Tài liệu: Leonardo Da Vinci (1452 - 1519)

Tài liệu
Leonardo Da Vinci (1452 - 1519)

Nội dung

LEONARDO DA VINCI (1452 - 1519)

 

Mọi từ điển bách khoa, danh nhân, lịch sử mỹ thuật, lịch sử thế giới, lịch sử văn hóa, khi nói đến tên Leonardo, đều bắt đầu bằng những câu: "Một trong những người vĩ đại (Yues Renouard), ông là linh hồn của thời kỳ Phục hưng (Carl Grimberg). Leonardo là ngọn cờ đầu của phong trào Phục hưng, một nghệ sĩ toàn diện lỗi lạc, một nhà bác học phát minh, được xem là một khuôn mặt đặc sắc nhất của thời đại... (Andre Chastel)”.

Leonardo da Vinci, con của một luật gia ở Florence, sinh tại làng Toscane da Vinci năm 1452. Khi còn trẻ, ông đến làm việc và học việc tại xưởng học của Andréa Verrocchio ở Florence. Vừa tròn 30 tuổi đời, ông đã hoàn thành bức Adoration des rois mages mang nhiều tính tư tưởng và tính sáng tạo trong hội họa về bố cục, màu sắc, cách thể hiện sáng tối v.v...

Tuy còn trẻ, nhưng có kiến thức rộng nên Leonardo da Vinci đã có những quan hệ rộng rãi với các nghệ sĩ lớn, các danh nhân, triết gia và nhiều nhà văn lỗi lạc đương thời. Ông nghiên cứu và đi sâu trong mọi lĩnh vực, từ những tư tưởng triết học của Paris, các thành phố lớn như Padoue đến những phát minh khoa học, vật lý, địa dư...

Ông bỏ Florence đến Milano gặp Ludovic le More và nhận tạc bức tượng Sporza - Francois, cha của Lodovic.

Lẽ ra Leonardo bắt tay ngay vào công trình, thì ông đã bỏ ra gần 16 năm chỉ để nghiên cứu các giống ngựa và kỹ thuật đúc đồng (Carl Grimberg Histoite Universelle tập 5, trang 288).

Cùng thời gian ấy, ông tiến hành vẽ bức La Vierge aux rochers. Ở tác phẩm này ông đã thành công trong chủ đề tư tưởng ''néoplatonicien'', một chủ trương triết học tìm cái đẹp từ những gì siêu hình tiềm ẩn trong tâm hồn con người. Ông đã áp dụng phương pháp Sfumato để tả nhân vật ẩn hiện trong cảnh tranh tối tranh sáng của hang. Ông dùng sáng, tối cùng độ đậm nhạt tôn sự nhẹ nhàng huyền ảo, sinh động cho hình họa, do đó lột tả được những sâu lắng nội tâm của nhân vật. Luôn luôn ống lấy đôi bàn tay của nhân vật như St Jean Baptiste hoặc các nhân vật trong tranh Lacène khi đưa lên, khi chỉ vào không gian như phân giải một điều gì mà con người phải chịu bất lực trước thiên nhiên.

Ông luôn luôn khám phá, muốn giải phóng cho con người đang bị trói buộc bởi ngay sự hạn chế của kiếp con người, ví dụ tạo ra đôi cánh để con người có thể bay được, những máy có thể kích những trọng lượng to lớn mà sức người không làm được, ông nghĩ đến những chiếc dù giúp con người có thể nhảy từ trên cao xuống, những máy có thể nhân công suất con người, những chiếc búa cộng lực để công phá thành. Tất cả những ý đồ ấy ông ghi thành hình vẽ có kèm chú thích hoặc hướng dẫn việc thi công.

Ông là một họa sĩ, nhưng tranh của ông không phải là mục đích cuối cùng của sự nghiệp của ông; mà ông chỉ dùng tranh nhằm mục đích đi tới những phát minh mới về bố cục, nội dung tư tưởng, tâm trí con người và màu sắc; vì vậy, các tranh của ông muốn thí nghiệm nhiều hóa chất trong việc tạo ra những màu vẽ mới phần nhiều bị xuống màu có khi bị hỏng như ở tranh Lacène, một bức tranh rất nổi tiếng (Carl Grimberg - Histoire Universelle tập 5 trang 290).

Ông lấy tranh để nói lên cái đối lập luôn luôn tồn tại của vật thể, cái đang sống và cái đang chết, cái gốc của sự diệt và sự sinh (tranh vẽ bằng phấn đỏ một người già đối mặt với một người trẻ). Tranh nghiên cứu về bộ phận sinh dục phụ nữ, thai nhi nằm trong dạ con của người mẹ, ông tìm sự sống tiềm ẩn trong cây cỏ, đá, nước v.v...

Tranh của ông là lời ghi lại những phát hiện rất khoa học như tranh nghiên cứu cùng một con người trong hai tư thế một choãng chân, thứ hai chụm chân, hai tay dang thẳng... đều nằm gọn trong một vòng tròn, và một hình vuông. Tâm của hình tròn là rốn của người ấy... hoặc hai đường cắt góc của hình vuông đều đi qua bẹn của con người.

Ông là họa sĩ đầu tiên đặt ra khoa cơ thể học, nghiên cứu cấu tạo của các cơ bắp, để có thể diễn tả các động tác của con người. Ông lột da mặt của các xác chết để nghiên cứu các cơ bắp ở mặt, ở má, ở cằm đã tạo ra cái cười, cái vui, cái buồn cái khóc của con người.

Trên một tranh, ông vẽ mặt một người mẫu nhìn nghiêng với tất cả những ghi chú ở góc tranh, tỷ lệ giữa các bộ phận, tai mũi, mồm, mặt. Ông dòng dây dọi... để tìm ra quy luật và bố cục giữa sống mũi và môi trên, của hố mắt và mép môi, của vành tai và hốc mắt v.v... dù chưa phải là những tranh hoàn chỉnh; hoặc chỉ là những ký họa... ông vẫn luôn luôn tìm tòi, nghiên cứu nội tâm và chiều sâu tâm linh của con người.

Tranh của ông là một thế hội nhập giữa cái hữu hình cụ thể và cái siêu hình huyền bí; luôn luôn ở những tờ tranh nghiên cứu ấy đều có ghi chú, và có một điều ông không bao giờ tiết lộ... là ông viết ngược vì ông thuận tay trái Comme, pan les notes de ses cahiers écrites à I' envers car était gaucher ét tenait au secret, (Yves Renouard Presses Universitaires de France trang 889). Suốt một cuộc đời ông luôn luôn tìm tòi, và cái tìm tòi lớn nhất của ông là ông đã đánh giá được cái hữu hạn bé nhỏ của con người trước cái vô hạn lớn lao của tạo hóa và đi đến một kết luận ''dù con người có đạt đến một nền khoa học nào đi nữa, con người cũng không bao giờ hết quằn quại xót xa về cái bé bỏng của mình trước tạo hóa”.

Ông luôn luôn nhắc lại câu Non-finito (cái vô tận) và ở các tranh nghiên cứu của ông bỗng có những nét rối tung lên (gọi là entrelacs) nói lên tâm trạng, hoặc đặt ra một câu hỏi về cái không khám phá được của con người trước Vũ trụ, cái hoài bão đồng thời là cái bất lực của những phát minh và thành công nhất thời của nó. Ông ở lại Milano một thời gian dài, nhưng vẫn không bao giờ hoàn thành được bức tượng đúc đồng của cha Ludovic, mà cuối cùng chỉ lặn xong bức tượng ấy bằng đất nung mà thôi (L’art dans I'histoire de I'homme-Larousse chương 25 trang 225).

Ludovic đặt ông nhiều công việc như vẽ màu quần áo dạ hội, trông nom việc đào kênh, kiến trúc sư, thiết kế những công trình quân sự, mặc dù năm 1482 Leonardo có viết cho Ludovic một bức thư trong ấy ông từ chối không nhận mình là một kỹ sư về quân sự mà chỉ là một nghệ sỹ, họa sĩ, điêu khắc mà thôi. Có thể đó là vì Leonardo khiêm tốn từ chối, vì theo những nhận xét của Ludovic, ông này đánh giá Leonardo da Vinci như một tài năng xuất sắc về những phát minh, sáng chế các công trình quân sự.

Ludovic giao ông vẽ bức họa La Cène (1495 - 1497) tại phòng ăn của nhà thờ Santa Maria del Grâces, Milano. Phòng ăn tuy hẹp, không gian hạn chế, nhưng Leonardo đã biết áp dụng luật viễn cận vẽ đức Jésus trước khung cửa sổ mở ra một khung trời thoáng rộng, tạo ra một chiều sâu cho nhân vật chính, bố trí các Thánh tông đồ trải ra hai bên người Chúa, trao đổi với nhau về lời Chúa phán bảo; do đó Leonardo sáng tạo những nét mặt suy tư của từng Thánh tông đồ, không khí bức tranh sống động và do đó đã tạo một không gian rộng lớn cho phòng ăn nguyên bé hẹp.

La Cène theo định nghĩa của tự điển Le petit Robert, gốc Latinh là Céna bằng bữa ăn tối, bữa ăn mà chúa Jésus dùng cùng với mười hai Thánh tông đồ trước lễ Passion tại cung Cénacle nơi dâng lễ Eucharistie lễ rước Thánh thể và máu Chúa vào người.

Nội dung buổi lễ được giáo dân hiểu chỉ gói gọn trong yêu cầu trên, nhưng ở tranh của Leonardo, La Cène không như mọi người quan niệm, mà ông đã đề cập đến một khía cạnh hoàn toàn mới của Kinh Tân Ước. Chúa ngồi ở giữa, tay trái, tay của trái tim đặt ngửa giữa bàn… tay phải lật sấp cùng lời người đã phán ra: trong số các người có một người sẽ phản ta. Người đó là ai? Câu nói ấy của Chúa gây những phản ứng khác nhau trên từng khuôn mặt của các Thánh tông đồ, từ phải sang trái, từng nhóm ba người, chia nhau kinh ngạc, nghi ngờ, đau xót và căm giận. Nhân vật trong tranh có nhiều cử chỉ tả đúng tính tình của người dân Italia (Carl Grimberg tập 5 trang 290 – L’Art de la Renaissance Italienne).

Léonardo đã chọn một hình ảnh khá điển hình, một tình huống mà sự phản bội ẩn giấu như một đợt sóng ngầm nguy hiểm để cảnh tỉnh mọi người trước hoàn cảnh chính trị rối ren của trước Italia lúc bấy giờ, mà Nhà thờ Cơ đốc giáo cũng như niềm tin có nguy cơ bị đe dọa! (L’Art dans I’histoire de I’homme - Larousse - trang 235).

Cùng đề tài này, bích họa của Andréa del Castagno vẽ năm 1445-1450 ở S.Apollonia - Florence, lại khô khan, không sinh động và cũng vì luật viễn cận mà không gian của cung Cénacle trở nên bé hẹp. Bức tranh không những không đề cập đến nội dung tư tưởng của chủ đề; mà ngay cả bố cục, phân bố họa tiết, cách thể hiện cũng khô cứng, không chú ý đến nội tâm của nhân vật.

Chương trình làm việc của Léonardo da Vinci chồng chéo lên nhau; năm 1483 lúc ông đang vẽ bức La Verge aux rochers cũng là thời kỳ ông tiến hành bức La Dame à I’hermine... và chân dung Cecilia Gallérani, Le Portrait d’un musicien. Chính trong thời gian này, ông lại nghiêng về nghiên cứu những công trình kiến trúc. Ông tham gia đề án nhà thờ Milano và nhà thờ Pavie (1487). Trong thời gian vẽ bức La Cène, ông nhận trang trí lâu dài Sala delle Asse. Bắt đầu từ 1490 ông viết tập Traité de la Peinture và nhiều nguyên lý về nghệ thuật khác. Tháng hai năm 1500, ông đến Mantoue và vẽ chân dung Isabelle d’Este và đến tháng tư cùng năm ấy, ông đến Venise tham gia công trình phòng ngự chống quân Thổ Nhĩ Kỳ. Đến năm 1503 ông nhận vẽ bức La bataille d’Anghiari cho lâu đài Palazzo Vecchio. Trong thời kỳ này từ năm 1503 đến năm 1507, ông vẽ Mona Lisa (La Joconde).

Ông chuyển sang giúp César Borgia trong việc xây dựng các công sự và pháo đài vào những năm 1503 - 1504.

Ông quay về Roma, Julien de Médices, anh của Giáo hoàng Léon X, giao cho ông thiết kế nhà thờ Saint Pièrre. Ông nhận làm những công việc không nằm trong một chuyên nghề nào của ông... miễn là giúp ích con người, chiến đấu với thiên nhiên. Ví dụ ông nhận cộng tác làm rút nước đầm lầy Pontins.

Trong tất cả các chân dung của Leonardo da Vinci bức La Joconde là bức tranh được mọi người xem là đạt nhất và cũng là tác phẩm được lưu lại hoàn hảo nhất.

Tuy vậy, bức La Joconde đã phải trải qua nhiều gian truân. (Theo tài liệu Quid do nhà xuất bản Robert Laffont trang 386). Có khả năng Leonardo đã vẽ hai La Joconde - một do Vua Francois mua vào năm 1517 với giá 4.000 florin vàng, hiện ở Bảo tàng Louvre, bức thứ hai có thể nằm trong một ngân hàng ở Lausanne hiện đang còn được xác minh. Theo tài liệu của từ điểm Larousse, tranh này được vẽ trên gỗ (Larousse trang 1432, xuất bản năm 1993). Tranh này ở Bảo tàng Louvre bị ăn cắp vào năm 1911 và hai năm sau (1913) được tìm lại ở Florence (Carl Grimberg - Histoire Universelle). Phụ nữ trong tranh có tên là Lisa Ghéraretini, lúc bấy giờ độ 25 tuổi, vợ của một luật gia ở Florence tên là Francesco den Giocondo.

Dù là một chân dung, Léonardo vẫn dùng nền là một phong cảnh có đá, núi, và suối... Đó là một phong cách mà Léonardo thể nghiệm gần như trong tất cả các chân dung của ông và đã có những thành công nhất định.

La Joconde là một bức tranh gây nhiều tranh luận; nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều lời giải đáp. Nhưng cho đến nay mọi người xem tranh vẫn luôn luôn muốn hiểu Mona Lisa đã nghĩ gì trong đôi mắt; nụ cười kia là một nụ cười vui hay buồn, hóm hỉnh hay khinh miệt; một cái gì chỉ thoáng qua trong tâm hồn nàng vô định đã được Léonardo nắm bắt và ghi lại lên tranh. Đôi bàn tay gác lên nhau để nói lên một điều gì đó đang lắng đọng trong tâm hồn nàng, những ngón tay nuột nà, dáng lửng lơ, không nắm, không mở như buông lửng theo một suy nghĩ vô tận… Và ở mặt, ở tay chủ tâm diễn đạt mặt và đôi tay của nhân vật, vẫn là điều mà Léonardo muốn diễn đạt như ông đã nói: "hình khối (Le modelé) đó là điều quan trọng nhất, và đó cũng là linh hồn của hội họa".

Xem tranh La Joconde nên lưu ý cái nụ cười vô định kia đã được ghi lại thành hình khối của đôi má lúm đồng tiền và đôi mắt đưa ngang vừa nhìn, vừa cười, vừa suy nghĩ, đôi mi mắt mọng kéo dài của con người thông minh và đa tình... Một người trong tranh như sống mãi mãi trước người xem tranh vì mọi người đứng trước La Joconde đều tự đặt câu hỏi: ''Có phải nàng là như vậy chăng'''.

Léonardo đã để ra gần bốn năm để hoàn thành bức chân dung này, nhưng không rõ nguyên nhân vì đâu người chồng của Lisa Ghéraretini không thuận mua bức tranh.

Nhân năm 1516 Vua Pháp Francois I qua Italia đã đón ông về Pháp. Ông đưa sang Pháp một số tác phẩm của mình, La Vierge ét Sainte Anne, Saint Jean Satiste, La Joconde… cùng một số tranh ký họa và nghiên cứu.

Vua Francois mời ông về ở lâu đài Amboise và ông mất tại đó năm 1519, để lại niềm tiếc thương vô cùng và mến mộ cho triều đình và nhà Vua Pháp.

Léonardo da Vinci để tại nhiều tác phẩm bỏ dở, đang vẽ dở dang, không có nghĩa là không muốn hoàn thành tác phẩm, nhưng có lẽ bức tranh không đạt đúng điều thai nghén và ấp ủ. Qua những nhận xét ghi lại ở các tranh trên, Léonardo đã để lại nhiều câu hỏi, suy nghĩ lạ lùng không mấy ai tưởng tượng được; và cũng vì thế, những bức tranh dở dang kia lại có những giá trị lịch sử đặc biệt, không những về nghệ thuật mà còn về tư tưởng của một học giả vĩ đại.

Ông khuyên mọi người cần phải học ở các sách cũ người xưa, cần phải học hỏi nhiều ở thiên nhiên...

Người ta xem ông là một kỹ sư đã thực hiện những kỳ quan to lớn về khoa học một cách nghệ thuật... cùng là nghệ thuật của một họa sĩ, đã bằng hội họa nói lên khả năng trí tuệ lớn lao của con người.

Họa sỹ TRẦN DUY

 

Một nhân vật bán thân

Thiên tài cũng phải có thời, cũng phải biết đấu tranh.

- Con đường đưa hội họa từ nghề thủ công ''đầy tớ, thành “Nghệ Thuật tự do”.

- Hội họa là một ''cosa mentalem'' (Sự vật trí tuệ).

Buổi Hoàng kim của thời Phục hưng là Cinquecento (theo tiếng Italia có nghĩa là ''năm trăm'', tương đương với thế kỷ XVI), đó là thời của Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Titian, Correge, Giorgione, Dupre, Holbein cùng nhiều bậc thầy kiệt xuất khác. . .

Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael là những nghệ sĩ được mệnh danh là những nhân vật Bán Thần (demi - Dieu). Người ta vẫn còn băn khoăn với câu hỏi vì sao trong cùng một thời, tại cái bán đảo hẹp ấy lại có thể lẩy sinh nhiều đấng vĩ nhân như thế? Khó có lời giải thích thỏa đáng nào cho sự tồn tại của thiện tài, nhưng ta có thể thấy được những điều kiện thuận lợi cho sự nảy nở của những tài năng. Thành phố Hoa (Florence) tự hào về sự độc lập đối với nhà thơ và lãnh chúa phong kiến, tự hào về những đứa con của mình đua tài tô điểm cho thành phố có lực hấp dẫn đối với khắp nơi trong nước và Châu Âu thời đó. Các nghệ sỹ vùi đầu vào toán học để nghiên cứu các quy luật của thấu thị, vào giải phẫu học để nghiên cứu cấu trúc của cơ thể con người. Qua các khám phá đó, chân trời của nghệ sĩ được mở rộng. Ông ta không còn là một thợ thủ công trong phường thợ phục tùng các lệnh như đóng giầy, đóng tủ hay vẽ trang trí tùy theo trường hợp phải làm, mà là một người chủ với vinh quang nếu như ông ta khám phá các điều bí ẩn của tự nhiên và thông nhập vào các quy luật thầm kín của vũ trụ. Lẽ đương thiên vị trí xã hội của nghệ sĩ dẫn đường phải lên cao như thời Hy Lạp Cổ đại, nhưng thói thường chỉ chấp nhận một nghệ sĩ làm việc với đôi tay của mình. Nghệ sĩ không những được kính trọng như người đứng đầu trong phường hội thịnh vượng mà trước hết là người làm ra được những tác phẩm duy nhất và quý giá. Đó là cuộc đấu tranh đầy khó khăn, không có thắng lợi tức thì. Thời thượng và thành kiến xã hội rất mạnh, người ta vui vẻ tiếp một học giả tại bàn tiệc do ông nói được tiếng Latinh, biết đọc văn phạm chuyển câu chữ trong mỗi trường hợp, nhưng người ta vẫn dè dặt trong việc ban phát đặc ân ấy cho một họa sĩ hay một nhà điêu khắc. Sự hâm mộ danh tiếng của những nhà tài chủ giúp cho nghệ sĩ khám phá được những thành kiến đó. Ở Italia có nhiều triều đình nhỏ, giàu khát vọng về danh dự là về uy thế; xây dựng dinh thự tráng lệ, cất lăng mộ nguy nga, đặt làm những bộ tranh nền thật lớn, hay quyên tặng một bức tranh cho nhà thờ danh tiếng, đó là con đường chắc chắn làm sống mãi tên tuổi của một ai đó và giúp họ chiếm lĩnh được vị trí xứng đáng nơi trần thế. Ngày xưa chính ông hoàng ban ân sủng cho nghệ sĩ, bây giờ vai trò đổi ngược lại, nghệ sĩ chiếu cố đến một ông hoàng hay một nhà cầm quyền giàu có bằng cách chấp nhận công việc họ ủy thác cho. Nghệ sĩ nhận công việc nào mà họ thấy thích thú và không phải chiều theo thị hiếu thất thường của những người đặt hàng. Trong bất cứ trường hợp nào thì cái quyền trong thời gian dài còn khó mà quyết định được. Nhưng trước hết, dù sao chăng nữa, đó cũng là kết quả của công cuộc giải phóng làm thoát ra một lượng ghê gớm của sinh lực bị ức chế. Cuối cùng thì nghệ sĩ được tự do.

Leonardo da Vinci (1452-1519) sinh tại một làng ở vùng Toscane, học nghề tại Florence ở trong xưởng của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Adréa de Verrocchio (1435-1488). Trước đây, các nghệ sĩ có tên tuổi tách ra khỏi phường thủ công để lập ra một xưởng riêng, nhận thực hiện các đơn đặt hàng và nhận đào tạo học trò. Trong các xưởng - trường, học trò được hướng dẫn nắm các mặt khác nhau thuộc đủ nghề, về việc ''bếp núc'' của vẽ tranh, làm tượng. Xưởng của Verrocchio là một xưởng tiếng tăm. Verrocchio được hội đồng thành phố Verlise trao cho việc dựng tượng đài kỷ niệm Bartolomeo Colleoni, một danh tướng của thành bang mà dân chúng hàm ơn vì ông đã lập nhiều tổ chức từ thiện hơn vì những võ công anh dũng. Verrocchi đúc tượng đồng theo truyền thống Donatello, ông nghiên cứu kỹ giải phẫu của ngựa, làm rõ các cơ, các mạch máu đúng với tư thế của ngựa. Nhưng cái hay của Verrocchio là làm rõ uy phong của vị tướng trên mình ngựa như đang dẫn đầu đoàn quân hùng mạnh. Sau này, tác phẩm của Verrocchio được dùng làm mẫu mực cho việc dựng tượng đồng các bậc Đế Vương, các ông hoàng, các ông tướng ở nhiều miền khác, do Verrocchio kết hợp được cái vĩ đại và cái giản dị trong tác phẩm của mình.

Leonardo học trong xưởng của Verrocchio, nắm được bí quyết nghề đúc hay gò kim loại, biết cách dựng tranh, tạc tượng bắt đầu với những nghiên cứu người mẫu từ khỏa thân đến có trang phục, học phép thấu thị và cách dùng màu. Nhiều người đã thành danh họa sĩ, nhiều nhà điêu khắc sau khi qua sự đào tạo của Verrocchio, trong đó có Leonardo là người ưu tú nhất. Ngày nay, ta biết được về Leonardo là do các học trò và những người hâm mộ ông đã biết giữ gìn cẩn thận tất cả những giấy tờ của ông, có hàng ngàn trang ghi chép đầy chữ và hình vẽ. Đọc ông, người ta không hiểu tại sao một con người lại có thể giỏi trên các lĩnh vực rất khác nhau và có nhiều cống hiến quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực đó. Ông thực hiện việc mổ xẻ hơn ba mươi tử thi, ông là người đầu tiên nắm được sự tăng trưởng của trẻ em từ trong bào thai, ông theo dõi quy luật của sông và dòng nước. Ông bỏ nhiều năm quan sát và phân tích lối bay của côn trùng và chim, dự đoán về một chiếc máy bay mà ông tin một ngày nào đó trở thành hiện thực. Leonardo không thích những hiểu biết sách vở của các học giả, khi có vấn đề đặt ra ông không ỷ vào những quyền uy đã có mà tự tay mình thực nghiệm để làm sáng tỏ vấn đề. Ông thuận tay trái nên những ghi chép của ông đều viết ngược từ phải sang, cần dùng gương thì mới đọc được. Hơn nữa, ông không xuất bản những bài viết, có lẽ ông e ngại những ý kiến của ông dễ bị xếp vào loại dị giáo. Trong những ghi chép của ông, người ta thấy có năm từ ''Mặt trời không di chuyển'', điều đó chứng tỏ Leonardo đã đi trước học thuyết của Copemic, học thuyết sau này đưa Galiléo vào chuyện phiền hà. Nhưng cũng có thể những tìm tòi, thực nghiệm của ông chỉ vì óc tò mò không bao giờ thỏa mãn, và một khi vấn đề được giải quyết cho riêng mình rồi, ông có thể bỏ lại để lao vào những bí ẩn khác còn chưa được khám phá. Có điều chắc chắc là Leonardo không coi mình là một nhà khoa học mà chỉ muốn trang bị hiểu biết về thế giới nhìn thấy được, cần thiết cho nghệ thuật của mình. Ông nghĩ phải dựa trên nền tảng khoa học thì mới cải biến nghệ thuật hội họa yêu dấu của mình từ một nghề thủ công bị coi là rẻ rúng thành cái nghiệp đeo đuổi đáng kính trọng và hào hoa phong nhã. Đối với chúng ta ngày nay thật là khó hiểu mối bận tâm ấy về địa vị xã hội của người nghệ sĩ, nhưng đối với những người thời ấy thì nó lại quan trọng biết chừng nào. Thói trưởng giả học làm sang có từ thời Cổ đại đã phân biệt ''Nghệ thuật Tự do'' (Gồm có nghệ thuật hùng biện, văn phạm, triết học và phép biện chứng) với những nghề nghiệp phải làm bằng đôi tay được coi là công việc của đầy tớ. Leonardo cùng nhiều người đã chứng minh hội họa đúng là Nghệ thuật Tự do và lao động của bàn tay vẽ cần thiết không kém gì lao động của bàn tay viết trong thơ ca. Cách nhìn nhận đó ảnh hưởng tới các mối quan hệ giữa ông với các thân chủ. Ông không muốn bị coi là chủ một cửa hiệu để bất cứ ai đến đặt vẽ tranh cũng được. Ta biết ông thường quên thực hiện các công việc đã nhận đặt. Ông bắt đầu vẽ rồi bỏ dở dang mặc cho thân chủ thúc giục khẩn thiết. Rõ ràng ông muốn chính ông quyết định xem bức tranh đã hoàn tất chưa và ông từ chối không đưa tranh ra khỏi xưởng trừ phi ông thấy hài lòng về tác phẩm của mình. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ta thấy ông có rất ít tranh làm được trọn vẹn.

Lại còn điều rủi ro khi mà số tác phẩm ít ỏi của Leonardo thực hiện vào thời kỳ thành thục còn đến ngày nay thì ở trong tình trạng bảo quản rất kém. Bức tranh nền Bữa ăn tối cuối cùng của ông bị hư hỏng nặng. Tranh vẽ trên một mảng tường trong phòng ăn hình chữ nhật của tu viện Santa Maria del Grâces ở Milano vào những năm 1495 và 1498. Ta thử hình dung vào thời bức tranh được trưng ra, trong căn phòng kê liền nhau các bàn ăn dài của tu sĩ, xuất hiện bàn của Chúa và các tông đồ. Trước nay chưa từng có cái quang cảnh linh thiêng như thế này xuất hiện giữa nơi thâm cung và giống thật đến như vậy, y hệt một phòng ăn của các tu sĩ. Bữa ăn tối cuối cùng như có thể sờ tay thấy được. Ánh sáng trong trẻo chiếu lên mặt bàn, các hình nhân vật tròn trặn và vững chắc. Hẳn các tu sĩ bị điểm trúng trước hết và sự chính xác trong mọi chi tiết được diễn tả, những đĩa thức ăn trên mặt khăn trải bàn, những nếp gấp của các bộ áo choàng. Sau đó, họ sẽ xem cách thức Leonardo thể hiện câu chuyện trong Kinh Thánh. Không có gì giống với các tranh trước đó vẽ cùng đề tài này. Theo truyền thống thì các Thánh tông đồ ngồi bất động thành một hàng trước bàn, chỉ có Giua tách riêng ra - trong khi Chúa điềm tĩnh phán truyền. Nhưng tranh của Leonardo mang đầy tranh kịch, sôi động. Khi Chúa ban ra lời truyền: ''Quả thật ta nói cùng các người rằng có một người trong các ngươi sẽ phản ta" các  môn đồ buồn bực lần lượt hỏi: "Lạy Chúa, có phải tôi không?”, Kinh Phúc âm của Saint Jean còn thêm ''Bấy giờ có một môn đồ dựa vào ngựa Đức Chúa Jesus, tức người mà Ngài yêu. Saint Pierre ra dấu cho người đó rằng: ''hãy nói cho chúng ta biết thầy phán về ai”. Chính cái ra dấu và câu hỏi đó gây nên quang cảnh bị chấn động. Chúa vừa nói xong những lời bi thảm, và những ai ngồi bên Người đều dạt lại sau trong nỗi kinh hoàng như nghe thấy lời phát giác. Đôi người như long trọng cam đoan về lòng thành và vô tội, số khác thì bàn xem Chúa định nói đến ai, số khác nữa thì nhìn vào Chúa mong có sự giải thích về điều Chúa vừa nói. Thánh Pierre, tính nóng nảy hơn cả, xô lại phía Thánh Jean ngồi bên phải chúc Jésus. Ông mải thầm thì điều gì đó vào tai Thánh Jean nên vô tình ông đẩy Giuđa ra đằng trước. Giuđa không bị tách riêng rẽ nhưng lại hóa ra thành cô độc. Hắn trơ ra, không khoa tay, không hỏi han gì. Hắn khom mình về phía trước và ngước lên với sự nghi ngờ hoặc giận dữ, một tương phản mạnh với hình ảnh Chúa ngồi trầm tĩnh và ẩn nhẫn giữa cái cảnh náo động dấy lên ấy. Ai đó tự hỏi nghệ thuật tuyệt vời trong đó mọi hành động kịch đều được kiểm tra kỹ. Dù sự náo động do lời nói của Đức Chúa gây nên, vẫn không hề có gì hỗn độn trong tranh vẽ. Mười hai tông đồ gần như dồn lại hoàn toàn tự nhiên thành bốn nhóm ba người một liên kết với nhau do dáng bộ cử chỉ. Trong cái đa dạng vẫn có trật tự và trong cái trật tự có đa dạng. Leonardo thấy không cần phải hy sinh sự đúng đắn của hình họa, hay sự chính xác của quan sát theo những yêu cầu của một bố cục đẹp. Ngoại trừ những vấn đề về kỹ thuật như bố cục và hình nét, ta khâm phục Leonardo có sự hiểu biết sâu sắc về thái độ về các phản ứng của con người và có sức mạnh tưởng tượng để dàn dựng lên cả một phong cảnh trước mắt ta. Vấn đề mà Leonardo đặt ra rất cao về mặt chất. Các nhân vật phản ứng lại trước lời phán của Chúa theo tính khí của mỗi người trên gương mặt hiện lên vẻ hãi hùng, sự nghi ngờ, hay phẫn nộ. Họ băn khoăn tự vấn mình, đồng thời cố đoán xem ai là thủ phạm. Lời của Chúa ban truyền như những con sóng chao động làm dấy lên những tình cảm xáo trộn ẩn nơi sâu kín của tâm hồn. Một người được chứng kiến kể lại, ông thường thấy Leonardo khi đang vẽ bức Bàn ăn tối cuối cùng. Họa sĩ ở trên giàn giáo và đứng đấy suốt ngày để suy ngẫm mà không dụng một nhát bút nào. Chính từ kết quả của sự suy ngẫm đó ông truyền lại cho chúng ta bức Bữa ăn tối cuối cùng, một trong những kỳ công vĩ đại do thiên tài con người tạo nên, ông đã thực hiện được việc biến hội họa thành một ''cosa mentale" (sự vật trí tuệ) như chính ông đề ra, kết hợp thần tình sự chính xác khoa học với chất thơ nghệ thuật trong cùng tác phẩm.

TRUYỀN ĐĂNG

(Theo Tạp chí Mỹ thuật thời nay)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/175-02-633386881616875000/Nghe-thuat-tao-hinh-Tac-giaTac-pham-cua-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận