Tài liệu: Michael Faraday (1791 - 1867)

Tài liệu
Michael Faraday (1791 - 1867)

Nội dung

MICHAEL FARADAY (1791 - 1867)

 

Ông là nhà vật lý và hóa học người Anh.

Cha ông, James Faraday, là thợ rèn; còn mẹ ông là con gái một trang viên ở miền Bắc nước Anh. Michael là con thứ ba trong bốn anh em của gia đình này. Cha ông mất sớm. Sau vài năm học ở trường làng, đến năm 14 tuổi, ông vào làm phụ việc tại một cửa hàng sách và giấy bút ở Lon don, sau đó học nghề đóng sách. Với công việc này, ông đã có dịp tiếp xúc với đủ loại sách, báo mà ông đọc một cách say mê. Việc ông thích thú môn hóa học đã bắt nguồn từ một cuốn sách phổ thông do bà vợ một ông thầy thuốc biên soạn, ông đã tự mình kiểm nghiệm lại những điều khẳng định của tác giả cuốn sách mà ông gọi là ''cô giáo đầu tiên" của ông. Bài nói về điện trong lần xuất bản thứ ba của Encyclopaedia Britanimica đã đặc biệt lôi cuốn ông. Với những chai lọ cũ và các thứ linh tinh bỏ đi, ông đã làm được một cái máy phát tĩnh điện thô sơ và tiến hành một số thí nghiệm đơn giản. Ông cũng đã làm được một chiếc pin Volta và dùng nó để làm một số thí nghiệm về điện hóa.

Sau đấy, có một thành viên của Royal Institution (Viện nghiên cứu Hoàng gia) là khách hàng của chủ ông, đã chú ý đến ông, rồi vào đầu năm 1812, ông này đã đưa ông đến dự một lớp học Humphry Đavy. Faraday rất say mê các buổi học, ghi chép cẩn thận các bài giảng và gửi cho Đavy, nhằm làm cho vị Giáo sư chú ý và giúp đỡ. Tháng 10 năm 1812, Đavy đã nhận Faraday vào làm ở Royal Institution và tháng 3 năm 1813 đã dành cho ông chức trợ lý khoa học. Faraday đã phục vụ nhà hóa học nổi tiếng vừa như là một thư ký, vừa giống như người hầu phòng. Do vậy, ông đã chuyển đến sống ở tòa nhà Phố Albemarle Street.

Do sự sủng ái đặc biệt của nhà Vua, Đavy đã được phép đi thăm nước Pháp và Italia; đã cho Faraday cùng đi theo. Trong cuộc hành trình này, suốt từ 1813 đến 1815, Faraday đã được gặp nhiều nhà Bác học, đặc biệt là Ampère và Gaspard De la Rive, những người này đã khiến ông đã gắn bó với họ trong tình bạn thân thiết bền lâu.

Năm 1821, Faraday được cử làm giám sát của Royal Institution và cưới Sarah Barnard, con gái một người làm kim hoàn ở London. Các công trình khoa học mà ông không ngừng công bố từ 1816 đã làm ông nổi tiếng. Năm 1825, ông được giao trách nhiệm chỉ đạo phòng thí nghiệm; năm 1833, trở thành Giáo sư hóa học; Năm 1824, vào Viện Hàn Lâm Khoa học Hoàng gia; năm 1844, được Viện Hàn Lâm Khoa học Paris công nhận là người kế tục Dalton trong số 8 thành viên nước ngoài của Viện.

Faraday đã có những đóng góp đáng kể cho hoạt động của Viện Hàn Lâm Khoa học Hoàng gia, đặc biệt là những sáng kiến tổ chức một số cuộc họp đối với sự có mặt của những nhà khoa học nổi tiếng lúc bấy giờ, và những lớp học về khoa học cho trẻ em mà bản thân ông đã tham gia giảng dạy rất nhiều.

Ảnh hưởng của Đavy đã có tác dụng đến nhiều công trình nghiên cứu đầu tiên của ông về hóa học. Ông đã tìm ra hợp chất benzen trong guđrôn của than đá. Năm 1823, bằng cách nén đồng thời làm nguội, trong một thiết bị đơn giản ông đã thực hiện được lần đầu tiên việc hóa lỏng phần lớn chất khí đã biết lúc bấy giờ.

Sau đó, ông đã chuyển sang các nghiên cứu về vật lý. Từ năm 1821, sau khám phá của Oersted (Xem Oersted), ông đã nghiên cứu về hiện tượng điện từ và đã tìm thấy tác dụng của nam châm ảnh hưởng đến dòng điện (Oersted tìm thấy tác dụng của dòng điện đến nam châm), từ đó ông chứng minh bằng thực nghiệm phần còn lại trong lý thuyết của Ampère (xem Ampère). Sử dụng từ khám phá này ông đã làm quay được một mạch điện trong từ trường của các nam châm vĩnh cửu và như vậy đặt cơ sở cho việc chế tạo động cơ điện. Năm 1831, ông đã đi đến việc phát hiện ra một sự kiện quan trọng nhất là hiện tượng cảm ứng điện từ - sự biến đổi công cơ học thành điện năng, và như vậy nó đã đặt nền tảng cho việc chế tạo ra máy phát điện.

Năm 1833, Faraday đã đưa ra lý thuyết hiện tượng điện phân và phát biểu các định luật định tính, định lượng mang tên ông về hiện tượng này. Chính các từ ''điện phân'', ''điện cực'', ''iôn'' là do ông đặt ra.

Năm 1843, quay trở lại hiện tượng tĩnh điện, dùng một vật hình trụ nối với một điện nghiệm, ông đã kiểm nghiệm được nguyên lý bảo toàn điện. Ông đã đưa ra lý thuyết về sự nhiễm điện bằng cảm ứng. Ông chứng minh rằng, một vật dẫn rỗng (lồng Faraday) là một cái màn chắn đối với các tác dụng điện. Năm 1846, ông đã khám phá ra năng lượng tĩnh điện được định vị trong các chất điện môi; khám phá này chuẩn bị cho sự xuất hiện lý thuyết điện từ của Maxwell sau này (xem Maxwell), là cơ sở để làm rõ mối quan hệ giữa điện và sóng điện từ. Cùng với khám phá đó, ông đã đi đến khái niệm ''năng suất cảm ứng riêng" mà ngày nay chúng ta gọi là ''hằng số điện môi''. Bản thân từ “chất điện môi” là do ông đặt ra.

Faraday còn là người đã chỉ ra hiện tượng điện phát quang (năm 1838) và khám phá ra tính nghịch từ (năm 1845).

Ngoài ra, vào những năm cuối cùng của thời kỳ nghiên cứu, Faraday còn quan tâm nghiên cứu về tác dụng của từ trường đối với ánh sáng phân cực.

Tất cả các nghiên cứu trên đây, Faraday đều đã thực hiện hầu như một mình. Người gần gũi với ông chỉ có một cựu pháo binh, ông đội Anderson, người giúp việc do ông đào tạo và đã phục vụ ông trong gần bốn chục năm. Tất cả những gì làm ông phải xa rời công việc đều bị ông coi là vô ích và có hại. Ông từ chối mọi chức vụ và danh hiệu mà người ta luôn luôn dành cho ông, trong số đó có chức Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Hoàng gia và tước Huân tước.

Vào khoảng năm 1855, ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi về thể chất và tinh thần. Thỉnh thoảng lúc này ông còn làm một vài thí nghiệm, trong số đó có thí nghiệm tìm kiếm tác dụng điện khi nâng một trọng vật vì ông cảm thấy rằng trọng lực, cũng giống như lực từ, phải có khả năng chuyển thành một lực khác, lực đó có nhiều khả những là lực điện. Lần này ông chẳng thu được kết quả như sự chờ đợi, và Viện Hàn Lâm Khoa học Hoàng gia không chịu công bố kết quả ''âm'' của ông.

Để thưởng công lao cho con người đã dành cả cuộc đời cho khoa học, Nữ hoàng Anh là Victoria đã cho phép ông được sử dụng một ngôi nhà ở Hampton Court và còn ban cho ông tước hầu tước[1]. Faraday xin nhận căn nhà với sự biết ơn và từ chối tước Hầu tước. Ông nói rằng, ông muốn được đơn giản là Faraday cho đến lúc ra đi. Ông mất ngày 25 tháng 8 - 1867, an táng ở Nghĩa trang Highgate, London. Ông đã để lại cho đời một sự nhận thức mới về thực tại vật lý.

ĐẶNG MỘNG LÂN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390116570962500/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận