BLALSE PASCAL (1623 - 1662)
Blaise Pascal sinh ngày 19 - 6 - 1623 tại Clermont ở xứ Auvergne nước Pháp và mất ngày 19-8-1662 tại Paris. Bố của Pascal là Étienne Pascal cũng là một người yêu toán học. Mẹ mất sớm khi Pascal mới 3 tuổi. Khi Pascal lên 8 tuổi thì gia đình chuyển về Paris là trung tâm toán học thời bấy giờ của nước Pháp. Ở đây, cậu bé Pascal thường được chứng kiến những cuộc tranh luận của bạn bè Bác học của bố về nhiều vấn đề khoa học, thời cuộc khác nhau, trong đó có toán học. Điều đó đã sớm gây cho Pascal lòng ham mê và khát vọng nghiên cứu toán học. Nhưng Pascal lại rất yếu nên bố Pascal không dám dạy toán sớm cho con, sợ rằng những suy nghĩ căng thẳng sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của cậu. Ông giấu tất cả các sách vở và vật dụng gì có liên quan đến toán học. Pascal rất muốn học hình học, nhưng sách vở, tài liệu lại không có. Thế là Pascal phải tự mình tìm ra môn khoa học này. Suốt ngày Pascal vẽ những hình theo sự tưởng tượng riêng của mình và bằng trí thông minh của trẻ thơ, Pascal đã cố giải thích bằng được tính chất của các hình đó. Trong những hình mà Pascal đã nghĩ ra có hình tam giác, hình bình hành, hình tròn, hình chóp v.v. . . Pascal tự nghĩ cách gọi tên các hình, thí dụ gọi đường thẳng là “cây gậy”, hình tròn là ''bánh xe", vòng tròn là "cái vòng", hình bình hành là “hình vuông dài” v.v... Vì không có giấy nên các hình đã được vẽ ngay trên sàn nhà bằng than hoặc phấn. Một hôm bố của Pascal bước vào phòng khi Pascal vừa vẽ xong một hình do tự mình nghĩ ra và đang tìm cách chứng minh một số tính chất của nó. Bị bắt gặp bất ngờ, Pascal buộc phải kể tỷ mỹ cho bố nghe rằng không cần sách mà Pascal đã phát minh ra môn hình học ''cây gậy và bánh xe" bằng tất cả sự tưởng tượng của mình như thế nào? Bố của Pascal đã sung sướng tới phát khóc khi biết con mình có thể trở thành một nhà toán học lớn. Từ đó, ông trao sách vở, tài liệu cho con đọc và hướng dẫn con nghiên cứu. Khí đó, Pascal mới 12 tuổi. Chẳng bao lâu sau nhà toán học trẻ này đã tham gia nhóm nghiên cứu toán. Ông tìm được người thầy tin cậy của mình là Descarte (1593 - 1662), người đã sáng lập ra môn “hình học chiếu”. Pascal đã ứng dụng lý thuyết hình chiếu từ một tâm của Descarte vào việc nghiên cứu cái tiết diện hình nón, kết quả là vào năm 1640, ông đã công bố luận văn Về tiết diện hình nón, trong đó có định lý Pascal. Descarte đánh giá cao định lý này và gọi nó là “Định lý lớn Pascal”. Ông khẳng định, nó đã bao hàm được cả bốn cuốn sách đầu của Apolonius. Pascal đã rút ra được gần 400 hệ quả từ định lý của mình, một trong những hệ quả khá quan trọng là: Tiết diện hình nón được xác định duy nhất bởi 5 điểm bất kỳ của nó.
Năm 17 tuổi, để giảm nhẹ sự tính toán vất vả, phức tạp của ông bố trong công tác tài chính, Pascal đã nảy ra ý nghĩ làm máy tính; và sau 5 năm lao động căng thẳng, ông đã chế tạo được một chiếc máy tính làm được bốn phép tính số học rất tin cậy, tuy rằng không nhanh lắm.
Người ta cũng còn biết Pascal là một trong những người sáng lập ra môn thủy tĩnh học, là một trong những người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho lý thuyết xác suất, một ngành toán học hiện đại có rất nhiều ứng dụng thực tế.
Những cống hiến của pascal cho khoa học nói chung và cho toán học nói riêng chắc sẽ còn lớn hơn nữa, nếu không xảy ra một tai nạn xe ngựa bất ngờ vào lúc ông 31 tuổi. Ông được cứu sống nhưng sức khỏe giảm sút. Từ giữa năm 1659, do sức yếu và ảnh hưởng của nhà thờ, Pascal chấm dứt hẳn mọi nghiên cứu cả về vật lý lẫn toán học và ông từ giã cõi đời vào năm ông 39 tuổi.