WILLIAM HUNTER (1718 - 1783)
VÀ JOHN HUNTER (1728 - 1793)
Các nhân vật nổi tiếng thường được gọi một cách hình ảnh là những ngôi sao chiếu sáng trên bầu trời lịch sử xã hội loài người. Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra rằng, phần lớn các ngôi sao tồn tại thành từng chùm đôi một. Khái niệm này có thể sử dụng được trong lịch sử văn hóa và khoa học.
Chùm sao đôi mà chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn ở đây là hai anh em người Scotland: William Hunter và John Hunter, một trong những chùm sao sáng nhất của lịch sử y học thế giới.
Cho tới nay đã là 278 năm kể từ ngày sinh của William, 268 năm của John. Cả hai cùng thọ 65 tuổi. Trong lịch sử y học, hai anh em Hunter cũng là chùm sao đôi duy nhất và là người đã đem ánh sáng mới vào sự phát triển của ngành giải phẫu, khoa mổ xẻ và khoa sản trong thế kỷ XVIII.
Thời kỳ đó bắt đầu xuất hiện trào lưu tư tưởng tiến bộ: trào lưu khai sáng. Nội dung và mục đích của trào lưu này là vượt qua triết học duy tâm và tôn giáo bằng sức mạnh của nhận thức khoa học, xuất phát từ những nghiên cứu trực tiếp các hiện tượng thực của tự nhiên. Các nhà y học bắt đầu theo dõi hoạt động của từng cơ quan trong cơ thể và sử dụng các phương pháp mới quyết định sự phát triển của nhận thức: thử nghiệm và thực nghiệm. Trong y học xuất hiện nhiều chuyên ngành mới như sinh lý học, y học xã hội, giải phẫu bệnh lý... Y học đi sâu nghiên cứu tác hại, ảnh hưởng của môi trường đối với sức khỏe và những khả năng kéo dài tuổi thọ. Những kinh nghiệm mổ xẻ và đỡ đẻ cũng phát triển một cách đáng ngạc nhiên.
William Hunter sinh ngày 23 tháng 3 năm 1718. Ông bắt đầu học Thần học ở Glasgô. Ở đó, ông làm quen với một sinh viên trường y tên là William Culen. Sau này Culen trở thành nhà y học nổi tiếng, người đầu tiên chứng minh được vai trò của thần kinh trong việc điều khiển hoạt động cơ thể. Cũng chính Culen là người đã thuyết phục được William Hunter chuyển sang học ở Edinburg. Năm 1743, ông tốt nghiệp y khoa một cách xuất sắc. Ngay từ thời sinh viên, tài năng của ông đã thể hiện rõ nét, ông trở thành người phụ việc cho nhà giải phẫu và phẫu thuật Đuglat. Nhờ lao động cần cù sáng tạo và những đóng góp của mình, năm 1746 ông trở thành Giáo sư giải phẫu. Cùng lúc đó, ông cho ra đời cuốn sách nổi tiếng Về cấu tạo và các căn bệnh của khớp xương.
Thời gian này, khi quan tâm đến các vấn đề giải phẫu, William Hunter đã để ý đến hiện tượng nhiễm khuẩn mưng mủ ở các vết mổ. Ông thử triệt khuẩn miệng các vết mổ bằng thanh sắt nung nóng; thí nghiệm đạt kết quả tốt. Do đó, ông được coi là một trong những người đầu tiên trong lĩnh vực triệt khuẩn các vết thương và sau đó 120 năm, nhà giải phẫu người Anh là Giosep Listơ đã tìm ra phương pháp triệt khuẩn hiện đại hơn, bằng axit cacbonic.
Trong những năm 1748 - 1750, William Hunter bôn ba khắp hai nước Hà Lan và Pháp. Sau khi về nước, ông được phong học vị Tiến sỹ và trở thành thành viên của Hội đồng Khoa học Vương quốc Anh. Cũng trong thời gian này, ông hoàn thành và cho in tác phẩm Về độ lõm của động mạch chủ, trong đó ông đề ra một biện pháp táo bạo nhưng có hiệu quả khi tiến hành mổ các động mạch chính. Cũng vì thế, ông được coi là người khởi xướng ra việc giải phẫu mạch máu.
Sau khi đạt được một số kết quả trong lĩnh vực giải phẫu, William Hunter chuyển sang nghiên cứu về sản khoa và bắt đầu theo dõi các thay đổi nhỏ của người mẹ trong thời kỳ mang thai. Công việc này thể hiện tính kiên nhẫn và tập trung khoa học cao độ của William, bởi vì gần hai mươi năm ông đã làm việc cho công trình Giải phẫu mẹ mang thai, xuất bản năm 1774. Lúc bấy giờ William cũng đã đạt được nhiều kết quả trong đời sống xã hội. Ông là thành viên của hội các nhà mổ xẻ, hội khoa học Vương quốc, hội khoa học Royal Society, là Giáo sư giải phẫu kiêm chủ tịch Viện Khoa học Vương quốc.
Tuy vậy, lĩnh vực khoa học chính của William vẫn là giải phẫu học. Ông công bố nhiều kiến thức quan trọng về tuyến dịch, về thành phần tinh trùng người, về tuyến nước mắt và về chức năng hấp thụ của các mạch. Ông từng nói: ''Giải phẫu học là cơ sở duy nhất chắc chắn của y học. Đối với nhà y học, giải phẫu cũng có ý nghĩa như toán học và hình học đối với nhà thiên văn. Giải phẫu phát hiện và khẳng định sự thật, lật nhào các truyền thuyết và nỗi sợ hãi nguyên thủy, ngăn chặn những say mê vô ích của những nhà lý thuyết và những phái không chín chắn trong y học...". Qua đấy chúng ta cũng thấy rõ quan điểm tiến bộ của William.
William Hunter dùng phần lớn của cải của mình để thành lập ở London một nhà Bảo tàng lớn về giải phẫu và một trường học chuyên ngành. Ông qua đời ngày 30 tháng 3 năm 1783. Người học trò và bạn đồng nghiệp gần gũi thân cận nhất của William Hunter là em trai ông: John Hunter.
John Hunter sinh ngày 13 tháng 2 năm 1728. Tuổi thơ của John rất khó khăn và vất vả nên ông phải tự mình trau dồi kiến thức. Năm John 20 tuổi, được anh trai mời tới London. Lúc đó, John được làm phụ mổ trong việc nghiên cứu của anh trai ở Chensea. Trong công việc, John đã thể hiện năng khiếu xuất sắc về giải phẫu, tính chính xác và chiều sâu của sự quan sát. Sau khi tiếp thu được những cơ sở vững chắc về cơ thể con người, ông đi sâu vào học tập và nghiên cứu giải phẫu, đồng thời làm việc ở Bệnh viện Thánh Batolome. Năm 1775, thờ những hiểu biết phong phú của mình, John Hunter được giảng bài thay anh trai. Lúc đó ông là Bác sĩ giải phẫu của Bệnh viện Thánh Giurai. Trong những năm 1760 - 1763 ông phục vụ trong ngành hàng hải. Sau khi kết thúc các chuyến đi, ông đi sâu vào những tìm tòi khoa học và cùng với anh trai trở thành thành viên của Royal Society. Trong những năm tiếp theo, ông được cử làm thanh tra chính của bệnh viện và Bác sĩ mổ xẻ chính của quân đội. Ông thiết lập một viện Bảo tàng giải phẫu riêng, trong đó có hơn 14.000 tiêu bản do ông tự làm. Về sau ông trở thành Bác sĩ mổ xẻ chính của Bệnh viện Thánh Giurai và làm việc ở đó cho đến lúc mất. Ngày 16 tháng 10 năm 1793, ông qua đời do một cơn đau tim đột ngột.
John Hunter đã nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu nhờ công việc và nỗ lực của bản thân. Ông quan tâm về y học và khoa học tự nhiên còn rộng và uyên bác hơn cả anh trai. Đó là những vấn đề không những thuộc y học mà còn liên quan tới khoa học tự nhiên và cả khoa học thực nghiệm.
Sự đóng góp của John Hunter cho khoá học thực nghiệm quả có một không hai. John Hunter thực hiện thí nghiệm có ý nghĩa đầu tiên, ngay trên cơ thể mình. Đây là một thử nghiệm dũng cảm và đầy nguy hiểm để xác định xem những bệnh về đường sinh dục là giang mai và lậu có lây hay không. Tên gọi của các bệnh trên đã có từ thời Paraxenso, một trong những nhà sáng tạo ra các khuynh hướng mới trong y học. Năm 1767, John Hunter, tiêm mủ của người bệnh vào cơ quan sinh dục của mình: sau mấy ngày ở đó đã xuất hiện những vết đỏ, hai bẹn bị sưng tấy lên và sau mấy tháng mụn nhọt mọc đầy thân thể. Tất cả đều là triệu chứng của bệnh giang mai. Bằng sự hy sinh của mình, John Hunter đã khẳng định được khả năng lây truyền của bệnh giang mai.
Cũng trong thời gian này, John đã tiến hành các thử nghiệm thật độc đáo về khả năng kéo dài tuổi thọ con người bằng cách hạ nhiệt độ cơ thể. Tiếp thu những kiến thức quý báu trong khoa học tự nhiên về sự thay đổi thân nhiệt của súc vật, nhất là những loài ngủ đông; John Hunter nghĩ rằng, có thể làm lạnh cơ thể người một cách nhân tạo; và trong trạng thái nhiệt độ thấp, con người vẫn sống một thời gian dài, thậm chí tới hàng trăm năm. Sau khi được sưởi nóng, con người lại trở về cuộc sống bình thường. Ngày nay, trong những trường hợp mổ phức tạp, người ta sử dụng phương pháp hạ thân nhiệt. Nhiều người được trả lại cuộc sống cũng là nhờ công lao của John Hunter.
Vào lúc đã ngoài 40 tuổi, John mới viết sách khoa học. Tác phẩm đầu tiên của ông là Bản chất răng người, cuốn sách này trở thành cơ sở của một ngành y học mới: ngành nha khoa.
Trong những tài liệu của mình, John đưa ra những kiến thức mới về tinh trùng người, về sinh sản, về sắc tố và các cơ của mắt. Một trong những đóng góp lớn của ông là phát hiện nguyên nhân của các khuyết tật bẩm sinh và phương pháp chữa các khuyết tật đó. Ông cũng là người đầu tiên thành công trong việc chứng minh khả năng bảo vệ và tự vệ của máu ở những vết thương do bị đạn. Năm 1774, ông viết một cuốn sách về đề tài trên; năm 1776, ông cho xuất bản cuốn Về các bệnh đường sinh dục.
Cuốn sách Theo dõi mục đích của loài vật của John Hunter cũng gây được tiếng vang lớn. Trong cuốn này, ông phê phán kịch liệt chủ nghĩa và khuynh hướng duy tâm cho rằng, cuộc sống và con người chịu sự điều khiển của một sức mạnh phi vật chất siêu nhiên nào đó. John Hunter được xếp vào một trong những nhà khoa học tiến bộ nhất của thế kỷ XVIII. Các nhận định y học của ông rất chín chắn và thận trọng. Là một nhà giải phẫu nhưng ông luôn cho rằng mổ xẻ chỉ là biện pháp, là lối thoát cuối cùng của việc chữa bệnh, và nó chỉ được quyết định sau khi đã được cân nhắc và xét đoán kỹ càng. Về những nguyên tắc của John Hunter, chúng ta có thể thấy qua hồi ức của E.Gienơ, người học trò, người bạn của John và cũng là nhà khoa học nổi tiếng đã tìm ra phương pháp tiêm chủng. Khi Gienơ nghi ngờ về kết quả công việc của mình thì John Hunter đã viết thư cho Gienơ, trong đó có câu: ''Bạn hãy bớt nghĩ ngợi vô ích hay triết lý suông mà hãy tìm tòi và thử nghiệm nhiều hơn”.
Câu nói trên đây là lời dặn dò cho các thế hệ tiếp theo. Loài người sẽ mãi mãi không quên chùm sao đôi rực rỡ nhất trong lịch sử y học. Sự hy sinh quên mình cho khoa học, tính kiên nhẫn và thận trọng, lòng say mê và nhiệt tình với công việc, những tư tưởng tiến bộ của hai anh em Hunter mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ sau.
TS. Y học JAN JUN AS
(Trích trong Tạp chí Sức khỏe - Tiệp Khắc)