MỸ THUẬT HY LẠP
Nền mỹ thuật Ai Cập và nền mỹ thuật Lưỡng Hà đã chấm dứt trên 300 năm Tr.CN, khi Alexandros đưa quân chiếm Ai Cập và cả vùng Trung Á. Từ trước đó trong quá trình giao lưu, các nền mỹ thuật này đã ảnh hưởng đến nền mỹ thuật Hy Lạp vốn là vùng có địa thế giao thông thuận tiện và một nền kinh tế phát triển.
Từ thế kỷ VII Tr.CN, cùng với sự thịnh vượng của đất nước Hy Lạp Đa Thần giáo, kinh tế, khoa học và nghệ thuật đều rất phát triển. Nhất là mỹ thuật Hy Lạp như có phép màu, ngoài thành tựu là những hiện thực pha lẫn truyền thuyết đã được nhắc tới trong các trường ca nổi tiếng IIiade và Odysée của Homère thế kỷ VIII Tr.CN. Sau khoảng 200 năm, tức là vào thế kỷ V Tr.CN, Mỹ thuật Hy Lạp đã đạt tới đỉnh cao chói sáng và đi đến tuyệt đỉnh của sự mẫu mực. Về kiến trúc có quần thể Acropole. Trong đó có các đền Parthénon, Athéna Nike và Erechtheion rất nổi tiếng mà dấu vết huy hoàng sau 2500 vẫn còn đến ngày nay. Công trình đã được xây dựng và trang trí bởi những nghệ sĩ tài ba, trong đó có họa sĩ Polignote, kiến trúc sư Ichtinos và nhà tạc tượng Phidias dưới thời Péricles (495 - 429 Tr.CN).
Về tượng, ngày nay vẫn còn lưu giữ được những tác phẩm vô giá như: Người ném đĩa (Discobole, thế kỷ V Tr.CN) của Myron ở Bảo tàng Thermes - Roma, Doryphore, Diadumène của Polyclète ở Bảo tàng Naples, Amazones ở Éphese cũng của Polyclète ở Bảo tàng Berlin; Athena, Aphrodite Cyrene, Aphrodite Milo, Aphrodite Cnide, Apollon Sauroctone: người ta cho rằng mang phong cách Praxitele, ở Bảo tàng Louvre; Cụm tượng Laocoon (cuối thế kỷ II Tr.CN) ở Bảo tàng Pio Clémentino - Vatican. Praxitèle (thế kỷ IV Tr.CN) người chịu ảnh hưởng tư tưởng của triết gia Platon (427- 348 Tr.CN), tác phẩm của ông không hoành tráng như Phidias, không quá chuẩn mực và khô lạnh như Polyclète mà trẻ trung, dịu dàng và gợi cảm; điều đáng tiếc, phần nhiều trong số đó ngày nay chỉ là phiên bản.
Đặc biệt bức tranh ghép mảnh (mosaique) Trận Issos mô tả thắng lợi của Alexandros Đại đế đối với Vua Darios III vào năm 333 Tr.CN (Bảo tàng Khảo cổ học Naples). Trong tranh, Alexandros đầu trần cưỡi ngựa đuổi theo Darios đội mũ chiến Thổ Nhĩ Kỳ cưỡi xe chạy. Một rừng người, ngựa, gươm giáo được bố cục rất tài ba và sinh động.
Các nghệ sĩ Hy Lạp đã tạo ra 5 trong số 7 kỳ quan thế giới cổ (theo xếp hạng của triết gia kiêm nhà sử học mỹ thuật Hy Lạp Philon d'Alexandrie (14 Tr.CN - 50) đó là: Tượng Thần Zeus bằng vàng và ngà voi ở Olympia của Phidias (thế kỷ V Tr.CN); Lăng vua Mausolus ở Halicarnasse của Phiphei và Timophei với Cụm tượng Mausolus nổi tiếng trên đỉnh lăng (của hai nhà tạc tượng Hy Lạp lừng danh thế kỷ IV Tr.CN là Scopas và Leochares); Hải đăng Pharos ở Alexandrie (thế kỷ III Tr.CN) của Sostrate Khnic; Đền thờ Arthémis ở Ephese của hai cha con Khecxiphron và Metagen và Tượng thần Helios ở Đảo Rhodes của Carete de Lindote. Rất tiếc là các kỳ quan này cùng với nhiều tranh của các danh họa Polignote, Zeuxis và Apelle (các thế kỷ V - IV Tr.CN) chỉ còn được nghe ca ngợi qua sử sách. Tuy nhiên ngày nay, nhờ những hoạt động tích cực và có hiệu quả của nhiều Quốc gia và ủy ban UNESCO, của Liên Hiệp quốc đang từng bước làm sống lại nhiều công trình vô giá của nhân loại.