Tài liệu: Adolf Baeyer (1835 - 1917)

Tài liệu
Adolf Baeyer (1835 - 1917)

Nội dung

ADOLF BAEYER (1835 - 1917)

 

Cách đây hơn 150 năm, ngày 31 - 10 - 1835, tại Berlin cậu bé Adolf Baeyer cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình Kỹ sư trắc địa quân sự. Và chỉ vài chục năm sau đó A. Baeyer đã trở thành nhà nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết thiên tài, đóng góp cho khoa học những công trình nền tảng, làm phong phú và đổi mới hẳn ngành hóa học về các chất màu được phát triển như vũ bão vào giữa thế kỷ XIX. Từ những ngày thơ ấu, cậu đã biểu lộ năng khiếu quan sát, nghiên cứu và lòng ham mê khoa học tự nhiên. Sau khi tốt nghiệp trung học, A. Baeyer thi vào khoa toán trường Đại học Tổng hợp Berlin. Sau một năm nghỉ học để làm nghĩa vụ quân sự, A. Baeyer trở lại trường Đại học, chuyển sang học khoa hóa và từ đó hoàn toàn cống hiến cuộc đời mình cho ngành khoa học này.

Cũng như nhiều nhà Bác học tài ba khác, diện hoạt động của ông rất rộng, cả về lý thuyết và thực nghiệm, nhưng phải kể trước hết là các công trình về indigo. A. Baeyer đã dành hơn 20 năm của đời mình cho loại chất màu này. Thoạt tiên, năm 1869, ông cùng với A.Emmerling. tổng hợp indola, một phần hợp thành của indigo. Năm 1890, ông tiến hành tổng hợp toàn bộ chất màu này và làm sáng tỏ cấu trúc của nó, đồng thời thiết lập cấu tạo hóa học của oxi indola, izatin ingocxin và nhiều hợp chất có nguồn gốc từ indigo. Cũng trong thời kỳ đó, A.Baeyer xác lập bằng thực nghiệm công thức cấu tạo của pirola và piridin dưới dạng cấu tạo dị vòng có nguyên tử N và nhóm NH. Năm 1883, A. Baeyer thiết lập được cấu tạo của chất màu phức tạp indigotin, trong đó “vị trí của mỗi nguyên tử đều được xác nhận bằng thực nghiệm". Sau đấy, ông tổng hợp được chất màu huyết dụ tức là đibromindigo. A.Baeyer dành nhiều thời gian và công sức cho các chất màu loại triphemylmetan. Ông phát minh ra cả một lớp chất màu này và nhiều chất đã được áp dụng vào công nghệ. Bằng cách biến đổi điều kiện ngưng tụ anhiđrit phtalic và phenola, A. Baeyer đã điều chế được alizarin và các dẫn xuất khác của antra quinon. Cả một hệ thống công trình nghiên cứu về cấu tạo và tổng hợp các chất màu của ông đã được đánh giá xứng đáng bằng giải thưởng Nobel năm 1905.

A. Baeyer cũng có nhiều cống hiến vào việc làm sáng tỏ cấu tạo của các chất thuộc nhóm axit uric. Năm 1872, ông khám phá ra phản ứng ngưng tụ các andehit với phenola làm cơ sở cho phương pháp công nghệ điều chế nhựa phenon fomandehyt sau này.

Đồng thời với H.E.Amstrong (1848 - 1937), Baeyer đã đề xuất công thức cấu tạo hướng tâm của phân tử benzen, trong đó mỗi nguyên tử carbon có một hóa trị hướng vào tâm hình sáu cạnh. Đây là công thức cổ điển gần gũi nhất với quan niệm hiện đại về 6 electron liên hợp.

Sau khi Butlerov lần đầu tiên tổng hợp được chất đường bằng cách trùng hợp hóa Fomandehyt. A.Baeyer đã phát triển giả thuyết về quang hợp trong thực vật cho rằng cây xanh hấp thụ khí cabonic và tạo thành andehit, sau đó các phân tử andehit ngưng tụ thành gluco, tinh bột và các hidrat carbon khác.

Một trong những cống hiến rực rỡ nhất của A.Baeyer cho hóa học lý thuyết là Thuyết sức căng, được công bố năm 1885. Mục đích là giải thích tính bền của các vòng 6 cạnh và 5 cạnh, và tính kém bền của các vòng 4 cạnh và 3 cạnh của các nguyên tử cabon do độ sai khác của các góc liên kết so với góc 109028'' giữa các liên kết Carbon trong cấu hình tứ diện đều. Thuyết sức căng lúc đầu bị một số nhà hóa học phản đối, nhưng sau đó đã được thừa nhận rộng rãi, tạo điều kiện phát triển hóa học lập thể và thúc đẩy việc áp dụng các quan niệm động lực trong hóa học lập thể.

Bên cạnh các công trình nghiên cứu xuất sắc, Baeyer là một nhà sư phạm mẫu mực. Ông quan tâm tha thiết đến học trò và nêu gương cho họ bằng lao động kiên trì, bằng tính nghiêm túc trong nghiên cứu tính khiêm tốn và tự phê phán cao, sự nhạy bén với cái mới, sự phong phú về tư tưởng, sự độ lượng, hiền lành kết hợp với hài hước dí dỏm... Vì thế ông đã được học trò và bè bạn rất quý mến và trở thành trung tâm của một trường phái khoa học lớn.

Ông mất tại Munkhen ngày 20 - 8 - 1917. Với hơn 300 công trình nghiên cứu và 40 năm giảng dạy ở nhiều trường Đại học, tên tuổi của Baeyer trở nên rực rỡ trong lịch sử hóa học thế kỷ XIX.

Theo KH và ĐS

Số 14-16-7-1986

M.Đ.C và N.Đ.T

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390126657212500/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận