EDWARD JENNER (1749 - 1823)
I. Thân thế:
Capital Edward Jenner sinh ngày 17 tháng 5 năm 1749 ở thành phố nhỏ Berkeley thuộc vùng Tây Nam nước Anh, trong một gia đình mục sư trung lưu ở nông thôn.
Jenner mồ côi cha từ lúc một 6 tuổi. Từ năm 13 đến 19 tuổi, Jenner theo học và làm việc cho một thầy thuốc ở địa phương. Năm 1768, Jenner đến London học tại Bệnh viện Saint Georges (Thánh Gioóc) và giúp việc cho một Bác sĩ khoa ngoại nổi tiếng là John Hunter. Năm 23 tuổi, Jenner rời thủ đô về quê để “Cứu nhân độ thế” chữa bệnh cho nông dân trong vùng. Jenne đã bày tỏ quan niệm sống của mình trong một câu ngắn gọn: "Danh vọng ư? Là gì nhỉ? Một thứ trang sức mạ vàng, có thể gây hại cho con người! Không phải Danh vọng hào nhoáng mà vinh quang chân chính đã đến với Jenner, khi sự nghiệp tiêm chủng của ông từ quê hương khiêm nhường đã tỏa tác dụng rộng ra khắp thế giới, lúc Jenner đã quá ngũ tuần. Năm 1800, Vua nước Anh đã đề nghị Jenner tổ chức tiêm chủng cho toàn binh chủng hải quân Anh. Hai năm sau, nhà Vua tặng riêng Jenner 300 bảng Anh, thêm vào sổ 10.000 bảng của Nghị Viện Anh trao tặng.
Năm 1802, Jenner được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế về chủng đậu. Mấy năm sau, Nữ hoàng Nga lại tặng ông một chiếc nhẫn qúy, với thông báo là đứa bé Nga đầu tiên được cứu sống thoát bệnh đậu mùa nhờ tiêm chủng, đã xin được đặt tên là “Vacxinốv”.
Hoàng đế Pháp Napoléon ra lệnh chủng đậu cho toàn thể binh lính Pháp. Tiếp đó Tổng thống Mỹ Washington cũng ra lệnh chủng đậu cho toàn thể binh lính Mỹ.
Năm 1814, Jenner (lúc đó đã 65 tuổi) được bầu làm “công dân danh dự của Thủ đô London''. Nhưng ông vẫn trung thành với nguyên tắc sống hữu ích và với quê hương Berkeley, với thói quen đáng yêu là dành riêng ngày thứ 6 hàng tuần để tự tay tiêm chủng cho những người dân quanh vùng đến chữa bệnh.
Jenner mất ngày 16 tháng Giêng 1823 do một tai biến mạch máu não, thọ 74 tuổi. Chính phủ Anh xin đưa hài cốt ông về chôn cất ở điện Oétmintơ, nơi yên nghỉ dành riêng cho những người con ưu tú nhất của Tổ quốc. Nhưng gia đình đã xin được làm theo lời dặn của ông là chôn trong nghĩa trang nhà thờ nhỏ ở chính quê hương Berkeley của Jenner.
II. Sự nghiệp
Bệnh đậu mùa thường lan rộng và lan nhanh thành dịch rất đáng sợ. Lịch sử đã ghi lại các dịch đậu mùa ở châu Phi năm 571; ở Ai Cập, các nước châu Phi khác và Pháp vào thế kỷ thứ VII, thứ X. Vào thế kỷ XVII và XVIII, riêng ở Châu Âu, đã có hàng vạn người chết. Khi dịch phát tại thành phố Roma, 6000 người đã chết trong vòng vài tháng. Người thoát chết thường bị rỗ, hoặc mù lòa suốt đời.
Từ năm 13 tuổi, lúc còn phụ việc cho một thầy thuốc ở quê, Jenner đã nghe kể người làm nghề vắt sữa bò, ít ai bị rỗ do đậu mùa. Năm 23 tuổi, khi từ giã London về quê làm nghề thầy thuốc, Jenner thường cưỡi ngựa đi thăm bệnh nhân và có một lần gặp một cụ già cũng lại kể: ''Tôi làm nghề vắt sữa bò, nên dễ mắc bệnh đậu của bò (Cowpox) nhưng chỉ còn lại vài vết sẹo mô trên tay và cũng chẳng bao giờ mắc bệnh đậu mùa (smallpox) nữa''. Bản thân Jenner cũng đã hàng nghìn lần quan sát và suy nghĩ, cuối cùng đi đến kết luận, ''Có thể chủ động gây bệnh đậu bò, để ngừa bệnh đậu mùa trên người”. Lúc con trai Jenner được 10 tháng tuổi, ông đã mạnh dạn và tin tưởng lấy mủ ở mụn trên vú bò bị bệnh đậu bò, chấm vào một chỗ bị sầy da của con. Bệnh đậu bò phát một tuần sau làm thằng bé lên cơn sốt và mọc mụn trên da nhưng rồi khỏi dễ dàng. Lúc cháu bé hai tuổi, ông lại chủng cho nó một lân nữa và lần này cũng chóng khỏi, không để lại hậu quả gì xấu.
Năm 1796, Jenner tiến thêm một bước, lấy mủ không phải của bò, mà của một phụ nữ mắc bệnh đậu bò, để chủng cho một cháu trai 8 tuổi. Bảy ngày sau, cháu bị sốt và nổi hạch, nhưng rồi lại lành, chỉ còn một vết sẹo mờ ở chỗ chủng.
Một năm sau, ngày 1 tháng 7 - 1797, Jenner đã lấy mủ của một người bị bệnh đậu mùa thật, chích cho em bé đã từng được chủng đậu bò nói trên: thằng bé không mắc bệnh đậu mùa của người nữa.
Ngày 1 tháng 7 - 1797, được ghi lại trong lịch sử sinh y học như ngày ra đời của những phương pháp tiêm chủng. Sau khi tiêm chủng thêm cho 23 đối tượng nữa cũng đạt được thành công, Jenner đặt tên cho cách chữa bệnh mới này là ''Vaccination'' (Chữ La tinh Vaccinae có nghĩa là bệnh đậu của bò; Vacca = bò cái). Jenner viết một báo cáo: Nghiên cứu nguyên nhân và hiệu quả của việc tiêm chủng đậu mùa, thông báo chính thức ở Hội Hoàng gia Anh song không khí chung là họ thờ ơ.
Jenner liền gửi báo cáo tặng một Bác sĩ nổi tiếng ở London là John Cline (Gôn Clainơ), kèm theo một bút sắt để dùng khi tiêm chủng. Cline đã cho in báo cáo thành sách và trực tiếp thử nghiệm lại ở thủ đô. Một cuộc tranh cãi lớn đã bùng nổ ra. Nhưng nhiều người không tin và phản đối Jenner đã làm liều, còn Jenner thì vẫn lặng lẽ và kiên nhẫn tiếp tục công việc của mình ở quê nhà Berkeley. Tính đến năm 1800, 6 nghìn người đã được tiêm chủng và ông được mời lên London để trực tiếp tiêm chủng cho trung đoàn 85. Từ đó, vinh quang đã đến với Jenner. Tên ông được ghi vào từ điển với lời chú thích:
''Thầy thuốc Anh, một người tiên phong trong tiêm chủng. Ông đã phát hiện là, nếu cố tình gây nhiễm trùng bệnh đậu bò (Cowpox) cho một người, có thể làm người đó tránh được một bệnh tương tự trầm trọng hơn nhiều, là bệnh đậu mùa của người (Smallpox).
BS. LÊ QUANG LONG