Tài liệu: Louis Pasteur (1822 - 1895)

Tài liệu
Louis Pasteur (1822 - 1895)

Nội dung

LOUIS PASTEUR (1822 - 1895)

 

Ngày 28 tháng 9 năm 1995 vừa qua, toàn thế giới đã kỷ niệm 100 năm ngày mất của Louis Pasteur, một trong những nhà Bác học có cống hiến to lớn nhất cho nhân loại.

Pasteur sinh ngày 27-12-1822 ở thành phố Dole thuộc tỉnh Jura miền Tây nước Pháp. Cha Pasteur vốn là chủ xưởng nhuộm, tham gia đoàn quân của Hoàng đế Napoléon đi chinh chiến khắp các chiến trường. Năm 1815, sau khi Napoléon thua trận bị đi đày ở Đảo Sainte Hélên, ông trở lại với xưởng nhuộm. Cái xưởng nhuộm ấy ngày nay đã trở thành một Viện bảo tàng để kỷ niệm Louis Pasteur.

Năm 1843, Pasteur thi đỗ thứ tư vào trường Cao đẳng Sư phạm Paris (Ecole Normale Superieure) - một trong những trường Đại học nổi tiếng nhất của nước Pháp thời ấy. Năm 1847, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vật lý và năm 1848 và lúc 26 tuổi Pasteur đã có một phát minh khoa học về tinh thể học làm ông nổi tiếng trong giới khoa học.

Năm 1849, ông được cử làm Giáo sư trường Đại học Strasbourg. Cũng trong thời gian này ông đã lập gia đình với cô con gái xinh đẹp và hiền dịu của  ông Hiệu trưởng trường Đại học. Từ đó, ông đã may mắn có một người vợ chung thủy và dũng cảm đã giúp đỡ ông rất nhiều trong cuộc đời và sự nghiệp. Ông trở thành một Giáo sư nổi tiếng, được đề bạt làm Chủ nhiệm khoa, sau đó chuyển về Paris làm Giám đốc nghiên cứu khoa học của trường Cao đẳng Sư phạm, nơi trước đây ông đã theo học.

Ngày nay, khách đến thăm trường Cao đẳng Sư phạm Paris có thể thấy tấm bảng ghi tên Louis Pasteur trước căn phòng nơi ông đã tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học. Trong cuốn sách Những hình ảnh cuộc đời của Pasteur của cháu ngoại ông là Pasteur Vallery  - Radot, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp quốc (Académie Francaise) có viết như sau: "Ngày nay chúng ta khó hình dung nổi những khó khăn vật chất to lớn mà Pasteur đã phải đương đầu như thế nào''. Tuy nhiên, chính từ cái phòng thí nghiệm nhỏ bé tồi tàn này đã ra đời những phát minh làm biến đổi cả thế giới hiện đại.

Đầu tiên Pasteur nghiên cứu về sự lên men. Khác với tất cả các quan niệm trước đây, Pasteur chứng minh rằng chính các sinh vật nhỏ bé là nguồn gốc của sự lên men. Trong sự lên men của rượu, có những men có hại gây ra ''bệnh của rượu'' và muốn diệt trừ chúng chỉ cần đun nóng rượu lên 550C. Từ sự lên men, Pasteur chuyển sang nghiên cứu về bệnh của con tằm nhằm giải quyết một vấn đề có ý nghĩa to lớn đối với nghề tằm tơ ở miền Nam nước Pháp. Bằng kính hiển vi, ông đã phát hiện ra các vi khuẩn: cái thì như một chuỗi hạt, cái thì như hình dấu phẩy. Nguyên nhân gây bệnh và lan truyền bệnh của con tằm cũng chính là những sinh vật nhỏ bé, những vi sinh vật này phát triển khi gặp môi trường thuận lợi. Từ đây ông đề xướng ra cách đề phòng sự lây lan của bệnh tằm.

Pasteur có 4 con gái và 1 con trai - Người con trai đi lính tình nguyện tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870 - 1871. Trong vòng 7 năm từ 1859 đến 1866, ba người con gái lần lượt qua đời. Trong một bức thư buồn bã gửi cho vợ, Pasteur viết: "Mari khốn khổ của anh, các con chúng ta lần lượt bỏ chúng ta đi, hết đứa này đến đứa khác''.

Năm 1868, ông bị bệnh liệt nửa người phía bên phải, các ngón của bàn tay trái bị co quắp không duỗi ra được, chân trái cứng lại, đi lại chậm chạp, khó khăn. Chính trong tình trạng như vậy suốt gần 40 năm, ông đã hoàn thành sự nghiệp vĩ đại nhất trong cuộc đời ông: Tìm ra nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm ở súc vật như bệnh nhiệt thán, bệnh than ở cừu, bệnh tả của gà, lợn,... và chế tạo ra vắc xin phòng bệnh. Những phát minh của ông về nguồn gốc gây bệnh là các vi trùng, vi khuẩn đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của các nhà Bác học đương thời, kể cả nhiều người có tên tuổi; nhưng cuối cùng trước những chứng cớ khoa học hùng hồn, lý thuyết của ông đã thắng.

Năm 1873, ông được bầu vào Viện Hàn Lâm y học Pháp, năm 1881 được tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh và được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp quốc (Académie Francaise). Vào lúc này ông bắt đầu nghiên cứu về bệnh dại và phát minh ra vắc xin phòng bệnh chó dại. Lần đầu tiên vắc xin này đã được tiêm cho chú bé chăn cừu Yoseph Meiter 9 tuổi bị chó dạt cắn nhiều chỗ vào tay, vào đùi yết cắn sâu đến mức khó đi lại, con chó bị đập chết và mổ ra thấy dạ đầy rơm rạ, mẩu gỗ vụn chứng tỏ nó thật bị dại. Chú bé được đưa đến phòng thí nghiệm của Pasteur 3 ngày sau khi bị chó cắn. Lập tức chú được tiêm vắc xin phòng dại liên tục trong 9 ngày và cuối cùng đã được cứu sống và dần dần hoàn toàn hồi phục. Tin tức lan truyền, những người bị chó dại, kể cả chó sói dại từ khắp nước Pháp và các nước Châu Âu, cho đến nước Nga xa xôi cũng kéo đến thủ đô Paris nhờ Pasteur chữa chạy.

Bác sĩ Calmette, một thầy thuốc nổi tiếng và là học trò của Pasteur có viết: “Chỉ cần so sánh sự tác hại của các bệnh truyền nhiễm trước kia với tình hình hiện nay trong các nước văn minh, chúng ta cũng đủ để vô cùng khâm phục và biết ơn nhà Bác học thiên tài đã làm nên điều kỳ diệu là đẩy lùi sự chết chóc cho biết bao nhiêu người. Phải tính đến con số hàng trăm triệu sinh mạng đã được cứu sống nhờ các phát minh của Pasteur''.

Cuộc cách mạng trong y học mà các phát minh của Pasteur mang lại đã mở đầu cho y học hiện đại; và nếu như y học ngày xưa dựa trên kinh nghiệm mò mẫm, thì y học ngày nay đã được đặt trên một cơ sở thực nghiệm vững chắc.

Ngày 14 - 11 - 1888, Viện Pasteur ở Paris được khánh thành, vừa là nơi nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, chế tạo các vắc xin phòng bệnh, vừa là một nơi giảng dạy về vi sinh học và là một bệnh viện chữa bệnh chó dại sau này. Có nhiều viện Pasteur được mở ra ở các nước trên thế giới và ở nhiều châu lục.

Ngày 27-12-1892 lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Pasteur, đã được tổ chức trọng thể tại giảng đường lớn của trường Đại học Sorbonne ở Paris. Có sự hiện diện của Tổng thống Pháp Sadi Carnot, các nhà Bác học Pháp và nhiều nước trên thế giới.

Tại buổi lễ này, ông đã nói với thanh niên như sau:

''Các bạn trẻ, các bạn hãy sống trong sự thanh bình của các phòng thí nghiệm, các thư viện. Lúc đầu các bạn hãy tự hỏi: "Ta đã làm gì để trau dồi học vấn của ta?”. Khi trưởng thành lên, các bạn lại hỏi: ''Ta đã làm gì cho Tố quốc ta?”. Đến khi mà các bạn có hạnh phúc tuyệt vời cống hiến được một chút ít nào đó cho sự tiến bộ và hạnh phúc của nhân loại và lúc đó, các bạn có thể nói: ''Tôi đã làm tất cả những gì mà tôi có thể làm được''.

Khi Louis Pasteur mất, Chính phủ Pháp tổ chức quốc tang và trên đường linh cữu đi qua, từng đám người quỳ xuống bên đường chan hòa nước mắt. Trong lịch sử ít có nhà Bác học nào mà nhân loại tỏ lòng biết ơn sâu sắc như vậy.

GS. - TSKH. ĐINH NGỌC LÂN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390124303775000/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận