Tài liệu: Robert Kock nhà bác học vĩ đại (1843 - 1910)

Tài liệu
Robert Kock nhà bác học vĩ đại (1843 - 1910)

Nội dung

ROBERT KOCH NHÀ BÁC HỌC VĨ ĐẠI (1843 - 1910)

 

Năm 1982, giới y học toàn thế giới kỷ niệm 100 năm ngày Robert Koch (Rôbe Cốc) tìm thấy trực khuẩn bệnh lao. Ở Berlin, Thủ đô nước Cộng hòa Liên bang Đức, ngay tại hội trường lịch sử, nơi mà ngày 24 tháng 3 năm 1882 lần đầu tiên Robert Koch báo cáo phát minh của mình, Nhà nước và Hội y học CHDC Đức đã tổ chức lễ kỷ niệm long trọng.

Tìm thấy trực khuẩn lao là thành tựu nổi tiếng của Robert Koch. Với nhiệt tình phục vụ không mệt mỏi, và tinh thần say sưa nghiên cứu suốt cả đời mình, ông đã có nhiều đóng góp trong nhiều lĩnh vực của y học.

Robert Koch sinh ngày 11 tháng 12 năm 1843, trong một gia đình lao động nghèo đông con. Thân sinh là một nhân viên ngành mỏ. Gia đình có 11 người con.

Khi còn nhỏ, Robert Koch khác với anh em trong gia đình, hiền lành, không nghịch ngợm, thích nghiên cứu cây cỏ, sâu bọ, cả ngày ở vườn bách thú và loay hoay với sách vở. Trong buồng học có cả một bộ sưu tầm về sinh vật học do tự tay ông làm.

Nhận thấy sở thích và khả năng của ông, gia đình đã cố gắng để ông học thành Bác sĩ y khoa. Ông tỏ ra là sinh viên có khả năng, chăm chỉ và đã tốt nghiệp xuất sắc.

Sau một thời gian ngắn làm việc trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Viasôv, ông xin đi làm Bác sĩ ở nông thôn. Với tinh thần phục vụ tận tụy, tác phong gần gũi, chan hòa với mọi người, ông được nhân dân hết sức mến phục.

Năm 1876, một vụ dịch bệnh than xảy ra ở Đức, lan đến gần vùng Robert Koch đang làm việc. Với tinh thần bảo vệ chăn nuôi, giúp ích cho đồng bào mình, ông say sưa nghiên cứu không kể giờ giấc, không quản mệt nhọc. Ông tự chế được một tủ ấm thô sơ và nhờ thế đã đi sâu vào sự hiểu biết đương thời về trực khuẩn bệnh than. Kết quả là công trình nghiên cứu Nguyên nhân bệnh than của ông được trình bày trước một số Giáo sư có trách nhiệm vào cuối tháng 4 năm 1876. Các vị này có người không tin tưởng, có người thờ ơ; riêng Giáo sư Ferdinand Cohl (Pheđinan Con), nhà thực vật học nổi tiếng Breslau, đặc biệt hoan nghênh và đặt nhiều triển vọng vào tương lai của Robert Koch. Nhờ sự giới thiệu của Giáo sư F.Cohl, ngày 5 tháng 7 năm 1880, ông được triệu tập về Berlin làm cố vấn cho Chính phủ và phụ trách vệ sinh. Lúc này ông được hai Bác sĩ trẻ tuổi (Gaffky và Loffler) giúp việc. Hai ông này được ông giúp đỡ tận tình và về sau đều trở thành nhà Bác học nổi tiếng.

Với sự cộng tác của hai nhà khoa học trẻ tuổi này, Robert Koch tìm ra nhiều môi trường mới để nuôi cấy vi khuẩn và nhiều chất diệt khuẩn mới. Ông làm việc say sưa, suốt ngày và tới tận nửa đêm trong phòng thí nghiệm.

Năm 1881, ông bắt tay vào một vấn đề lớn đang gây tranh luận gay gắt trong y giới lúc bấy giờ: Nguyên nhân bệnh lao.

Theo phương pháp nghiên cứu hết sức chặt chẽ và với tác phong tỷ mỷ của mình, ông đề ra ba nguyên lý cơ bản để xác minh nguyên nhân bệnh lao. Ba nguyên lý này ngày nay vẫn còn có giá trị:

1 - Phải xác định được mầm bệnh trong cơ thể bị bệnh.

2 - Phải phân lập được ra ngoài cơ thể bệnh nhân, hoặc gia súc bị bệnh, nuôi cấy thành thuần chủng tạo khả năng nghiên cứu tính chất về hình thái cũng như chức năng.

3 - Từ thuần chủng đó, phải gây được bệnh trên súc vật thí nghiệm và từ những súc vật đó thu hồi lại mầm bệnh.

Hằng ngày, ông đến bệnh viện lấy bệnh phẩm lao đem về nhuộm, tiêm cho súc vật và tự mình trông nom các súc vật đó. Tay ông lúc nào cũng đầy phẩm nhuộm.

Sau khi nhuộm tiêu bản thứ 271, ông lấy làm vừa ý vì đã thành công trong việc nhuộm vi khuẩn lao.

Nhuộm đã thành công, ông nghiên cứu phương pháp nuôi cấy vi khuẩn và lấy vi khuẩn đó gây bệnh trên súc vật. Trong đợt đầu tiên này, ông gây được bệnh cho 273 chuột lang, 105 thỏ, 3 chó, 13 mèo và 12 bồ câu. Ông thành công hoàn toàn, sau chưa đầy 8 tháng đã giải đáp đầy đủ ba nguyên lý cơ bản mình nêu ra. Ngày 24 tháng 3 năm 1882, tại Hội trường Viện sinh lý Berlin (nay là Viện vệ sinh Trường Đại học Berlin), trước cử tọa gồm các nhà Bác học, ông báo cáo đề tài Nguyên nhân bệnh lao.

Dự kiến có nhiều Giáo sư không đồng ý sẽ chất vấn. Nhưng với thái độ khiêm tốn, với lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, có sức thuyết phục mạnh mẽ, ông đưa ra một số tư liệu và chứng minh rất lớn khiến cử tọa xúc động sâu sắc, tựa hồ bị choáng quên cả vỗ tay. Thực tế hôm đó, Robert Koch tạo nên bước ngoặt, quyết định đối với công cuộc chống bệnh lao, một bệnh có tính cách xã hội đã gây biết bao tổn thất đau thương cho nhân loại.

Năm 1883, ở Ai Cập nổ ra một vụ dịch tả rất lớn, Chính phủ Ai Cập yêu cầu sự giúp đỡ của những nhà Bác học các nước. Robert Koch hăng hái xung phong đi ngay, mặc dù biết rất nguy hiểm. Trên tàu thủy đi Ai Cập, ông tìm hiểu tất cả các công trình đã có từ trước về dịch tả. Đến Ai Cập, ngay từ ngày đầu tiên, ông đã bắt tay vào làm việc và tiếp xúc với người bệnh. Nhưng tôn giáo ở đây không cho mổ tử thi, cả đến khám tử thi cũng khó, ở ruột và phân người bệnh, ông luôn thấy loại trực khuẩn hình dấu phẩy, nhưng vẫn chưa cô lập được và chưa gây được bệnh trên súc vật.

Trong thời gian này, mặc dù thời tiết nóng bức, ông vẫn tự buộc mình vào công việc. Những người cộng tác nhắc ông ra phố xem phong cảnh giải trí, ông nói: "Thôi các anh đi đi và về kể chuyện lại cho tôi nghe”. Ông thường trả lời những người mời ông đi chơi là: ''Buổi sáng thì chưa có thì giờ, buổi chiều thì còn nhiều việc quá”. Tuy hết sức tận tụy nhưng thời gian ở Ai Cập ông không đạt được kết quả nào khác.

Ngày 11 rháng 11 năm 1883, ông sang Ấn Độ. Đến nơi, ông vào ngay một bệnh viện và ở lại đó một thời gian. Lần đầu tiên, ông được mổ tử thi của người bị bệnh tả. Ông thấy nguyên nhân của bệnh tả là vi khuẩn dấu phẩy. Ông tự hỏi tại sao người ta bị lây và chết hàng loạt, cuối cùng đã xác minh được rằng bệnh tả lây từ người này sang người khác do nước bị nhiễm vi khuẩn.

Thành công này làm ông vui sướng nhưng chưa thỏa mãn vì chưa tìm được cách chữa.

Năm 1899, khi làm trưởng đoàn nghiên cứu bệnh sốt rét ở Italia, Indonesia và Tân Ghinê, ông cũng có đóng góp đáng kể, ngoài ra ông còn có chương trình nghiên cứu: bệnh ngủ, bệnh sốt phát ban.

Từ năm 1884, Robert Koch là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học Nga. Năm 1905, ông được giải thưởng Nobel về y học.

Ông mất ngày 27 tháng 5 năm 1910.

Từ năm 1951, Nhà nước CHDC Đức lấy ngày 11 tháng 12, ngày sinh của Robert Koch làm ngày trao tặng huân chương “Thầy thuốc ưu tú của nhân dân” cho những nhà  nghiên cứu y học và thầy thuốc ưu tú nhất.

GS. PHẠM KHẮC QUẢNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390127058618750/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận