JOHANNES KEPLER (1571 - 1630) NHÀ CHIÊM TINH GIA NỔI TIẾNG
Képler bất tử vì 3 định luật về chuyển động của các hành tinh, thường gọi là Định luật Képler.
1. Các hành tinh quay quanh Mặt trời, theo những quỹ đạo hình elip mà Mặt trời là một tiêu điểm.
2. Trong chuyển động này, bán kính véctơ (tức là đường nối Mặt trời - hành tinh) quét những diện tích bằng nhau trong những thời điểm bằng nhau.
3. Trong tất cả các quỹ đạo hành tinh trong hệ Mặt trời, tỷ lệ giữa bình phương chu kỳ và lập phương nửa trục lớn là một hằng số.
Ba định luật nổi tiếng này đã được Képler xây dựng nên vào khoảng 1610 - 1612 dựa trên những kết quả quan sát của nhiều nhà thiên văn, chủ yếu là của nhà thiên văn học Đan Mạch Tycho Brahé (1546 - 1601).
Khoảng 70 năm sau, vào năm 1682, nhà Bác học người Anh Isaac Newtơn (1664 - 1727) đề xướng định luật vạn vật hấp dẫn: ''Hai vật thể hút nhau theo một lực hướng tâm tỷ lệ thuận với khối lượng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách". Định luật vạn vận hấp dẫn đã cho phép giải thích và tính toán chuyển động của các hành tinh quanh Mặt trời, đồng thời cũng có thể nói là đã tóm tắt 3 định luật của Képler vào một định luật duy nhất.
Johann Képler sinh ngày 27 - 12 - 1571 ở Wurtemberg và mất ngày 15-11-1630 ở Bavière (Đức) tại trường Đại học Tubingue, ông đã được thầy giáo là nhà toán học thiên văn học Michael Mastlin giảng dạy lý thuyết nhật tâm (Mặt trời là trung tâm) của Nicolas Copernicus. Từ đấy, ông say mê môn thiên văn học và đã trao đổi những suy nghĩ và kết quả nghiên cứu của mình với các nhà thiên văn học nổi tiếng đương thời như Galileo Galilée và Tycho Brahé.
Năm 1599, ông bị trục xuất vì theo Đạo Tin Lành và Tycho Brahé đã mời ông sang Praha làm nhà ''toán học của triều đình'' của Hoàng đế Rudolphe II. Tại đây để lấy lòng Hoàng đế và triều thần, ông đã dùng đến Chiêm tinh học và nói rằng: ''Cũng như thiên nhiên tạo ra cho muôn loài mọi cách để tồn tại nhà thiên văn học phải sống nhờ vào Chiêm tinh học". Ông còn nói: "Chiêm tinh học là cô con gái điên rồ, nhưng nhà thiên văn học làm sao mà sống được nếu không có cô con gái điên ấy. Lương bổng của nhà thiên văn ít ỏi đến nỗi anh ta sẽ chết đói nếu không được nuôi bởi cô con gái điên".
![](/upload/s/20141023/bdb08779216d148adc1cfbe5530b2350image001.jpg)
Nhà thiên văn kiệt xuất người Đức Képler kế thừa thuyết “Nhật tâm” của Copernicus, nói rõ quy luật hành tinh vận động xung quanh Mặt trời. Trên cơ sở dữ liệu ông lấy được của một nhà thiên văn Đan Mạch, ông cho rằng quỹ đạo vận động của hành tinh theo hình bầu dục đánh đổ thuyết quỹ đạo hình tròn của Copernicus.
Năm 1610, Galilée với kính thiên văn dài 1m, đường kính 5cm, lần đầu tiên đã phát hiện 4 vệ tinh của Sao Mộc, các pha của Sao Kim, miệng núi lửa trên Mặt trăng và các vết đen trên Mặt trời. Galiléo cho xuất bản Tín hiệu từ các thiên thể và giữ một bản cho Képler. Lập tức Képler viết cuốn Luận về cuốn sách Tín hiệu từ các thiên thể, trong đó ông tỏ ý nghi ngờ về sự tồn tại của các vệ tinh quanh Sao Mộc.
Sau đấy Galiléo đã gửi cho Képler những kính thiên văn tốt hơn, ông đã tiến hành quan sát và thừa nhận những quan sát của Galiléo là chính xác. Lúc này Képler cảm nhận sâu sắc sức mạnh của kính thiên văn quang học và ông đã cho xuất bản tác phẩm Chứng minh những vật thể ta chưa hề thấy và có thể thấy bằng kính quang học. Đây là tác phẩm đã đặt nền móng cho một ngành khoa học mới: ngành quang học. Năm 1627, dựa trên các định luật mà ông đã đề ra, ông đã tính toán về lịch và lập các bảng mà ông đặt tên là ''Bảng Rudolphin” để tỏ lòng cảm ơn người đã đỡ đầu ông là Hoàng đế Rudolphe II.
Cùng với Galiléo, Tycho Brahé, Johannes Képler được xem là một trong những người sáng lập ra ngành thiên văn học hiện đại: ngành thiên văn học sau Copernicus. Mặt khác Képler đã bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng hấp dẫn và đã đưa ra ý kiến về sức hút của Mặt trăng là nguyên nhân của hiện tượng thủy triều. Và dù thế nào đi chăng nữa, nhắc đến Képler người ta còn nhớ như in: ông còn là một nhà Chiêm tinh gia nổi tiếng. Người đã có những dự đoán khá chính xác về một nạn đói, một cuộc nổi loạn của nông dân và một cuộc chiến tranh.
Ông đã giữ chức nhà Chiêm tinh học - cố vấn của tướng Wellenstein, một nhân vật trong cuộc chiến tranh ba mươi năm.