêng không chung chăn gối trong nhà chính vì sợ làm bẩn vong linh của tổ tiên và Thần linh. Vợ chồng phải ngủ ở hai phòng riêng; khi chung chăn gối, chồng mới được vào phòng của vợ. Ngày nay tục này không còn, người ta đã sửa hai phòng thành một phòng ngủ chung. Khi cô dâu về đến nhà chồng, nhà chồng phải dọn một gian phòng trống để đón. Việc làm này tượng trưng cho sự tôn trọng cô đâu, ý nói nhà còn vắng người nữ chủ nhân, cô dâu sẽ trở thành chủ nhân. Khi bước vào nhà chồng cô dâu phải phun nước xua tà ma, lấy lá xanh hoặc cỏ tranh phất qua để bước vào nhà chồng.

Phụ nữ cải giá kiêng lấy người bên phía nhà chồng cũ, kiêng lấy người trong họ, kiêng trở về làng người chồng cũ. Nếu trở về nhà mẹ đẻ lần thứ nhất phải đi vào phòng bằng lối cửa ngách. Lần thứ hai mới được đi vào bằng cửa chính. Phụ nữ cải giá kiêng không được viết đơn ly hôn trong làng của người chồng cũ, làm như thế sợ sau này sẽ không lợi cho làng đó, chỉ cho phép viết đơn ở ngoài cánh đồng hoang. Người đàn bà góa cải giá, kiêng giao tiền quá giá ở trong làng người chồng cũ. Tiền quá giá, kiêng phần lớn giao cho người chồng mới. Mọi người cho rằng dù trao tiền ở ngoài cánh đồng hoang, cánh đồng này cỏ cũng không mọc được, nếu trao tiền đó trên đá, đá cũng sẽ vỡ. Đây là biểu hiện của quan niệm cho việc cải giá là phạm ý trời.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1065-02-633390298482212500/Phong-tuc-ve-cuoi-xin-hon-nhan/Tuc-kieng-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận