Tài liệu: Jean Baptiste De Lamarck (1744 - 1829)

Tài liệu
Jean Baptiste De Lamarck (1744 - 1829)

Nội dung

JEAN BAPTISTE DE LAMARCK

(1744 - 1829)

 

Lamarck sinh năm 1744 trong một gia đình quý tộc nghèo ở Pháp. Lamarck đã dâng cả đời mình cho nghiên cứu sinh học, chủ yếu là động vật. Năm 1801, khi đã 57 tuổi, lần đầu tiên ở phương Tây, Lamarck trình bày quan điểm của mình về hiện tượng tiến hóa của sinh giới. 8 năm sau, năm 1809 trong tác phẩm Triết học, Động vật học; Lamarck biện luận say mê về quá trình và động lực tiến hóa, kèm theo nhiều dẫn liệu để chứng minh rằng các tính trạng mà một thế hệ đạt được, có thể được di truyền cho thế hệ sau. Ông gợi ý rằng, các loài thay đổi theo thời gian và theo hướng ngày càng tiến hóa hơn, nhờ con cháu đã tiếp thu được từ cha mẹ, ông bà các tính trạng thích nghi tốt hơn với môi trường và lối sống, dẫn tới ưu thế hơn trong đấu tranh sinh tồn. Theo Lamarck, thiên nhiên vốn "hợp lý" và tuân theo tính "có mục đích". Chẳng hạn, các loài hươu cao cổ lúc đầu cố vươn cao cổ để ăn lá non trên cây và cứ vươn cổ như vậy suốt đời, nên về sau đã di truyền lại cho con cháu đặc điểm hình thái chức phận đó. Qua nhiều thế hệ, tính trạng “cao cổ” trở thành đặc trưng cho loài. Một số nhà tự nhiên học đương thời công nhận điều đó. Lamarck đã không phân biệt được giữa các “biến đổi” về kiểu hình, xảy ra do phản ứng của cơ thể thích nghi với môi trường và hoạt động sống  vốn không được di truyền; và các “biến dị” về kiểu gen, xảy ra ngẫu nhiên do có những tái tổ hợp mới của vật chất di truyền, vốn được di truyền. Biến dị gien mới là nguồn nguyên liệu chủ yếu của tiến hóa. Dù ta cắt đuôi chuột liên tiếp từ thế hệ chuột này sang thế hệ chuột khác, thì cuối cùng chuột sinh ra vẫn còn đuôi.

Lamarck đã cố gắng một cách bền bỉ và ngoan cường để trả lời các chỉ trích.

Trong 17 năm tiếp theo, ông đã hoàn thành thêm tác phẩm đồ sộ Lịch sử tự nhiên của các động vật không xương sống, gồm tới 7 tập.

Cuộc đời vì làm việc nhiều quá bằng mắt trong những điều kiện bất lợi nên ông bị mù lòa. Ông qua đời năm 1829 vào lúc 85 tuổi, trong cảnh túng quẫn và nỗi day dứt về sự bất lực của mình trong việc bảo vệ quan điểm khoa học.

Mộ chí của ông là một kiến trúc bằng đá, ghi cảnh Lamarck mù lòa và tiều tụy, đang hấp hối trong vòng tay người con gái hiếu thảo, vốn là thư ký và cộng tác viên của ông vào cuối đời khi ông đã mù lòa với dòng chữ "Cha ơi, hãy yên lòng nhắm mắt. Hậu thế sẽ trả thù cho cha". Lời an ủi cha lúc lâm chung của cô gái đã trở thành một lời tiên đoán: ngày nay, hầu hết giới khoa học trên thế giới đều thừa nhận rằng Lamarck đã có công lớn trong việc đi tiên phong chống quan điểm sai về sự bất biến của các loài và đã đặt nền móng cho Oanlaxơ và Darwin về sau xây dựng nên thuyết tiến hóa.

G.S. LÊ QUANG LONG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390099917525000/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận