Tài liệu: Imhotep (2800 – 2778 Tr.CN)

Tài liệu
Imhotep (2800 – 2778 Tr.CN)

Nội dung

IMHOTEP (2800 – 2778 TR.CN)

 

Theo Sử ký Thế giới (Histoin Universelle) của Carl Gimberg thì Imhotep là người thiết kế và thi công chiếc Kim Tự Tháp đầu tiên của Ai Cập.

''Kim Tự Tháp Djoser gần vùng Saqqarah trên bờ Tây Sông Nil. Chiếc Kim Tự Tháp này có sáu bậc. Imhotep là kiến trúc sư và quan chức lớn của Vua Djoser. Nhân vật Imhotep cũng là thầy thuốc của triều đình, tiếng tăm lừng lẫy đến nỗi người Hy Lạp xem ông ngang với vị Thần y học của họ là Esculape (Asclépios)”. (Theo Sử ký danh nhân của Nhà xuất bản Femand Hazen...).

Vào những năm cuối của các triều Vua Pharaon, người Ai Cập ở Memphis tôn vinh và thờ bái một nhân vật có tên là Imhotep, con của Thần Ptah và mẹ là một phụ nữ Ai Cập có tên là Khrotionkh. Tiếp sau đó người Ai Cập dựng ông thành tượng một giáo chủ tay cầm cuốn thư,... họ tôn vinh ông như một Á Thần (demi-dieu). Năm 300 Tr.CN, người Ai Cập liệt ông vào danh sách các vị Thần thờ ở Điện Philae.

Đời thường và huyền thoại của Imhotep không ranh giới. Đền thờ của ông thành nơi cầu bái, xin quẻ ban lộc ban phúc, thậm chí chữa bệnh, cầu tự.

Ông được người đời xem như là một thần y.

Theo Jean Yoyotte (Nhà xuất bản  Fernand Hazen), việc xem Imhotep là một danh y chỉ là lời truyền miệng, điều ấy còn cần phải xét lại (on peut en discuter); nhưng về văn học, nhiều sử liệu xác nhận ông là một nhà tư tưởng, một học giả, một triết gia, một nhà văn lỗi lạc của Ai Cập.

Năm 1300 Tr.CN, Imhotep được xem là một giáo chủ, tác giả của nhiều pho giáo lý xuất sắc dùng trong các giảng đường lớn ở Kinh đô Ai Cập.

Ông là người đào tạo nhiều thế hệ giáo chủ, triết gia, nhà thơ, thầy thuốc, kiến trúc sư cho Vương triều Ai Cập. Được trọng ngang với Thần Thot, Thần hình người, đầu chim Ibis, Thần của chữ viết và trí tuệ Imhotep được người Ai Cập xem là một nhà bác học khuôn mẫu.

Riêng về kiến trúc, Imhotep là người đầu tiên sử dụng đá thay gỗ trong các công trình.

Đá xẻ đục đá thành mộng, thành chốt, dùng đá thành đòn tay, dấm v.v... sử dụng trong công trình lăng Vua Djoser là những phát minh vô cùng to lớn... người đời sau đã áp dụng vào những công trình Kim Tự Tháp khác. Ông có viết tập: Bàn về cách xử lý vật liệu trong việc bố trí, xây dựng một cung đền, được các thế hệ kiến trúc sư xem như một cẩm nang, ví dụ như lúc xây dựng đền Edfou (năm 300 Tr.CN).

Đứng về mặt tư tưởng triết học, ông chống lại giáo phái Đa thần và theo ông: ''Những gì còn lại sau này của Ai Cập có thể là những thơ ca hiện nay chưa được mấy ai tán thưởng cùng những lời ghi lên đá truyền lại tư tưởng và niềm tin của con người Ai Cập cho thế hệ mai sau...''.

Ông đã nhìn xa, vượt khỏi tầm nhìn của người đương thời. Cái bất tử của ông được ghi lên đá... và ông dùng đá để diễn tả tính hoành tráng trong những thiết kế lăng mộ của Vua Ai Cập, đặc biệt là mộ Vua Djoser.

Theo tài liệu khai quật của J.ph.Lauer ở lăng Vua Djoser, Lauer đã xác minh rằng Imhotep là người đầu tiên đã phát minh và áp dụng nguyên tắc dùng đá trong xây dựng các công trình lăng tẩm.

Lauer đã dựng lại mô hình lăng Vua Djoser và cho ta thấy Kim Tự Tháp cổ xưa này có sáu tầng, tường bao quanh bổ hàng trăm trụ đá xẻ rãnh (à redans), các cột đá hình cây Papyrus tạo ra sự hài hòa của những đường song song bổ dọc đã diễn tả vẻ uy nghi và hoành tráng của công trình.

Imhotep người con của Ai Cập Cổ đại, tuy lăng mộ đã đi vào dĩ vãng huyền thoại, nhưng Imhotep sống mãi trong lời thơ của ông vốn được truyền miệng qua các thế hệ.

Họa sĩ TRẦN DUY




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/175-02-633386880055000000/Nghe-thuat-tao-hinh-Tac-giaTac-pham-cua-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận