GOTTFRIED WILHELM TELBNIZT (1646 - 1716)
Leibnizt sinh ngày 1 tháng 7 năm 1646, tại Lepzich (Đức). Ông là con một Giáo sư trường Đại học Lepzich, nhưng mồ côi cha từ năm lên 6 tuổi. Mẹ ông, một người phụ nữ thông minh và tháo vát với ý chí quyết tâm nuôi dạy con mình trở thành Bác học. Ngay sau khi chồng chết, bà đã xin cho con học ở một trong những trường tốt nhất ở Lepzich.
Ngay từ nhỏ, ngoài giờ học ở trường, cậu bé Leibnizt miệt mài đọc sách trong thư viện của cha. Leibnizt tự học tiếng La tinh, đến năm 12 tuổi thì làm được thơ bằng tiếng La tinh và từ đó lại chuyển sang tự học tiếng Hy Lạp. Trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Leibnizt đã mơ ước xây dựng một “ngôn ngữ” chung cho mọi khoa học. Ước mơ táo bạo này đã đưa Leibnizt sống vượt thời đại của mình hai thế kỷ.
Năm 1666, Leibnizt đã viết luận án chuẩn bị thi Tiến sĩ luật nhưng người ta nêu ra lý do là ông còn trẻ quá để từ chối việc cấp học vị Tiến sĩ luật cho ông. Nhưng nguyên nhân thực sự của việc thi trượt lại chính vì ông biết luật nhiều hơn một số đông Giáo sư luật của trường Đại học Lepzich.
Trong những năm đầu của thời kỳ sinh viên, Leibnizt đọc rất nhiều sách về triết học và ông nhận ra rằng để hiểu được triết học thì không thể không biết toán học cho nên ông đã nghe giảng toán. Song, ông chỉ thật sự học toán từ năm 1672, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư toán học Huygens và cũng từ đó, thiên tài toán học của Leibnizt mới bắt đầu thật sự bộc lộ. Ngay trong những năm đầu sáng tạo toán học, ông đã làm ra máy tính thực hiện được cả 4 phép tính số học, và máy tích phân gần đúng. Công trình lớn nhất của ông là ''phép tính vi phân và tích phân''. Chính bằng các phương pháp của phép tính này, ông đã giải quyết hàng loạt vấn đề mà các nhà khoa học khác cùng thời với ông không làm nổi. Hồi ấy ở Châu Âu có cuộc tranh luận lớn, vượt ra ngoài phạm vi một nước về một phát minh toán học: Newton hay Leibnizt, ai là người đầu tiên phát minh ra phép tính vi phân và tích phân? Ngày nay, người ta đều thống nhất rằng: Newton và Leibnizt đều là tác giả của phát minh nổi tiếng nhưng độc lập với nhau. Newton sớm hơn Leibnizt, nhưng cách giải nhiều vấn đề của toán học cao cấp rõ ràng hơn, ký hiệu và ngôn ngữ sáng sủa hơn lại là công lao của Leibnizt.
Những người cùng thời với Leibnizt kể lại rằng: Leibnizt người tầm thước, gày và xấu trai. Ông thường đeo bộ tóc giả màu đen và vì vậy người ta thường nói ông có ''tướng'' Bác học. Một lần lúc còn ở Paris, khi Leibnizt hỏi mua tác phẩm triết học ở một hiệu sách thì người bán hàng ngắm ông từ đầu đến chân rồi hỏi: ''Ông mua để làm gì? Phải chăng ông đọc được sách này?”. Leibnizt chưa kịp trả lời thì, ngẫu nhiên, tác giả quyển sách ấy bước vào và lớn tiếng chào: "Kính chào Leibnizt vĩ đại”. Người bán sách vô cùng kinh ngạc. Anh ta không bao giờ nghĩ được rằng người đàn ông gày gò, xấu xí này lại chính là Leibnizt, một người được các nhà Bác học ở Paris hết sức khâm phục. Có thể nói, nhiệt tình tự học và lòng say mê phát minh là những nét đặc trưng lớn của Leibnizt.
Leibnizt không chỉ là một nhà toán học lớn. Ông còn là một nhà luật học, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học...
Leibnizt mất ngày 14 tháng 11 năm 1716 tại Hanôvrơ.