MỸ THUẬT CÁCH MẠNG VIỆT NAM (1945 - 1975)
I. Mỹ thuật Việt Nam (1945 - 1954): Giai đoạn này hình thành và phát triển nền mỹ thuật mới cách mạng. Từ 1945, các hoạ sĩ đã vẽ tranh cổ động: cứu nông dân, trừ giặc đói, phá xiềng, bảo vệ chính quyền cách mạng. Bức áp phích khổ lớn: Nước Việt Nam của người Việt Nam của Trần Văn Cẩn, hay: Toàn dân đấu tranh cho độc lập thống nhất Việt Nam của Nguyễn Sáng thể hiện hình tượng người Việt Nam đứng dậy cầm vũ khí giành độc lập tự do, có sức cổ vũ mạnh mẽ. Nhiều tranh tường, tranh khắc gỗ vẽ về chống giặc đói, giặc dốt và các đề tài nông thôn.
Toàn quốc kháng chiến 12-1946, tranh Hà Nội vùng đứng lên của Tô Ngọc Vân, vẽ cô gái Hà Nội vung gươm, khí thế hướng về kháng chiến. Hoạt động Mỹ thuật phát triển ở các chiến khu. Các hoạ sĩ ký hoạ, vẽ tranh cổ động, tranh phổ biến, in tranh tuyên truyền, thể nghiệm sơn mài để phản ánh về: Bộ đội, dân quân du kích, tình quân dân, tăng gia sản xuất, thuế nông nghiệp, vạch tội ác giặc, địch vận, chống tệ nạn xã hội. Mở lớp dạy hội hoạ, triển lãm Mỹ thuật ở Việt Bắc, Liên khu 3, và Liên khu 4. Nổi bật là các triển lãm Mỹ thuật toàn Quốc 1948, Mỹ thuật toàn Quốc 1951.
Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn với các tác phẩm: Xuống đồng (lụa - 1946), Cùng nhau học tập (khắc gỗ màu - 1948), ở hang (lụa - 1951), Nhớ ơn người chiến sĩ vô danh (tranh cổ động - giải nhì triển lãm Mỹ thuật toàn quốc - 1951). Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân với các bức: Ông lão du kích (chì - màu nước 1947), Du kích bảo vệ làng (lụa - 1948), Xưởng quân giới (màu dầu - 1951). Các bức sơn mài - 1949: Chạy giặc trong rừng, Khi giặc đã qua, Dừng chân trên đồi được sáng tác ở xưởng Xuân Áng. Nhiều ký hoạ, trực hoạ sinh động về hiện thực kháng chiến: Bừa trên đồi (màu nước - 1953), Đốt đuốc đi học, Chị cốt cán, Con trâu quả thực, Đấu tố địa chủ. Các tranh vẽ những sinh hoạt và phong cảnh Tây Bắc: Cô gái Thái. Dân công đi chiến dịch người ngựa thồ phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, bộ đội hành quân: Qua đèo Lũng Lô, Hành quân qua suối. Loạt tranh này được giải nhất triển lãm Mỹ thuật 1954. Hoạ sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988): Tranh Chợ Bo (1953) ghi lại cảnh tàn sát của giặc Pháp. Tranh Giặc đốt làng tôi (màu dầu - 1954), thể hiện cuộc gặp gỡ dân đang chạy tản cư với bộ đội trên đường hành quân, kể chuyện giặc đốt làng mình. Tranh mang ý nghĩa tố cáo tội ác của giặc Pháp. Tranh Tình quân dân (khắc gỗ - 1951) gặp gỡ của dân bản đón bộ đội trong những nhà sàn chiến khu. Ông còn vẽ tranh tuyên truyền địch vận, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. Hoạ sĩ - Điêu khắc Diệp Minh Châu (1919 -2002) vẽ về những hoạt động kháng chiến, nổi bật là các bức: Trong những ngày đầu kháng chiến ở Nam Bộ, Du kích Bến Tre, Vệ quốc quân. Bức: Bác Hồ và ba em bé Trung, Nam, Bắc (1947) đã lấy máu mình để vẽ. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ở Việt Bắc, vẽ về đề tài nông thôn: Con bò, Chăn trâu dưới mưa được khen. Ông là hoạ sĩ của Báo Toàn dân kháng chiến, Sông Lô, phụ trách xưởng hoạ ở Xuân Áng, nghiên cứu thể nghiệm sơn ta vào sáng tác hội hoạ. Các bức sơn mài: Bộ đội thổi sáo dưới nhà sàn (sơn mài 1949), Tiểu đội Pháo (sơn mài 1949). Bức: Dân quân Phù Lưu (khắc gỗ màu) của ông được giải nhất triển lãm mỹ thuật năm 1948. Ở khu V, Nguyễn Đỗ Cung vẽ dân quân du kích, quân giới, công binh xưởng. Ông làm tranh tuyên truyền, mở lớp dạy vẽ và làm nhiều công tác. Tại La Hai (phú Yên) ông đã vẽ nhiều tranh đẹp: Du kích tập bắn (1946), Phá hoại Phú Phong (1947), Họp tiểu đội (1947), Làm kíp lựu đạn (1947), Ném lựu đạn (1947), Buổi luyện quân. Bức Du kích tập bắn (1946) vẽ những người du kích tập bắn trong cái nắng rực rỡ ở Liên khu V, tạo được hoà sắc đẹp, trong sáng, mạnh mẽ. Văn Giáo vẽ dân công. Nguyễn Văn Tỵ (1917 - 1992): Chợ Bờ (sơn mài - 1951), Du kích Cảnh Dương (khắc gỗ). Phan Kế An (1923): Cơn giông trên Thành cổ Thanh Hoá (bột màu - 1946), Bác Hồ (chì - 1948). Nguyễn Sỹ Ngọc (1919 - 1990) Cái bát (sơn mài). Dương Bích Liên (1924 - 1988): Lớp bình dân (bột màu - 1946). Bùi Xuân Phái (1920 - 1988): Phố Thầu (màu dầu-1948), Dân quân (màu dầu-1950), Nữ du kích (khắc gỗ-1950), Tình quân dân (màu dầu - 1954). Nguyễn Thị Kim (1917): Bác Hồ (đồng-1946), Mẹ con (đắp nổi - 1949), Chiến thắng Điện Biên Phủ (phù điêu - 1954). Nguyễn văn Bình (1917 - 2004): Tự vệ Huế (màu dầu). Nguyễn Hiêm (1917 - 1976): Trận Tầm Vu (thuốc nước - 1947). Nguyễn Như Huân (Thái Hà, 1922) Hành quân qua đèo (màu nước - 1948). Tạ Thúc Bình (1919 - 1998): Bắc Ninh - Bắc Giang tiêu thổ kháng chiến (1948). Phạm Văn Đôn (1917 - 2000): Lão dân quân Cảnh Dương (1950); Đóng thuế nông nghiệp (tranh liên hoàn - 1951), Tổng khởi nghĩa (khắc gỗ). Huỳnh Văn Gấm (1922 - 1987): Tứ bình (1948). Nguyễn Đức Nùng (1914 - 1983): Trận công đồn (màu nước - 1948). Lê Quốc Lộc (1918 - 1987): Hoà bình (phấn màu - 1954). Quang Phòng (1925): Lò rèn (1946). Tạ Tỵ (1922): Đêm hoa đăng (sơn mài - 1946). Phạm Đăng Trí (1921 - 1987): Người Suối bạc (bột màu - 1946). Mai Văn Hiến (1923), Gặt lúa (bột màu - 1948), Gặp nhau (bột màu - 1954). Lưu Công Nhân (1930): Chăm sóc thương binh (tranh liên hoàn - 1951). Nguyễn Trọng Kiệm (1934 - 1991): Con nhớ (bột màu 1954), Con nuôi con đẻ (sơn dầu - 1954). Lê Thanh Đức (1925-): Hà nội đêm giải phóng (bột màu 1954). Văn Giáo: Bộ tranh Hộ lý chăm sóc thương binh (bột màu 1948); Mai Long: Bộ tranh Tây Bắc (bột màu 1954); Sĩ Tốt: Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng (bột màu 1954); Đào Đức: Treo ảnh Bác Hồ (lụa - 1954); Văn Hoè: Chân dung Hồ Chủ Tịch (phù điêu-1954). Hoạ sĩ Nam Sơn (1890 - 1973): đã kịp vẽ được nhiều bức về Hà Nội bị tạm chiếm, Tiêu thổ kháng chiến (màu nước, bút chì 1947), Giảng Võ 1947 (màu nước - 1947). Bức: Núi rừng Việt Bắc (mực nho - 1952), về khuôn khổ lớn (4m x 1m70) hướng về cách mạng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến khu hùng vĩ, sức mạnh của hồn thiêng sông núi với đàn chim đang xoải cánh tung bay theo hình chữ M (tượng trưng Việt Minh, và Hồ chí Minh) trong khoảng trời bao la, của núi rừng chiến khu cách mạng Việt Bắc. Ông còn có các phác thảo tranh về Bác Hồ như bức: Bác Hồ (chì son - 1953).
II. Mỹ thuật Việt Nam (1954 -1964)
Từ triển lãm Mỹ thuật Toàn Quốc (năm 1954) với những sáng tác trong thời gian kháng chiến, đến triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958 (tại nhà triển lãm Phố Yết Kiêu Hà Nội) với nhiều tác phẩm mới xuất sắc giới Mỹ thuật Việt Nam tham gia triển lãm nghệ thuật tạo hình các nước XHCN nhằm mở rộng mối quan hệ Quốc tế. Hội họa Việt Nam với những tác phẩm sơn mài độc đáo, phản ánh nhiều mặt cuộc sống hiện thực, trong sáng - trữ tình, được bạn bè đánh giá cao vì nó bản sắc riêng. Trong các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1960 (tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam), Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1962 (tại 93 Đinh Tiên Hoàng Hà Nội), nhiều sáng tác đã được đánh giá cao.
Tranh Sơn mài: phát triển với chất lượng và số lượng chưa từng có, trong đó nổi bật các tác giả tác phẩm sau. Trần Văn Cẩn với Tranh: Tát nước đồng chiêm (1958) - giải nhất triển lãm Mỹ thuật toàn Quốc lần thứ 7, Tranh: Mùa thu đan áo (1962) một cảnh sinh hoạt thanh bình. Nguyễn Sáng với các tranh về bộ đội: Trú mưa (1958), Nghỉ trưa (1958), Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (1963), phản ánh về những chiến sĩ trên chiến hào Điện Biên Phủ ác liệt, trong giờ phút được kết nạp Đảng. Nguyễn Tư Nghiêm (1922): Nông dân đấu tranh chống thuế, Điểm giao thừa (1957), Con nghé (1958) người nông dân vui mừng trước con nghé sinh ra từ Trâu mẹ được chia quả thực. Dương Bích Liên (1924 - 1989) bức: Chiều vàng (1962) diễn tả một phong cảnh chiều, những ánh nắng vàng lộng lẫy. Phan Kế An (1923): Nhớ một chiều Tây Bắc (1955). Lê Quốc Lộc (1918 - 1987): Ánh sáng đến, Qua bản cũ (1958). Hoàng Tích Chù (1912 - 2003): Tổ đổi công miền núi (1958) thể hiện những người vùng cao trồng cấy lúa nước, và phong cảnh đẹp. Nguyễn Đức Nùng (1914 - 1983): Xe sợi (1958), Bình minh trên nông trang (1958).Tranh: Xô Viết Nghệ Tĩnh của tập thể 6 tác giả (Nguyễn Đức Nùng, Trần Đình Thọ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Bình, Phạm Văn Đôn – Phác thảo của Nguyễn Đức Nùng). Nguyễn Khang (1911- 1989): Qua suối (1962). Huỳnh Văn Gấm (1922 - 1987): Trái tim và nòng súng (1960), Nam kỳ 1940 tố cáo tội ác dã man của kẻ thù. Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992): Nhà tranh gốc mít (1958). Nguyễn Hiêm (1917-1976): Hành quân đêm (1958). Dương Hướng Minh: Kéo pháo (1958). Nguyễn Sỹ Ngọc: Đổi ca (1962). Nguyễn Văn Bình (1917-2004): Bản Nậm Nà (1962). Kim Đồng (1922): Lò nồi thủ công (1962). Huỳnh Văn Thuận (s 1921): Thôn Vĩnh Mốc (sơn khắc - 1957-1958). Bùi Trang Chước (1915-1992): Khu gang thép Thái Nguyên (sơn khắc 1962)... có các tác phẩm tác giả khác của thời kỳ vàng son rạng rỡ của sơn mài Việt Nam.
Tranh màu dầu: Trần Văn Cẩn với: Nữ dân quân miền biển (1960), Chân dung thợ mỏ (1962), Nối lại dây gầu (1962). Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977) với: Công nhân cơ khí (1962). Lương Xuân Nhị với: Phong cảnh trung du (1957), Đồi cọ (1957). Lưu Văn Sìn: Cảnh nông thôn Sài Sơn (1957) người nông dân đi làm đồng về, bóng tre, bóng chuối soi bóng ao làng màu xanh của đám bèo, của cây lá, của đám liềng liễng trong hoà sắc sinh động. Dương Bích Liên: Đi học đêm (1962). Bùi Xuân Phái với các bức: Phố cổ Hà Nội. Nguyễn Văn Thiện với: Đập lúa (1961). Trịnh Phòng: Du kích địch hậu chống càn (1962). Lưu Công Nhân: Một buổi cầy (1960). Nguyễn Trọng Kiệm: Vật kỷ niệm Điện Biên (1958), Hà Nội l946. Sỹ Tốt: Tiếng đàn bầu (1962) v.v...
Tranh Lụa: Nguyễn Phan Chánh: Bữa cơm vụ mùa, Tổ đan mây, Vườn trẻ (1958). Trần Văn Cẩn: Con đọc bầm nghe (1954), Đúc lưỡi cầy (1955). Phan Thông: Hành quân mưa (1958). Trọng Kiệm: Ghé thăm nhà (1958). Nguyễn Tiến Chung: Mùa Gặt (1957), Hoà bình trở lại (1958). Ngô Minh Cầu Về Nông thôn (1958). Trần Đông Lương: Tổ thêu (1958). Linh Chi: Thiếu nữ dân tộc Mán đỏ. Mai Long: Vân Dại (1957). Nguyễn Bích: Đội tuyên truyền giải phóng quân. Ngọc Linh: Hoa. Tạ Thúc Bình (1919-1998): Góp thóc vào kho (1960)...
Tranh Bột mầu: Mai Văn Hiến : Bức Gặp gỡ (1954) bố cục đẹp tả lại cuộc gặp gỡ của một đôi vợ chồng trẻ gặp nhau trên đường chiến dịch. Sĩ Tốt: Em nào cũng được học (1957). Văn Giáo (1916-1996): Đền Voi phục (1957) tả cái nắng len qua hàng cây cổ thụ, theo đường sâu hút vào Đền, bút pháp phóng khoáng chân thực. . . Tranh khắc gỗ màu của Nguyễn Tiến Chung: Ngày chủ nhật (1960), Nguyễn Trọng Hợp: Lớp học bổ túc...
Điêu khắc: điều kiện thời bình đội ngũ phát triển dần. Diệp Minh Châu: Công nông binh (1956), Võ Thị Sáu, Bác Hồ (1963). Phạm Xuân Thi: Nắm đất Miền Nam (1955). Trần Văn Lắm: Cắm thẻ nhận ruộng ( 1956). Nguyễn Văn Lý: Nữ du kích Miền Nam (1958). Lều Thị Phương: Bà và cháu (gia đình) (1963). Đào Văn Can: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (1958). Nguyễn Thị Kim: Em bé đi học (1958)…
III. Mỹ thuật Việt Nam (1965 - 1975)
Thời chống Mỹ cứu nước có nhiều phong trào đi thực tế để lấy tài liệu sáng tác. Các hoạ sĩ như: Trần văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Quang Phòng, Lê Lam, Quang Thọ, Văn Đa, Huy Toàn, Phạm Thanh Tâm, Huy Oánh, Nguyễn Thụ, Vũ Giáng Hương, Trọng Cát, Trần Việt Sơn, Vũ Trung Lương,… đã đến với các đơn vị pháo, tên lửa, các ụ súng bảo vệ bầu trời, sống cùng bộ đội, đến những nơi nông dân, công nhân lao động sản xuất xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vào những nơi trọng điểm của tuyến lửa, thanh niên xung phong làm đường, làm cầu, thông đường, huyết mạch giao thông. Nhiều hoạ sĩ trưởng thành trong quân đội như: Đỗ Sơn, Đoàn Văn Nguyện, Trương Hạnh, Đức Dụ, Nguyễn Văn Chiến, Trần Đốc, Bằng Lâm, Giang Khích, Phạm Việt, Mai Văn Kế, Đăng Hiền, Đỗ Hiển, Nguyễn Đức Thọ, Vũ Huyên, Quách Đại Hải, Phạm Ngọc Lâm, Phạm Ngọc Liệu... họ đến với các quân binh chủng bộ binh, công binh, đặc công, thông tin, hậu cần, tăng - thiết giáp, hải quân, giao liên Trường sơn hà các chiến trường miền Nam, để ghi chép, sáng tác. Các triển lãm: Ký hoạ của Quang Thọ vẽ Quảng Bình và đảo Cồn Cỏ, ký hoạ của Quang Phòng vẽ các trận địa pháo Thanh Hoá - Nghệ An. Tranh của các hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Thái Hà, Lê Lam, Thanh Châu, Huỳnh Biếc, Trần Việt Sơn, Hồng Chính Hiền... từ chiến trường miền Nam gửi ra. Triển lãm mùa Xuân (1967) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nhiều tác phẩm phản ánh từ cuộc sống thời chiến.
Thời kỳ này những sáng tác Tranh cổ động lao động sản xuất, chiến đấu nở rộ: Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Huỳnh Văn Gấm. Bèo dâu tốt xanh, Thóc giành trên năm tấn của Huỳnh Văn Thuận; Giữ lấy hoà bình của Nguyễn Đỗ Cung; Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của Nguyễn Thụ và Huy Oánh; Không có gì quý hơn độc lập tự do của Phan Thông; Giặc phá ta cứ đi của Đào Đức; Giữ lấy quê hương giữ lấy tuổi trẻ của Đường Ngọc Cảnh; Tránh mảnh bom đạn em đã có mũ rơm của Nguyễn Văn Chiến; Quyết tâm bảo vệ đất trời Thủ đô 1967 của Trường Sinh...
Tranh khắc gỗ: Ông cháu (1966) của Huy Oánh; Canh gác bầu trời (1965) Nguyễn Thụ; Ba thế hệ (1970) của Hoàng Trầm; Chiến sĩ đảo Cồn Cỏ (1965) của Quang Thọ; Hành quân (1970) của Cửu Long Giang.
Tranh về các đề tài lao động sản xuất, xây dựng: Phân xưởng nhuộm (bột màu - 1969) của Bùi Xuân Phái; Xưởng Sà Lan nơi sơ tán (màu dầu - 1970) của Đỗ Mạnh Cương; Lúa về (màu đầu - 1967) của Nguyễn Văn Chiến: Công trường Trung Tự (màu dầu - 1973) của Cơ Chu Pin; Công nhân xây dựng (màu dầu - 1972) của Nguyễn Hương; Bác Hồ với công nhân xí nghiệp dày da (thạch cao - 1983) của Châu Đình Du. Lão dân quân Hoẵng Trườn (màu dầu 1968) của Đinh Trọng Khang; Trạm giao liên ở Trường Sơn (lụa - 1972) của Vũ Giáng Hương. Ơ bố (màu dầu - 1974) của Sĩ Tốt; Tây Nguyên (màu dầu - 1975) của Xu Man; Vượt trọng điểm (sơn mài - 1974) của Lê Trí Dũng; Gặp gỡ (sơn mài - 1973) của Dương Viên.
Điêu khắc có các tác phẩm: Cây tầm vông (thạch cao 1970) của Diệp Minh Châu; Mười hai nữ chiến sĩ Thành Huế của Nguyễn Thị Kim; Nguyễn Văn Trỗi, Chiến thắng Điện Biên Phủ (1974) của Nguyễn Hải; Bà má nghiền trầu của Lê Công Thành; Vót chông (thạch cao - 1969) của Phạm Mười; Các tượng: Thông đường (thạch cao - 1972); Canh giữ bầu trời của ta của Tạ Quang Bạo; Tiếng cồng Tây Nguyên (thạch cao - 1970) của Mô Lô Kai; Tự vệ luyện tập ở Văn Miếu (màu bột - 1967) của Cửu Long Giang, Sẵn sàng chiến đấu (lụa) Nguyễn Văn Chung; Bác Hồ thăm bộ đội pháo cao xạ (màu dầu) của Nguyễn Cao Thương; Sau trận đánh lũ giặc trời (màu dầu - 1974) của Phạm Ngọc Doanh; Bác Hồ thăm trận địa tên lửa (sơn dầu - 1974) của Vương Trình; Thanh niên xung phong (Bột màu) của Tôn Đức Lượng, Hà Nội 12 ngày đêm (sơn mài - 1974) của Huỳnh Văn Gấm; Hà Nội cuối Tháng Chạp 1972 (sơn mài - 1973) của Phan Kế An; Bắc Nam xum họp (sơn mài - 1976) Nguyễn Văn Tỵ; Hội mừng đại thắng mùa Xuân 1975 (màu dầu - 1976) của Việt Hải, Mừng Miền Nam giải phóng ở Hà Nội (khắc gỗ) 1976 của Trần Nguyên Đán; Hùng khí Thăng Long (đắp nổi - 1977) của Trần Tuy. Có số tượng đài dựng trong những năm chống Mỹ. Quá trình phát triển của Mỹ thuật cách mạng Việt Nam giai đoạn này đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị.